(BGĐT) - Anh Đào Trọng Ca, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Việt Yên (Bắc Giang) làm công tác quản lý văn hóa nhiều năm, có bề dày kinh nghiệm, tận tụy, trách nhiệm, chí nghĩa, chí tình với bạn bè, đồng nghiệp, lại được trời phú giọng ca tài hoa, sâu lắng, là người sành chơi quan họ.
Mặc dù biết anh Ca phải chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo nhưng vẫn thấy anh đi làm, trên trang cá nhân facebook, zalo của anh thỉnh thoảng vẫn có clip cùng bạn bè ca hát vui vẻ yêu đời nên khi nghe tin anh về cõi vĩnh hằng vào sáng sớm 2/3/2021 anh em bè bạn không khỏi bàng hoàng.
 |
Anh Đào Trọng Ca (thứ hai bên trái) cùng lãnh đạo huyện Việt Yên tiếp khách quốc tế tại làng Thổ Hà, xã Vân Hà (Việt Yên). Ảnh: Hoàng Thương. |
Gửi lời tiếc thương anh, nhà báo Đoàn Cảnh Mạnh, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Bắc Giang, viết: “… Vĩnh biệt người có thể chơi cả trăm làn điệu dân ca quan họ, kho tàng sống của đất quan họ”. Nhà báo Nguyễn Trường, Báo Xây Dựng: “Thương tiếc anh, một người đã luôn nói hộ hồn quê Việt Yên”. Nhà báo Trần Hồng Minh, Báo Bắc Giang, chia sẻ: “Thật bất ngờ và thương tiếc anh. Dù chỉ gặp đôi lần nhưng vẫn rất ấn tượng về tấm lòng nhiệt thành của anh…”
Hầu hết những nhà văn, nhà báo đi thực tế ở Việt Yên viết mảng văn hóa thì đều gặp và ấn tượng về Đào Trọng Ca. Một người luôn đau đáu việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Anh vừa là “kho tàng sống” ngồn ngộn tư liệu lại cộng thêm lòng nhiệt thành, hiếu khách, chất giọng trời ban nên anh dễ dẫn dụ người ta cùng say đắm với cái việc anh làm, với câu ca anh hát.
 |
Anh Đào Trọng Ca (phải) và tác giả tại chùa Bổ Đà (Việt Yên). |
Đại tá, nhà văn Nguyễn Hữu Quý, cộng tác viên thân thiết của Báo Bắc Giang đã nhiều lần về Việt Yên, cảm nhận: Ðào Trọng Ca vốn là một người ca quan họ nổi tiếng. Tự nhiên, sôi nổi, Ca truyền vào tôi cái chất đắm đuối mê say của dòng quan họ bằng những câu chuyện, câu hát về quê hương mình. “Người chơi quan họ, Ca nói với tôi thế. Chao ơi, một cuộc chơi tự nhiên, công phu đầy nghĩa tình nhân văn đằng đẵng kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác, trọn những kiếp người níu náu dùng dằng với nó” – nhà văn Nguyễn Hữu Quý viết.
Thế nào là người sành chơi quan họ? Có lần tôi hỏi Nghệ nhân Ưu tú quan họ Nguyễn Đăng Nam, người làng Thổ Hà (Việt Yên), bạn đồng niên với anh Ca. Anh Nam bảo, người sành chơi quan họ không chỉ hát hay, biết nhiều làn điệu mà phải hát được nhiều bài cổ. Anh Ca đúng là người như thế. Anh đắm say và truyền cảm hứng về tình yêu quan họ, là “bà đỡ” của nhiều câu lạc bộ dân ca trong huyện, mình và Ca ngày càng thân thiết nhau vì lẽ đó.
Tôi sinh ra ở làng chèo Hoàng Mai, nay thuộc thị trấn Nếnh, chỉ cách nhà anh Ca vài cây số, thuộc không gian quan họ Bắc sông Cầu. Tôi cũng yêu thích quan họ nhưng chỉ đến khi gặp anh Ca và hai Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Phú Hiệp, Nguyễn Đăng Nam người làng Thổ Hà tôi mới hiểu thêm về “cái tình của người quan họ”.
Cái tình ấy chính là điều cảm nhận của anh Nam về anh Ca. Cái tình ấy là "trọng nhau vì nghĩa, mến nhau vì tài". Cái tình ấy được nâng niu, gìn giữ, trở thành "lời ăn nết ở", cốt cách người quan họ. Cái tình ấy tạo nên sức sống cho quan họ hàng trăm năm qua và lan tỏa sinh động trong cuộc sống hôm nay.
