Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bắc Giang mùa xuân này

Cập nhật: 14:32 ngày 05/02/2018
(BGĐT) - Mỗi năm một lần Tết thì quanh quẩn vẫn chỉ có vậy. Tết nào chả giống Tết nào. Nói là thế chứ ngồi ngẫm lại thấy mỗi cái Tết lại có những nét riêng của nó. Bởi năm ngoái không phải năm nay mà năm nay cũng không thể là sang năm được. Đến một lúc nào đó, những kỷ niệm của từng cái Tết sẽ lần lần hằn lên trong ký ức, trở thành của nả tinh thần của mỗi người. Ai nghèo ký ức sẽ thành ngớ ngẩn.
{keywords}

Cô và trò Trường Tiểu học Tân Dĩnh (Lạng Giang). Ảnh: Mai Toan.

Thêm một tuổi đời là thêm sự từng trải, là bước thêm một bước đến gần sự thâm hậu, nhún nhường khiêm cung mà kiêu hãnh. Rồi rất có thể trong số ấy sẽ có những người được gọi là đảm lược. Người đàn ông đảm lược sẽ đứng ra đảm đương nhiều việc có ích cho cộng đồng, hiểu biết rộng và được tin cậy, biết chịu trách nhiệm và biết chèo chống gánh vác.

Nhẹ như gió thoảng mà xiết nỗi nặng nề, ta đang nghe thấy những bước đi khó nhọc của thời gian. Mỗi cái Tết là một mốc thời gian, nó có ý nghĩa nhắc nhở rất mạnh, nó nhắc nhở ta phải ngoảnh lại quá khứ để tỏ lòng biết ơn tổ tiên ông bà, noi gương sáng của những người đã khuất. Rồi mặt khác lại phải nhanh chóng thức tỉnh nhìn về phía trước, cuộc sống muôn màu muôn vẻ đòi hỏi mỗi người chúng ta phải cố gắng hơn nữa, hoàn thiện bản thân hơn nữa để sống cho có ích, sống hãnh diện và hạnh phúc.

Xem ra chỉ những kẻ hồ đồ mới không kịp nhận ra điều ấy. Họ thuộc về một số ít lạc loài ích kỷ, láu lỉnh giả dối chứ không thể nói là khôn ngoan được. Tham lam thiển cận họ dễ tự ném mình vào những bi kịch đáng hổ thẹn.

Một nhà hiền triết phương Tây từng nói, kẻ không một xu dính túi chưa phải là người nghèo nhất, nghèo nhất là những ai thiếu một nụ cười. Thiếu một nụ cười cũng có nghĩa là không biết cười. Nom vào những kẻ không biết cười thấy ngại lắm, lúc nào cũng tỏ ra quan trọng và cao đạo nhưng lạnh lùng tẻ ngắt. Xem thế đủ thấy có một khuôn mặt tươi sáng với một nụ cười ấm áp là quý lắm thay.

Dẫu nước nhà còn lắm gian nan, mỗi người vẫn phải cố gắng giữ cho mình một nụ cười sang trọng và chân thực.

Tết này tôi bước sang tuổi bảy nhăm, ngoảnh đi ngoảnh lại thấy mình đang già, đã có quyền nhận mình là già. Tuổi già dễ khóc dễ cười, chẳng hơn gì một cậu bé, khi buồn ngồi khóc đã đành, mà vui quá cũng lại khóc là nghĩa làm sao! Quả thật mỗi tuổi một khác. Dạo này lúc vui lúc buồn tôi thường nhớ đến quê nhà, nhớ đến bạn bè anh em kẻ còn người mất, nhớ sông Thương, sông Lục, sông Cầu, cứ thế lan man những nhớ và nhớ.

Tôi là thằng bé được mẹ sinh ra ở phố Đạo Đường phủ Lạng Thương trong một nhà hộ sinh tư có bà đỡ là vợ bé của một ông Đốc tờ người Pháp lúc đó trông coi cái nhà thương làm phúc gần dinh quan phủ. Cũng không xa ngã năm trước nhà thờ bao nhiêu. Là mẹ tôi lúc còn sống đã kể như thế. Nhiều lần bà đã kể như thế. Bà mang thai tôi đúng mười hai tháng chứ không phải là chín tháng mười ngày. Ông Đốc tờ khám thai cho mẹ tôi đã dặn chị sẽ sinh cháu muộn vài tháng, đây chỉ là một ca chửa trâu, cái thai đang rất khỏe. Nói xong ông tủm tỉm cười rồi bảo, vợ chồng tôi chúc mừng gia đình sắp có cậu con trai đầu.

