Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Trao đổi: Mấy lời về tính xác thực của một bản tộc phả

Cập nhật: 07:00 ngày 13/08/2017
(BGĐT) - Trên Báo Bắc Giang điện tử ra ngày 15-7-2017 đăng bài “Người được thờ ở đền Hả” của Nguyễn Xuân Cần giới thiệu làm cơ sở để xác minh một vấn đề lịch sử, đó là bản tộc phả họ Thân ở Nội Hoàng, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) viết bằng chữ Hán cách đây hơn 400 năm. 

{keywords}
Đền Hả.
{keywords}
   Người được thờ ở đền Hả

Nếu đúng như vậy thì đó là một thư tịch Hán văn cổ cần được thẩm định, nghiên cứu nghiêm túc để sử dụng. Nhưng qua ba lần mà Nguyễn Xuân Cần giới thiệu, trải dài 12 năm cho thấy có những tình tiết, sự kiện bị thêm bớt, sửa chữa khiến người đọc không biết đâu là văn bản gốc của tộc phả. Cho dù đã điều chỉnh, gò theo lịch sử vẫn lộ rõ sự vô lý, khác thường đến khó tin là sự thật. Xin đơn cử một vài ví dụ:

1. Lần thứ nhất (năm 2005 in trong Sách "Văn nghệ miền núi Bắc Giang" tập 1 của Hội VHNT Bắc Giang) nói Thân Cảnh Phúc do Giáp Thị Tuấn sinh ra (trong Thần tích đền Hả thì Giáp Thị Tuấn là vợ Vũ Thành) vào tháng Một năm Canh Ngọ (1030) và mất ngày 12 tháng 12 năm Mậu Tý (1108), thọ 79 tuổi (âm). Người đọc thắc mắc tộc phả không nói gì đến chiến công đánh Tống năm 1077 của Thân Cảnh Phúc. Thế là lần thứ hai viết bổ sung chiến công năm đó của ông nhưng “điều chỉnh” ông sinh ngày 5 tháng 5 Canh Ngọ (1030), mất ngày 10 tháng 2 năm Đinh Tỵ (1077) hưởng thọ 48 tuổi (âm) tức là vừa bổ sung chiến công vừa sửa chữa ngày - tháng sinh, ngày - năm mất, nhất là cắt giảm đi 31 tuổi thọ, từ 79 xuống còn 48 của Thân Cảnh Phúc!? Tộc phả mà viết tùy tiện thế được sao? Trước sau bất nhất thì làm sao tin cậy được!? Lần thứ ba để nguyên vậy.

2. Lần thứ nhất nói Thiên Thành (vợ Thân Cảnh Phúc) là con của vua Lý Thánh Tông và Hoàng hậu Thượng Dương được vua Lý Nhân Tông phong tước Quốc mẫu năm 1118. Người đọc thắc mắc chính Lý Nhân Tông bắt tội, bỏ ngục Thượng Dương đến chết thì không lý gì lại phong cho con gái bà ta làm Quốc mẫu. Thế là lần thứ hai, thứ ba không viết như thế nữa mà chỉ viết gọn rằng: Năm Mậu Tuất (1118), vua Lý Thánh Tông phong Quốc mẫu thái đường thái trưởng Thiên Thành Công chúa. Tại sao có chuyện ngược đời bố lại phong cho con gái mình làm Quốc mẫu? Thậm chí Lý Thánh Tông đã chết từ năm 1072 mà đến 46 năm sau sống lại được để phong cho con gái ư? Vả lại thời phong kiến từ "Quốc mẫu" dùng để gọi, chỉ mẹ vua ( như hoàng tử để gọi, chỉ con trai vua, công chúa để gọi, chỉ con gái vua một cách bình thường), việc gì phải phong? Nói thêm, trong Thần tích đền Hả ở mục Cung thỉnh chỉ viết “Thánh mẫu Thiên Thành thái đường thái trưởng Lý Thị Cảnh Công chúa”, không có từ Quốc mẫu. Thần tích gọi Thánh mẫu vì Thiên Thành là mẹ đẻ Vũ Thành (người được thờ ở đền Hả). Thiên Thành không phải là vợ vua, không có con nào làm vua thì không thể tôn xưng làm Quốc mẫu thiên hạ! Hơn nữa, sử sách, thần tích cho đến cả tộc phả không nói gì đến chiến công của bà.

