Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 36 °C / 27 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đọc sách để học và sống tốt hơn

Cập nhật: 08:21 ngày 30/03/2019
(BGĐT) - “Đọc sách để học và sống tốt hơn” là chuyên đề buổi nói chuyện của diễn giả Nguyễn Quốc Vương, Công ty cổ phần Xuất bản và Giáo dục Quảng Văn với các em học sinh, sinh viên TP Bắc Giang chiều 29-3 tại Thư viện Bắc Giang. Đây là cuộc giao lưu ý nghĩa về văn hóa đọc trong giới trẻ.

{keywords}

Diễn giả Nguyễn Quốc Vương nói chuyện về văn hóa đọc.

Đọc sách là hình thức học hiệu quả và tiết kiệm nhất

Diễn giả Nguyễn Quốc Vương sinh năm 1982 tại xã Liên Chung (Bắc Giang), từng là giảng viên Lịch sử của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đã có nhiều năm nghiên cứu, học tập tại Nhật Bản. Anh là một học giả tích cực dịch thuật, viết sách báo về chủ đề văn hóa, giáo dục và nỗ lực truyền cảm hứng đọc sách cho giới trẻ.

Phong cách trẻ trung với áo sơ mi, quần bò và giày thể thao cùng lối nói chuyện dí dỏm, gần gũi, diễn giả Nguyễn Quốc Vương khiến các học sinh, sinh viên hào hứng tham gia vào câu chuyện về sách và văn hóa đọc. Qua những gì đúc rút từ cuộc sống, những trải nghiệm khi học tập, nghiên cứu ở các vùng, miền, quốc gia, những người đã gặp và những cuốn sách mình đọc, diễn giả Nguyễn Quốc Vương khẳng định ý nghĩa quan trọng của việc đọc sách. Thực tế, những người thành đạt, giàu có trên thế giới đều là những người ham học và đọc sách.

Đơn cử như Bill Gates, doanh nhân giàu nhất thế giới đọc hơn 50 đầu sách mỗi năm. Dù có chu du qua bao nhiêu vùng đất hay gặp hàng ngàn người tài ba thì sách vẫn là một kho tàng kiến thức quan trọng bậc nhất với Bill Gates. Thậm chí ông còn duy trì thói quen đọc sách một tiếng trước khi đi ngủ dù công việc bận ra sao. 

Tương tự, tỷ phú Elon Musk - ông chủ của Tesla Motor và Space X - cũng được biết đến là “con mọt sách” từ thuở nhỏ. Vào năm 9 tuổi, Elon Musk đã đọc hầu hết những đầu sách có trong thư viện của trường, trong đó có cuốn bách khoa toàn thư Encylopedia Britannica dày khoảng 32 nghìn trang. Hay Tổng thống, tỷ phú Mỹ Donald Trump cũng chia sẻ: "Tôi yêu sách, tôi yêu thích việc đọc sách mỗi khi có cơ hội". Đồng thời ông còn là tác giả của nhiều cuốn sách…

{keywords}

Những chia sẻ về tác dụng và ý nghĩa của việc đọc sách.

Những người giàu có thường hiểu tiền chỉ có giới hạn và việc học, tích lũy kiến thức mỗi ngày mới có thể phát triển và bền lâu nên rất coi trọng sách và việc học tập hằng ngày, đồng thời dành những gì tốt nhất trong giáo dục cho con mình.

Diễn giả Nguyễn Quốc Vương nói, qua đọc những cuốn sách về lịch sử loài người cho thấy, con người khác với những loài động vật khác là có khả năng tưởng tượng và khả năng tổ chức xã hội. Từ khi chưa có máy bay, con người đã tưởng tượng mình có thể bay và qua đó đã chế tạo ra phương tiện có thể đưa mình bay lên bầu trời. Và sự đoàn kết đã giúp những con người nhỏ bé tiêu diệt được con vật to lớn hung dữ. Hai khả năng này chỉ được phát huy nhờ việc học hằng ngày cả ở trong nhà trường và trong cuộc sống, xã hội.

Nhìn ở cấp độ vĩ mô, sẽ thấy văn hóa đọc song hành với sự phát triển của quốc gia. Rất khó để tìm thấy một đất nước nào phát triển, văn minh mà ở đó văn hóa đọc lại thấp kém và ngược lại. Con đường cứu nước của bậc chí sĩ Phan Chu Trinh bắt đầu từ việc "khai dân trí" bởi ông hiểu rằng để đất nước nhỏ bé của chúng ta muốn thắng kẻ thù lớn mạnh hơn thì cần phải có kiến thức, cần giáo dục để tự lực tự cường, hội nhập vào thế giới văn minh. 

Ở cấp độ vi mô - cá nhân, việc đọc sách giúp con người trưởng thành về mặt tâm hồn, trí tuệ, có tư duy logic. Đọc sách cũng là một cách thức giải trí văn minh, lành mạnh giúp cá nhân cân bằng cuộc sống và cảm nhận được hạnh phúc. Đây là hình thức học tiết kiệm và hiệu quả nhất bởi có thể học ở bất cứ chỗ nào, bất cứ khi nào và ở nhiều lĩnh vực.