Chuyện hôm qua với tốc độ chóng mặt của thời gian sẽ nhanh chóng đi vào dĩ vãng, cái gì là của quá khứ hãy trả lại cho quá khứ. Chỉ những gì thuộc hiện tại và tương lai mới là đối tượng quan trọng bậc nhất khiến ta phải minh mẫn và nhanh chóng đón nhận.

Đáng lẽ tôi đã ra đời từ tháng mười năm Quý Mùi, hiềm nỗi mẹ chửa trâu nên phải đợi đến đầu tháng hai năm sau. Ngày tôi sinh được bà đỡ tắm táp, tắm xong vẫn thấy tôi ngủ tít đến nỗi bà phải vỗ cho một cái vào mông để tôi choàng mắt oe lên một tiếng, gọi là tiếng khóc chào đời. Rồi bà nựng mai này lớn khôn có đi đến đâu cũng phải luôn nhớ đến bà. Lúc đó tôi đã biết gì, là ở như mẹ tôi về sau thường kể lại, kể rất nhiều một câu chuyện tưởng hết sức bình thường. Thế mà đến giờ lâu lâu tôi vẫn nhớ đến bà đỡ, không thể nhớ tên nhớ mặt vẫn có thể nhớ đến một tấm lòng, một nhân cách giàu vị tha.

Năm tháng ngổn ngang loạn lạc, một hôm chuyến tàu hỏa đổ xuống sân ga đống lính Nhật, họ xếp thành hai hàng bước qua cây cầu gỗ có tên là cầu con tôm rồi đi vào thị xã. Một ngày thật yên ả, mọi chuyện đều đang diễn ra như thường. Nhưng sáng sớm hôm sau hàng phố lấp ló nhòm ra lại thấy một cảnh tượng khiến con người ta chỉ muốn kêu thất thanh gọi ông trời.

Ở ngoài đường quan công sứ mọi ngày oai vệ là thế, giờ đang phải còng lưng đẩy chiếc xe cút kít bánh gỗ, trên thùng xe lổng chổng mấy vò nước lã. Mặt đường rải đá răm, quan không giày dép chốc chốc lại nhảy lên thon thót. Hai người lính Nhật im lặng ôm súng bước sau xe, chân quấn xà cạp. Đấy là Nhật đảo chính Pháp. Vài hôm sau ông bà Đốc tờ đi một lượt tạm biệt dân phố, bỏ nhiệm sở về Hà Nội. Họ ngồi lên chiếc xe hòm màu cánh chả cùng ông chủ sự nhà Nông khố. Sau Cách mạng Tháng Tám gặp mẹ tôi có người kể ông bà đã qua Quảng Châu, chờ có chuyến tàu thủy về Paris.

Một thị xã tỉnh xép miền trung du bụi bặm với vài dãy phố lụp xụp, một bến sông, một chiếc cầu còm, một cái chợ tuần họp ba phiên, tất cả đều được gọi là Thương. Bến sông Thương, cầu sông Thương và chợ Thương. Mẹ tôi ngồi chợ bán vải bán sồi. Đáng kể nhất chắc chắn phải là cái ngã năm rộng rãi được xem là trung tâm, ở đó góc này là ngôi nhà thờ đạo, góc kia là tòa thị chính, Dinh công sứ, nhà băng, xa hơn một chút về hướng Bắc có một ngôi trường tiểu học thầy mặc vét tông trắng, giày trắng, mũ cát trắng còn trò áo the đen guốc mộc quần diềm bâu. Cứ ngồi nghe mấy cụ kể lại đã đủ thấy hồi đó chốn này rất vắng và buồn. Nhưng người Pháp lại có câu, buồn là lịch sự.

Hình như từ những ngày xa xôi, tôi cũng đã biết buồn, đến giờ mỗi lúc trống trải chỉ biết mang sách ra đọc, đọc chán gấp sách lôi màu ra vẽ. Vẽ rồng vẽ rắn là thú vui duy nhất với tôi. Vào khoảng cuối năm thường tìm về như để thực hiện một lời hẹn ước với người và cảnh nơi này.

Vẫn còn cánh đồng thuở nào gọi người về nghe đất hát

thảm rừng xa cuối đông rực thắm sắc phong thu

ngõ vắng chiều giọng ai ru thầm ấm bụi chim gù

cứ thế dọc tháng năm tôi đi và tôi viết...

