Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Trở về nguồn cội

Cập nhật: 07:00 ngày 08/02/2018
(BGĐT) - Với người Việt Nam, Tết cổ truyền vô cùng thiêng liêng. Tết để trở về nguồn cội, về với gia đình, người thân, cùng nhau ôn lại bao chuyện buồn vui của cuộc đời. Cố hương luôn là nơi cất giữ những ký ức ấu thơ sâu đậm nhất, kỳ diệu nhất. Ai có quê, dù nghèo khó, bất hạnh hoặc giàu sang, xa xôi đến mấy cũng sẽ tìm về.
{keywords}

Tục gọi gạo vào đêm 30 Tết ở xã Phúc Hòa (Tân Yên) mang ý nghĩa tâm linh.

Tết để trở về. Về lại chốn xưa để ít nhất được đứng trước bàn thờ tổ tiên, đứng trước những nấm mộ của người thân, gặp lại tình máu mủ, nhận lại những gì gần gũi của mình. 

Ngày Tết, đâu chỉ là món ngon đầy bàn, chúc tụng tràn môi, Tết linh thiêng và đầy riêng tư, trở thành linh hồn dân tộc. Văn hóa thờ phụng tổ tiên, nhớ ơn nguồn cội là nét văn hóa đặc sắc của người Việt Nam, tùy vào mỗi dân tộc khác nhau mà nó thể hiện các sắc thái khác nhau. Các cụ ta quan niệm, quanh năm đói khổ thế nào không biết nhưng  ngày Tết phải  no cơm thịt. Quần áo cả năm mặc rách ra sao không biết nhưng Tết đến, từ trẻ đến già phải được mặc manh áo mới. Người nào tha hương mà Tết cũng không về (trừ những lý do chính đáng) sẽ bị coi là người mất gốc, mạt hạng, tầm thường...

Vốn coi trọng đời sống tâm linh nên các nghi lễ vào ngày Tết được nhân dân ta chú trọng. Những phong tục đẹp còn duy trì đến ngày nay như lễ mời người đã khuất về ăn Tết; lễ dâng đồ cúng (hay còn gọi là lễ Tết)  gồm bánh chưng, hoa quả hoặc quà bánh lên bàn thờ họ, thờ Tổ; lễ trừ tịch (cúng giao thừa); lễ hóa vàng hết Tết... Những điều đó hòa quện tự nhiên trong  sinh hoạt ngày Tết, làm cho đời sống thêm đẹp.

Gần Tết, cùng với việc đi chợ mua sắm quần áo cho con cháu, đồ nấu Tết, ở làng quê, còn việc trọng đại là đi mời người đã mất về ăn Tết. Tất cả những ai dù đã rời xa thế giới trần tục bao năm đi nữa đều được con cháu thắp hương mời về ăn Tết với gia đình. Những nấm mồ vô chủ cũng thơm hương. Ngày Tết dường như lòng người cũng rộng mở hơn, nhân ái hơn. Chiều 30 Tết, nếu ai xa quê chưa về kịp, nhìn lửa đốt hoá vàng trên những cánh đồng bay lả tả hẳn sẽ thấy nhớ quê, nhớ nhà đến thế nào. Ai còn bố mẹ hẳn sẽ thấy mình phải có trách nhiệm hơn, yêu thương hơn gia đình...

Bữa cơm tất niên được coi trọng, bởi đó là bữa cơm cuối cùng trong năm. Mọi thành viên gia đình đều có mặt để ôn lại năm cũ đã qua, biểu dương việc tốt, phê bình việc xấu, vạch ra phương hướng cho năm mới.

