Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Khi đêm về, ta lại đối diện với chính ta

Cập nhật: 07:00 ngày 17/06/2017
(BGĐT) - Hằng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21-6), tôi thường dành những “khoảng lặng” để chiêm nghiệm về nghề. Và điều chợt đến đầu tiên là: Nghề văn, nghề báo là thứ nghề “vô sư, vô sách”, nghĩa là chả sách nào, thầy nào dạy hết được. Nhà phóng sự đại tài Tam Lang nói như thế từ những năm 30 của thế kỷ trước. 
{keywords}

Hội viên Hội Nhà báo Bắc Giang tác nghiệp tại tỉnh Lai Châu.Ảnh: Việt Hưng.

Vẫn biết nhà trường cho ta hành trang và những kiến thức nền tảng, gợi mở cho ta hướng đi, chỉ cho ta con đường. Với tôi, người thầy dạy viết báo là ông chính trị viên tiểu đoàn ở một đơn vị bộ đội công binh, thời chống Mỹ. Ông bảo, mày nom dáng thư sinh, ngực lép như mo cau, lại đã học hết mười (lớp 12 bây giờ) thì có thể viết báo được đấy. Tao đọc báo thấy nhiều bài nhạt hoét. Ở tiểu đoàn này chán vạn chuyện hay. Mày đọc mà thấy người khác viết dở ẹc là mày viết được… Thế đấy, bài khai tâm của thầy tôi đơn giản vậy thôi. Khi nào thấy người khác dở là mình viết được. Sau này đi học đại học ngành viết lách thì có ông đại nhà báo bảo tôi, người bình thường nhìn hồ nước chỉ thấy nước trong, còn nhà báo thì thấy những giọt sao ở đáy. 

Sau này làm báo chuyên nghiệp, cũng có lúc làm đến chức này chức nọ, được quyền ký bút đỏ bên lề bản thảo càng thấy cái đẹp, cái khó của nghề. Tôi thấy báo chí chẳng ra lệnh được cho ai, không thể gọi là “quyền lực thứ tư” nhưng đúng là nắm quyền to về dư luận thật. Ông vua báo chí có thể “hô phong hoán vũ” được, làm nên những trận bão, như gần đây ta hay nói “bão mạng”.

Đối với người làm báo, kinh nghiệm sống là hành trang quan trọng nhất. Phải sống lâu, chứ không phải sống nhiều. Phải thêm sự sống vào cho các năm, chứ không phải thêm các năm vào cho sự sống. Người đi trước thường khuyên: Sống rồi hãy viết. Chỉ có sống, sống thật với cuộc đời này mới có tổng kết, mới có chi tiết, chi tiết mới nặng đồng cân được. Có những nhà báo trẻ nhưng vốn sống của họ khiến ta kinh ngạc, bút pháp của họ rất chững chạc. Họ có thể trở thành “vua không ngai”. 

Tuy nhiên, cũng đừng tụng ca quá mức cái việc anh đang làm. Người ta có thể nhịn ăn cả tuần, không chết nhưng nhịn thở ba phút là chết. “Nhịn” viết lách bao nhiêu ngày không ai chết cả. Nhà văn Mạc Ngôn của Trung Quốc, chủ nhân giải Nô-ben văn học 2012, nói rằng, kinh nghiệm nuôi dưỡng tâm hồn của ông là hằng năm nên dành một hai chuyến vào sống hẳn trong rừng, càng sâu càng tốt. Ở đó không sách báo, không điện thoại, không internet. Nên “chay tinh thần” như thế để thanh lọc tâm hồn. Nói thế thôi, qua cuộc sống của các nhà văn lớn, tôi thấy với họ, viết cần như không khí, như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Viết là một cách tư duy lớn để mọi người nghe được. Viết là để tham gia vào đời sống với trách nhiệm của một con người xã hội, một “cây sậy biết suy nghĩ” như Pascal - nhà toán, nhà văn, nhà triết học Pháp đã nói. Một ngày không viết là một ngày ngòi bút han rỉ. Không có thứ kim loại nào nhanh rỉ hơn ngòi bút. 

Nghề báo, nếu chỉ nói thật ngắn về đặc trưng nghề nghiệp, thì đó là “mới” và “trung thực”. Làm báo phải cân nhắc rất nhiều chuyện pháp luật cấm và không cấm, nên và không nên. Có những sự thật nhưng chưa hẳn là bản chất, không nên đưa lên báo làm gì.

Một vấn đề khác, trung thực ở đây còn là tấm lòng người viết; là đạo đức nghề nghiệp. Khen hay chê một vấn đề, một con người, đòi hỏi tấm lòng rộng mở, phải cân nhắc ghê lắm. Báo chí cách mạng không “đánh” ai cả. Có viết bài chống tham nhũng, tiêu cực cũng là để “xây”, để tìm ra bài học, người khác không lặp lại, không mắc phải. Nhưng một tờ báo mà chỉ khen thôi thì bạn đọc chắc gì đã yêu mến anh. Người ta kính anh, mà chẳng trọng anh. Nếu anh khen đúng thì anh là bạn, chê đúng thì anh là thầy.

