Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 30 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Dòng sông tuổi thơ

Cập nhật: 14:10 ngày 25/01/2022
(BGĐT) - Bên chén trà, tôi và ông bạn học từ thuở còn để chỏm ngồi kể không biết bao nhiêu kỷ niệm về sông Thương có đoạn chảy qua quê tôi. Ôi! Đều là những kỷ niệm đẹp. Bạn tôi cười vui, nói: Sông Thương đúng là dòng sông tuổi thơ của chúng ta. 

Từ buổi chiều cuối thu nói chuyện với ông bạn bên bờ sông Thương nước xanh ngăn ngắt, những kỷ niệm tuổi thơ trong tôi cứ ào ạt hiện về, thúc giục tôi viết về con sông tuổi thơ. Mỗi người ai chẳng có một chốn quê, gắn với tuổi thơ. Nhưng với tôi tuổi thơ thiếu con sông, bến nước, con đò thì buồn lắm. 

{keywords}

Bến sông quê. Ảnh: Thế Đại 

Chính con sông bốn mùa con nước vơi đầy đã ghi dấu son trong tâm hồn tôi từ mùa nước lũ đến mùa nước cạn. Nói sông Thương thì dài lắm, từ rừng núi Bắc Sơn đến tận Lục Đầu tôi đâu đã biết hết. Trí nhớ của tôi chỉ neo ở một khúc sông Thương chảy qua vùng quê tôi mà thôi. Mùa đông, gợi nhớ trong tôi là những vườn cam chín vàng, khoe sắc trong nắng nhạt. Mùa cam chín làm rộn rã cả vùng bãi. Thuyền buôn từ dưới xuôi đậu chật bến Nhãn. 

Cam từ vườn bãi xếp đầy trên bến đợi thuyền vận chuyển xuôi về Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Cam Bố Hạ nổi tiếng một thời, ngày nay nhiều vùng cũng trồng được cam nhưng mẫu mã, hương vị không sánh được. Mùa thu hoạch cam là mùa bọn trẻ chúng tôi vui nhất, đi học về cả lũ kéo nhau đi các vườn mót cam, chỉ cần đi một vòng bãi là túi vải ai cũng có năm mười quả cam vàng rộm. 

Ăn không hết, chúng tôi xúc cát đổ vào xó nhà ngang vùi cam vào đến tháng 3, tháng 4 năm sau bới ra, quả héo quắt nhưng không bị ủng. Đầu hè trẻ con lên sởi chỉ ăn vài quả cam là đỡ ngay.

Mỗi vụ nhà nào cũng để vài chục quả cam vùi trong cát để phòng chữa ho, sốt cho con trẻ. Hết mùa thu hoạch, nhà nhà lại gánh phù sa đổ vào gốc cam, chăm sóc cho mùa cam ra hoa vào tháng sau Tết. Lúc đó vườn cam là thế giới riêng của bọn trẻ con chúng tôi. Đi học về vứt cặp sách là ra vườn lật đất bắt dế. Niềm vui chọi dế thật là sôi nổi. 

Để có con dế gáy hay, chọi khỏe từ tối hôm trước bọn tôi đã ra vườn cam phục xác định vị trí con dế đực gáy hay ở đâu để khoanh vùng ngày mai ra bới. Bắt được dế chọi đã khó, nhưng chăm nuôi dế cũng kỳ công. Nghe mấy anh lớn mách muốn dế chọi khỏe phải cho ăn giá đỗ sống thế là bọn trẻ về nhà tìm lọ đỗ giống của bố mẹ, trộm một nắm rồi cũng học cách ngâm giá đỗ làm thức ăn cho chúng.

Bến sông quê tôi chỉ nhộn nhịp vào mùa thu hoạch cam quýt, còn mùa hè, mùa thu là bến của bọn trẻ con. Có khúc sông ấy chúng tôi tự dạy nhau bơi. Bên kia sông thuộc đất làng Gai, bờ có cây sung quả rất ngon, mùa sung chín, chúng tôi lặng lẽ bơi sang leo lên cây sung thi nhau hái quả xâu vào cuộn lạt tre. 

Bến Nhãn trở thành địa điểm để lũ trẻ chúng tôi lặn ngụp chơi đùa thỏa thích, giải tỏa cái nắng chói chang gay gắt mùa hè. Đây còn là nơi chúng tôi thi bơi, thi lặn, là bãi chiến trường để chia phe bơi, lặn bắt nhau đến đỏ mắt. 

Mùa thu nước sông trong xanh, in bóng lũy tre hai bên bờ gợn sóng, thỉnh thoảng một áng mây trắng trên trời, in lên mặt sông đủ hình thù, dụ bọn trẻ thi nhau bơi ra bắt. Vui nhất là vào tháng Ba, khúc sông trước cửa đình nước cạn, lội ra giữa sông chỉ ngập đến bụng, bọn trẻ lùa trâu xuống tắm, còn mình thì hò nhau ngụp lặn bới cát mò bắt những con trai sông to bằng bàn tay người lớn.

