Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 32 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

"Nàng thơ" trong tranh Bùi Xuân Phái

Cập nhật: 08:09 ngày 01/03/2020
Bùi Xuân Phái đã vẽ khoảng 300 bức tranh về Văn Dương Thành. Chị là “nàng thơ” số một trong tranh của danh họa. 

Nhịn ăn sáng để gom minh họa của Bùi Xuân Phái

Văn Dương Thành lâu nay được nhiều người nhắc đến như một mỹ nhân, có thể vì chị từng là người mẫu trong tranh của một số danh họa, nhất là danh họa Bùi Xuân Phái. Văn Dương Thành trở thành “nàng thơ” trong tranh Bùi Xuân Phái không hẳn vì vẻ ngoài. Chị gặp Bùi Xuân Phái khi mới 17, 18 tuổi. Tình yêu hội họa là điểm gặp gỡ đầu tiên giữa hai người.

{keywords}

Bùi Xuân Phái và “nàng thơ” Văn Dương Thành.

Văn Dương Thành bén duyên hội họa lúc 7 tuổi: “Hồi ấy, gia đình tôi đi làm cách mạng, nghèo lắm. Nhà không có đàn, không có điều kiện mời thày dạy nhạc. Trước đây, các anh chị của tôi toàn chơi đàn. Một hôm, cha tôi bận công việc phải ra khỏi nhà nên đưa cho tôi mảnh giấy bé cùng cái bút chì để tôi vẽ chơi. Khi trở về nhà, cha ngắm hình vẽ và khen: Con vẽ hay thế. Hãy cố lên”.

Cha Văn Dương Thành, một nhà trí thức và cách mạng yêu nước, mất sớm. Chị được gửi vào trường dòng ở Hải Phòng. Học nội trú, không có mẹ, không có anh em bên cạnh, Thành cảm thấy cô đơn nên vẽ nhiều hơn. 

Một ngày nọ, Diệp Minh Châu, khi đó là giảng viên Trường Mỹ thuật ở Hà Nội đến trường, ngắm bức vẽ của cô bé 10 tuổi, ông thích nên đề nghị cô bé cho mượn để mang về trường. Không ngờ, năm sau Thành nhận được giấy gọi đi học. Dù tình cảnh mẹ góa, con côi song bà vẫn quyết định cho con gái của mình theo đuổi đam mê hội họa. 

Sau một thời gian học mỹ thuật, chị biết đó là con đường mình sẽ gắn bó trọn đời. Trên con đường hội họa, nhiều cơ hội đã mở ra cho Văn Dương Thành, trong đó có cơ duyên gặp gỡ Bùi Xuân Phái.

Vốn yêu văn chương nên Văn Dương Thành thích đọc báo Văn nghệ. Không ngờ, trong báo Văn nghệ thuở ấy, còn có thứ lôi cuốn chị hơn cả văn chương, đó là những minh họa của Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Văn Cao… Lần đầu được ngắm minh họa của các anh tài chị đã mê ngay, từ đó quyết định nhịn ăn sáng dành tiền mua báo. Những minh họa trên báo được chị cắt ra dán vào quyển sổ. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, đến nay Văn Dương Thành vẫn giữ cuốn sổ ấy.

Khi chị 17, 18 tuổi, người anh của chị, một Phó tiến sĩ khoa học, dẫn chị đến chơi nhà một người bạn. Tại đây, chị gặp Bùi Xuân Phái. Thời buổi khó khăn, danh họa gầy xơ xác khiến Văn Dương Thành không khỏi cảm thương. Chị kể cho ông chuyện sưu tầm minh họa trên báo Văn nghệ, danh họa rưng rưng nước mắt. Ông mời hai anh em Văn Dương Thành qua nhà chơi để gặp vợ ông và các con của ông. Mối quan hệ giữa họ hình thành từ đó.

Người con gái mắt lá dăm không biết chê bai, hờn giận

Người mẫu trong tranh Bùi Xuân Phái không phải chỉ có mỗi Văn Dương Thành. Song chắc chắn Văn Dương Thành là người gợi nhiều cảm hứng sáng tạo nhất cho danh họa. Theo “nàng thơ”, Bùi Xuân Phái thích vẽ chị, vì: “Người ta bảo tôi hơi giống bác gái thời trẻ (bà Nguyễn Thị Sính). Nhưng cái chính là trông tôi rất Việt Nam: Mắt lá dăm, ti hí, rất nhà quê”. 