Có một bài hát không phải dân ca quan họ nhưng sáng tác về vùng quan họ mà nhạc sĩ “ưng” chất giọng Đào Trọng Ca nhất. Đó là bài “Rượu làng Vân”, nhạc Tuấn Khương phổ thơ Anh Vũ (Tác phẩm xuất sắc, Hội nhạc sĩ Việt Nam 2009). Nhạc sĩ Tuấn Khương “ưng” vì, Ca hiểu vùng đất, con người nơi ấy nên truyền tải ca từ, giai điệu có hồn, sâu sắc, rất thăng hoa.
Tôi đã nhiều lần nghe anh Ca hát “Rượu làng Vân”. Bằng tấm lòng của người con quê hương anh tự sự về người làng mình, hồn cốt của quê mình từ nghìn đời, anh cứ nhẩn nha, nhẩn nha như muốn để người nghe nhớ, rồi ngẫm: “Tôi là ai, em là ai... mà ngây ngất nồng nàn. Hóa ra quê hương là bao điều ta đã thấy… mà không thể cầm... mà không thể… như em... như men ấm làng Vân ...”
Sinh ra từ vùng đất quan họ, trong gia đình yêu ca hát nên đã thấm vào Ca. Tình yêu ca hát ấy anh muốn truyền cho các em nhỏ nên trước khi làm công tác quản lý văn hóa đã có gần chục năm anh làm thầy giáo dạy nhạc ở trường tiểu học. Vợ anh là cô giáo, anh chị có một con trai đã lập gia đình.
Một mái nhà ấm áp, luôn đầy ắp tiếng hát tiếng cười từ nay thiếu vắng anh; anh em bạn bè, đồng nghiệp mất đi một người tâm huyết với công tác quản lý văn hóa, say sưa truyền lửa tình yêu văn hóa, nghệ thuật ở vùng văn hóa đặc sắc bên bờ Bắc sông Cầu. Anh đột ngột ra đi là sự mất mát lớn của gia đình, người thân và bạn bè, đồng nghiệp. Một nén tâm nhang xin đưa tiễn anh về cõi vĩnh hằng an giấc nghìn thu.
Trần Đức
Dấu ấn miền quan họ(BGĐT) - Với sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện, những năm qua, các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển KT-XH của huyện Việt Yên (Bắc Giang) đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Bên cạnh nét văn hóa đặc sắc của miền quan họ được bảo tồn, vóc dáng một đô thị khang trang, hiện đại cùng sự khởi sắc của vùng công nghiệp trọng điểm đang dần hiện hữu.
Quan họ "vang, rền, nền, nảy" giữa lòng Sài GònDẫu ở phương Nam xa xôi, những người con đất Kinh Bắc vẫn không nguôi niềm đam mê các làn điệu Quan họ. Các liền anh, liền chị đã tụ họp lại, thành lập những câu lạc bộ để cùng hát, cùng chơi quan họ.
Nặng lòng với quan họ(BGĐT) - Bà Vũ Thị Thoa (SN 1952) là Chủ nhiệm CLB Quan họ Rồng Vàng, xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng (Bắc Giang). Gia đình bà đã đầu tư hơn 500 triệu đồng xây dựng phòng hát, mua sắm thiết bị để có điều kiện truyền dạy quan họ cho thiếu nhi.
Chị Dương Thị Hoài Thu: Nặng lòng với dân ca quan họ(BGĐT) - Tôi gặp chị Dương Thị Hoài Thu (SN 1979, ảnh nhỏ), cán bộ Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Việt Yên (Bắc Giang) trong cái nắng gay gắt giữa những ngày tháng Bảy. Cùng lúc đảm nhận đạo diễn ba chương trình, hội thi lớn để chuẩn bị trình diễn song chị vẫn thu xếp thời gian để chia sẻ chuyện nghề mà bao năm lặng thầm cống hiến.
Khơi nguồn đam mê quan họ(BGĐT) - Là quê hương của những làn điệu dân ca quan họ bờ Bắc sông Cầu, huyện Việt Yên (Bắc Giang) đã thành lập nhiều câu lạc bộ (CLB) quan họ ở các thôn, xã để truyền dạy, giữ gìn di sản.
Đắm lòng quan họ(BGĐT) - Trước đây, tôi thường nghe nói quan họ Bắc Ninh, nay biết thêm quan họ Bắc Giang, lòng chợt phân vân. Phải chăng, ta nên gọi quan họ Kinh Bắc và như thế sẽ chính xác hơn. Quan họ Kinh Bắc nhiều yêu thương, gợi cảm, đậm chất huê tình của cuộc chơi dùng dằng từ thế hệ này sang thế hệ khác, chưa bao giờ dừng.
Quan họ cổ bờ Bắc sông Cầu(BGĐT) - Kể từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX trở về trước, nguồn tài liệu ghi chép từ các nhà viết sử phong kiến hầu như không cho chúng ta biết rõ về sự tồn tại của tục hát quan họ.