Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 36 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Biển tím

Cập nhật: 21:37 ngày 09/02/2021
(BGĐT) - Tôi và em từng ở bên nhau trên một bãi biển đẹp nhất miền Trung. Tím là gam màu tổng thể của mặt biển cuối chiều hôm ấy. Cát trắng và mịn đến ngỡ ngàng là đường viền tuyệt diệu của mênh mông tím. Cả hai đầy gợi cảm, đầy giục giã trong sự ngẫu hứng thật bao dung của tôi và em.

Biển và bờ.

Không lạ, không mới nhưng nó đã ùa vào bức toan em căng ra trước gió. Tôi nằm sấp trên cát, ngắm những đường nét và sắc màu gợi cảm, giục giã qua vai em. Cát trắng như da ai đó, cát mịn như da ai đó ở dưới tôi, ở bên tôi, phải trái trước sau nhưng không quyến rũ tôi được mấy. Tay cọ của em như một cơn bão không tên hút tôi vào mênh mông tím và mảnh mai trắng.

{keywords}

Minh họa: Hạ Mi

Nắng cuối chiều dọi xiên qua mái tóc em để lại mấy đốm vàng mơ hồ trên nền tím. Nó như ô cửa của biển; không phải, con mắt của biển; không phải, đảo của biển. Đảo, chìm nổi trong hoang vắng hoang vu hoang hoải hoang liêu khi chưa được đánh dấu vào những hải trình. Màu vàng, ấm hơi người, những phần nhô lên trên bao la đại dương đã được xác lập chủ quyền, đó là màu tôi rất nhớ khi phải xa đảo.

Khuôn tranh vuông vức, mỗi chiều một mét. Như thế, biển của em hình vuông. Đảo của em hình tròn. Trăm năm tính cuộc vuông tròn. Mẹ tròn con vuông. Trời tròn đất vuông. Quen thuộc. Vững chãi. Khát vọng bình yên. À quên, còn có những đoạn thẳng màu trắng nối liền các chấm vàng, như là rễ của gốc cây; bật vang trong tôi tiếng hát rễ mày uống nước đâu, uống theo nguồn...

Em. Tiết kiệm đường nét, chi tiết đến mức không thể cô đúc và gọn ghẽ hơn được nữa. Chẳng có gì cụ thể dành cho tôi trong bức tranh đó nhưng chẳng hiểu vì sao tôi cứ nghĩ em đã vẽ nó cho tôi, vì tôi. Màu tím gợi tới sự thủy chung lứa đôi, như một hình dung, một chia sẻ và có lẽ cả một nhắc nhở nữa. Tôi đã từng rất khổ đau, nói đúng hơn là tan nát cõi lòng về chuyện này. Khổ đau và tan nát vì mình bị phản bội, bị đánh cắp niềm tin trong hoàn cảnh lẽ ra phải được đùm bọc, chia sẻ nhiều hơn. Lính đảo, dù tính nết trời sinh thế nào, khi sống xa đất liền hàng trăm hải lý phần lớn đều hồn nhiên và trong sáng. Có như vậy mới muôn người như một, gắn bó với nhau, để bám trụ được nơi quần đảo bão tố luôn bị kẻ bành trướng rình rập quấy nhiễu.

Tôi đã được thấy hình dáng em trong một buổi chiều cận bão. Nước biển tăm tăm mùi tanh lạ và không khí rất oi nồng. Lũ hải âu kêu chao chác góc trời. Đám mây màu vàng đỏ hiện lên ở phía Tây, phía đất liền, rất giống hình một cô gái kiều diễm. Kiều diễm và lộng lẫy như là người đẹp đã được ảo hóa và phóng chiếu lên gấp ngàn lần, món quà của Thượng đế dành tặng cho những người lính đảo quanh năm thiếu vắng hơi hớm đàn bà. 

Tôi nhận ra em trong đó. Im lặng, chiêm ngưỡng em trong đám mây người đẹp bất ngờ hiện lên trước hoàng hôn. Những chiếc hôn mặn mòi vị biển hướng về phía em. Những chiếc hôn ấy, tôi tin đã đến với em sau tích tắc, trong chớp mắt “nó” đã đậu xuống tóc em, môi em, ngực em và cả những ngón chân hồng hồng của em.

Thời ấy, tôi là sinh viên năm cuối Học viện Quân y và em là sinh viên năm hai Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Tôi đang cất giữ rất nhiều kỷ niệm đẹp về em, kề với bức ký họa tôi của em; một chàng trai có cái đầu to đùng, đôi mày rậm vênh vếch, cười loác ngoác và chiếc ống nghe của nhà y ngoằn ngoèo. Tôi đã xa em hai năm rồi kể từ ngày xuống tàu ra Trường Sa. Hai năm, thời gian quá đủ cho màu da của tôi trở thành đen bóng và cũng đã chai mặt trước những cơn bão biển lồng lộn dữ dội như muốn xáo tung san bằng tất cả những cái gì nhô lên trên mặt nước.

