Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 35 °C / 27 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Khuyến “gốm”, Khuyến “chè”: Thắm đượm tình đất, tình người

Cập nhật: 07:00 ngày 02/02/2019
(BGĐT)- Đầu và cuối quốc lộ 17 từ Yên Dũng đi Yên Thế (Bắc Giang) có hai người đàn ông nổi danh tên Khuyến, đều ở độ tuổi tứ tuần. Lưu Xuân Khuyến, nghệ nhân quốc gia gốm, biệt danh Khuyến “gốm”, còn Thân Nhân Khuyến, Chủ tịch xã Xuân Lương, chủ cơ sở chè bản Ven nên có biệt danh Khuyến “chè”. Niềm đam mê của hai ông Khuyến là thổi “hồn làng” vào sản vật quê mình.

Hôm tôi đến thăm “thủ phủ” gốm làng Ngòi (xã Tư Mại, Yên Dũng) thì tình cờ gặp vợ chồng Khuyến “chè” ở đó. Tuy lần đầu gặp nhưng tôi đã nghe danh Khuyến “chè” với thương hiệu chè bản Ven được ưa chuộng. Tôi đã nhiều lần mua chè bản Ven với niềm tự hào là đặc sản quê nhà để tặng bạn hữu gần xa. Hỏi ra thì biết Khuyến “chè” từng làm cán bộ huyện Yên Thế trước khi được điều động làm Chủ tịch xã Xuân Lương.

{keywords}

Khuyến “chè” (thứ ba từ phải sang) giới thiệu với khách tham quan vùng chè bản Ven.

Cũng hỏi chuyện thì hay, không phải hôm nay vợ chồng Khuyến “chè” rảnh rỗi đến chơi với Khuyến “gốm” mà là đang ấp ủ những dự định làm ăn lớn nhưng còn phải tính toán rối bời nên tìm đến Khuyến “gốm” nhờ hiến kế.

Chuyện là, Xuân Lương không chỉ sản xuất chè đang có nhiều lợi thế mà còn có tiềm năng lớn về du lịch. Nơi đây có cánh rừng nguyên sinh xanh mát quanh năm, thác Ngà trải nước bạc bốn mùa, những nương chè điệp trùng và cây lim nghìn tuổi. Đặc biệt vùng đất này còn lưu giữ nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Cao Lan. “Mỗi năm Xuân Lương thu hút hàng nghìn du khách đến tham quan do vậy tôi muốn phát triển mạnh sản phẩm du lịch cộng đồng. Tôi muốn có thêm nhiều nếp nhà sàn trong các hộ dân để khách thập phương có thể lưu trú, thưởng thức sản vật chè bản Ven, xôi ngũ sắc, gà đồi Yên Thế, thịt lợn hương… Tôi biết cái khoản này ông sáng ý lắm, ông bày cách giúp tôi!” - Khuyến “chè” nói với Khuyến “gốm” như vậy.

Khuyến “gốm” cười hì hì… “Tham thế, mấy cái ông nói đều hay, nhưng hãy làm tốt hơn cái món chè đi đã”.

Nghe Khuyến “chè” giới thiệu về quê mình, tôi và Khuyến “gốm” đều mê. Vậy là chọn một ngày cuối năm ấm áp có nắng vàng như mật, Khuyến “gốm” kéo anh em chúng tôi lên thăm Khuyến “chè”. Từ TP Bắc Giang, chỉ chưa đầy một giờ đã tới Xuân Lương. Một bức tranh quê đặc trưng miền trung du hiện ra trước mắt chúng tôi.

{keywords}

Một tác phẩm của Khuyến "gốm".

Khuyến “chè” đưa anh em đến thăm gia đình chị Mai là hộ có diện tích chè khá lớn ở bản Ven. Nhận chén trà xanh màu cốm từ tay chị Mai, ai cũng xuýt xoa khen trà thơm ngon. Chị Mai cười khoe, có để cả ngày trà cũng không đổi màu các bác ạ. Chè làm ra đến đâu bán hết đến đó, trước kia còn phải mang ra chợ, bây giờ thì có hợp tác xã thu mua hết.

Khuyến “chè” là người xởi lởi, chuyện lúc nào cũng nổ như ngô rang. Từ chuyện người Cao Lan về đây lập nghiệp hàng trăm năm trước, các phong tục, tập quán đến kỹ thuật sản xuất, chế biến chè sạch, bao bì, mẫu mã, công nghệ hút chân không, thị trường chè trong và ngoài nước… dường như chuyện gì anh cũng tỏ. Có lẽ phải là người rất yêu vùng quê này và yêu cây chè nhiều lắm anh mới có thể tỏ tường như vậy.

Là chủ tịch xã đồng thời là chủ nhiệm hợp tác xã, Khuyến “chè” tâm niệm không vì áp lực tăng sản lượng mà sao nhãng chất lượng. “Muốn chất lượng nâng lên thì việc trang bị kiến thức cho người nông dân là yếu tố quan trọng hàng đầu. Việc chọn giống, chăm sóc, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều phải tuân theo quy trình, khi nào thì hái, khi nào thì sao để nước trà có màu xanh cốm cũng là bí quyết của bản Ven chúng tôi - Khuyến “chè” quả quyết. Cái mà Khuyến “chè” còn trăn trở là đầu tư công nghệ hiện đại vào chế biến để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm chè.