Làm báo, suy cho cùng là để phụng sự xã hội, nhân dân; cắt nghĩa sự đi lên của cuộc sống. Cách mạng có lúc tiến, lúc thoái, có lúc vui, khi buồn. Nhưng làm cách mạng thì phải thắng. Không ai ra trận muốn nhận phần thua. Làm báo là để chứng kiến bước đi của cách mạng và can thiệp, góp sức vào bánh xe lịch sử bằng vũ khí của mình. Cuộc cách mạng hôm nay của đất nước ta, nhân dân ta là công cuộc đổi mới.

Chữ nghĩa của anh làm báo lấp lánh đằng sau là chuyện đời; là tài năng, tri thức, kiến văn… “Múa võ giữa chợ” có phần nào giống với người bán hàng, như “bánh đúc bày sàng”, như người bán rau vậy. Các bác sĩ khuyến cáo, người tiêu dùng hãy là nhà thông thái. Người tiêu dùng thông tin bây giờ cũng thông thái lắm. Họ là bạn đọc và là bạn, là thầy ta. Một từ dùng sai, một thông số nhầm lẫn, ngay tức khắc mạng xã hội có thể tung lên chi chít những bình luận. Vì vậy, nghề báo càng ngày càng khó, cơ hội cũng lắm, thách thức cũng nhiều.

{keywords}

Các phóng viên tác nghiệp tại Ngày hội  Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Lục Ngạn.

“Văn chương tăng mệnh đạt”. Văn chương, báo chí không có chỗ cho những người quá may mắn, thành đạt. Nhà thơ Lê Đạt viết: “Tôi đứng về phe nước mắt”. Đương nhiên, đời cần lắm hoa hồng. Và đời cũng cần những góc khuất của riêng anh, khi đêm về ta lại đối diện với chính ta, sau một ngày đầy hoa và rượu, cảm giác viên mãn lâng lâng. Lúc ấy ta bỗng nghe tiếng chim khắc khoải gọi bạn, nhắc ta về ngày giỗ của bạn ta, một người lính hy sinh trong chiến tranh chẳng hạn! Lúc ấy ta nhìn ta rõ nhất. Nhà báo, người sáng tạo những tác phẩm báo chí, theo tôi cần lắm niềm lạc quan. Lạc quan khác với niềm vui bồng bột, nhất thời, niềm vui mong manh. Lạc quan là tin vào tương lai, vào chân lý, lẽ phải. Trong niềm vui biết nghĩ đến khó khăn trước mắt. Trong khó khăn không nản chí, gục ngã; không vào hùa với những kẻ cơ hội. Vui và buồn là tình cảm tự nhiên, điều quan trọng là ta biết làm chủ niềm vui, nỗi buồn ấy, để mỗi chữ, mỗi dòng ta viết ra là đã được “đốt cháy trái tim đến thành trí tuệ” (Maxim Gorky).

Làm báo suy cho cùng là để phụng sự xã hội, nhân dân; cắt nghĩa sự đi lên của cuộc sống. Cách mạng có lúc tiến, có lúc thoái, có lúc vui, có lúc buồn. Nhưng làm cách mạng thì phải thắng. Không ai ra trận muốn nhận phần thua. Làm báo là để chứng kiến bước đi của cách mạng và can thiệp, góp sức vào bánh xe lịch sử bằng vũ khí của mình. Cuộc cách mạng hôm nay của đất nước ta, nhân dân ta là công cuộc đổi mới. Mỗi bài báo phải góp sức vào đổi mới, dù khen, dù chê. Một ngòi bút ác là ngòi bút vì dụng ý cá nhân mà nói sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm nhân phẩm, danh dự con người. 

Không ai tài đủ mọi phương. Viết sai thì sửa nhưng lòng phải trong. Bác Hồ viết bài báo cho Báo Nhân Dân có lần sai về một con số, hôm sau Người xin lỗi trong một bài báo khác. Như thế là trọng cái nghề cao quý của mình. Dịp cuối năm 2015, nhà báo Hữu Thọ đi xa, tôi có viết bài thơ tưởng nhớ Ông đăng trên Báo Nhân Dân. Bài thơ có câu: “Bút sắc ư còn cần có lòng trong/ Sắc đến lạnh lùng, chữ ấy đâu còn nghĩa”. Sắc, nhưng xin chớ lạnh lùng, vô cảm. Trong, là cái trong phải gìn giữ cả đời người. Mình không bán thì ai mua được.

Gần 40 năm làm nghề, tôi tự thấy mình không có mấy kinh nghiệm về nghề báo. Nghề nào cũng khó nếu muốn làm cho “chín”. Ca dao xưa: “Thân em như con hạc đầu đình/ Muốn bay không cất nổi mình mà bay”. Nhà văn, nhà báo ở ta bây giờ cũng có tâm trạng ấy. Muốn bay lắm nhưng mà không dễ chút nào.  

Muốn bay thì phải có tài, có đức. Đạo đức nghề nghiệp như cái gốc cây. Gốc vững thì gió to cũng chỉ gãy cành, trụi lá. Cất cái tôi đi, hướng đến cái chúng ta. Nhà báo có thể làm giàu bằng tài năng, đừng làm giàu bằng thủ đoạn, đừng dọa dẫm, “đánh” chỗ này chỗ nọ để người ta phải “chạy” mình. Và muốn thành công thì nói như nhà bác học Lê Quý Đôn: “Trong bụng không có ba vạn cuốn sách” thì không thể viết được.

Hải Đường

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...