Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 32 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nhà văn hóa dân gian Trần Quốc Thịnh: Một đời tâm huyết với nghề

Cập nhật: 07:00 ngày 06/07/2019
(BGĐT) - Anh Trần Quốc Khải - con trai trưởng của ông Trần Quốc Thịnh - nhà văn hóa dân gian có tặng tôi cuốn sách về cha mình nhân bốn năm ông mất (2015). Cuốn sách tập hợp các bài báo, trích những tác phẩm tiêu biểu của ông và một số bài viết của bè bạn, người ruột thịt với ông.

Cầm cuốn sách trên tay, hình ảnh ông Trần Quốc Thịnh sừng sững trở lại trong tôi. Với tôi, ông là tấm gương đầy nghị lực, vô cùng tâm huyết với nghề, một con người cần mẫn, cần lao trong lao động nghệ thuật.

Ông sinh năm 1936 tại thôn Thất Gian, xã Châu Phong, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, sinh sống, làm việc tại Bắc Giang từ năm 1974, trải qua công tác tại Liên đoàn Lao động, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh. 

{keywords}

Chân dung nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Quốc Thịnh.

Năm 40 tuổi, ông mới vào học Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ngoài tuổi năm mươi lại tiếp tục học thêm Đại học Luật hệ tại chức. Trước khi cắp sách tới Trường Đại học, ông đã trải qua bao công việc vất vả, cực nhọc: Làm ruộng, chăn vịt, thợ may, thợ lò vôi. 

Nhưng ngay những năm tháng ấy, ông đã sáng tác thơ ca, sưu tầm các câu chuyện dân gian. Từ ngày là công chức nhà nước, ông chú tâm vào loại hình nghệ thuật dân gian như nghiên cứu, sưu tầm văn hóa phi vật thể cùng với sáng tác văn học (truyện, tiểu thuyết). Cho tới ngày mất, ngoài hàng trăm bài báo in trên báo chí Trung ương, địa phương, ông đã có 28 đầu sách, chủ yếu là nghiên cứu, sưu tầm.

Sức làm việc của ông thật đáng nể trong điều kiện đời sống lam lũ. Ở căn nhà ngang chật hẹp, nuôi vợ và hai cháu, ông vẫn mê mải, cặm cụi viết. Vợ ông làm nông nghiệp, được đưa ra ở tại phường Hoàng Văn Thụ, TP Bắc Giang từ năm 1982. Về hưu không có lương do giảm biên chế, lĩnh tiền một lần, ông vẫn đi thực tế, viết, in sách và tự đi bán sách của mình. 

Điều thán phục là dù không đồng lương hằng tháng, ông lại đi điền dã nhiều hơn, viết khỏe hơn, sách ra đều đặn. Nhiều người dân quê coi ông như người nhà, nhiệt tình giúp ông trong công việc. Ông luôn sống lạc quan trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Ông ở đâu là có tiếng cười ở đấy. 

Cái tính giản dị, xuề xòa, hài hước, bộc trực, thẳng thắn giúp ông gần gũi thân thuộc với quần chúng. Vẫn là những câu chuyện dân gian nhưng qua cách kể của ông mới thực hấp dẫn, sinh động. Ông là tác giả đứng đầu cả nước về tác phẩm làng cười nước Việt. Nhiều người gọi ông là “Trạng cười”, không phải chỉ là cách kể vui nhộn, mà còn vì những bộ sách đồ sộ về chuyện cười - Bói thấy vàng, Truyện làng cười xứ Bắc, Số được vàng, Những làng cười Việt Nam, Tuyển tập tiếu lâm xứ Bắc.

Tôi nghĩ, ông có công lao rất lớn trong việc phục hồi chiếng chèo xứ Bắc mà mở đầu là phong trào hát chèo ngay tại quê ông. Chính chèo cổ truyền làng Thất Gian đã trở thành “địa chỉ đỏ” của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Tác phẩm “Chèo cổ truyền làng Thất Gian” dày 800 trang của ông được phát hành trong và ngoài nước.

Ông Trần Quốc Thịnh, Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội viên Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Bắc Giang - đã không còn nữa trong lúc đang còn đau đáu bao kế hoạch ấp ủ, bao dự định dở dang, bao bản thảo đã xong nhưng chưa kịp in ấn.

Với tôi, ông Thịnh cùng những người đã khuất như: Vũ Dung, Hồng Thao, Trần Linh Quý- những nhà văn hóa tài năng, nhiệt huyết, là tấm gương sáng ngời cho thế hệ mai sau mà hiện giờ còn quá ít ỏi.

Tôi rưng rưng khi đọc những trang viết xúc động về cha mình của người con hiếu thảo - nhà báo, luật gia Trần Quốc Khải. Mỗi trang viết như đẫm mồ hôi và nước mắt. “Ôi, những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ”. Câu thơ của nhà thơ quá cố Vũ Đình Liên từ thuở xa xưa cứ ám ảnh, hằn sâu trong tâm trí tôi tận lúc này.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Quốc Thịnh: Làng cười Đông Loan - Có tức mới sinh cười
(BGĐT) - Với chiếc xe đạp cà tàng rong ruổi khắp vùng Kinh Bắc, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Quốc Thịnh đã cho “ra lò” 21 đầu sách, trong đó nhiều cuốn dày sáu, bảy trăm trang, có cuốn dày hai nghìn trang. Trong một lần cùng ông về làng cười Đông Loan, tôi mới hiểu thế nào là “Châm biếm tri thoại”.

Đỗ Nhật Minh 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...