Anh thấy tranh được không? Em ngoảnh lại hỏi tôi. Có vẻ hơi trừu tượng, tôi trả lời. Nó sẽ mang tên Biển tím anh ạ. Tôi chần chừ, có phải lúc nào biển cũng tím thế đâu, nỗi đau người lính hình như không có màu đó, màu tím. Một đôi trường hợp không thay thế, không đại diện cho tất cả, em vẫn hy vọng những điều tốt đẹp cho người lính, cả đất liền ở sau họ, gần gũi, chia sẻ, ưu ái, em nhấn thêm mấy vệt tím ở bên phải tranh, nói với tôi. Tôi vẫn chưa chịu, có lẽ phải có một chút màu gì đó tối tăm hơn, gần với nỗi đau buồn của con người, không phải không có những lần ta đưa đám tình yêu về cõi vô vọng. Đừng thế anh, người lính dũng cảm, tin em đi, các anh sẽ được đền bù xứng đáng, em khẳng định.

Em không vẽ nữa, nằm xuống bên tôi. Chiều tắt nắng. Biển sẫm tối nhưng gió lại lồng lộng hơn. Tôi ngắm bàn tay cầm cọ của em, những ngón thon dài vương mấy vệt tím, vệt biển chiều.

Tôi mới gặp em, quen em dăm ngày thôi, trong cuộc giao lưu giữa các thành viên trại viết của tạp chí Hoa đại với Hội Văn nghệ tỉnh mà em là một thành viên. Có lẽ phải nói rõ thêm điều này. Tuy là bác sĩ quân y nhưng tôi có viết truyện ngắn. Đôi ba truyện của tôi, chủ yếu về người lính biển đảo đã được in trên tạp chí Hoa đại và tôi được ban biên tập mời đi dự trại lần này. Lần đầu đi trại viết lại được sống trong khu du lịch sinh thái năm sao sang trọng và tiện nghi tôi thật sự bỡ ngỡ và lo lắng. Tôi định viết một truyện ngắn về lính Trường Sa mà vẫn chưa tìm được cái tứ nào hay nên còn chần chừ cân nhắc. Trong đêm giao lưu, em hát bài Gần lắm Trường Sa rất xúc động. Tôi được nhà thơ trưởng trại giới thiệu từng ở Trường Sa lên phát biểu ý kiến. 

Tôi thổ lộ cảm xúc của mình khi nghe em hát Gần lắm Trường Sa và xin đọc một bài thơ của bạn tôi viết về những người lính trẻ trên quần đảo phong ba này: Mặn lên da là biển/ Mặn xuống tóc là trời/ Lính đảo không trắng nổi/ Yêu? Hay đừng...em ơi?/ Đảo, đảo mọc thành chùm/ Lính làm hoa cho bể/ Mùa xuân Trường Sa trẻ/ Như binh nhất, binh nhì/ Sóng, sóng dội bốn bề/ Đảo chìm và đảo nổi/ Thương nhau thì em nhé/ Cưỡi sóng tìm nhau thôi... Sau buổi giao lưu, em nhờ tôi chép cho bài thơ đó...

Sau cơn bão trái mùa, chúng tôi nhận được quà và thư của đất liền do tàu hải quân mang ra. Tôi nhận được thư mẹ và thư em. Mẹ viết ngắn, chủ yếu là hỏi thăm sức khỏe, công việc của con trai và kể qua đôi chút chuyện nhà. Em viết dài, nhắc tới những kỷ niệm xưa, thời hai đứa sống gần nhau ở Thủ đô, có gió Hồ Tây, nước Hồ Gươm, kem Thủy Tạ, cốm làng Vòng, phượng đỏ, bằng lăng tím... “Rất nhớ, nhớ lắm, rất thương, thương lắm người lính của em đang ở nơi đầu sóng ngọn gió. Nhưng, anh ơi, em là con gái, em không chịu đựng được nỗi cô đơn trống vắng, em cần chọn lựa một cuộc sống phù hợp với mình hơn. Mà, anh lại biền biệt vời xa...”

