Thứ tư, 08/05/2024
Bắc giang 27 °C / 24 - 26 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tiếng mõ chốn tu hành

Cập nhật: 07:00 ngày 25/02/2018
(BGĐT) - “Mộc ngư” tên dân gian thường gọi là mõ, một trong bốn pháp khí quan trọng chốn Thiền môn, gắn với đạo Phật gồm: Phạm chung (chuông), pháp cổ (trống), vân bản (khánh), mộc ngư (mõ) - thường được sử dụng trong các nghi lễ tại các ngôi chùa, thiền viện. 
{keywords}

Mõ chùa Đào Mỹ (Lạng Giang).

Những âm thanh ngân vang của mõ có thể khác nhau là do sự khác biệt về kích thước và tùy theo loại gỗ mà người ta dùng để tạo ra chiếc mõ đó.

Trong tiếng Hán, “mộc ngư” có nghĩa là cá gỗ. Tuy nhiên, việc ra đời của từ “mộc ngư” gắn với chiếc mõ được lưu truyền lại bằng câu chuyện sau: Có một vị tăng do phản thầy, huỷ pháp mà bị đày làm thân cá, trên lưng con cá ấy lại mọc một cái cây, mỗi khi sóng to gió lớn, thân cá ra máu, thật thống khổ vô cùng. Một lần nọ, vị thầy Bổn Sư qua biển, nhân đó cá muốn đòi nợ liền nói rằng: Thầy không dạy bảo nó nên nó mới phải bị đọa làm thân cá như thế này, do đó nay nó muốn báo oán. Thế rồi, vị thầy ấy bảo cá nên ăn năn sám hối, thầy đó cũng vì con cá mà cầu siêu chú nguyện và ngay đêm ấy nó được hóa kiếp. Vị thầy Bổn Sư liền đem cây ấy đẽo thành hình con cá và treo lên để mỗi ngày, chư Tăng Ni cầm cây gõ lên đầu chiếc mõ cá hòng làm gương cho những vị nào tu hành còn biếng nhác, ưa khoe khoang, tự cao, tự đại, không chịu khép mình vào vòng giới luật và cũng là để nhắc nhở những vị ấy nhớ tới bổn phận tu tâm, hành đạo, không xao lãng công phu bái sám, niệm Phật tu thiền, thúc liễm thâm tâm, nghiêm trì giới luật.

Vì sự tích trên mà từ ngày ấy tới nay, chiếc mõ mới chạm khắc theo hình con cá để làm kỷ niệm, như một vật để nhắc nhở thức tỉnh người tu hành và cảnh tỉnh đại chúng. Bởi lẽ đó, trong tiếng Hán chiếc mõ mới có tên gọi mộc ngư (có nghĩa là “cá gỗ”).

Mõ ở chùa thông thường có 2 loại: Một là mõ chạm trổ hình bầu dục, thường mô phỏng theo hình con cá có vảy cuộn tròn, mở mắt, dùng để gõ trong khi tụng niệm (đây là loại mõ phổ biến trong các ngôi chùa ở Bắc Giang). Hai là mõ hình điếu, chạm nguyên hình con cá nằm dài, thường được treo ở trai đường, nhà trù để gõ báo tin giờ thọ trai hay chấp tác. Loại mõ này ít có ở Bắc Giang, chỉ bắt gặp tại một vài ngôi chùa cổ như: Chùa Bổ Đà, xã Tiên Sơn, chùa Thổ Hà, xã Vân Hà (Việt Yên); chùa Âm Dương, xã Tân An (Yên Dũng)…

Việc gõ mõ có hai ý nghĩa: Một là để khi tụng niệm được nhịp nhàng đều đặn, không lộn xộn, như thế vừa giữ được vẻ trang nghiêm và nhất là làm cho người tụng niệm không bị rối trí loạn tâm, để chuyên chú vào lời kinh tiếng pháp. Hai là để cảnh tỉnh tâm trí người tụng niệm khỏi bị hôn trầm, cũng chính vì ý này mà quai mõ, thân mõ thường chạm trổ hình loài cá - một loài không bao giờ ngủ, luôn luôn tỉnh táo. 

{keywords}

Mõ cá tại chùa Bổ Đà (Việt Yên).

Chiếc mõ ở chùa Bổ Đà được làm bằng một khúc gỗ dài 117cm, rộng 57cm. Dụng cụ này khá lớn được tạo tác dọc theo thân gỗ, khoét rỗng bên trong hình lòng máng, với một khe đục nằm ngang để tạo âm thanh khi gõ vào sẽ phát ra tiếng kêu. Chiếc mõ có dáng vẻ bên ngoài là hình một con cá đang bơi, thân cá để trơn không chạm khắc vảy. Những chi tiết chạm khắc trang trí như đầu cá, vây ngực, vây đuôi cho phép chúng ta xác định về niên đại tương đối của chiếc mõ vào khoảng thế kỷ XIX. Đây cũng là niên đại của chiếc mõ cá ở chùa Thổ Hà và chùa Âm Dương.

Dạng mõ phổ biến nhất trong các ngôi chùa ở Bắc Giang là mõ bầu dục (hoặc tròn dẹt). Chúng có nhiều dạng to, nhỏ khác nhau, có cái chỉ bằng nửa nắm tay nhưng cũng có cái to bằng chiếc thúng (đường kính xấp xỉ 50cm) như mõ ở chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), mõ chùa Đào Mỹ (Lạng Giang), mõ chùa Bài Xanh (Việt Yên)... Hầu như các mõ dạng này đều được trang trí, ít thì vài cụm mây, nhiều thì là hình “đơn ngư”, “song ngư” (được thể hiện hình hai đầu cá chầu vào nhau, thân cá được chạm chìm trên mặt mõ), tiêu biểu là chiếc mõ gỗ chùa Mỏ Thổ (Việt Yên), chùa Cao Sơn (Yên Dũng), chùa Vĩnh Phúc (Lục Nam)…

Tuy nhiên, do nhận thức nên trong thời gian gần đây, chiếc mõ đã có sự biến đổi về trang trí. Chúng ta đã có thể bắt gặp những chiếc mõ mà phần đuôi mõ được thể hiện bằng hai đầu rồng trong tư thế chạm tròn, còn thân rồng được chạm chìm trên thân mõ. Hoặc là hình một đầu rồng há miệng cắn đuôi mõ, tiêu biểu như mõ ở chùa Thái Thọ (Hiệp Hòa), chùa Phúc Khánh (Lục Nam); hay hình cóc ngồi như mõ chùa Qủa (xã Trung Sơn, Việt Yên), mõ chùa Chằm Cũ (xã Tiên Hưng, Lục Nam) hoặc đôi khi nó cũng hóa thân dưới dạng con lân hay các hình thức khác...

Suy cho cùng, những âm thanh của chuông, trống, khánh, mõ đan xen hòa nhịp cùng tiếng kinh kệ ngân nga sẽ tác động đến tâm thức người thọ trì, vào thân, khẩu, ý, tam nghiệp thanh tịnh, ảnh hưởng đến cảnh vật xung quanh, tạo ra môi trường nhân ái để con người tích cực hành thiện, làm cho xã hội an vui, thế giới hòa bình.

Thu Hường

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...