Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 33 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ngôi nhà cổ ghi dấu tuổi thơ Tiến sĩ Nguyễn Đình Tuân

Cập nhật: 07:00 ngày 28/05/2017
(BGĐT) - Làng  Trâu Lỗ, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang) còn lưu giữ một số ngôi nhà  hơn 150 tuổi. Trong đó có nhà ông Nguyễn Mạnh Tường (77 tuổi) là cháu đời thứ tư của Tiến sĩ Nguyễn Đình Tuân. Ngôi nhà cổ không chỉ đẹp bởi giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật mà còn bởi những di sản văn hoá vật thể quý giá, là nơi nuôi dưỡng cụ Nguyễn Đình Tuân từ thuở nhỏ đến khi học hành, đỗ đạt. 
{keywords}
Ngôi nhà cổ - nơi Tiến sĩ Nguyễn Đình Tuân sinh ra và lớn lên.

Ngôi nhà cổ của gia đình ông Nguyễn Mạnh Tường còn nguyên vẹn nét kiến trúc thời Nguyễn gồm 7 gian với 5 gian nhà ngoài, 2 gian buồng, xây bít đốc có hai mặt mái lợp ngói mũi, cổ kính. Bộ khung cột gỗ còn khá chắc chắn. Kết cấu kiến trúc với 4 hàng chân cột to khỏe được gắn kết bởi hệ thống hoành xà tạo vì mái. Ông Tường cho biết: “Ngôi nhà đã được gần 200 tuổi, cụ tôi là Nguyễn Đình Dụ (anh ruột cụ Nguyễn Đình Tuân) truyền lại cho ông tôi là Nguyễn Đình Đàm và cha tôi là Nguyễn Thế Phùng truyền lại cho tôi, đến nay 6 thế hệ đã ở đây”. 

Nhà được bố trí gian giữa thờ gia tiên, trên khám thờ đặt khung ảnh gỗ chạm khắc hình hoa lá văn kỷ hà, trong đặt di ảnh ba anh em cụ Nguyễn Đình Tuân, gian bên cạnh thờ Phật và để tiếp khách. Bức thuận đầu hồi bên phải treo ảnh chân dung Tiến sĩ Nguyễn Đình Tuân trong trang phục triều đình nhà Nguyễn khi cụ làm quan. Các tài liệu, hiện vật, di vật lưu giữ trong nhà còn khá phong phú như nhang án, bộ binh khí bát bửu, đài thờ, bát hương thờ gia tiên, đôi voi chầu bằng đá đặt trên khám thờ, hoành phi, đôi câu đối khắc chữ Hán trên vỏ dừa, hai bài thơ chữ Hán vịnh cảnh, niên hiệu Khải Định thứ 3 (1918) có giá trị lịch sử văn hóa. 

Ngôi nhà cổ là nơi cụ Nguyễn Đình Tuân sinh ra và lớn lên. Đồ thờ, di vật trong nhà như đôi voi đá, bộ binh khí bát bửu, bài thơ vịnh cảnh… đều do cụ sắm. Cụ Nguyễn Đình Tuân sinh năm 1867, từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh hơn người. Năm 1897, cụ đi thi Hương đỗ cử nhân. Năm 35 tuổi đỗ đầu Tiến sĩ khoa Tân Sửu 1901, trúng Đình nguyên (nhà Nguyễn không lấy Trạng nguyên). Tuy đỗ đạt vinh hiển nhưng trước sau cụ vẫn giữ tấm lòng khiêm tốn, cư xử nhân hậu với tất cả mọi người. Sau khi đỗ Đình nguyên, cụ được bổ làm Tri huyện Việt Yên, tiếp đó nhậm chức Giáo thụ tỉnh Yên Bái rồi được đổi đi làm Đốc học tỉnh Ninh Bình, Đốc học trường Quy Thức, Hà Nội… Cụ Nguyễn Đình Tuân nổi tiếng là người hay chữ, có nhiều học trò đỗ đạt, đồng thời cũng nổi tiếng là người đức độ, nhân cách thanh cao của một nhà nho chân chính.

{keywords}

Di ảnh ba anh em Tiến sĩ Nguyễn Đình Tuân.

Thời gian sau này, cụ cáo quan về bốc thuốc và dạy học nhưng lại nhận được “Chỉ” đi làm Án sát tỉnh Bắc Ninh sau đổi làm Án sát tỉnh Thái Nguyên rồi kiêm chức Tuần phủ Thái Nguyên cho đến khi về hưu hẳn. Trong thời gian ở Thái Nguyên, cụ là người khai lập xã Tân Cương, có công mang giống cây chè về trồng trên vùng đất này và cắm hướng dựng đình cho dân xã nên sinh thời, cụ được nhân dân địa phương tôn thờ lập làm Thành hoàng sống. 

Về Trâu Lỗ thăm nhà cổ, tìm hiểu thân thế, sự nghiệp, công trạng của Tiến sĩ Nguyễn Đình Tuân, chiêm ngưỡng những kỷ vật gắn liền với nhà cổ giúp chúng ta hiểu biết hơn về vùng đất, con người Bắc Giang xưa và nay.

Đồng Ngọc Dưỡng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...