Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 28 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thơ Lục Bát - Lắng đọng hồn dân tộc

Cập nhật: 10:58 ngày 14/02/2021
(BGĐT) - Nhằm tôn vinh Lục Bát – một thể thơ truyền thống và thuần Việt, đồng thời góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hơn 10 năm qua, cộng đồng mạng Lục Bát Việt Nam đã liên tục phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông tổ chức thành công “Ngày hội Lục Bát”, diễn ra vào dịp 6/8 âm lịch hằng năm tại Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh, thành phố, trong đó có Bắc Giang. 

Một thể thơ truyền thống của người Việt

Lục Bát không chỉ là tên một thể thơ truyền thống, mà còn là hồn quê, là văn hóa cội nguồn và tâm linh của người Việt. Đó vừa là di sản vô giá, vừa là tài sản độc đáo, từ bao đời cha ông truyền lại cho con cháu hôm nay và mai sau. 

{keywords}

Đội văn nghệ thiếu nhi huyện Việt Yên tham gia Lễ hội Lục Bát tại Hà Nội năm 2019.

Đã là người Việt Nam thì không ai là không thuộc một đôi câu dân ca, ca dao bằng thơ Lục Bát. Và dù sinh sống ở đâu trên thế giới thì từ sâu thẳm tâm hồn mỗi người Việt Nam đều có những lời ru của mẹ từ thuở ấu thơ với câu ca dao đằm thắm bay lên từ nắng gió đồng quê; đó là hành trang theo ta đi suốt cuộc đời, vừa gần gũi, vừa thiêng liêng như gia đình, nguồn cội.

Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du là tác phẩm thơ Lục Bát điển hình, là niềm tự hào của người Việt Nam. Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Quỳnh - Chủ bút Tạp chí Nam Phong đầu thế kỷ XX đã có một câu nói để đời: "Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, mà tiếng ta còn thì nước ta còn". Suy rộng ra: Thơ Lục Bát còn thì văn hóa Việt Nam còn và văn hóa Việt Nam còn thì dân tộc ta sẽ trường tồn!

Từ ngày mùng 6, tháng 8, năm Mậu Tý (2008) - Thời khắc thiêng liêng hiếm hoi, bởi "âm dương đồng nhất lý" (lịch âm và lịch dương trùng nhau), 60 năm mới có một ngày như thế - cộng đồng mạng Lục Bát Việt Nam đã “trình làng” và hòa mạng Internet toàn cầu website www.lucbat.com và tiếp đó là Diễn đàn Lục Bát Việt Nam trên mạng xã hội Facebook.

Cũng ngay từ Ngày Lục Bát (6/8 âm lịch) năm Kỷ Sửu – 2009, một lễ hội độc đáo mang tên Lục Bát đã được cộng đồng mạng Lục Bát Việt Nam phối hợp với một số cơ quan báo chí, truyền thông tổ chức liên tục ở Hà Nội và một số tỉnh, thành phố, trong đó có Bắc Giang với nhiều nghi thức đặc trưng: Rước thơ, dâng hương thơ và phát lộc thơ, đọc chúc văn… Tiếp đó là thi sắp đặt trưng bày Lục Bát quán (trưng bày các sản vật văn hóa vùng miền) và thi trình diễn thơ Lục Bát với trang phục dân tộc…

Trong 11 mùa lễ hội, Lục Bát đã được tổ chức tại Hà Nội, Hưng Yên, Khánh Hoà, TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang…, Ban Tổ chức đều nhận được sự ủng hộ rất cao của người yêu thơ cả nước. Đặc biệt, khi chúng tôi sắp đặt Lục Bát quán tại bãi biển Nha Trang (Khánh Hoà) hay Bến Nhà Rồng (TP Hồ Chí Minh) đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách nước ngoài. 

Thực tế đã chứng minh, lễ hội Lục Bát rất độc đáo và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, thu hút sự chú ý không chỉ của người yêu thơ, mà đông đảo công chúng, du khách nước ngoài, góp phần phát triển du lịch. Đến với lễ hội Lục Bát, ai cũng được thể hiện, được tham gia một cách dễ dàng, thoải mái.

