Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 30 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Vương vấn điệu chèo

Cập nhật: 21:34 ngày 09/02/2021
(BGĐT) - “Điều tôi cảm thấy hạnh phúc, tâm đắc nhất đó là khôi phục lại nghệ thuật chèo truyền thống từng bị mai một”, ông Nguyễn Văn Thêm (SN 1950), Chủ nhiệm CLB Chèo huyện Yên Dũng (Bắc Giang) chia sẻ. 

Ăn, ngủ cùng tiếng chèo

{keywords}

Ông Nguyễn Văn Thêm hướng dẫn thành viên CLB Chèo huyện Yên Dũng tập luyện.

Ngôi nhà 3 tầng của ông Thêm nằm trên đường Trần Đức Trung, tổ dân phố số 3, thị trấn Nham Biền (Yên Dũng). Thấy khách tới, ông Thêm hồ hởi ra tận cửa đón tiếp và mời tôi lên tầng hai trò chuyện cho yên tĩnh. Ông Thêm có cách nói chuyện rất mộc mạc, tác phong nhanh nhẹn. 

Trong phòng khách, tôi thấy rất nhiều sách vở, băng đĩa được gói bọc cẩn thận, hỏi ra mới biết đó là những tài liệu về chèo ông sưu tầm, biên soạn suốt mấy chục năm qua. Nhấp ngụm nước, ông Thêm say sưa kể về cái duyên đến với chèo.

Sinh ra và lớn lên ở thôn Phú Mại, xã Tư Mại-nơi có tới 2 phường chèo - những làn điệu dân ca đã thấm sâu vào tâm hồn cậu bé Thêm từ khi 5-6 tuổi. Không ai nghĩ với lứa tuổi ấy, cậu bé Thêm đã có thể thuộc vở “Lưu Bình Dương Lễ” và “Lọ nước thần”. Cũng vì mê chèo, có lần xem đội văn công của làng biểu diễn, ông ngủ quên bên cánh gà sân khấu. 

Năm 13 tuổi, lần đầu tiên ông tham gia diễn hai vở là "Kim Đồng" và "Đêm hội hoa đăng". Đây là những vở do ông nội ông- diễn viên Đoàn chèo Sông Thương, tỉnh Bắc Giang-nghệ nhân chèo nổi tiếng một thời của huyện Yên Dũng sáng tác và trực tiếp truyền dạy. Sau này, ông tích cực tham gia phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương, các buổi giao lưu, hội diễn, trong đó có nhiều tiết mục chèo.

"Những năm tháng khó khăn, thiếu thốn, phương tiện thông tin chưa phát triển như bây giờ, tôi thường xuyên học chèo qua đài, ghi chép các bài hát cẩn thận, kết hợp đọc tài liệu của các nhà nghiên cứu nên đã thuộc nhiều làn điệu", ông Thêm trải lòng.

Suốt nhiều năm, ông lặn lội đến hầu hết các xã, thị trấn trong huyện tìm hiểu, gặp gỡ nhiều thế hệ, cán bộ - những người có công gìn giữ chèo để tìm hiểu về nguồn cội, các tích chèo ở mỗi miền quê còn lưu giữ. Dày công nghiên cứu, sưu tầm, ông Thêm nhận ra Yên Dũng có rất nhiều làng chèo truyền thống. Tuy nhiên, trải qua thăng trầm của lịch sử, các làng chèo bị mai một, tiếng chèo vì thế cũng dần trầm lắng.

Với mong muốn bảo tồn, phát huy giá trị di sản, ông nung nấu ý nguyện và quyết tâm khôi phục, phát triển chèo trong cộng đồng dân cư. Thực hiện tâm nguyện đó, ông đến khắp các miền quê trong huyện, gặp gỡ, động viên những người có giọng hát hay, tay đàn giỏi để thành lập Câu lạc bộ (CLB) Chiếu chèo quê huyện Yên Dũng vào năm 2005, thu hút 19 thành viên tham gia. Sau 2 năm hoạt động, CLB ngày một phát triển, được đông đảo nhân dân trong huyện cổ vũ, động viên và được đổi tên thành CLB Chèo huyện Yên Dũng.

Ngoài khôi phục những điệu chèo truyền thống, ông Thêm đầu tư nhiều thời gian, dày công tìm hiểu, sưu tầm tư liệu về các di tích lịch sử, văn hóa, kịp thời nắm bắt các nhiệm vụ chính trị, KT-XH của huyện để sáng tác bài hát, viết kịch bản và dàn dựng hoạt cảnh thông qua hình thức sân khấu hóa tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân.

Lan tỏa giá trị

Kể từ khi thành lập CLB đến nay, ông Thêm đã sáng tác hơn 30 bài hát, 3 hoạt cảnh chèo ca ngợi về huyện Yên Dũng. Ca từ ông viết dễ thuộc, dễ nhớ, đi vào lòng người. Các chương trình văn nghệ tại những sự kiện lớn của huyện hầu hết đều có tiết mục chèo do ông sáng tác, dàn dựng.

