Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 27 °C / 25 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nghệ nhân nhân dân Hoắc Công Chờ: Nặng lòng với quan họ cổ

Cập nhật: 08:50 ngày 04/09/2019
(BGĐT) - Năm 2019 đánh dấu chặng đường 10 năm dân ca quan họ được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Một thập kỷ qua, tỉnh Bắc Giang đạt nhiều kết quả tích cực trong bảo tồn, phát huy giá trị của quan họ. Đóng góp vào thành tựu chung phải kể tới những nghệ nhân - “báu vật sống”, trong đó có Nghệ nhân Nhân dân Hoắc Công Chờ.

Thôn Trung Đồng, xã Vân Trung (Việt Yên) là một trong số những làng quan họ cổ của Bắc Giang, được xem như “ngôi làng của những nghệ nhân quan họ” với 4 Nghệ nhân Ưu tú được phong tặng đợt I (năm 2015). Riêng ông Hoắc Công Chờ (SN 1936) nay được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân - người thường được mọi người gọi là “Nghệ nhân của các nghệ nhân”.

{keywords}

Nghệ nhân Hoắc Công Chờ trong một canh hát với thành viên CLB quan họ Trung Đồng. Ảnh: Tiến Đạt

Lớn lên từ cái nôi của quan họ bờ Bắc sông Cầu, 7 tuổi ông Hoắc Công Chờ đã theo mẹ xem hát, nghe hát ở đình làng. Lời ca quan họ mượt mà, đằm thắm lúc ấy cứ ngấm dần, ngấm dần theo thời gian và tâm hồn cậu bé nhỏ tuổi. Ông tâm sự: Chính từ những buổi nghe hát ấy, từng lời quan họ được tôi khắc ghi trong tâm khảm và dưới sự hướng dẫn của mẹ cùng các liền anh, liền chị trong làng, tôi bắt đầu hát rồi say mê, dành nhiều tâm huyết cho quan họ.

Hát quan họ từ nhỏ nên khi trưởng thành, Hoắc Công Chờ trở thành liền anh nổi tiếng trong vùng nhờ kỹ thuật hát hoàn chỉnh với chất giọng vang, rền, truyền cảm. Năm 1962, ông đứng ra thành lập đội hát quan họ Trung Đồng với mục đích khơi dậy niềm đam mê dân ca cho người dân, vừa để phục vụ bà con lối xóm, vừa lưu giữ giá trị văn hóa của loại hình nghệ thuật truyền thống này. Cho tới tận năm 2017, dù nhiều lần đổi tên và phát triển thành câu lạc bộ (CLB), ông vẫn giữ trọng trách “chèo lái” đội hát mà mình dồn nhiều tâm huyết.

Trong suốt những năm tháng qua, ngoài trực tiếp hát và tổ chức hoạt động cho CLB, ông Chờ vẫn luôn say mê nghiên cứu, sáng tác và sưu tầm những làn điệu quan họ cổ của làng Trung Đồng. Theo ông, lối hát ở Trung Đồng khác hẳn những lối hát khác, thể hiện rõ nét mộc mạc, gần gũi của làng quê. Yêu cầu của quan họ Trung Đồng cũng rất cao khi người hát phải kết hợp được giữa lời hát với cách đi, đứng. Cùng đó, để mở mang kiến thức, nhiều lần ông lặn lội sang Bắc Ninh tìm thầy để học tập, tiếp thu những kiến thức, làn điệu quan họ mới từ tỉnh bạn.

Điều đáng mừng ở chỗ, những hiểu biết về quan họ, kỹ năng hát quan họ ông không dành riêng cho bản thân mà đều đem ra truyền thụ, chia sẻ lại cho người có cùng niềm đam mê, nhất là thế hệ trẻ. Đây là điều giải thích vì sao ông thường xuyên đi hát, giao lưu ở nhiều vùng quê trong huyện suốt hơn nửa thế kỷ qua, từ Thổ Hà (Vân Hà), Trại Đồi (Minh Đức) cho tới Nội Ninh, Hữu Nghi (Ninh Sơn)… Hầu hết thành viên CLB quan họ Trung Đồng hiện nay (gần 40 người) ít nhiều đều được ông trao đổi, hướng dẫn về kỹ thuật hát quan họ cổ Trung Đồng như các bà: Vũ Thị Hường, Hoắc Thị Kiêm.

83 tuổi với hơn 70 năm hát quan họ, nghệ nhân Hoắc Công Chờ tích lũy vốn kiến thức, kỹ thuật cơ bản và văn hóa quan họ hàng đầu tỉnh Bắc Giang. Ông chia sẻ, hiện nay bản thân nhớ, lưu giữ hơn 100 làn điệu cổ, trong đó những làn điệu như: “Khuyên con đi học”, “Em là con gái Trung Đồng”, “Vốn khi xưa con nhà họ Mãng”, “Phúc trắc”, “Ông lang Nhẫn ngồi tu đỉnh núi”… gần như chỉ có quan họ Trung Đồng mới có. Trong khi đó, những làn điệu quan họ như: “Nguyệt gác mái đình”, “Đêm qua nhớ bạn”, “Cái ời cái ả”… ông cũng thuộc làu và hát nhuần nhuyễn.

Tháng 3-2019, ông Hoắc Công Chờ được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân. Dù tuổi đã cao, giọng hát không còn khỏe, đẹp như thời thanh xuân, thế nhưng chưa một ngày nào ông ngưng nghỉ công việc của mình. Nghệ nhân tâm niệm, quê hương ông may mắn là cái nôi của những câu dân ca quan họ ngọt ngào, sâu lắng và thế hệ hậu duệ như ông phải có trách nhiệm gìn giữ và trao truyền cho đời sau.

Khai giảng lớp truyền dạy hát chèo và quan họ
(BGĐT)- Trung tâm Văn hóa điện ảnh tỉnh phối hợp với Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao TP Bắc Giang, UBND phường Hoàng Văn Thụ vừa tổ chức khai giảng lớp truyền dạy hát chèo và hát quan họ năm 2019.
Giã biệt người “Làng quan họ quê tôi”
(BGĐT)- Tôi chỉ biết Nguyễn Phan Hách từ giữa năm 1971, khi cùng Trần Ninh Hồ, Nguyễn Phan Hách, Trần Anh Trang đi dự Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ hai tại Thủ đô Hà Nội (lần thứ nhất tổ chức năm 1956). Anh Vũ (Vũ Công Ứng) cũng có trong danh sách nhưng không hiểu lý do gì đã vắng mặt. Có một kỷ niệm chẳng hay ho gì nhưng vẫn nhớ mãi. 
Tiếp tục tôn vinh và gìn giữ dân ca quan họ
(BGĐT) - Đứng ra sáng lập và tài trợ cho hoạt động của Câu lạc bộ (CLB) Quan họ BAGICO từ hơn 10 năm nay, chị Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch HĐQT - Giám đốc Công ty cổ phần BAGICO, huyện Việt Yên (Bắc Giang) mong muốn góp phần gìn giữ vốn di sản văn hóa quý báu của quê hương.   

Quốc Trường

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...