Trong ngôi nhà sàn ấm áp, uống chén rượu tất niên tôi để ý thấy Khuyến “gốm”, Khuyến “chè” hàn huyên, hiến kế cho nhau với biết bao dự định lớn ở phía trước. Đáng ra chuyện về Khuyến “chè” tôi có thể kể dài hơn nữa nhưng đành phải dành “đất” trang báo này cho người vô cùng yêu đất là Khuyến “gốm”.

Khác với “Khuyến chè”, tôi biết “Khuyến gốm” hơn chục năm nay. Từ lúc vợ chồng Khuyến mới học mỹ thuật ra trường về quê xây dựng ngôi nhà cấp bốn cạnh làng Ngòi, vừa là nơi chui ra chui vào, vừa là chỗ để trông nom xưởng gốm. Tôi để ý bước đường lập nghiệp của Khuyến đúng là năm sau luôn hơn nhiều năm trước.

Từ cái ngày đầu lò đốt gốm bằng củi, bằng than, mẻ được, mẻ thua, thiếu vốn sản xuất, vợ chồng Khuyến vừa là chủ, vừa là thợ, gian nan, vất vả tứ bề. Thì bây giờ Khuyến đã có một cơ ngơi khang trang và mở rộng thêm nhà xưởng sản xuất mới chừng 500 m2, hai lò nung gốm bằng gas đỏ lửa suốt ngày đêm, đốt mẻ nào được mẻ đó với chất lượng sản phẩm đồng đều, ổn định.

Khuyến “gốm” rất giống Khuyến “chè” ở cái tính xởi lởi. Từ lúc bĩ cực đến thái lai lúc nào anh cũng rôm rả, lạc quan, vui như Tết. Với anh trên hết là tình yêu với gốm. Tất cả những cảnh đời sống thôn quê được bàn tay anh tạo tác vào gốm hết sức sống động. Mỗi sản phẩm đều được kết tinh bằng niềm đam mê nghệ thuật, sự cần mẫn của đôi bàn tay tài hoa cùng tình yêu văn hoá dân gian của anh.

Chất dân gian của gốm làng Ngòi thể hiện qua những hình tượng từ cây đa, bến nước, sân đình, cánh đồng, con sông đến hình tượng thằng Bờm, chú Cuội, phú ông, lão nông tri điền, liền anh liền chị và những nhân vật bước ra từ văn học như Chí Phèo, Thị Nở, chú Tễu... Có thể nhận thấy gốm làng Ngòi có phong cách đặc trưng là mộc mạc, dân dã, đậm đà bản sắc dân tộc.

Hồn dân tộc trường tồn với thời gian được Khuyến thổi vào gốm. Thành quả ra lò là sản phẩm gốm đẹp, độc đáo, lạ mắt. Hữu xạ tự nhiên hương. Không chỉ những công trình tâm linh đình, đền đặt làm mà nhiều nhà hàng, khách sạn sang trọng cũng tìm đến mua gốm làng Ngòi. Năm 2018, gốm làng Ngòi đánh dấu bước tiến vượt bậc khi trúng thầu thi công bức tranh gốm khổng lồ có diện tích hơn 2.200 m2 tại nút giao thông Cái Dăm, tỉnh Quảng Ninh. Bức tranh khắc họa rất nhiều kỳ quan thế giới. Hàng trăm nhân công phải thi công ngày đêm trong cả năm trời để hoàn thành bức tranh gốm đạt kỷ lục lớn nhất Việt Nam.

Tôi hỏi Khuyến, bị hút vào công trình lớn nên “bỏ” chú Cuội, chú Tễu, Chí Phèo, Thị Nở… rồi à? “Bỏ thế nào được bác - Khuyến nói - Đấy mới là những sản phẩm chính, niềm đam mê của em. Nhận công trình lớn để lan tỏa thương hiệu gốm làng Ngòi. Có như vậy thì các sản phẩm gốm dân dã, đậm đà bản sắc dân tộc của làng Ngòi mới được nhiều người biết tới. Mong muốn của em là truyền nghề cho nhiều người dân trong xã, từ đó thành lập hợp tác xã, tạo nên lượng hàng hóa lớn để bán ở trong và ngoài nước. Thì ra là vậy! Tôi khâm phục cách làm của Khuyến. Bức tranh gốm khổng lồ ở Quảng Ninh đúng là sự “bùng nổ” của thương hiệu gốm làng Ngòi.

Có câu ngạn ngữ đại ý rằng, muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau. Hẳn là cả Khuyến “gốm” và Khuyến “chè” đều thấm câu ngạn ngữ ấy cho nên hai anh luôn trọng chữ “tình” với đất quê mình, người quê mình để sản vật làng mình vươn xa.

Xuân Lương, xanh những nương chè
(BGĐT) - Khoảng 5 năm nay, xã Xuân Lương, huyện Yên Thế (Bắc Giang) được biết đến với những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch. Lợi thế của xã vùng cao đang được khơi dậy, phát huy và hứa hẹn tạo nên những đổi thay mới ở nơi vốn được coi là một trong những xã khó khăn vào bậc nhất của huyện.
 
Tiềm năng du lịch Xuân Lương
(BGĐT) - Xã Xuân Lương được huyện Yên Thế (Bắc Giang) chọn tổ chức Lễ hội văn hóa các dân tộc huyện Yên Thế lần thứ nhất, công bố cây di sản và khai trương năm du lịch 2017 vào ngày 15, 16 tháng 2.
 

Phóng sự của Trần Đức

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...