Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 28 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam 21 - 4: Đưa sách đến gần công chúng hơn

Cập nhật: 08:20 ngày 21/04/2017
(BGĐT) - Hôm nay (21 - 4), tại Bảo tàng tỉnh diễn ra Ngày Sách Việt Nam tỉnh Bắc Giang năm 2017. Đây là năm thứ tư liên tiếp Bắc Giang tổ chức hoạt động có quy mô lớn nhằm khẳng định, tôn vinh những giá trị của sách. Nhân dịp này, Báo Bắc Giang phỏng vấn ông Nguyễn Phúc Thương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về chủ đề Ngày Sách và thực trạng văn hóa đọc, chất lượng hoạt động thư viện cơ sở.
{keywords}

Độc giả tham quan gian trưng bày sách tại Thư viện tỉnh.

Xin ông cho biết những điểm nổi bật tại Ngày Sách Việt Nam tỉnh Bắc Giang năm nay?

Nhằm tôn vinh giá trị của sách, đồng thời xây dựng văn hóa đọc, phong trào đọc trong cộng đồng, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn ngày 21-4 hằng năm là "Ngày Sách Việt Nam". Ngày Sách Việt Nam tỉnh Bắc Giang góp phần tuyên truyền để người dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của sách đối với phát triển tri thức, tâm hồn mỗi  người. Cùng đó tôn vinh các tập thể, cá nhân tham gia sáng tác, nghiên cứu, xuất bản, phát hành, sưu tầm, lưu giữ, quảng bá sách. Điểm nổi bật của Ngày Sách Việt Nam tỉnh Bắc Giang năm nay là các địa phương trưng bày, giới thiệu sách nói chung, ấn phẩm, tư liệu về lịch sử, văn hóa Bắc Giang nói riêng. Thư viện tỉnh tổ chức nói chuyện chuyên đề, gặp mặt, tọa đàm về sách và văn hóa đọc. Ngày Sách được tổ chức quy mô lớn, không gian rộng, địa điểm thuận tiện nên kỳ vọng thu hút đông đảo bạn đọc. Ngoài ra các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách tham gia giới thiệu và tặng sách mới cho bạn đọc.

Ông đánh giá thế nào về nhu cầu, thói quen và xu hướng đọc sách của bạn đọc Bắc Giang hiện nay? 

Đọc sách đã trở thành nhu cầu tất yếu cho sự tồn tại, phát triển của xã hội nói chung và mỗi độc giả, trong đó có độc giả trong tỉnh. Tôi nhận thấy độc giả được chia làm ba nhóm đối tượng gồm: Đọc để lĩnh hội thông tin, đọc giải trí và đọc nghiên cứu. Trong đó hiện nhóm đọc nghiên cứu  thường lui tới thư viện tìm kiếm các sách quý nhưng trên mạng không có. Đối với nhóm đọc tìm kiếm thông tin và giải trí họ thường truy cập Internet mà ít đến thư viện. Trước sự phát triển của các loại hình công nghệ số, xu hướng đọc sách giấy cũng giảm và dịch chuyển dần sang bản điện tử, số người có thói quen, hứng thú đọc sách giấy ngày càng ít. 

Nhiều ý kiến cho rằng sự phát triển Internet, các loại hình giải trí là tác nhân chính khiến bạn đọc xa rời thư viện công cộng, ông có nhận xét gì về điều này?

Để thu hút độc giả đến thư viện, trước hết cần thay đổi cách thức, thời gian phục vụ, các thư viện nên mở cửa cả thứ Bảy, Chủ nhật và các buổi tối thay vì chỉ mở vào giờ hành chính. Sách không chỉ cần nội dung tốt mà còn có hình thức đẹp, hấp dẫn.

Đúng là văn hóa đọc sách không còn giữ vị trí độc tôn như trước đây nhưng nó sẽ không bị mất mà chuyển dịch theo một hướng khác. Tôi cho rằng sách giấy khiến người đọc nhập tâm, tập trung và hiệu quả thu nạp kiến thức tốt hơn, do đó những giá trị cốt lõi của đọc sách giấy vẫn cần được gìn giữ, phát huy. Vấn đề là các nhà sách, thư viện có khơi dậy được việc đọc, tạo hứng thú trong các tầng lớp nhân dân hay không. Việc đọc không chỉ đơn thuần là đọc nhiều, đọc theo phong trào mà còn phải có chọn lọc, để làm được điều này rất cần sự định hướng, tuyên truyền, giáo dục từ mỗi gia đình, nhà trường, thư viện và chính từ nhà xuất bản. 