Tôi không đọc thêm nữa vì đã hiểu em định nói điều gì sau đó. Sau phút bất ngờ, choáng váng, tôi im lặng. Biển trước mỗi cơn bão cũng im lặng đến rợn người. Tưởng nghe rõ những âm thanh vọng lên từ đáy sâu đại dương, nơi cách chỗ tôi đang đứng hàng trăm mét, tiếng lượn bơi của muôn loài cá, tiếng đu đưa của muôn loài rong, tiếng rì rầm của những rạn san hô... Linh hồn của những con thuyền, những cánh buồm cũng lên tiếng. Biển chia sẻ với tôi nỗi đớn đau bị phản bội. Tôi muốn gào lên cho vơi bớt sự tức giận đang nén đầy trong lòng nhưng vẫn lặng im đứng chôn chân trên mặt cát san hô. Con gái thời nay, lẽ nào, sự chờ đợi và thủy chung là thứ xa xỉ nhất đối với họ.

Nếu như hôm đó không có ca cấp cứu bệnh nhân bị đau bụng dữ dội chắc tôi còn miên man mãi chuyện đau buồn này. Người bệnh là một ngư dân đang đánh bắt cá gần đảo chúng tôi. Nằm trên giường cấp cứu ông ôm bụng quằn quại. Ông giật bắn người lên khi tôi ấn tay vào bụng ông. Ruột thừa rồi. Phải mổ ngay nếu không sẽ nguy hại đến tính mạng. Ca mổ được thực hiện suôn sẻ trong hầm phẫu thuật của quân y đảo. Người ngư dân được cứu sống và trở về đất liền sau ca mổ một tuần. Hôm chia tay, ông cầm tay tôi lắc lắc mãi không muốn rời, khi nào vô bờ ghé thăm nhà chú chơi nghe...

Này, chàng lính đảo, nghĩ ngợi chi mà thẫn thờ ra thế. Giọng con gái vùng duyên hải Nam Trung Bộ líu ríu. À, à... có gì đâu em, anh đang thấy nhớ đảo... Em cười, giá như em được là đảo của anh nhỉ? Ấy, tại sao là đảo, em phải là bờ của các anh chứ. Em muốn làm đảo để được gần anh, để được anh nhớ khi chia xa, em thành thật. Tôi không giấu nổi một tiếng thở dài. Em ngước đôi mắt đen láy nhìn tôi, có chuyện chi làm anh buồn à? Đâu có, tôi vội lảng sang chuyện khác, anh thấy em rất thích vẽ về biển. 

Em yêu biển, rất yêu biển và còn có một lý do nữa, anh biết không, cha em được bộ đội Trường Sa cứu sống đấy. Tôi thực sự ngạc nhiên, thế a? Em cười tươi, lần ấy cha em đi biển, thế nào lại bị đau ruột thừa, may sao gần đảo nên được quân y mổ kịp thời. Về nhà, cha em cứ tấm tắc khen mãi cái anh bác sĩ nói giọng Bắc mổ cho ông rất khéo lại chăm sóc chu đáo nữa. Em nắc nỏm khen, bộ đội các anh hay thật, ai yêu được các anh sẽ được hạnh phúc lắm đấy.

Tôi buồn. Buồn thực sự. Một cô gái đã nói với tôi điều em vừa nói. Trong mấy tháng đầu xa nhau. Hai năm sau, thì mọi chuyện đã khác đi rồi. Đám mây hình cô gái lộng lẫy. Thư mẹ, thư em. Em thành thật nói rõ lý do không chờ đợi được tôi. Ca mổ đột xuất. Chiều ấy, còn in dấu buồn thăm thẳm trong tôi.

Chẳng biết nỗi buồn bất chợt sẽ dắt tôi đi đâu, về đâu nếu em không có một đề nghị khiến tôi rất bất ngờ. Em bảo, chúng mình tắm đi anh, biển đêm ấm lắm. Tắm à? Chúng mình đâu có mang đồ tắm theo. Kìa anh, màn đêm, biển, sẽ bao bọc che chở cho anh và em. 

Không chút ngại ngần em trút bỏ toàn bộ váy áo trước mắt tôi. Một khối hình cân đối với những đường cong quyến rũ hiện lên mờ mờ trong đêm. Em và tôi cùng lúc ùm vào biển, những hạt lân tinh bắn lên tung tóe. Biển làm cho chúng tôi bỗng chốc quên hết sự đời, hồn nhiên vùng vẫy, hồn nhiên quẫy đạp, hồn nhiên khúc khích, hồn nhiên la hét như trẻ nhỏ. Ngọc Phương vừa bơi vừa trêu tôi, anh xem thế đã xứng đáng làm vợ lính biển chưa? Tôi chưa kịp nghĩ ra câu trả lời, ầm ừ, xứng... xứng... sao không xứng.

