Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 35 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Làm gì để bạn đọc đến thư viện?

Cập nhật: 09:28 ngày 19/09/2017
(BGĐT) - Toàn tỉnh Bắc Giang có 65 thư viện cấp xã, 10 thư viện cấp huyện nhưng theo đánh giá của ngành văn hóa tỉnh, phần lớn trong số đó hoạt động kém hiệu quả. Làm gì để phát huy tác dụng của hệ thống thư viện, góp phần xây dựng và duy trì văn hóa đọc đang là vấn đề đặt ra đối với ngành văn hóa và các địa phương.
{keywords}

Mô hình thư viện thân thiện tại xã Cao Xá (Tân Yên).

Sách báo nghèo nàn

Hệ thống thư viện từng có thời kỳ phát triển rộng khắp nhưng không ít nơi thành lập xong rồi “bỏ rơi”, ít được chăm chút đầu tư nên khó thu hút bạn đọc. Đối với thư viện cấp xã, mỗi năm ngân sách tỉnh hỗ trợ 10 triệu đồng cho 10 thư viện (trong tổng số 65 thư viện), ngoài ra không có nguồn kinh phí khác, sách báo cũ đều chờ chuyển đến từ tuyến trên.

Tại Lục Ngạn, hơn 10 năm trước, thực hiện đề án xây dựng huyện điểm văn hóa, nhiều thư viện được mở ra nhưng nay cơ bản đã xóa sổ. Đa phần thư viện xã ghép với các phòng chức năng, hội trường, nhà văn hóa trong UBND xã, gây bất tiện cho bạn đọc. Thủ thư xã Quý Sơn Nguyễn Thị Hồng Giang cho hay: Khi thư viện mới khai trương cũng có người đến đọc nhưng đã lâu không ai ngó ngàng đến. Không có không gian riêng, thư viện được bố trí chung với phòng làm việc của bộ phận dân số tại UBND xã, người dân rất ngại vào đọc sách. Cả thư viện chỉ lèo tèo vài trăm cuốn sách, phần lớn là sách khoa học, pháp luật, tạp chí chuyên ngành, tài liệu hướng dẫn thủ tục hành chính được luân chuyển từ thư viện tuyến trên. Trong tình trạng tương tự, thư viện thị trấn Vôi (Lạng Giang) thành lập từ năm 2009, dù có phòng độc lập nhưng luôn đóng cửa, bên trong trở thành kho chứa ngổn ngang các vật dụng, sách, báo đã bị mạng nhện, bụi bẩn, ẩm mốc phủ kín.

Ông Phạm Hoàng Thăng, Trưởng Phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Qua kiểm tra cho thấy, cơ bản thư viện hoạt động cầm chừng, thậm chí rất nhiều thư viện không hoạt động. Không ít thư viện xã chỉ còn là kho lưu trữ sách, báo cũ, cơ sở vật chất tạm bợ như thư viện xã: Quý Sơn (Lục Ngạn), Lam Cốt (Tân Yên), Minh Đức (Việt Yên), Tiên Lục (Lạng Giang), An Thượng (Yên Thế), phường Mỹ Độ (TP Bắc Giang)... Những năm qua, ngành văn hóa hỗ trợ 10 triệu đồng cho mỗi địa phương thành lập thư viện mới, do không hiệu quả, tới đây ngành sẽ xem xét cắt giảm nguồn này để tránh lãng phí, đồng thời đề nghị các địa phương không mở thêm thư viện mới mà tập trung phát huy hiệu quả thư viện hiện có.