Thời kháng chiến chống Pháp, quê tôi là vùng tự do nên giặc thường cho máy bay đánh phá. Nghe tiếng máy bay, nhìn lên trời tôi thấy chiếc máy bay vòng lại, cả bọn hò nhau chui vào hầm bên đường. Máy bay lao xuống bắn hai loạt rồi bỏ đi. Bọn trẻ con chúng tôi ôm nhau nằm gọn trong hầm an toàn nhưng thằng nào cũng lo trâu bò chết hoặc què. May quá, đàn trâu bò nghe tiếng máy bay rít là chạy vào đồi cây trú ẩn.

Khúc sông là nơi các bạn học đôi bờ sông Thương hò hẹn vào đêm trăng sáng. Lớp tôi có mấy bạn nhà bên sông có thuyền, tan học hẹn nhau tối đi chơi trăng. Trăng Rằm lên bằng con sào cả đám xuống thuyền chèo ra giữa sông, gõ vào mạn thuyền cành cạch như người thả lưới. 

Đó là tín hiệu bạn bên sông chèo thuyền ra gặp nhau. Thuyền thả trôi lững lờ, mặt sông như dát vàng lung linh, thỉnh thoảng một con cá quẫy, mặt sông gợn sóng lung linh làm ánh trăng vỡ ra thành những vẩy vàng trải khắp mặt sông. Tiếng sáo trúc của bạn Giang làm cho không khí sông nước thêm xao động. 

Cảnh bơi thuyền thả trôi giữa đêm trăng sáng với bạn trên sông mãi mãi là những kỷ niệm neo giữ trong tâm hồn tôi không bao giờ quên. Lớn lên chúng tôi mỗi người một ngả, phần lớn vào lính, cùng đồng đội “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” người còn thì ít, người mất thì nhiều. 

Nhưng dù bạn còn hay mất thì kỷ niệm từ khúc sông tuổi thơ của chúng tôi lúc nào cũng lung linh, tỏa sáng vẫn đầy đủ những gương mặt ngày xưa. Nhiều lúc ngồi nghĩ vu vơ nếu tuổi thơ tôi chỉ có đất, không có sông thì buồn lắm. May mắn, tôi được sinh ra ở vùng đất vừa có đồi núi, vừa có sông Thương thơ mộng chảy qua để lại trong tôi nỗi nhớ khôn nguôi. 

Khúc sông tuổi thơ ấy đã cách đây gần 70 mùa xuân, nhưng với tôi nỗi nhớ ấy vẫn hiện hữu như mới hôm qua. Tuổi già những điều mới nghe có khi đã quên ngay, nhưng những kỷ niệm từ ngày xửa, ngày xưa thì lại nhớ không sót chi tiết nào. Kỷ niệm tuổi thơ luôn là đôi cánh nâng tâm hồn ta đi suốt cuộc đời.

Hoàng Tiến

Kỷ niệm những ngày chiến đấu bảo vệ cầu Sông Thương
(BGĐT) - Hôm ấy, thỉnh thoảng trên bầu trời mới có làn mây mỏng bay qua rất nhanh. Khoảng hơn 9 giờ, một tốp máy bay F105 từ hướng Đông Bắc lợi dụng dãy núi Đông Triều và hướng mặt trời tiến vào đánh phá cầu Bắc Giang (còn gọi cầu Sông Thương).
Cầu Sông Thương - nơi ghi dấu nhiều chiến công
(BGĐT) Để thực hiện khai thác thuộc địa, từ năm 1889, thực dân Pháp tiến hành xây dựng tuyến đường sắt Phủ Lạng Thương tới Lạng Sơn, đến tháng 12/1894 thì hoàn thành. Cầu Phủ Lạng Thương còn gọi là cầu Sông Thương được xây dựng trong khoảng thời gian này và đã trở thành biểu tượng, nhân chứng lịch sử gắn liền với người dân Bắc Giang trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.  
“Vòng tròn” kết nối hai bờ sông Thương
(BGĐT) - Ba cây cầu, ba cung đường mới được xây dựng trong năm 2020 với tổng vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng trên địa bàn thành phố (TP) Bắc Giang tạo thành vòng tròn kết nối các vùng trên địa bàn. Cùng với đó, dự án cầu Á Lữ dự kiến khởi công trong thời gian tới là gạch nối hoàn chỉnh từ vòng tròn đó đi xuyên tâm TP. Đây cũng là cơ sở quan trọng liên kết các vùng để trung tâm chính trị của tỉnh bứt phá về mọi mặt. 
Từ sông Đà đến sông Thương
(BGĐT) - Những ngày qua, người dân Thủ đô Hà Nội không khỏi lo lắng khi nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm bởi chất thải nguy hại do một số đối tượng đổ xuống đầu nguồn sông Đà. 


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...