Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Quan họ cổ bờ Bắc sông Cầu

Cập nhật: 07:00 ngày 22/09/2019
(BGĐT) - Kể từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX trở về trước, nguồn tài liệu ghi chép từ các nhà viết sử phong kiến hầu như không cho chúng ta biết rõ về sự tồn tại của tục hát quan họ. 

Phải đến đầu thế kỷ XX, dân ca quan họ mới trở thành một hiện tượng văn hoá cuốn hút hàng loạt các học giả trong nước như: Chu Ngọc Chi (1928), Việt Sinh (1933), Nguyễn Văn Huyên (1934), Minh Trúc (1937), Nguyễn Duy Kiện (1940), Dương Quảng Hàm (1943), Toan Ánh (1943)… lần lượt công bố kết quả khảo sát, mô tả về vùng sinh hoạt dân ca quan họ. Qua đó lần đầu tiên chúng ta biết đến những địa danh, hình thức tổ chức bài bản, quan hệ kết nghĩa và những sinh hoạt độc đáo khác của quan họ vùng Kinh Bắc. 

Kết nối đôi bờ sông Cầu

{keywords}

Các liền anh, liền chị CLB quan họ Đình Cả, xã Quảng Minh (Việt Yên).  Ảnh: Nguyễn Hưởng

Theo học giả Minh Trúc, không gian ấy gồm nhiều làng của 4 huyện: Võ Giàng (nay là Quế Võ), Tiên Du, Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) và huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang). 

Căn cứ chu kỳ dịch chuyển của các lễ hội có hát quan họ, học giả Toan Ánh nhận thấy từ mồng 4 tháng Giêng, khi mùa hát quan họ ở khắp mọi làng xứ Bắc bắt đầu, trai gái thường tụ họp nhau để hát từ hội Chắp (Hữu Chấp) rồi lần lượt hẹn nhau đi các hội ở huyện Võ Giàng, Yên Phong, Tiên Du (Bắc Ninh), Lục Ngạn, Việt Yên (Bắc Giang). Như vậy, theo học giả Toan Ánh: Không gian văn hoá quan họ không chỉ gồm 4 huyện như tác giả Minh Trúc đã trình bày, mà còn có cả huyện Lục Ngạn!

Đã hàng trăm năm qua, trên các triền cao ven sông Cầu, từ dãy Nham Biền (Yên Dũng) đến dải núi của đất Việt Yên, sinh hoạt văn hóa quan họ thực sự đã diễn ra tại nhiều làng quê, như: Bùi Kép, Bùi Bến xã Yên Lư, huyện Yên Dũng, đến làng Đình Cả (Quảng Minh), Hạ Lát (Tiên Sơn), Trung Đồng (Vân Trung), Thổ Hà (Vân Hà), Quang Biểu (Quang Châu) thuộc huyện Việt Yên; làng Cẩm Xuyên (Xuân Cẩm) thuộc huyện Hiệp Hoà. 

Từ đầu thế kỷ XX trở lại đây, hàng loạt các làng quan họ thuộc Việt Yên (Bắc sông Cầu) có tục kết chạ với các làng quan họ thuộc tỉnh Bắc Ninh (Nam sông Cầu): Làng Thổ Hà kết chạ với làng Diềm; làng Trung Đồng kết chạ với Thượng Đồng và Hạ Đồng; làng Nội Ninh kết chạ với làng Hàn, Diềm; làng Mai Vũ kết chạ với Chấp Bút; làng Hữu Nghi kết chạ với Cao Lôi; làng Tiên Lát kết chạ với Bịu Sim… Chính nhờ mối kết chạ này, các cặp nghệ nhân quan họ từ hai phía có sự gắn bó, giao lưu và sáng tạo trong sinh hoạt quan họ.