Ví như dịp kỷ niệm 50 năm Bác Hồ về thăm Tân An (Yên Dũng), ông viết hoạt cảnh “Nhớ lời Bác dặn”; dịp chùa Vĩnh Nghiêm đón bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, ông sáng tác bài “Vĩnh Nghiêm cổ tự”. Hay như cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 ông cho ra đời bài “Vui ngày bầu cử”, chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, ông sáng tác bài “Hát mừng đại hội”... 

Ngoài ra, còn có hàng chục bài chèo tuyên truyền về xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới. Rất nhiều trường mời ông sáng tác chèo để tham gia các cuộc thi, hội thi dành cho học sinh. Thông qua các tác phẩm nghệ thuật, hình ảnh vùng đất, con người Yên Dũng được quảng bá sâu rộng, có sức lan tỏa, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương đất nước, cổ vũ phong trào thi đua trong các tầng lớp nhân dân.

Từ nhiều năm nay, CLB luôn duy trì sinh hoạt vào chiều thứ Tư và Chủ nhật hằng tuần. Hầu hết mọi người trong CLB đều làm nông nghiệp, buôn bán, họ đến từ nhiều xã, thị trấn trong huyện. CLB Chèo huyện Yên Dũng thường xuyên tham gia và dành nhiều giải cao ở các liên hoan, hội diễn văn hóa, văn nghệ của tỉnh. Không có thù lao, phụ cấp, thậm chí phải bỏ tiền túi để chi cho hoạt động của CLB song bao năm nay, ông và mọi người vẫn say sưa, gắn bó với chiếu chèo.

Ông Trần Đức Hoàn, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Yên Dũng chia sẻ, việc bảo tồn nghệ thuật chèo truyền thống đang gặp nhiều khó khăn, một phần do số lượng các nghệ nhân cao tuổi thưa dần, nhiều người già yếu, lớp trẻ đi làm ăn, ít có thời gian tham gia. Với niềm đam mê, trách nhiệm của người đứng đầu CLB, ông Thêm đã quy tụ thành viên, duy trì hoạt động CLB, đóng góp lớn trong việc lưu giữ, bảo tồn nghệ thuật chèo truyền thống trên vùng đất Phượng Hoàng.

Tháng 9/2020, ông Thêm là một trong 12 cá nhân được Hội đồng cấp tỉnh làm hồ sơ đề nghị Nhà nước xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Ba, năm 2021. Đây là niềm vinh dự, tự hào để ông tiếp tục cống hiến, đóng góp tích cực hơn nữa trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.

Công Doanh

Bắc Giang: Giao lưu tìm hiểu nghệ thuật chèo truyền thống
(BGĐT) - Sáng 23/11, Bảo tàng tỉnh Bắc Giang phối hợp với Câu lạc bộ (CLB) Chèo Hoàng Mai, thị trấn Nếnh (Việt Yên) tổ chức tìm hiểu nghệ thuật chèo truyền thống.
Diễn viên Đặng Thị Quyến: Tài năng trẻ trên sân khấu chèo Bắc Giang
(BGĐT)-Lần đầu tiên tham gia sân chơi nghệ thuật tầm cỡ quốc gia, diễn viên Đặng Thị Quyến (nghệ danh Thu Quyến, sinh năm 1993), Nhà hát Chèo Bắc Giang xuất sắc giành HCV tại Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên Chèo toàn quốc năm 2020. Để có được thành công ấy là cả quá trình rèn luyện không mệt mỏi, cháy hết mình vì nghệ thuật của người con quê hương sông Lục, núi Huyền.
Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Chèo toàn quốc: Đặng Thị Quyến (Bắc Giang) đoạt Huy chương Vàng
Tối 12/11, lễ bế mạc Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Chèo toàn quốc năm 2020 đã diễn ra tại Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh Hà Nam, với sự tham dự của đông đảo diễn viên thuộc các đoàn nghệ thuật đến từ 11 tỉnh, thành trong cả nước.
Thi Tài năng trẻ diễn viên chèo toàn quốc – 2020
Ngày 30/10, Cục Nghệ thuật biểu diễn thông tin về cuộc thi “Tài năng trẻ diễn viên chèo toàn quốc - 2020” diễn ra từ ngày 4 đến ngày 12/11 tại Nhà văn hóa trung tâm tỉnh Hà Nam.
Nhà hát Chèo Bắc Giang giành 4 huy chương tại Liên hoan Sân ​khấu Thủ đô
(BGĐT)-Nhà hát Chèo Bắc Giang vừa giành 2 huy chương vàng (HCV), 2 huy chương bạc (HCB) tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ IV -2020 tổ chức tại Hà Nội.
Nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật chèo
(BGĐT) -  Thành viên chủ yếu là nông dân, tiểu thương, lao động tự do, kinh phí hoạt động hầu như tự túc song nhiều câu lạc bộ (CLB) chèo ở huyện Lục Nam (Bắc Giang) vẫn tích cực duy trì hoạt động. Những điệu chèo ngân nga không chỉ làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần mà còn góp phần bảo tồn di sản văn hóa trên quê hương sông Lục, núi Huyền. 
 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...