Những năm qua, hệ thống thư viện, tủ sách công cộng trong tỉnh phát triển mạnh nhưng chất lượng còn hạn chế, theo ông đâu là nguyên nhân?

Quả thực hoạt động thư viện huyện, xã còn nhiều vấn đề đáng bàn. Nhiều thư viện tạm đóng cửa do không có cán bộ, không có trụ sở, thiếu sách hoặc không có độc giả. Ngoài Thư viện tỉnh, Bắc Giang có 10 thư viện huyện, TP, 65 thư viện xã, phường, thị trấn, hơn 220 thư viện làng, bản, khu phố và 249 tủ sách pháp luật nhưng rất ít nơi hoạt động hiệu quả. Như đã nói ở trên, xu hướng đọc có sự dịch chuyển từ sách in sang các trang mạng điện tử, cùng đó do ảnh hưởng của các loại hình giải trí nghe, nhìn trên các thiết bị số thông minh. Tuy nhiên về chủ quan cần thừa nhận cơ sở vật chất thư viện trên địa bàn còn nghèo nàn, số lượng sách chưa phong phú. Đội ngũ nhân viên chưa làm tốt công tác giới thiệu, quảng bá. Trụ sở thư viện và giờ mở cửa chưa hợp lý, hầu hết chỉ mở cửa trong giờ hành chính, phòng đọc bố trí chung với cơ quan hoặc hội trường nên độc giả ngại tới.

{keywords}

Học sinh Trường Tiểu học Việt Ngọc (Tân Yên) tuyên truyền giới thiệu sách tại Ngày hội đọc sách huyện Tân Yên.

Có ý kiến cho rằng nên xóa bỏ những thư viện không hiệu quả, quan điểm của ông thế nào?

Vấn đề quan trọng là phải tìm giải pháp đổi mới nội dung, hình thức phục vụ, khai thác nguồn tri thức trong thư viện. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có kế hoạch rà soát, đánh giá lại hoạt động thư viện huyện, xã từ đó nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng. Tuy vậy đối với những thư viện xã kém hiệu quả, khó có khả năng vực dậy, địa phương cũng nên mạnh dạn xóa bỏ để tránh lãng phí.

Để đưa sách đến công chúng, ngành văn hóa tỉnh có những biện pháp gì, thưa ông? 

Sở sẽ quan tâm hơn công tác tuyên truyền, phát triển phong trào đọc trong cộng đồng; chỉ đạo Thư viện tỉnh tiếp tục đẩy mạnh luân chuyển sách về cơ sở, rà soát lại cơ cấu sách hỗ trợ cho phù hợp với nhu cầu từng vùng, miền; giúp các thư viện huyện ứng dựng công nghệ thông tin nhằm phục vụ độc giả tra cứu, tìm kiếm, tiếp cận sách dễ dàng hơn. Ngoài ra, sẽ tập trung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ thư viện huyện, xã. 

Để thu hút độc giả đến thư viện, trước hết cần thay đổi cách thức, thời gian phục vụ, các thư viện nên mở cửa cả thứ Bảy, Chủ nhật và các buổi tối thay vì chỉ mở vào giờ hành chính. Sách không chỉ cần nội dung tốt mà còn có hình thức đẹp, hấp dẫn; phòng đọc ở vị trí thuận tiện, cung cách phục vụ của cán bộ thư viện cũng cần được thay đổi theo hướng gần gũi, thân thiện. Cùng đó, các dịch vụ thông tin thư viện phải đa dạng hóa như đọc tại chỗ, cho mượn về nhà, phục vụ theo hình thức tự chọn (kho mở)... Các địa phương, trường học tổ chức nhiều hoạt động bổ ích nhằm khơi dậy phong trào đọc sách như tổ chức thi tuyên truyền, giới thiệu sách, ngày hội đọc sách, tặng sách và thẻ thư viện…

Xin cảm ơn ông! 

 Nguyễn Hưởng (thực hiện)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...