{keywords}

Họa sĩ Văn Dương Thành.

Ngoài ra, vì cùng nghề cầm cọ, nên Văn Dương Thành tôn trọng người sáng tạo hơn những cô người mẫu xinh đẹp khác. Bác khen Văn Dương Thành là người mẫu lý tưởng, không bao giờ chê bai, không bao giờ bình luận, không bao giờ buồn rầu.

Theo tiết lộ của chị, bức tranh cuối cùng Bùi Xuân Phái vẽ Văn Dương Thành theo lối bóp méo hình khối rất độc đáo, khổ 30x40 đã được gia đình danh họa bán cho một người Đài Loan 5 năm trước. 

Trước khi Bùi Xuân Phái mất khoảng 2 năm, Văn Dương Thành đã mời hai vợ chồng danh họa đến trao tặng bức tranh khổ lớn hiếm hoi. Đến nay, bức tranh này đã lưu lạc. 

Họa sĩ, “nàng thơ” của Bùi Xuân Phái đương nhiên vẫn giữ được nhiều bức Bùi Xuân Phái vẽ mình, do tác giả tặng hoặc được chị mua lại từ gia đình. Ngoài bức tranh vẽ thiếu nữ áo hồng đọc sách đang lưu lạc, Bùi Xuân Phái còn vẽ thiếu nữ áo đỏ dưới trăng. 

“Thiếu nữ áo đỏ dưới trăng” đã được một viện bảo tàng mua ngay sau khi bức tranh hoàn thành. Là họa sĩ nên ngoài thời gian làm mẫu cho Bùi Xuân Phái, Văn Dương Thành còn vẽ ông. Trong số đó có một bức được danh họa cho điểm cao: “Đó là một bức màu đen, bác thích lắm nên mượn treo”, chị nói.

Vẽ “nàng thơ” bằng tưởng tượng

Suốt bao năm Văn Dương Thành ở nước ngoài, Bùi Xuân Phái vẫn vẽ chị trong tưởng tượng. Bà Nguyễn Thị Sính, vợ Bùi Xuân Phái từng đan cho “nàng thơ” của chồng một cái khăn dài 2m và một cái mũ để chị chống chọi với cái lạnh nơi xứ người. 

Rất nhiều người nghĩ quan hệ giữa danh họa và “nàng thơ” ẩn chứa một tình yêu (trai gái) ngầm. Văn Dương Thành phủ nhận: “Nếu là mối tình bình thường thì quên nhau lâu rồi. Đằng này, rất nhiều năm sau ngày bác mất tôi vẫn làm triển lãm cho bác ở Thụy Điển. Chỉ có tình nghệ sĩ tri kỉ “đồng thanh tương ứng”, tình thầy trò mới bền lâu thế, cho dù khi tôi vào trường bác đã không còn dạy”. 

Sắp tới, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Bùi Xuân Phái (1-9-1920), Văn Dương Thành dự định mở một triển lãm trong đó giới thiệu những tác phẩm của Bùi Xuân Phái và Văn Dương Thành. Hiện nay, Văn Dương Thành đã vẽ 100 bức tranh về Bùi Xuân Phái.

Giải thưởng Bùi Xuân Phái: 11 năm cho tình yêu Hà Nội
Giải thưởng Bùi Xuân Phái-vì tình yêu Hà Nội được phát động từ năm 2008, nhằm động viên, hỗ trợ những sáng tác văn học nghệ thuật, những công trình nghiên cứu tôn vinh Hà Nội, đồng thời khích lệ cho những hành động bảo vệ vẻ đẹp của Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Triển lãm "Tranh dân gian Việt Nam" tại Hoàng thành Thăng Long
Chiều 29-8, 50 bức tranh dân gian Việt Nam đã được giới thiệu tại triển lãm “Tranh dân gian Việt Nam”.
Triển lãm những bức tranh đẹp về mùa xuân trên mọi miền Tổ quốc
Chào mừng kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3-2 (1930-2019) và mừng Xuân Kỷ Hợi 2019, ngày 30-1, tại Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm “Những nẻo đường mùa xuân”.

Theo Tiền phong

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...