Nhà nghiên cứu quan họ Trần Linh Quý, trong đợt khảo sát không gian sinh hoạt văn hóa quan họ và nghiên cứu tiêu chí nghệ nhân, đã tin rằng có 5 làng: Thổ Hà, Mật Ninh, Thần Chúc, Trung Đồng, Lát (Thượng Lát và Tiên Lát), là những làng quan họ cổ”, ông nhận định: “Ngồi nghe, quan sát các cụ ở cả 5 làng kể trên hát các bài Đương bạn Kim Lan, Giăng non, Giăng già, Tuấn Khanh, Đường xa đi có một mình, Áo xếp nếp người,… ta sẽ thấy từ phong cách hát đôi, hát đối với giọng thật, âm thanh vang, rền, nền, nảy, ngắt, rớt… tôi có cảm giác như còn dấu vết quen thuộc của tiếng hát mà tôi đã nghe các cụ bà, cụ ông ở Bồ Sơn, Khả Lễ, Đào Xá, Viêm Xá… hát vào những năm 1970 - 1980”!

Quan họ lan tỏa trên đất Bắc Giang

{keywords}

Hát quan họ trên sông Cầu ở làng Thổ Hà, xã Vân Hà (Việt Yên).   Ảnh: Tiến Đạt

Sinh hoạt văn hóa quan họ xưa cứ vậy kéo dài đến cuối những năm 50, đầu những năm 60 thế kỷ trước và tạm ngưng bởi chính quyền tạm thời cấm mọi sinh hoạt văn hóa tụ tập đông người để tập trung cho nhiệm vụ trọng đại chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, xây dựng Chủ nghĩa xã hội và dồn sức cho giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Từ cuối những năm 60 thế kỷ trước, sinh hoạt dân ca quan họ mới dần hồi sinh. Tuy nhiên, mọi nguồn lực sưu tầm, nghiên cứu dân ca quan họ trong phạm vi hành chính phía Bắc sông Cầu vẫn chỉ tập trung vào 5 làng quan họ của huyện Việt Yên như đã công bố. Trong khi đó, hàng loạt các làng quan họ thuộc các huyện Hiệp Hòa, Yên Dũng, Lục Ngạn… chưa được quan tâm khảo sát, nghiên cứu.

Hơn chục năm gần đây, không gian sinh hoạt văn hóa quan họ Bắc Giang đã có nhiều biến đổi. Với nhiều làng quê, không gian văn hóa quan họ gần như không thay đổi, nhưng nghề nghiệp đã và đang có sự pha trộn. Bóng dáng của “cây đa - bến nước - sân đình” dù vẫn hiện hữu trong đời sống nhưng các cuộc giao lưu quan họ đã biến đổi, không còn cảnh nhập bọn, tụ bọn đam mê với lời ca “thâu đêm suốt sáng” như xưa. 

Quan họ truyền thống không có nhạc đệm và chủ yếu hát đôi/cặp giữa liền anh và liền chị vào dịp lễ hội xuân thu nhị kỳ ở các làng quê. Tuy nhiên, khoảng hơn chục năm gần đây, quan họ đã được mở rộng/tiếp nhận hình thức biểu diễn trên nền nhạc đệm, nhiều bài quan họ được cải biên. 

Chính vì lẽ đó, bản sắc đã có phần biến đổi, cái hồn của quan họ xưa có phần phai nhạt. Những bài quan họ cổ xuất hiện ít hơn, trình diễn quan họ theo lề lối cổ cũng dần mất đi, hầu như không có sự sáng tạo, ứng tác trong cuộc thi.

Nếu trước đây, hát quan họ được xem là lối sinh hoạt quen thuộc của người dân Kinh Bắc nhằm giao lưu kết bạn giữa các liền anh, liền chị, gửi gắm tâm tư tình cảm của mình trong câu hát, đồng thời cũng là cung cách thực hành để giữ gìn nét đẹp văn hóa của vùng quê thì ngày nay, không ít cuộc hát/sinh hoạt quan họ đã trở thành những tiết mục biểu diễn văn nghệ, quan họ được biểu diễn trong các buổi tiệc tùng, những tiết mục được xây dựng dường như chủ yếu hướng đến hình thức, trong khi nội dung và chất lượng lại là thứ yếu và dần mất đi bản sắc vốn có. 