Tại hội thảo khoa học “Thơ Lục Bát với di sản văn hóa dân tộc” diễn ra năm 2019, GS.TS Đặng Văn Bài (nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam) đã kết luận: Thơ Lục Bát xứng đáng được xây dựng hồ sơ công nhận Di sản phi vật thể quốc gia và tiến xa hơn nữa là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại! Vấn đề là chọn địa phương nào đủ điều kiện. Chúng ta có thể khảo sát một làng, xã cổ ở Bắc Giang để làm hồ sơ.

Lợi thế của Bắc Giang

Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy Bắc Giang có rất nhiều lợi thế trong việc tổ chức xây dựng hồ sơ di sản cho thơ Lục Bát và tổ chức lễ hội Lục Bát. Bắc Giang có nhiều làng cổ, nhân dân vẫn duy trì lễ hội văn hoá dân gian, đặc biệt là hát dân ca quan họ (lời ca quan họ phần lớn là thơ Lục Bát) - đặc điểm này rất phù hợp với tiêu chí về xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận Di sản phi vật thể quốc gia cho Lục Bát.

Bắc Giang có nhiều ngôi chùa cổ như Vĩnh Nghiêm, Bổ Đà… còn lưu giữ được những bản khắc cổ đã được vinh danh. Nhìn dước góc độ in ấn, đây cũng là những “nhà in” và phát hành cổ của Việt Nam. Mỗi mùa lễ hội Lục Bát có thể khắc in các bài thơ về tình yêu quê hương, đất nước, hoặc lấy nội dung nguyên mẫu bản khắc cổ để in trên giấy dó “phát lộc” cùng tập thơ Lộc Phát thường niên.

Bên cạnh đó, lễ hội nói chung thường được làng, xã tổ chức vào mùa xuân, nhưng riêng lễ hội Lục Bát (6/8 âm lịch) lại diễn ra vào mùa Thu. Với bầu trời trong xanh, không khí se lạnh và những đêm trăng sáng thi vị, nhiều làng quê ở Bắc Giang vẫn giữ phong tục làm đèn ông sao và thả diều sáo. Có thể kết hợp lễ hội Lục Bát để tổ chức thi thả diều sáo, thi thư pháp Lục Bát, thi thiết kế chế tạo đèn ông sao, có trao giải thưởng để thu hút khách du lịch toàn quốc.

Tại buổi gặp mặt báo chí do UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức nhân dịp đầu năm 2020, sau khi chúng tôi trình bày và đề xuất về việc Bắc Giang xây dựng hồ sơ di sản và tổ chức lễ hội Lục Bát, Văn phòng UBND tỉnh đã có văn bản thông báo kết luận của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đối với một số kiến nghị, đề xuất của các nhà báo: Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với UBND huyện Việt Yên, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam nghiên cứu, lựa chọn một làng quan họ để xây dựng làng Thơ Lục Bát, đề nghị UNESCO vinh danh Di sản văn hoá phi vật thể…

Chúng tôi tin rằng, với sự vào cuộc của các quan chuyên môn, sự ủng hộ của chính quyền địa phương, nhất định ý tưởng tốt đẹp vinh danh Lục Bát là di sản phi vật thể và lễ hội thường niên sẽ sớm trở thành hiện thực.

Nhà thơ Đặng Vương Hưng

Lễ hội Thơ Lục bát Bính Thân 2016
(BGĐT) - Sáng 9-9, tại Hội trường UBND huyện Việt Yên, Câu lạc bộ thơ Việt Nam tỉnh Bắc Giang tổ chức Lễ hội Thơ Lục Bát Bính Thân 2016. Tới dự có đồng chí Hoàng Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Thơ Việt Nam; lãnh đạo Sở Văn hóa –Thể thao và Du lịch tỉnh; đồng chí Nguyễn Đại Lượng, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện.
Lễ hội thơ lục bát
(BGĐT) - Ngày 18-9, tại huyện Lục Ngạn, CLB Thơ tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ hội thơ lục bát  năm 2015 với sự tham gia của hơn 250 hội viên đến từ 9 CLB thơ trong tỉnh. 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...