Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 30 °C / 26 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Gìn giữ nét đẹp văn hóa ngày Xuân

Cập nhật: 17:22 ngày 09/02/2019
(BGĐT)- Mỗi khi Tết đến xuân về, người Việt Nam ta lại có những phong tục văn hóa truyền thống mang ý nghĩa tốt đẹp như: Chúc thọ, mừng tuổi, xin chữ… Những phong tục đó được lưu giữ bao đời và duy trì đến nay.

{keywords}

Con cháu sum họp chúc thọ cụ Nguyễn Thị Nhớn, xã Tân Mỹ.

Để phúc cho con cháu

Năm nay, cụ Nguyễn Thị Nhớn, thôn Mỹ Cầu, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang) tròn 100 tuổi. Người già thêm tuổi con cháu thêm mừng. Ngày giáp Tết, con cháu phấn khởi tổ chức chúc thọ cụ thật long trọng, đầm ấm. Cả gia đình sum họp đông đủ, mặc trang phục đẹp cùng ăn bữa cơm vui vẻ. Dịp này còn có đại diện Uỷ ban MTTQ và một số tổ chức chính trị, đoàn thể của TP, xã Tân Mỹ đến chúc mừng, tặng quà. Cụ vinh dự khi được nhận quà của Chủ tịch nước gồm 5m vải lụa và 500 nghìn đồng.

Trong ngày chúc thọ, cụ mặc bộ quần áo lụa điều ngồi giữa con cháu, dáng khỏe mạnh, tươi vui hơn thường ngày. Nghe con cháu, xóm giềng chúc khỏe mạnh sống lâu để phúc đức cho con cháu, cụ Nhớn móm mém cười: “Sống đến tuổi này, tôi cũng chỉ mong trời phật phù hộ để con cháu luôn thuận hòa, gia phong được gìn giữ, mỹ tục quê hương được phát huy”.

{keywords}

Nhiều năm qua, công tác chăm sóc người cao tuổi cả về đời sống vật chất và tinh thần luôn được hội người cao tuổi các cấp đặc biệt quan tâm, trong đó duy trì tổ chức mừng thọ hằng năm. Hội Người cao tuổi tỉnh chỉ đạo các cấp hội tổ chức lễ mừng thọ cho người cao niên trang trọng nhưng đầm ấm, tiết kiệm, tránh phô trương lãng phí. Chính sự quan tâm của con cháu và mọi người trong xã hội có ý nghĩa góp phần động viên các cụ sống lâu, sống khỏe.

Ông Dương Văn Trọng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh

Đã thành truyền thống, trong những ngày đầu xuân, các gia đình, địa phương lại tổ chức trang trọng lễ chúc thọ, mừng thọ cho người cao tuổi. Đây là nét đẹp văn hóa lâu đời của người Việt Nam, thể hiện sự kính trọng, tấm lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ cũng như sự tôn trọng của xã hội đối với bậc cao niên. Dịp con cháu nói những lời tốt đẹp để tỏ lòng biết ơn, mong cha mẹ, ông bà được sống lâu, sống thọ, tặng một số lễ vật như tấm áo, chiếc khăn… hay làm thơ, câu đối, tặng chữ, tặng tranh để các cụ vui lòng.

Không chỉ mừng thọ tại gia đình, từ những ngày áp Tết cho đến ra Giêng, các thôn, tổ dân phố tổ chức lễ mừng thọ cho người cao tuổi. Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, các cấp hội trong tỉnh tổ chức mừng thọ cho gần 22 nghìn cụ, trong đó 93 cụ 100 tuổi được nhận quà của Chủ tịch nước; gần 1,4 nghìn cụ 90 tuổi được nhận quà của UBND tỉnh... Ngoài tiền mừng thọ trích từ ngân sách, nhiều địa phương vận động xã hội hóa nhiều phần quà động viên tinh thần các cụ.

Lời chúc may mắn, bình an

{keywords}

Niềm vui trẻ nhỏ khi được mừng tuổi.

Theo tục lệ xưa, dịp Tết, người lớn thường tặng trẻ em một khoản tiền nhỏ, bỏ trong phong bao màu đỏ với ý nghĩa tượng trưng cho may mắn và tài lộc, gọi là tiền mừng tuổi (lì xì). 

Tiền mừng tuổi thường là những tờ giấy bạc còn mới, cho  vào phong bao với ngụ ý số lẻ còn tiếp tục sinh sôi, nảy nở thêm, giá trị không lớn, mang tính biểu trưng và thường được cất kỹ như là bảo lưu sự may mắn của cả năm… Ý nghĩa chính không nằm ở “tiền” mà quan trọng là lòng mong ước các con cháu hay ăn chóng lớn, vui chơi, học hành tấn tới.

Ngày nay, những người ít tuổi nhưng đã có thu nhập thì có thể mừng tuổi cho bậc cao niên như cha mẹ, ông bà để chúc may mắn, sức khỏe, bình an. Bà Nguyễn Thị Thông, thôn Tiến Sơn, xã Hợp Đức (Tân Yên) chia sẻ: Ở quê tôi, việc mừng tuổi vẫn được duy trì trong những ngày Tết, xuân mới. Chúng tôi thường mừng tuổi các cháu số tiền nhỏ gồm đôi tờ 5 nghìn hoặc 10 nghìn đồng để các cháu gặp may mắn, bình an.

Tâm, đức ẩn chứa nơi con chữ

{keywords}

Ông đồ cho chữ tại đình Vĩnh Ninh (TP Bắc Giang).

Đã từ lâu, hình ảnh ông thầy đồ mài mực Tàu cho chữ tạo phong thái thanh tao, nho nhã đã quá quen thuộc với mọi nhà khi Tết đến, xuân về.

