Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội Đền Hùng năm 2018: Linh thiêng miền đất hai di sản

Cập nhật: 13:13 ngày 24/04/2018
(BGĐT) - Trong di sản văn hóa dân tộc, Đền Hùng và ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là biểu tượng của tinh thần yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt Nam ta. Dù làm gì, ở đâu, mỗi người con đất Việt đều hướng về cội nguồn, hướng về tổ tiên với tấm lòng thành kính, tri ân.
{keywords}

Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội đền Hùng năm nay diễn ra từ ngày 21 đến 25-4 (tức mồng 6 đến 10-3 âm lịch).

Nơi thờ tự tổ tiên chung của dân tộc

Nhiều năm qua, tỉnh Phú Thọ đã có nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp tích cực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa bền vững với một vị thế mới, một tầm nhìn chiến lược trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Mậu Tuất tiếp tục là một trong những lễ hội mẫu mực của cả nước và là dịp tỉnh quảng bá về hai di sản phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO vinh danh là “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ”.

Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm và ý chí của cả dân tộc. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng đã trở thành biểu tượng tôn kính, thiêng liêng, quy tụ và gắn bó người dân đất Việt. Niềm tự hào, tôn kính ấy càng được nhân lên khi UNESCO chính thức thông qua quyết định công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (ngày 6-12-2012), trở thành di sản đầu tiên ở loại hình tín ngưỡng của Việt Nam được UNESCO vinh danh. Hằng năm, vào dịp lễ hội, Khu di tích lịch sử Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh đón hàng triệu lượt đồng bào về viếng Mộ Tổ, tri ân công đức tổ tiên.

{keywords}

Lễ hội văn hóa dân gian đường phố Việt Trì - một trong những nội dung trong chương trình Lễ hội Đền Hùng năm nay.

Lễ hội mẫu mực của cả nước

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Mậu Tuất sẽ tiếp tục là một trong những lễ hội mẫu mực của cả nước: Đậm đà bản sắc dân tộc, thân thiện, gần gũi và hấp dẫn du khách về với cội nguồn. Đây cũng là dịp để tỉnh Phú Thọ quảng bá về hai di sản phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO vinh danh là “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ”.

Năm nay, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì và có sự tham gia góp giỗ của 4 tỉnh là Thái Nguyên, Bình Dương, Quảng Nam, Kiên Giang. Lễ hội diễn ra trong 5 ngày, từ 21 đến 25-4 (tức mồng 6 đến 10-3 năm Mậu Tuất). Tỉnh Phú Thọ đã tập trung chỉ đạo, bảo đảm lễ hội được tổ chức chu đáo, an toàn với phần Lễ trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng sâu sắc. Phần Lễ bao gồm: Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ, Lễ rước kiệu về Đền Hùng của các xã, phường, thị trấn vùng ven Khu di tích và Lễ giỗ Tổ Hùng Vương 10-3 âm lịch.

Bên cạnh phần lễ, các hoạt động phần hội được tổ chức phong phú, đa dạng gồm: Lễ hội văn hóa dân gian đường phố Việt Trì; trưng bày ảnh tư liệu và hiện vật của đồng bào cả nước cung tiến Đền Hùng; Hội sách đất Tổ; đánh trống đồng, đâm đuống, múa lân; hội trại văn hóa; liên hoan văn nghệ quần chúng; hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy; biểu diễn nghệ thuật; hội chợ Hùng Vương; hội thi bơi chải trên sông Lô; trình diễn Hát Xoan làng cổ gắn với điểm du lịch di sản văn hóa; hướng dẫn giới thiệu Kinh đô Văn Lang xưa qua các tour, tuyến du lịch… Năm nay, Lễ hội văn hóa dân gian đường phố Việt Trì tiếp tục được tổ chức nhằm giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của vùng Đất Tổ, từng bước thực hiện chủ trương của Chính phủ đưa TP Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho du khách, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay được tỉnh Phú Thọ tổ chức chu đáo, thành kính, trang nghiêm, an toàn nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. Ban tổ chức quyết tâm phấn đấu cao nhất để tiếp tục giữ mục tiêu “5 không” tại Lễ hội, đó là: Không có người ăn xin, ăn mày; không ùn tắc giao thông; không chèo kéo khách và xảy ra tình trạng giá cả, dịch vụ mang tính "chặt chém"; không có hành vi phản cảm trong lễ hội và không để mất vệ sinh môi trường ở khu vực lễ hội và các khu vực công cộng khác tại Đền Hùng.

Văn hóa vùng đất cội nguồn chiếm vị trí quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam, góp phần quan trọng giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và nâng cao đời sống của nhân dân. Vì thế, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa là một việc làm hết sức cần thiết, để mỗi người dân Phú Thọ tự hào về nền văn hóa mà ông cha để lại, đồng thời có trách nhiệm gìn giữ những tài sản vô giá đó, để Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Hát Xoan Phú Thọ cũng như sắc màu văn hoá vùng Đất Tổ mãi trường tồn cùng đất nước.

Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...