Vừa đọc vừa suy nghĩ

{keywords}

Cuộc nói chuyện thu hút nhiều bạn trẻ.

Theo anh Nguyễn Quốc Vương, việc cha mẹ đọc sách cho con ngay từ nhỏ rất quan trọng, qua đó giúp vốn từ ngữ của trẻ phát triển nhanh, tăng khả năng tư duy, liên tưởng, tưởng tượng từ đó tích lũy được nhiều kiến thức và kỹ năng sống, cách ứng xử với mọi người, đồng thời tạo được thói quen đọc sách cho trẻ. 

Cuộc nói chuyện càng cuốn hút khi Nguyễn Quốc Vương chia sẻ những câu chuyện về cách mà các gia đình và cả xã hội Nhật Bản nuôi dưỡng tình yêu và thói quen đọc sách cho một đứa trẻ. Trẻ em ở đây được đọc sách và chọn sách ở khắp mọi nơi, ở mỗi gia đình, cha mẹ luôn dành riêng một không gian để làm chỗ đọc sách, phòng đọc sách cho con. 

Khi con trai 3 tháng tuổi, gia đình anh Vương còn sống ở Nhật Bản, vợ chồng anh đưa con đi khám sức khỏe định kỳ. Hai người được phân công tiếp đón gia đình là một bác sĩ dinh dưỡng và một… thủ thư. Sau khi bác sĩ dinh dưỡng thăm khám và cung cấp các kiến thức tài liệu chăm sóc, nuôi dưỡng em bé, người thủ thư tặng anh một bộ truyện tranh và khuyên đọc cho con. Dù còn hoài nghi nhưng anh vẫn làm theo hằng ngày. Thật bất ngờ, bé tỏ rõ vẻ thích thú mỗi khi bố đưa cuốn sách ra đọc. Khi con 1 tuổi, anh cất cuốn đó đi và đọc cho con cuốn sách khác. Tuy nhiên sau này dù đã lớn hơn, mỗi khi đến thư viện hay hiệu sách, con anh thường tìm đúng cuốn sách đó và nói đó là cuốn mà mình yêu thích nhất.

Nguyễn Quốc Vương cho rằng, khi nhỏ, cha mẹ và thầy cô cần định hướng cho con nên đọc loại sách gì nhưng sau 18 tuổi các em nên đọc tất cả các loại sách để bổ sung kiến thức ở các lĩnh vực. Tuy nhiên khi đọc không nên tin tuyệt đối vào sách mà cần vừa đọc vừa phản biện, thậm chí phê phán.

{keywords}

Các em học sinh chia sẻ về cách đọc sách.

Trong câu chuyện, các em học sinh, sinh viên chia sẻ những cách đọc sách của mình. Có em nói rằng chỉ thích xem tranh, có em lại nói chỉ đọc những đoạn cảm thấy hay, có em chọn đọc từng phần sau khi xem mục lục. Theo anh Vương, đọc sách hiệu quả là vừa đọc vừa tưởng tượng. Chính anh khi đọc những cuốn sách như: “Hai vạn dặm dưới đáy biển”, “Tây du ký”, “Nàng tiên cá”… anh thường tưởng tượng mình là một trong những nhân vật hay ở những hoàn cảnh, khung cảnh trong sách. Việc đọc sách cũng hiệu quả khi vừa đọc và ghi chép những đoạn hay, hoặc đặt câu hỏi, quan sát cũng như kể lại cho người khác về cuốn sách đó.

Nhân dịp này, nhiều bạn trẻ mạnh dạn bày tỏ suy nghĩ, những thắc mắc làm sao để nâng cao hiệu quả của việc đọc sách và xây dựng văn hóa đọc tại gia đình, nhà trường. Với chia sẻ của em Vũ Duy Nam, lớp 7 Trường THCS Mỹ Độ về tâm lý ngại và chán khi đọc cuốn sách quá dày, anh Vương khuyên, hãy đừng tham đọc nhiều một lúc mà đọc mỗi ngày một chút, đừng quan tâm bao giờ đọc xong mà quan tâm sách thú vị như thế nào. 

Trả lời câu hỏi của một số bạn trẻ làm thế nào có nhiều sách để đọc khi không có tiền, anh Vương cho rằng nên đến thư viện để có thể tìm được nhiều loại sách và tham gia các câu lạc bộ đọc sách để trao đổi sách với mọi người. 

Em Trần Thị Thơm, lớp 11 Chuyên Văn, Trường THPT Chuyên Bắc Giang bày tỏ: “Cuộc nói chuyện chuyên đề về sách rất bổ ích, diễn giả nói chuyện rất hay, cuốn hút. Em rất thích câu kết của diễn giả: Cuộc sống của con người vốn ngắn ngủi, vì vậy chúng ta phải tranh thủ dành thời gian đọc và học, tích lũy kiến thức để cuộc sống thêm ý nghĩa".

Lệ Thanh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...