Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 28 °C / 27 - 38 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ẩm thực Bắc Giang níu chân du khách

Cập nhật: 09:37 ngày 31/03/2017
(BGĐT) - Du khách đến với Bắc Giang ngoài chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên khoáng đạt, tìm hiểu lịch sử và các sản phẩm văn hoá nghệ thuật của các dân tộc thì việc thưởng thức ẩm thực là một phần quan trọng. Khi sản phẩm ẩm thực đáp ứng nhu cầu sẽ níu chân du khách.
{keywords}

Giới thiệu món ăn độc đáo của dân tộc Dao (Sơn Động) tại cuộc thi trình diễn ẩm thực dân gian cấp tỉnh.

Sản phẩm của văn hoá ẩm thực Bắc Giang có thể chia thành các nhóm. Trong đó, nhóm món ăn được chế biến trong lễ hội đình, chùa như: Món chay, món mặn… Các loại thức ăn này thường không sử dụng trong dịch vụ du lịch mà mang tính thiêng liêng, trang trọng dùng để cúng Phật, tế Thánh, sau đó đưa ra thụ lộc và mời khách thưởng thức. Nhóm các sản vật từ thiên nhiên chưa qua chế biến gồm: Măng đắng Yên Thế, Sơn Động, hạt dẻ vùng Mai Sưu (Lục Nam), vải thiều Lục Ngạn, cua Da (Yên Dũng)… 

Nhóm các món ăn đặc trưng của từng dân tộc sử dụng trong dịp lễ, Tết và đặc biệt được giới thiệu trong cuộc thi ẩm thực gồm: Lợn quay của các dân tộc, xôi trứng kiến của người Cao Lan - Sán Chí, bánh vắt vai của người Tày - Nùng, món khau nhục của người Hoa, bánh bìa, xôi nhiều màu… 

Tiếp theo là nhóm các món ẩm thực qua chế biến, được bán rộng rãi và đã tạo được thương hiệu như: Mỳ Chũ, bánh đa Kế, bún Đa Mai, rượu làng Vân, nem Thổ Hà, nem chua Lim, vải thiều khô Lục Ngạn, rượu Kiên Thành… Cuối cùng là nhóm món ăn phục vụ trực tiếp nhu cầu ẩm thực của khách tham quan tại các nhà hàng, khách sạn được chế biến theo công thức, bí quyết riêng. 

Trong các sản phẩm du lịch, ẩm thực rất quan trọng. Khi du khách thưởng thức và mua những sản phẩm ẩm thực về tặng người thân, bạn bè, đồng nghiệp… qua đó nhiều người phương xa cảm nhận về quê hương Bắc Giang và sẽ đến thăm khi có điều kiện. Trên địa bàn tỉnh, dịch vụ du lịch “Home stay”- dịch vụ ăn, ở cùng người dân bản địa mới manh nha hình thành ở vùng cao Sơn Động, là cơ hội tốt nhất để giá trị văn hoá ẩm thực được phát huy. Bởi khi khách du lịch đến và ăn nghỉ tại nhà dân, chủ nhà với lòng hiếu khách sẽ sẵn lòng chế biến những món ăn ngon nhất, mang đặc trưng địa phương, dân tộc, thậm chí của riêng gia đình ra giới thiệu và mời khách thưởng thức. 

Để phát huy giá trị văn hóa ẩm thực, trước hết cần ý thức của những người tạo nên sản phẩm đó. Sản phẩm ẩm thực chứa đựng cả tinh thần của một vùng miền, thậm chí chứa đựng nét tinh hoa văn hoá của nơi đã sản sinh ra nó. Vì vậy người sản xuất cần quan tâm vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, không vì lợi nhuận trước mắt mà ảnh hưởng xấu đến chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, quảng bá cần được chú trọng. Trên các phương tiện thông tin đại chúng nên có chuyên mục riêng để giới thiệu ẩm thực Bắc Giang. Đối với các sản phẩm ẩm thực để làm quà cần quan tâm mẫu mã, nhãn hiệu, bao bì. Mẫu mã và nhãn hiệu đẹp, quy cách đóng gói gọn nhẹ, dễ vận chuyển sẽ thu hút sự chú ý của khách tham quan. Các cuộc thi, giới thiệu ẩm thực trong các lễ hội cũng góp phần để các giá trị văn hóa của ẩm thực lan tỏa. 

Việc giới thiệu ẩm thực qua các tour du lịch cũng cần quan tâm. Cụ thể với tour du lịch tham quan di tích chùa Bổ Đà cùng hai làng nghề rượu làng Vân và làng gốm Thổ Hà nên nhấn mạnh sản phẩm ẩm thực ở nơi đó là rượu, bánh đa nem…Với tour du lịch tham quan khu di tích suối Mỡ, xã Nghĩa Phương (Lục Nam), nên giới thiệu đặc sản hạt dẻ Lục Nam, dứa - dưa - củ đậu Sàn… theo mùa. Với tour du lịch tham quan các di tích thời chống quân Minh thế kỷ XV bao gồm: Thành Xương Giang (TP Bắc Giang), đền thờ Phạm Văn Liêu, khu vực Phố Cát và thành Cần Trạm (Lạng Giang) kết hợp thăm cây dã hương nghìn tuổi ở Tiên Lục thì giới thiệu bún Đa Mai, bánh đa Kế… Với tour du lịch tham quan khu sinh thái hồ Cấm Sơn (Lục Ngạn) cần kết hợp giới thiệu về đặc sản vải thiều tươi - khô, mật ong, mỳ Chũ, nem Lim, rượu của đồng bào dân tộc Nùng xã Kiên Thành…

Để thu được kết quả cao, việc giới thiệu, quảng bá ẩm thực địa phương cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành, địa phương. Ở mỗi lễ hội, nhất là lễ hội có quy mô và tiếng vang lớn như: Hội Yên Thế, hội Thổ Hà, hội Từ Hả, hội chùa Vĩnh Nghiêm… Ban tổ chức nên tạo điều kiện để nhân dân mở các gian hàng giới thiệu, bán sản phẩm ẩm thực tiêu biểu của địa phương và của tỉnh…

Vi Thị Tỉnh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...