Tục lệ xin chữ bắt nguồn từ sự tin tưởng đầu năm sẽ có được những điều may mắn tốt lành ẩn chứa trong những con chữ, câu đối từ những nghệ nhân viết chữ đẹp như “rồng bay phượng múa”. Muốn vậy, những ông đồ phải dày công luyện tập, tham khảo, học hỏi thường xuyên với tâm thế “tâm bút hợp nhất”. 

Đại đa số thầy đồ không đặt nặng vấn đề tiền bạc, họ chỉ nhận tượng trưng số tiền nho nhỏ gọi là cho vui, tùy tâm của khách. Ngày xưa, nhiều gia đình giàu có thường mua khuôn vải đắt tiền, hay các loại giấy tốt để có thể lưu giữ được lâu và gần Tết, họ rước các thầy đồ nổi tiếng về tận nhà để cho chữ với khoản bồi dưỡng rất hậu.

Mấy năm gần đây, tục cho chữ - xin chữ đã từng bước được khôi phục và phát triển trở lại. Người xin chữ đầu năm thường là lớp trẻ đam mê mỹ thuật, lối viết thư pháp cầu kỳ hoa mỹ hoặc các “thượng đế” nhớ về nguồn cội với tấm lòng hoài cổ luôn mang nặng trong lòng. 

Chữ được cho phần nhiều là chữ quốc ngữ. Đội ngũ thầy đồ trẻ với lối viết thư pháp độc đáo có mặt ở các ngôi chùa, đền cổ, lễ hội hay hội chợ xuân, các điểm triển lãm ngày Tết gợi lại nét đẹp văn hóa dân gian. Những chữ thường được khách ưa chuộng là: Phúc, lộc, thọ, tài, nhẫn, đạt, hiếu, danh, tâm, đức… hay các câu đối như: “Tấn tài, tấn lộc, tấn bình an”, “Vinh quang phú quý thiên niên tận”… 

Cô đồ Trịnh Hiếu, 39 tuổi, ở đường Xương Giang (TP Bắc Giang) là hội viên CLB Thư pháp, từng đi thi viết thư pháp tại Hội chữ Xuân và được cấp chứng nhận của Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã nhiều năm cho chữ tại các lễ hội, đền chùa trên địa bàn tỉnh. Cô đồ Hiếu cho biết: Những ngày Tết vừa qua, tôi và một số bạn trẻ ngồi viết thư pháp tại chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), Khu Di tích chiến thắng Xương Giang (TP Bắc Giang) thấy số người yêu thích bộ môn này ngày càng đông, mỗi ngày có tới vài trăm lượt người xin chữ.

Để tục cũ luôn đẹp trong mùa xuân mới

Tục cũ với ý nghĩa tốt đẹp vẫn được lưu giữ đến ngày nay tạo những sắc màu văn hóa trong đời sống. Tuy nhiên, với một số người, tục lệ đã dần bị biến tướng với quan niệm “phú quý sinh lễ nghĩa”. Không ít nơi, gia đình tổ chức lễ mừng thọ quá rườm rà, làm nhiều cỗ, mời nhiều khách gây tốn kém, lãng phí. Đáng phê phán, một số gia đình đã lợi dụng tổ chức mừng thọ cho cha mẹ để phô trương và khiến khách đến phải lo khoản tiền mừng sao cho tương xứng, gây nhiều phiền toái.

Ông Thân Văn Lược, đường Hoàng Hoa Thám, xã Song Mai (TP Bắc Giang), một nhà giáo về hưu phàn nàn: Bên cạnh những món quà Tết, mừng tuổi để bày tỏ tình cảm, đã có những món quà bị lợi dụng để người ta thực hiện những tính toán cá nhân. Một số người coi chuyện quà Tết, tiền mừng tuổi chính là thể hiện đẳng cấp, là thước đo tình cảm. Tâm lý thực dụng của người lớn vô tình ảnh hưởng đến suy nghĩ của con trẻ gây ra tị nạnh, so bì giá trị đồng tiền. Chính vì thế, ý nghĩa tốt đẹp của tục lì xì đã dần mất đi.

Đối với không ít người cho chữ cũng đã có tâm lý thương mại hóa, dù khả năng còn hạn chế nhưng vẫn viết nguệnh ngoạc rồi lấy nhiều tiền của khách xin chữ. Thậm chí có trường hợp bạn trẻ mới tập tành viết, lợi dụng nhiều người có sở thích này đã thuê người viết theo kiểu công nghiệp kiếm tiền.

Thiết nghĩ mừng thọ cần giữ được nghi lễ cổ truyền, lại theo nếp sống mới là điều tất cả chúng ta cần biết và thực hiện. Việc tổ chức mừng thọ theo nếp sống mới cần được đưa vào hương ước của làng, sao cho vừa vui vẻ, tiết kiệm lại giữ gìn được tình làng nghĩa xóm. Cùng đó, vì mừng tuổi đầu năm là một nét đẹp văn hóa nên việc trao và nhận cũng cần được thực hiện đúng tinh thần vốn có của nó để có thể gìn giữ và giúp phong tục mừng tuổi Tết thêm ý nghĩa. 

Tiền mừng tuổi là ở cái tâm của con người chứ không phải cứ chơi “trội” là sang, là tốt. Cũng như người cho chữ và xin chữ cũng cần xuất phát từ cái tâm để mong muốn những điều tốt đẹp đến cho mọi người, mọi nhà. Đó cũng là một trong những việc làm để xây dựng đời sống văn minh, tiến bộ.

Lệ Thanh - Hữu Trình

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...