Nguyên nhân có thể là do những “báu vật sống” hát quan họ theo lối cổ, vốn đã dần khan hiếm, nay lại khó hòa hợp với đội ngũ những nghệ sĩ hát quan họ hiện đang “diễn” theo lối mới, hát theo dàn nhạc và không gian thông thoáng rộng mở hơn xưa!

Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị dân ca quan họ tại Bắc Giang, vẫn cần nhiều vấn đề đang đặt ra, đòi hỏi sự quan tâm hơn nữa của chính quyền, cơ quan chức năng và cộng đồng. Chẳng hạn, quan tâm đến các thế hệ nghệ nhân bằng các chính sách thiết thực; mở rộng khảo sát nghiên cứu không gian văn hóa quan họ ở các huyện: Lục Ngạn, Yên Dũng, Lục Nam; đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ thực hành di sản, hướng đến xây dựng các điểm phục vụ phát triển du lịch của địa phương…

Bắc Giang đưa di sản thấm sâu vào cộng đồng, để quan họ, ca trù lan tỏa, trường tồn cùng dân tộc (*)
(BGĐT)-Diễn văn Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh đọc tại Lễ kỷ niệm 10 năm dân ca quan họ, ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ II, năm 2019. 
Bắc Giang kỷ niệm 10 năm quan họ, ca trù được UNESCO vinh danh - lan tỏa sức sống di sản
(BGĐT) - Tối 7-9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm dân ca quan họ và ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ II, năm 2019.
Cái tình của người quan họ
(BGĐT) - “Trọng nhau vì nghĩa, mến nhau vì tài” là cái tình của người quan họ. Cái tình ấy được nâng niu, gìn giữ, trở thành “lời ăn nết ở”, cốt cách người quan họ. Cái tình ấy tạo nên sức sống cho quan họ hàng trăm năm qua và lan tỏa sinh động trong cuộc sống hôm nay.
Dấu ấn 10 năm quan họ, ca trù được UNESCO vinh danh
(BGĐT)-Sau 10 năm thực hiện những cam kết với UNESCO về bảo tồn, phát huy giá trị dân ca quan họ và ca trù, tỉnh Bắc Giang đã đạt kết quả rất đáng tự hào. Quan họ và ca trù ngày càng lan tỏa rộng và trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa cộng đồng.
Tiên Sơn "thắp lửa" đam mê quan họ cho thế hệ trẻ
(BGĐT)-Xã Tiên Sơn là một trong những nơi có nhiều làng quan họ cổ của huyện Việt Yên (Bắc Giang). Không những người lớn tuổi, nhiều trẻ em nơi đây đang từng ngày, từng giờ được truyền cảm hứng tình yêu quan họ qua các buổi sinh hoạt bổ ích.
Nghệ nhân nhân dân Hoắc Công Chờ: Nặng lòng với quan họ cổ
(BGĐT) - Năm 2019 đánh dấu chặng đường 10 năm dân ca quan họ được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Một thập kỷ qua, tỉnh Bắc Giang đạt nhiều kết quả tích cực trong bảo tồn, phát huy giá trị của quan họ. Đóng góp vào thành tựu chung phải kể tới những nghệ nhân - “báu vật sống”, trong đó có Nghệ nhân Nhân dân Hoắc Công Chờ.
Bế mạc Liên hoan hát quan họ, ca trù tỉnh Bắc Giang: Góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản
(BGĐT)-Sau gần hai ngày với 63 tiết mục biểu diễn đặc sắc, đậm chất văn hóa dân gian, Liên hoan hát quan họ, ca trù tỉnh Bắc Giang đã khép lại vào chiều 24-8.
10 huyện, thành phố tham gia Liên hoan hát quan họ, ca trù tỉnh Bắc Giang
(BGĐT)-Tối 23-8, tại Rạp Sông Thương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang tổ chức khai mạc Liên hoan hát quan họ, ca trù toàn tỉnh năm 2019. 

GS.TS  Bùi Quang Thanh Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...