Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 36 °C / 27 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hội thảo khoa học về Thiền sư Pháp Loa

Cập nhật: 16:17 ngày 29/03/2017
(BGĐT) - Nhân dịp kỷ niệm 687 năm ngày Tổ sư Pháp Loa viên tịch (3-3 âm lịch 1330-2017), ngày 29-3 tại chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), Hội Di sản văn hóa Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bắc Giang tổ chức hội thảo khoa học: "Đệ nhị Tổ Thiền phái Trúc Lâm Pháp Loa với việc kế thừa và phát triển di sản Phật giáo Trúc Lâm".

{keywords}

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Dự hội thảo có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang, Phó Chủ tich Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia; đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ và lãnh đạo huyện Yên Dũng.

Hội thảo thu hút gần 30 tham luận của các giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, chức sắc Phật giáo T.Ư và địa phương. Phần lớn các tham luận tập trung đánh giá vai trò, những đóng góp to lớn của Thiền sư Pháp Loa đối với Thiền phái Trúc Lâm, đồng thời làm sáng tỏ hơn nữa các tư liệu, sự kiện liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của ông. 

Nhiều ý kiến đề xuất giải pháp tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê các thư tịch cổ, khai quật khảo cổ học, qua đó khôi phục, phát huy giá trị các di tích liên quan đến Thiền phái Trúc Lâm nói chung, Thiền sư Pháp Loa nói riêng. Lồng ghép các quy hoạch phát triển xã hội của địa phương với bảo tồn, phát huy giá trị các di tích liên quan. 

Tăng cường tuyên truyền, giới thiệu, xây dựng ấn phẩm, tài liệu giới thiệu về di tích, tác phẩm liên quan đến Thiền sư Pháp Loa gắn với phát triển du lịch. Tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh, sinh viên tìm hiểu về hệ thống di tích của Thiền phái Trúc Lâm.

Nhân dịp này, các đại biểu đã dâng hương tưởng niệm ngày Thiền sư Pháp Loa viên tịch.

Được biết, Thiền phái Trúc Lâm gắn liền với tên tuổi của Tổ đệ nhất (Trần Nhân Tông), Tổ đệ nhị (Pháp Loa) và Tổ đệ tam Huyền Quang, vì vậy lịch sử gọi là Trúc Lâm Tam Tổ. Thiền sư Pháp Loa tên thật là Đồng Kiên Cương (SN 1284), ông có công lớn trong việc phát triển Phật giáo Trúc Lâm như: Xây dựng tự viện, biên soạn, in kinh sách, mở giảng các lớp thuyết pháp, chú giải nhiều kinh điển, viết sách giáo khoa Phật học, đặc biệt là ấn hành "Đại Tạng Kinh". 

Sau khi Trần Nhân Tông nhập niết bàn, Pháp Loa trở thành người lãnh đạo phật tử trong cả nước. Đồng thời là người đầu tiên cho lập sổ tăng ni và tự viện, thống nhất Phật giáo Việt Nam, đưa Phật giáo đến gần quần chúng hơn. Đồng thời chọn chùa Vĩnh Nghiêm làm trụ sở của Phật giáo Trúc Lâm. Trên địa bàn các huyện Yên Dũng, Lục Ngạn, Lục Nam, Sơn Động (Bắc Giang) còn nhiều danh lam cổ tự do Tam Tổ xây dựng, trong đó phần lớn có dấu ấn của Thiền sư Pháp Loa như: Chùa Vĩnh Nghiêm, Sùng Nham (Yên Dũng), chùa Cao, Hồ Bấc, Sơn Tháp, Yên Mã, Đám Trì (Lục Nam), Am Vãi (Lục Ngạn)... Tuy nhiên, hiện nay nhiều công trình trong số đó không còn nguyên vẹn hoặc chỉ là phế tích.

Nguyễn Hưởng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...