Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Quan họ Bắc sông Cầu: Sâu lắng và lan tỏa

Cập nhật: 07:00 ngày 07/04/2018
(BGĐT) - “Đến hẹn lại lên, đến hội lại về”, du khách hành hương tới lễ hội chùa Bổ Đà (Việt Yên) không chỉ được toại tâm toại ý lễ Phật mà còn được thưởng thức những làn điệu dân ca quan họ mượt mà, bay bổng. Vùng quê Bắc sông Cầu trở nên duyên dáng và đẹp hơn trong mắt mỗi người nhờ những câu dân ca.
{keywords}

Liền chị huyện Tân Yên tại chùa Bổ Đà.

Tôn vinh di sản văn hóa thế giới

Liên hoan hát quan họ huyện Việt Yên và tỉnh Bắc Giang diễn ra từ ngày 31- 3 đến 3- 4 trong không gian lễ hội chùa Bổ Đà đã để lại ấn tượng tốt đẹp với nhiều du khách. Kể từ khi dân ca quan họ được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2009), chưa năm nào số lượng các đoàn và liền anh, liền chị tham gia liên hoan đông như năm nay (hơn 2 nghìn người thuộc 61 đoàn, gồm cả cao tuổi, trung tuổi và thiếu niên, nhi đồng). 

Suốt những ngày diễn ra liên hoan, từ sáng sớm người dân đã tập trung đông trước khu vực tổ chức chờ xem các chương trình biểu diễn. Ngoài hát trên sân khấu, Ban tổ chức bố trí trại hát giao lưu, hát đối đáp để nhân dân và du khách có thể thử sức, khoe tài. 

Liền anh nhỏ tuổi nhất Nguyễn Ngọc Phan Anh (7 tuổi) đến từ xã Minh Đức (Việt Yên) đã khiến nhiều người ngạc nhiên bởi sự chững chạc, tự tin và chất giọng truyền cảm. Những lời ca được Phan Anh chau chuốt, uốn câu, nhả chữ khá thành thục, từng động tác, cử chỉ, bước đi của em trên sân khấu đã chiếm trọn cảm tình của người xem. 

{keywords}

Những giá trị văn hóa độc đáo của dân ca quan họ có sức hấp dẫn và lan tỏa mạnh mẽ, trở thành nhu cầu tự thân trong cộng đồng".


Ông Nguyễn Sĩ Cầm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Còn với Nghệ nhân ưu tú Phú Hiệp làng Thổ Hà, xã Vân Hà (Việt Yên), năm nay trong vai trò giám khảo nhưng anh cũng háo hức không kém, nghệ nhân chia sẻ: “Nói đến lễ hội chùa Bổ Đà là nói đến dân ca quan họ - nơi gặp gỡ của các nghệ nhân, liền anh, liền chị bờ Bắc sông Cầu. Cứ sắp đến ngày này là mỗi người lại thấy xốn xang, nó như mời gọi, thúc giục chúng tôi mau đi trẩy hội để gặp gỡ, giao lưu và thưởng thức những câu quan họ nghĩa tình. Bao năm hát quan họ, liền anh, liền chị quê tôi chưa bao giờ cảm thấy hổ thẹn. Họ hát bằng trái tim để thỏa niềm đam mê, tuyệt nhiên không vì lợi ích trước mắt mà đánh mất đi bản sắc”.

Theo đánh giá của Ban tổ chức, tính chuyên nghiệp, bài bản của liên hoan lần này được nâng lên rõ rệt, sân khấu bài trí khoa học, khán giả được bố trí ghế ngồi và có mái che. Các đội nghệ thuật có ý thức chuẩn bị chu đáo từ trang phục, đạo cụ đến tập luyện nên chất lượng chuyên môn tương đối đồng đều, trong đó xuất hiện nhiều giọng ca trẻ, thể hiện được đúng chất quan họ cổ và hay. Không chỉ Việt Yên - nơi có có truyền thống quan họ mà các huyện miền núi như Yên Thế, Lục Nam, Yên Dũng cũng chuẩn bị công phu, dàn dựng chương  trình thuyết phục được ban giám khảo.  

Gìn giữ tinh hoa

Từ năm 2000, liên hoan hát quan họ được huyện Việt Yên duy trì thường niên và từ năm 2010, tỉnh Bắc Giang ấn định tổ chức liên hoan hát quan họ (2 năm một lần) tại khu vực tổ chức lễ hội chùa Bổ Đà. Đây là một trong những chương trình nhằm quảng bá những giá trị độc đáo của di sản văn hóa quan họ; khích lệ phong trào hát quan họ trong cộng đồng, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam nói chung, tỉnh Bắc Giang nói riêng với UNESCO trong việc bảo tồn, phát huy có hiệu quả dân ca quan họ.

{keywords}

Nguyễn Ngọc Phan Anh, liền anh nhỏ tuổi nhất đến từ xã Minh Đức (Việt Yên) tham gia Liên hoan hát quan họ tỉnh Bắc Giang lần thứ V tại chùa Bổ Đà.

Ông Nguyễn Sĩ Cầm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, để phát huy di sản quý báu đó, tỉnh Bắc Giang đã có nhiều chương trình bảo tồn như: Nghiên cứu, sưu tầm các làn điệu quan họ cổ, mở lớp truyền dạy, hỗ trợ thành lập các CLB hát quan họ, hỗ trợ thiết bị âm thanh, trang phục, nhạc cụ, xây dựng nhà văn hóa, tu bổ di tích - nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ. 

Từ năm 2009 đến nay, ngành văn hóa tỉnh và các địa phương đã tổ chức hàng trăm lớp truyền dạy quan họ. Phong trào hát quan họ phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, từng bước đưa di sản ngày càng tỏa sáng. Không chỉ ở những làng quan họ gốc, quan họ tại Bắc Giang đã phát triển rộng khắp tại nhiều thôn, làng ở cả 10 huyện, TP. Người dân hát ở nhiều nơi như hội làng, hội diễn, đám cưới, mừng thọ, lễ kỷ niệm. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các mô hình xã hội hóa mang lại hiệu quả cao trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị dân ca quan họ như: Trại hè Bagico dành cho thiếu nhi huyện Việt Yên hay CLB Văn hóa quan họ tỉnh Bắc Giang. Điều này thêm khẳng định những giá trị văn hóa độc đáo của dân ca quan họ có sức hấp dẫn và lan tỏa mạnh mẽ, trở thành nhu cầu tự thân trong cộng đồng. 

Thời gian tới, ngành văn hóa tỉnh tiếp tục làm tốt công tác truyền dạy dân ca quan họ và tôn vinh, đề nghị phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể nói chung, dân ca quan họ nói riêng. Cùng đó, tham mưu cho tỉnh cơ chế, chính sách đầu tư hỗ trợ các làng quan họ và đối với nghệ nhân. Tiếp tục duy trì tổ chức các hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc đưa văn hóa thông tin về cơ sở, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tham mưu với UBND tỉnh năm 2019 tổ chức các hoạt động kỷ niệm nhân dịp 10 năm dân ca quan họ được UNESCO vinh danh.

Nguyễn Hưởng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...