Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 27 °C / 27 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nhân 100 năm ngày sinh họa sĩ, nhà giáo Tạ Thúc Bình: Người thầy tận tụy, họa sĩ của đồng quê

Cập nhật: 07:00 ngày 29/04/2017
(BGĐT) - Họa sĩ Tạ Thúc Bình sinh ngày 29 tháng Hai (nhuận) năm 1917 tại phủ Lạng Thương (nay là TP Bắc Giang). Năm 2017 là tròn 100 năm ngày sinh của ông. Quê gốc ở thôn Lộc Dư, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Tây (cũ), những năm cuối thế kỷ XIX, cha mẹ lên Bắc Giang lập nghiệp, sau đó sinh ra ông.
{keywords}

Họa sĩ Tạ Thúc Bình.

Bước vào nghệ thuật

Năm 1937,  Tạ Thúc Bình tốt nghiệp Thành chung. Đi làm được ba năm, năm 1940 ông quyết định thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và vào học khóa 15 cùng lớp với các họa sĩ: Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Huỳnh Văn Gấm… Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, từ Sơn Tây ông trở về Bắc Giang và hòa vào các hoạt động nơi quê hương. 

Ngày 19-12-1946, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các văn nghệ sĩ lên đường tham gia kháng chiến. Thời gian này, ông cùng vợ- bà Nguyễn Thị Quế và các con tản cư về ấp Sậu, Cầu Đen (Tân Yên). Không hẹn mà gặp, gia đình các nhà văn: Ngô Tất Tố, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Hồng, Kim Lân, gia đình Họa sĩ Trần Văn Cẩn, nhạc sĩ Đỗ Nhuận… cũng lên đây. 

Là người con của đất Kinh Bắc, những nét đẹp của tranh làng Hồ đã thấm sâu trong ông. Ông lặn lội về làng tranh nổi tiếng này mời bằng được nghệ nhân Nguyễn Đăng Sần tham gia kháng chiến. Cùng với họa sĩ Trần Văn Cẩn, nghệ nhân Nguyễn Đăng Sần, ông thành lập xưởng tranh tuyên truyền, vừa vẽ, khắc, in tranh. Hàng trăm bức tranh có nội dung diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm từ Bắc Giang chuyển về các tỉnh, sau đó được khắc, in lại để đưa về tận làng xã. Tại triển lãm hội họa năm 1951 do Hội Văn nghệ Việt Nam tổ chức tại Chiêm Hóa (Tuyên Quang) chào mừng kỷ niệm Ngày toàn quốc kháng chiến và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II thành công, trong hơn 300 tác phẩm của nhiều tác giả, Ban giám khảo đã thống nhất tặng giải Nhất (giải của Quốc hội) cho hai tác phẩm: Bộ tranh tứ bình “Đóng thuế nông nghiệp” và “Chống giặc dồn làng” của họa sĩ Tạ Thúc Bình. Có thể nói giải thưởng lớn này là sự công nhận của xã hội với nghệ thuật phục vụ kháng chiến của họa sĩ Tạ Thúc Bình.

Từ 1952 đến 1954, ông về công tác tại Hội Văn nghệ Trung ương, năng nổ vẽ tranh cổ động, trình bày in ấn sách báo, bản tin, tờ bướm, kể cả trang trí sân khấu... Những bộ tranh truyện thể hiện dưới dạng tranh tứ bình “Đánh giặc giữ làng”, “Chống giặc dồn dân”, “Bình dân học vụ”, “Tăng gia sản xuất”... được ông sáng tác trong giai đoạn này góp phần rất lớn vào việc khích lệ lòng yêu nước, động viên kịp thời quân, dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm trường kỳ. 

Người thầy tận tụy

Năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, ông là một trong những người đầu tiên cùng với các họa sĩ: Trần Văn Cẩn, Trần Đình Thọ, Phạm Gia Giang, Nguyễn Đức Nùng, Lương Xuân Nhị… tham gia thành lập lại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội). Ông là người thầy dạy vẽ giàu kinh nghiệm. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thầy giáo Tạ Thúc Bình thường xuyên đưa học sinh vào những vùng chiến sự ác liệt từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, Vĩnh Linh để ghi lại những khoảnh khắc chiến đấu của dân tộc. Theo chương trình qui định của nhà trường, mỗi năm một vài tháng, thầy Bình lại đưa học sinh đi thực tập ở nông thôn, các vùng miền núi xa xôi dạy các em vẽ tranh. 

{keywords}

Tác phẩm: Cuộc gặp gỡ lịch sử giữa hai nhà yên nước Phan Bội Châu và Hoàng Hoa Thám tại căn cứ nghĩa quân Yên Thế. Chất liệu: Lụa; sáng tác 1983

Họa sĩ Tạ Thúc Bình tham gia cộng tác với Nhà xuất bản Kim Đồng ngay từ những ngày đầu thành lập, tháng 6- 1957. Ông là một trong ba người thiết kế bìa mẫu cho loạt sách đầu tiên của nhà xuất bản cùng với Sỹ Ngọc, Mai Văn Hiến. Ông đã vẽ minh họa cho nhiều tác phẩm của các tác giả viết truyện lịch sử, truyện thiếu nhi cho nhà xuất bản như: Nguyễn Huy Tưởng, Hà Ân, Tô Hoài, Phạm Hổ… 

Gia đình họa sĩ

Vợ ông, bà Nguyễn Thị Quế là người theo ông trong suốt cuộc đời. Bà làm kế toán ở Trường Đại học Mỹ thuật cho đến khi về hưu năm 1980. Các thế hệ học sinh từ trung cấp đến cao đẳng trong giai đoạn ấy cho mãi đến sau này, hễ nhắc đến “thầy Bình” bao giờ cũng kèm theo “cô Quế” với lòng kính trọng, biết ơn. Sau họa sĩ Tạ Thúc Bình, các con, cháu của ông tiếp tục đi trên con đường ông đã đi trọn cuộc đời. Đại gia đình có tới 23 người là họa sĩ, như các nữ họa sĩ Tạ Diệu Tâm, Tạ Diệu Hương, Tạ Phương Thảo; các chàng rể Phạm Đỗ Đồng, Nguyễn Hoàng, Phạm Viết Hồng Lam… 

Họa sĩ Tạ Thúc Bình ra đi đã ngót 20 năm nhưng trong tâm tưởng nhiều thế hệ đồng nghiệp, học trò, công chúng nghệ thuật còn mãi hình ảnh một người thầy tận tụy, một họa sĩ của tuổi thơ và của đồng quê…

Tô Chiêm

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...