3. Lần thứ nhất chỉ viết: Năm Kỷ Sửu (1049), cha con Thân Cảnh Phúc đột nhập doanh trại Nùng Trí Cao, chém được đầu Nùng Trí Cao đem nộp cho quân Tống rồi mới báo tin về Kinh đô cho vua nhà Lý biết. Cũng năm đó, vua Lý Thái Tông phong Thân Thiệu Thái là Thân tướng quốc vương Thái phó tả bộc xạ (phải chăng là để thưởng công giết được Nùng Trí Cao? Nhưng thực chất tộc phả phản ánh thì cha con Thân Thiệu Thái lập công với nhà Tống rồi?!). Đến lần thứ hai, thứ ba, tộc phả lại bổ sung rõ hơn là vào ngày 29 tháng 10 năm đó và “tội ác” của Nùng Trí Cao rất lớn, đã tàn phá giết hại gia đình Thân Thiệu Thái, đáng kể nhất có mẹ Thân Thiệu Thái (tức công chúa con vua Lý Thái Tổ, chị em với vua Lý Thái Tông đương thời) và mẹ Thân Cảnh Phúc (tức vợ Thân Thiệu Thái, công chúa con vua Lý Thái Tông đương trị vì). 

Mắc tội ác tày trời như vậy mà vua Lý Thái Tông để yên cho Nùng Trí Cao, không đem quân trừng phạt hay là vì Nùng Trí Cao bị cha con Thân Thiệu Thái giết rồi nên thôi? Để trả lời câu hỏi đã có Kỷ yếu Hội thảo khoa học về Nùng Trí Cao của Tỉnh ủy Cao Bằng và Viện Sử học Việt Nam, do GS Phan Huy Lê chủ trì, xuất bản năm 1995. Chúng ta thấy vào năm 1049, trước hết Nùng Tồn Phúc đã chết từ năm 1039 thì không thể sống lại để sai Nùng Trí Cao gây tội ác như tộc phả phản ánh và thời điểm đó lại là thời điểm nổ ra cuộc khởi nghĩa của Nùng Trí Cao chống Tống rất oanh liệt. 

Theo Kỷ yếu, Nùng Trí Cao sinh năm 1025, mất năm 1053, trong thời gian 1025-1053 đó tương ứng với thời gian làm vua từ năm 1028 đến 1054 của Lý Thái Tông. Tóm tắt: Nùng Trí Cao từng được Lý Thái Tông nuôi ăn học ở Thăng Long; năm 1043 được phong chức Thái Bảo, ban ấn, cho quản đất Cao Bằng mở rộng hơn; năm 1044 về Thăng Long chầu vua; năm 1048-1049 lấn sang đất Tống, vua Lý sai quân tướng lên cảnh báo gìn giữ đất Việt; năm 1050-1053 tiến sang đánh Ung Châu rồi Quảng Châu làm rung chuyển nước Tống. Cuối cùng, Nùng Trí Cao bị quân Tống đánh bại, cầu viện nhà Lý, vua Lý Thái Tông sai tướng Vũ Nhị đem quân cứu nhưng không kịp. Nùng Trí Cao phải chạy sang đất Đại Lý (nay thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) và bị hại ở đó. Nùng Trí Cao là anh hùng chống Tống của nhân dân các dân tộc thiểu số sống hai bên biên giới Việt - Trung thế kỷ XI.

Vậy sự kiện năm 1049 xảy ra như tộc phả nêu không thể có được theo chính sử hai nước Việt, Trung. Và nhân đó điều chỉnh lại tuổi thọ của các bà công chúa nhà Lý là không có cơ sở. Chức võ tướng của Thân Thiệu Thái nói vua Lý phong nhưng lại là chức võ tướng của thời Trần. Trong thần tích đền Hả thì ngày 29-10 năm Canh Thân là ngày mất của Vũ Thành, chỉ trùng ngày tháng mà không trùng năm Kỷ Sửu cho nên không thể nói ngày giỗ trận (?) trùng ngày mất của Vũ Thành một cách đơn giản.

4. Giới thiệu tộc phả lần thứ nhất không thấy nói gì nhưng đến lần thứ hai, thứ ba thì nhấn mạnh từ vị đứng đầu là Thân Thừa Quý trở xuống đến nay “đều có tên tự mang họ Vũ”. Vậy tại sao là họ Vũ mà không phải là họ khác, họ Giáp chẳng hạn?! Nguyễn Xuân Cần còn nói “Tên tự có người đặt khi còn sống nhưng nhiều người khi chết mới đặt”. Nếu am hiểu cách đặt tên hiệu, tên tự, tên thụy… thời phong kiến của các nhà danh gia vọng tộc, tầng lớp trí thức thì mới thấy cách đặt tên tự và cách hiểu tên tự trong bản tộc phả này là khác thường, có mục đích…

Nguyễn Đình Bưu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...