Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

“Người đàn ông cưỡi lừa” từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Việt Nam

Cập nhật: 19:21 ngày 11/04/2018
Naserddin Hodja - “người đàn ông cưỡi lừa”, nhân vật văn hóa đặc biệt của Thổ Nhĩ Kỳ và thế giới Islam (Hồi giáo) đã tới Việt Nam lần đầu tiên qua tập sách “Những mẩu chuyện về Naserddin Hodja” do nhà văn Di Li biên dịch, họa sĩ Nguyễn Toàn minh họa, NXB Văn học và Công ty CP truyền thông văn hóa Liên Việt phối hợp ấn hành.
{keywords}

“Những mẩu chuyện về Naserddin Hodja” hoàn toàn có thể đảm nhiệm sứ mạng giao thoa văn hóa giữa hai dân tộc.

Naserddin Hodja sống gần trọn thế kỷ 13, ông được coi như biểu tượng của sự trào phúng và uyên bác ở Thổ Nhĩ Kỳ và một số vùng đất lân cận… Những mẩu chuyện của Naserddin Hodja, được truyền tụng đến ngày nay, dù qua nhiều dị bản, đều khiến người đọc ít thì tủm tỉm, nhiều thì bật cười bởi sự hóm hỉnh, thâm sâu trong cái vỏ bọc tưng tửng bất cần.

201 mẩu chuyện về Naserddin Hodja mà nhà văn Di Li chọn chuyển ngữ, thêm 60 bức minh họa của họa sĩ Nguyễn Toàn có thể khiến cả trẻ em lẫn người lớn cảm thấy thú vị, kiểu như theo dõi những câu chuyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn… đã quá quen thuộc với người Việt.

Nói như Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam, ngài Akif Ayhan, thì “Những mẩu chuyện về Naserddin Hodja” hoàn toàn có thể đảm nhiệm sứ mạng giao thoa văn hóa giữa hai dân tộc, để người dân Việt Nam hiểu thêm rằng, ở Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ có Azit Nexin của thời hiện đại, mà gần 1.000 năm trước, đã sản sinh ra một đặc sản văn hóa lẫy lừng - nhà hiền triết Naserddin Hodja. Năm 1996, UNESCO đã chọn là “Năm quốc tế tôn vinh bậc thầy trào phúng Naserddin Hodja”.

Những câu chuyện của Naserddin Hodja giới thiệu trong sách vẫn còn nguyên giá trị ở thời đại này, kiểu như: “Một buổi thuyết giảng nọ, Nasreddin mới hỏi giáo đoàn: - Các bạn thân mến ơi, sau này tôi chết thế nào người ta cũng hỏi các bạn rằng lúc còn sống tôi là người như thế nào, thì các bạn sẽ nói sao? - Chúng tôi sẽ nói rằng ông ấy là một người rất tốt. - Giáo đoàn đồng thanh đáp. - Thế thì… đừng chờ đến lúc tôi chết. Giờ các bạn hãy nói luôn thế đi để tôi còn được nghe”…, hoặc: “Có một lần Hodja bị ốm nặng. Khách khứa đến thăm ai cũng an ủi: - Đừng lo lắng anh bạn, đời ai cũng chỉ một lần chết mà thôi. - Thế thì tôi mới lo chứ. - Hodja khó nhọc nhấc đầu lên. - Chứ mà được chết nhiều lần thì tôi lo gì”.

Ở Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều khu vực lân cận ngày nay, có nhiều bức tượng Naserddin Hodja được dựng lên trong hình hài người đàn ông cưỡi lừa. Cũng tại quê hương ông, từ ngày 5 đến 10-7 hằng năm, lễ hội Naserddin Hoddja vẫn đều đặn diễn ra, thu hút sự tham dự của rất đông người hâm mộ…

Theo Nhân dân

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...