Trong một chuyến bay vào Nam tôi đã được ngắm biển chiều quê em từ độ cao hai nghìn mét. Những gì em thể hiện trong bức Biển tím là sự khúc xạ của quang cảnh đang lướt qua dưới cánh bạc mà tôi đã được thấy. Màu chủ đạo mênh mông tím. Mấy chấm đảo đẫm nắng vàng. Và, cát trắng mỏng manh.

Em ở đâu? Dưới cánh bay mênh mang chiều nay. Tôi vẫn cất giữ những kỉ niệm về em, về chúng mình trong buổi chiều và cái đêm lãng mạn ấy. Tôi chuẩn bị ra đảo, ra với đồng đội rắn rỏi và hồn nhiên của tôi nơi đầu sóng ngọn gió. Những thử thách gian nan đang đợi tôi ở phía trước. Tôi sẽ mang ra đảo bức tranh Biển tím và tiếng hát đêm êm dịu của em. Như mang một kỷ niệm rất đẹp về vùng đất khoáng đạt này. Rồi sẽ lại có những buổi chiều tôi ngóng về đất liền để thầm thì trò chuyện với những người thân yêu. 

Dù hạnh phúc hay đau khổ thì những cuộc trò chuyện ấy sẽ làm cho người lính chúng tôi không còn thấy cô đơn, trống trải. Chắc chắn em sẽ trở thành một phần của đảo như em mong muốn. Và, dù chưa trả lời em, tôi đã thầm ước ao điều đó. Ước ao tình yêu bình dị và vững bền cho những người lính chúng tôi không bao giờ bị tan biến đi trong cuộc sống. 

Nó vẫn tồn tại cùng chúng tôi như tình yêu không bao giờ mất trong cuộc đời. Sau đau khổ này lại có tình yêu khác, những tự nguyện bù đắp cho nhau sẽ mang lại nụ cười và ngọn lửa cho ta, em đã gửi vào tôi lời tâm tình ấy. Tôi dựng lại niềm tin sau đớn đau thất vọng. Nhưng, tôi không thể không cảm ơn em, cảm ơn vùng Biển tím yêu dấu của tôi, tất cả diễn ra tình cờ tự nhiên mà như thể đã được ai đó lập trình rồi.

Tôi đã bay qua em, trong một buổi chiều trong trẻo trước khi ra quần đảo. Tôi sẽ kể chuyện của chúng mình cho đồng đội nghe như một minh chứng, khẳng định về tình yêu của đất liền dành cho người lính biển không bao giờ tan biến cả.

Biển. Trời. Ngọc Phương. Ở không gian nào rồi cũng sẽ có em...

Nguyễn Hữu Quý

Cây đa hồn làng
(BGĐT) - Tin đồn về việc xã quyết định chặt bỏ cây đa giữa làng để mở con đường trong chương trình xây dựng nông thôn mới loang ra làm nóng lên khắp làng trên xóm dưới. Ai cũng tỏ ra thạo tin. Ai cũng có chính kiến của mình. Đến cả trẻ con chúng cũng tranh khôn rằng phải thế nọ, phải thế kia. Quán nước bà Huê dưới gốc đa trở nên rôm rả hơn bao giờ hết.
Bìm bìm nở muộn
(BGĐT) - Bố cháu gọi cô lên.Thằng Hoàn lên tiếng gọi. Mùi nghĩ là mình ù tai nên nghe nhầm. Cô tiếp tục đảo thuốc. Tiếng đũa cọ vào thành chảo loạt xoạt. 
Người mẫu đặc biệt
(BGĐT) - Căn nhà đẹp ở khu phố cổ là tư gia của cặp vợ chồng nghệ sĩ nhiếp ảnh. Trên tường giăng đầy ảnh nữ chủ nhân. Khách mới đến sẽ có cảm giác chủ nhân cố tình khoe vợ đẹp.
“Quả ngọt của người thầy”
(BGĐT) - Là giáo viên về hưu, hằng năm cứ đến tháng 11 là tôi lại xốn xang. Đầu tháng 11 này, tôi đọc cuốn “Quả ngọt của người thầy” (NXB Hội Nhà văn) của nhà giáo Phạm Ngọc Lanh lại thấy thêm nhớ nghề, nhớ thầy, nhớ cô, nhớ trường, nhớ lớp, nhớ học sinh. 
“Quả ngọt” của người thầy
(BGĐT) - Dự cuộc gặp mặt với học sinh cũ Trường THPT Lục Ngạn số 1 (tỉnh Bắc Giang) xong, còn lâng lâng niềm vui, tại nhà Ngân, tôi nói với Thoòng, học sinh cũ:
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...