Lễ cúng giao thừa được coi là nghi lễ thiêng liêng nhất. Đêm trừ tịch là khoảng thời gian giao thoa giữa năm cũ và năm mới, tính trong khoảng thời gian từ 11 giờ đêm Ba mươi đến 1 giờ sáng mùng Một Tết. Khi ấy, mọi công việc đã hoàn tất, nhà cửa được dọn sạch sẽ, gọn gàng, mọi buồn phiền gác lại, sẵn sàng tâm thế đón cái mới. Lễ trừ tịch có ý nghĩa là đem bỏ đi hết những điều xấu dở cũ kỹ của năm cũ sắp qua để đón những cái mới, tốt lành của năm mới. Thông thường, các gia đình thường cúng lễ trừ tịch cả ở ngoài trời và trong nhà. Việc cúng này cũng có nơi cử hành ở đình, miếu. Mâm cỗ cúng thường gồm đĩa xôi, con gà luộc hoặc thủ lợn, hoa quả, trầu cau, bánh kẹo, vàng hương, bánh chưng, rượu, nước... Lễ vật có đầy đủ hay không cũng tùy thuộc vào gia chủ giàu hay nghèo. Nhà nghèo thì làm những lễ vật đơn giản mà gia đình có thể sắm sửa được. Người xưa cho rằng, lễ vật bắt buộc phải có vàng hương và rượu. Người xưa tin rằng, mỗi năm có một vị Quan Hành khiển trông coi việc nhân gian, hết năm thì vị thần năm cũ lại bàn giao công việc cho vị thần năm mới, nên phải cúng giao thừa ở ngoài trời để tiễn đưa thần năm cũ và đón thần năm mới. Năm nào Quan Hành khiển giỏi giang, liêm khiết thì hạ giới được nhờ như được mùa, ít thiên tai, không có chiến tranh, bệnh tật. Trái lại, nếu gặp phải Quan Hành khiển lười biếng, kém cỏi, tham lam thì hạ giới sẽ chịu mọi thứ khổ. Sau khi cúng giao thừa ngoài trời xong, các gia đình sẽ cúng ở trong nhà cầu xin tổ tiên phù hộ độ trì cho gia đình. Sau lễ cúng giao thừa, mọi người sẽ đi lễ chùa, hái lộc với mong muốn gia sự bình an, phát đạt.

Với người Việt Nam, đồ thờ cúng trong ngày Tết cũng đều có ý nghĩa tâm linh, gắn với đạo lý làm người. Mâm ngũ quả ngày Tết sự biểu đạt của ước muốn “ngũ phúc”, đó là Phúc, Quý, Thọ, Khang, Ninh. Mâm ngũ quả thiếu gì thì thiếu, song không thể thiếu nải chuối và trái bưởi. Chuối thể hiện sự sum vầy con cháu, sự biết ơn nguồn cội, bưởi tượng trưng cho sự an khang, thịnh vượng.  Nghĩ rộng hơn, chuối là loài cây cả đời chỉ cho quả một lần, như người mẹ tảo tần, cả đời dành dụm nuôi con.

Thức ăn trong mâm cỗ ngày Tết có đủ các món ăn như bánh chưng, giò lụa, giò hoa, giò mỡ, nem, thịt gà, canh măng, canh miến, dưa hành...với  màu sắc phong phú tượng trưng cho ngũ hành, chứa đựng khát vọng mong muốn một năm mới mưa nắng thuận hoà, mùa màng tươi tốt, con người khoẻ mạnh.

Trang phục ngày Tết cũng ngay ngắn đẹp đẽ. Lối cư xử ngày Tết chừng mực, nhân ái hơn. Lời nói ngày Tết cũng thân hòa hơn...

Tất cả những điều đó đều thể hiện những nét đẹp trong tâm hồn người Việt Nam đó là trọng nghĩa tình, vì cộng đồng và giàu lòng nhân ái. Tết  là thời khắc cả làng nước náo nức đón mùa Xuân mới. Hàng ngàn năm qua, bất kể thanh bình yên vui hay chiến tranh khốn khổ, mỗi năm một lần, cái Tết cổ truyền Việt Nam vẫn đến rạo rực, tươi mới, thắp sáng hy vọng vào ngày mai trong lòng muôn người, muôn nhà, bất kể sang giàu hay nghèo khó. Sự trường tồn của Tổ quốc cũng bắt đầu từ những mùa Xuân trong lòng người.

Nguyễn Thị Mai Phương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...