Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 36 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

“Nghệ sĩ nhí” làng Then

Cập nhật: 07:00 ngày 08/09/2018
(BGĐT)- Làng Then, xã Thái Đào, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) được biết đến là “làng vĩ cầm” duy nhất tại Việt Nam, người chơi là những nông dân thuần túy. Không chỉ giao lưu, biểu diễn nhiều nơi, họ đang từng ngày, từng giờ truyền lửa đam mê cho lớp trẻ sau lũy tre làng.

Con đường làng quanh co, uốn lượn, hai bên rợp bóng cây xanh đưa tôi đến nhà ông Hà Văn Chính (61 tuổi) - người dạy học sinh trong làng chơi vĩ cầm (còn gọi là violon).Vừa bước vào sân, tôi có cảm giác như đang trong một phòng hòa nhạc rộng lớn với âm thanh trầm bổng phát ra bởi một dàn nhạc chuyên nghiệp. Tại đây, khoảng 30 em độ tuổi thiếu niên, nhi đồng đang kéo đàn. Thấy khách tới, ông Chính tạm cho các cháu giải lao rồi cùng tôi trò chuyện. Qua tìm hiểu và tâm sự của ông Chính được biết, tiếng đàn violon xuất hiện ở làng Then cách đây hơn nửa thế kỷ do những nhạc công của dàn nhạc giao hưởng Việt Nam dạy trong thời gian họ sơ tán về làng. Thế hệ đầu tiên học đàn là những cụ ông nay đã ngoài 80 tuổi như: Đỗ Hữu Bài, Nguyễn Văn Bìa... Ông Hà Văn Chính và khoảng chục người khác trong đội nhạc violon là thế hệ thứ hai nối tiếp học môn nghệ thuật này. Tuy nhiên, những năm gần đây, do bận làm ăn, số người ở tuổi trung niên, thanh niên chơi ít dần mà chủ yếu từ 55 tuổi trở lên.

Nhận thấy phong trào chơi đàn có nguy cơ mai một, năm 2015, Đội violon làng Then đã mở lớp truyền dạy cho các em nhỏ. Trẻ em đến đây học độ tuổi từ 6 đến 14, hầu hết bố mẹ làm ruộng. Cá biệt có cháu mới 3-4 tuổi nhưng cũng đòi bố mẹ mua đàn học theo. Ngày nắng hay mưa, hễ rảnh rỗi là các em lại mang đàn đến học, thời gian từ 2-3 tiếng/buổi. "Sẽ là đáng tiếc nếu như một ngày nào đó tiếng đàn violon trong làng không còn nữa. Chúng tôi muốn truyền dạy cho các cháu cái hay, cái đẹp của violon mà các thế hệ đi trước đã gìn giữ gần 60 năm qua", ông Chính trải lòng.

Violon được sử dụng phổ biến trong dòng nhạc giao hưởng, cổ điển, hòa tấu. Chơi loại đàn này khó hơn ghi-ta, piano... Không phải ngẫu nhiên mà nó được xem như “nữ hoàng” của các loại nhạc cụ. Người chơi tập trung cao độ, đầu nghĩ, mắt nhìn bản nhạc, tay bấm nốt, kéo nhịp, chân dập phách. Từ chỗ chưa biết lý thuyết âm nhạc, các nốt, cách cầm đàn, dưới sự dìu dắt của thành viên đội đàn, giờ đây nhiều em nhỏ có thể chơi thành thạo các bản nhạc thuộc nhiều thể loại, từ cổ điển đến hiện đại.

{keywords}

Ông Hà Văn Chính dạy các cháu học đàn tại gia đình.

Em Hà Đức Anh (14 tuổi) cho biết, từ nhỏ thấy các ông, các bác trong thôn chơi violon nên rất thích. Cách đây ba năm, Đức Anh được bố mẹ đưa đến nhà ông Chính để học. Ban đầu em rất lúng túng, cầm đàn ngượng ngùng, không biết về nốt, nhịp. Phần nhạc lý cũng rất khó, tiết tấu phức tạp, đã có lúc em tưởng chừng phải bỏ cuộc vì không theo được. Thế rồi, dưới sự chỉ bảo tận tình, ân cần của ông Chính, giờ đây Đức Anh có thể chơi gần 20 bài khác nhau, trong đó có nhiều bài khó như: Du kích sông Thao, Phiên chợ Ba Tư, Trống cơm, Bóng cây kơ nia, Bèo dạt mây trôi…

Các em lứa tuổi thiếu niên học đàn đã rất vất vả, với học sinh nhỏ hơn lại càng gian nan. Vậy mà các "nghệ sĩ nhí" đã vượt qua mọi trở ngại, vun đắp niềm say mê với tiếng đàn. Tôi dừng lại trò chuyện với bé gái Lê Thị Khánh Băng (7 tuổi) đang cầm cây đàn violon tí hon. Băng cho biết, em học đàn từ lúc 5 tuổi. Hằng ngày, ngoài học tập, giúp đỡ bố mẹ việc nhỏ, em thường dành 1-2 tiếng để tập đàn, đến nay đã chơi thành thạo 11 bài. Để minh chứng cho năng khiếu âm nhạc của mình, Băng chơi bản Trống cơm trước những tràng pháo tay giòn giã động viên của mọi người.

Khi học đàn, từng người phải có kỹ thuật cá nhân nhưng khi biểu diễn trên sân khấu lại mang tính tập thể, đòi hỏi tính kỷ luật, chuyên nghiệp cao của cả dàn nhạc. Nếu như 1-2 người chơi không chính xác nốt, nhịp sẽ ảnh hưởng tới chất lượng của cả tác phẩm. Vất vả, khó khăn là thế song ba năm qua, có gần 40 em nhỏ trong làng được các thành viên của đội đàn của thôn dạy bảo. Những “nghệ sĩ nhí” đã mang nhiều giải cao về cho xã, huyện qua mỗi mùa hội diễn. Tiếng đàn không chỉ nuôi dưỡng tâm hồn mà còn tạo ra môi trường vui chơi lành mạnh, giúp các em tránh xa các tệ nạn xã hội.

Ông Nguyễn Quang Khoa, Đội trưởng Đội violon làng Then chia sẻ, dù đã có thành công bước đầu trong việc duy trì phong trào chơi vĩ cầm song các thành viên vẫn còn trăn trở. Số trẻ thích học đàn nhiều nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện trang bị cho con cháu, bởi giá một chiếc đàn từ 2 đến 4 triệu đồng. "Với gia đình khá giả thì không đáng ngại nhưng các em hoàn cảnh khó khăn không dễ để mua. Nếu được tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp các em có thêm dụng cụ học tập sẽ rất ý nghĩa. Qua đó, không chỉ làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần mà còn góp phần gìn giữ tiếng đàn mà các thế hệ đi trước đã dày công truyền lại", ông Khoa nói.

Công Doanh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...