Thư viện tuyến xã vắng vẻ, tuyến huyện cũng không khá hơn. Cả 10 thư viện cấp huyện chưa có kho sách, phòng đọc, phòng mượn riêng và chưa ứng dụng Internet vào phục vụ độc giả, tài liệu, sách báo hầu hết đã cũ, ít chủng loại. Kinh phí bổ sung sách hằng năm rất thấp từ 10 đến 30 triệu đồng/thư viện, riêng thư viện huyện Sơn Động, Yên Thế không bố trí kinh phí bổ sung sách, tất cả trông chờ vào nguồn sách cũ luân chuyển. Thư viện huyện Lạng Giang mở cửa từ thứ Hai đến thứ Sáu nhưng theo thủ thư tại đây, nhiều khi cả tháng mới một có vài bạn đọc. Phòng đọc nhỏ hẹp nằm trong hội trường UBND huyện, mọi người không biết hoặc nếu biết cũng ngại vào, tại đây có 8 nghìn cuốn sách, phần lớn đã cũ. Thư viện chỉ nhộn nhịp khi có hội nghị của huyện tổ chức do đại biểu tranh thủ giờ giải lao vào xem.

{keywords}

Thư viện thị trấn Vôi (Lạng Giang) thu hút ít người đọc.

Cần hướng tới thư viện thân thiện

{keywords}

Thực tế có không ít thư viện thu hút nhiều người đọc, điều này cho thấy văn hóa đọc vẫn cần thiết và chưa hẳn đã mai một".


Ông Nguyễn Phúc Thương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Không chỉ cơ sở vật chất, sách báo nghèo nàn, nhân lực thư viện cơ sở cũng bị xem nhẹ, đa số họ phải kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực như: Hội Phụ nữ, đoàn thanh niên, văn hóa - xã hội, đài truyền thanh, văn phòng và không có phụ cấp. Một số nhân viên thư viện cấp xã chuyên trách được tập huấn nghiệp vụ nhưng phụ cấp quá thấp nên xin chuyển làm công tác khác hoặc xin nghỉ. Trong khi các loại hình văn hóa giải trí phát triển mạnh, văn hóa đọc đang đi xuống thì hoạt động của hệ thống thư viện lại đơn điệu, thiếu hấp dẫn. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến độc giả thờ ơ, hiệu quả hoạt động thư viện chưa cao.

Trong thực tế vẫn có thư viện thu hút nhiều người quan tâm, điều này cho thấy văn hóa đọc là cần thiết và chưa hẳn đã mai một song số này còn quá ít. Tiêu biểu như thư viện xã Cao Xá (Tân Yên) liên kết với thư viện Trường Tiểu học Cao Xá 1. Với hơn 4 nghìn cuốn sách, thư viện được đặt tại nhà văn hóa thôn (ngay sát trường học), phòng đọc sạch sẽ, ngăn nắp, sách báo bố trí khoa học thu hút được nhiều người đến đọc. Thư viện xã Phương Sơn (Lục Nam) đặt tại khu di tích đình, chùa Phương Lạn, mọi người có thể dễ dàng mang sách ra ghế đá, gốc cây đọc, thủ thư tại đây nhiệt tình, tâm huyết nên lượng độc giả thường xuyên lên tới gần 600 người. Ngoài ra, thư viện xã Song Khê (TP Bắc Giang) cũng là điểm sáng thu hút bạn đọc.

Theo ông Nguyễn Phúc Thương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động thư viện, nhân rộng các mô hình tủ sách dòng họ, gia đình, thôn xóm, nhà sách tư nhân và hướng đến xây dựng thư viện thân thiện, không gian đọc sách tạo được sự thoải mái, bắt mắt, thái độ phục vụ tốt... Quan tâm xây dựng thư viện điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ bạn đọc. Đặc biệt, cần đổi mới tư duy, cách thức phục vụ như: Mở cửa cả ngày nghỉ, ngày lễ, buổi tối và bố trí địa điểm phù hợp hơn như nhà văn hóa để nhân dân dễ tiếp cận các nguồn sách báo, tài liệu. Đối với thư viện có triển vọng, các địa phương nên bố trí kinh phí bổ sung sách mới, sách hay, có chế độ phù hợp cho cán bộ thư viện.

Nguyễn Hưởng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...