Một sớm tôi có mặt trong phòng khách tòa soạn báo Bắc Giang chuyện trò cùng mấy anh phụ trách tờ báo, căn phòng ấm cúng lại có cả nước vối nóng. Tưởng chỉ là một cuộc trao đổi chốc lát đâu ngờ lại sinh động và phong phú đến vậy. Chúng tôi không bàn đến những chuyện hôm qua mà chỉ bàn tới những chuyện trước mắt. Chuyện hôm qua với tốc độ chóng mặt của thời gian sẽ nhanh chóng đi vào dĩ vãng, cái gì là của quá khứ hãy trả lại cho quá khứ. Chỉ những gì thuộc hiện tại và tương lai mới là đối tượng quan trọng bậc nhất khiến ta phải minh mẫn và nhanh chóng đón nhận.

Từ buổi sớm ấy, trong căn phòng ấy, chúng tôi như đã tìm ra một phác thảo toàn cảnh Bắc Giang mùa xuân này. Vậy thì mùa xuân này Bắc Giang sẽ làm gì, lấy gì để chào đón thiên hạ, một thiên hạ cũng đang dốc sức vượt lên với nỗ lực lớn. Xin thưa cho dù Bắc Giang còn nhiều vụng dại nó vẫn đang đứng vững trước mọi thách thức và đang bước sang mùa xuân trong bình yên vui vẻ hội hè.

Đầu tiên có lẽ hãy nhìn vào khu vực giáo dục tỉnh nhà, sự học làm nên nền tảng lâu dài cho một vùng người vùng đất. Vào lúc này ở đây người lớn tỏa đi làm, con trẻ ở tuổi học hành thì vào ngồi trong các trường lớp, hàng ngàn thầy cô giáo tay cầm phấn trắng đứng trên bục cao giảng bài, nói những lời trí tuệ.

Từ cả chục năm nay, các kỳ thi đại học đã đủ chứng thực cho Bắc Giang là một trong những đất học của nước nhà. Theo thống kê của Bộ Giáo dục  và Đào tạo, qua mỗi kỳ thi, học sinh Bắc Giang là một trong mười tỉnh thành đỗ đạt nhiều nhất. Đứng liền nhiều năm trong danh sách tốp mười xuất sắc, không phải là đã được đứng ở những thang bậc cao nhất, chỉ khiêm tốn ở bậc thứ bảy thứ tám mà thôi. Điều đặc biệt đáng tin cậy là ở chỗ ấy. Là luôn luôn giữ được một chỗ đứng xứng đáng của mình, ung dung và bền bỉ. Sự thất thường là dấu hiệu thiếu bền vững trong học thuật. Bắc Giang với bản lĩnh và kinh nghiệm nhất định sẽ có những đóng góp cho nền học vấn nói chung nhiều bài học quý. Và hơn lúc nào hết, Bắc Giang cũng cần phải mở mang mạnh bạo để học vấn quê nhà ngày một phát triển, như thế mới có thể theo kịp được thiên hạ. Đây là một vấn đề nhạy cảm và hết sức quan trọng.

*

Tôi nghe ở Lục Ngạn vừa tìm ra cây vải thiều quả không chỉ ở cành ngọn mà còn lúc lỉu quanh thân, gốc cây. Có cây mít cây sung quả leo bám khắp thân cành nay lại có cây vải thiều giống thế.

Lại nghe thấy ở Lục Nam có một người con trai biến vài năm đi học nghề nay đã mang về được nghề nuôi trai lấy ngọc trong nước suối nước sông quê hương.

Cũng đã nghe kể trong những ao hồ đầm phá của miền Trung miền Nam đang có những đàn vịt trời bơi lội, đấy là những đàn vịt trời được người Bắc Giang len lỏi mang vào.

Và tôi đã trông thấy từ các ngả đường trong tỉnh, Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam... Những tấm biển treo trước cổng, chỗ nào cũng vẫn chỉ một câu đơn giản, "Bến xe đón thợ đi làm". Thợ đi làm cách nhà năm chục cây số cả trăm cây số, sáng đón đi chiều đưa về.

Và tôi cũng đã đứng rất lâu dưới những tên phố vừa được đưa lên trong thành phố, phố Anh Thơ, đường Bàng Bá Lân...

Mỗi lần về đây tôi lại được nghe thêm một chuyện lạ như có điềm giời, lại được sống lại bao kỷ niệm về người về đất, với sông Thương nước chảy đôi dòng.

Tùy bút của Đỗ Chu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...