Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Độc đáo trò diễn dân gian

Cập nhật: 14:39 ngày 03/02/2022
(BGĐT) - Người xưa đã nói: Muốn ướt xem bơi/ Tả tơi xem hội. Xưa nay cái cốt lõi tạo nên không khí lễ hội mùa xuân là những trò diễn, trò chơi dân gian do chính người dân địa phương sáng tạo ra. Ngoài vui chơi, giải trí, khi đi hội mọi người đều cảm thấy mình còn được nhận thêm điều gì đó rất linh thiêng, đó là “khước may”, “lộc thánh”.

Trò diễn tái hiện công tích các vị Thần

Phần lớn các vị thần, Thành Hoàng được dân thờ phụng đều là những người có công với dân, với nước. Đó có thể là những anh hùng chống giặc ngoại xâm, là người khai đất lập làng, dạy dân nghề nghiệp khiến cuộc sống người dân no đủ, sung túc. Các vị là nhân thần cũng có thể là nhiên thần… được nhân dân tôn kính và biết ơn sâu sắc. 

Ví như lễ hội đình Vồng, xã Song Vân, huyện Tân Yên (Bắc Giang) được tổ chức vào ngày 15, 16 tháng Giêng có trò diễn tế ngựa độc đáo. Những trai đinh vác cờ lớn múa trước sân đình, 8 chàng kỵ sĩ dũng mãnh trong tư thế dẫn ngựa chạy hai vòng quanh sân đình, rồi đưa ngựa về xếp hai hàng làm lễ tế. Qua đó tái diễn lại cảnh nghĩa quân xưa đánh trận, thể hiện ý nguyện của nhân dân ghi nhớ chiến công của các võ tướng xưa, biểu dương tinh thần thượng võ vùng đất Cầu Vồng.

{keywords}

Tục rước bông dò ở Lễ hội Y Sơn, xã Hòa Sơn (Hiệp Hòa).

Ảnh: Anh Khoa 

Lễ hội làng Đông Hương dưới chân núi Nham Biền, thị trấn Neo (Yên Dũng) có trò diễn “múa bông đuổi bệt” để tưởng nhớ Thái sư Trần Thủ Độ xưa kia đã có công diệt mãng xà bảo vệ nhân dân. Để diễn lại tích trò này, một nam thanh niên mình trần, đóng khố đội đầu rắn, gọi là ông Bệt. 

Một người bưng rổ trứng nhử rắn ra ăn, hai người múa gậy đánh bệt (múa bông) cũng mình trần, quấn khố, đầu quấn khăn đỏ, mặt hoá trang vết đen, tay cầm gậy bông. Người múa bông và người bưng rổ trứng múa hai bài để nhử rắn ra ăn trứng. Sau đó người múa bông và rắn quần nhau, vật lộn đến khi đầu rắn oằn oại, lảo đảo rồi lao đầu chạy ra ngoài cánh đồng phía trước dãy núi Nham Biền.

Phản ánh tín ngưỡng nông nghiệp

Lễ hội Tòng Lệnh, xã Trường Giang (Lục Nam) có tục cầu mưa, dân làng dựng một sàn tế cao tới đầu người, trên bắc sạp, dưới cho trẻ con đóng giả làm ếch nhái đợi mưa. Tế xong, chủ tế lấy nước vẩy xuống đàn ếch nhái, khi chúng kêu báo hiệu mưa về. Một người đàn ông đóng giả làm trâu, người phía sau đóng đi bừa, một phụ nữ giả đi cấy… thể hiện ý nghĩa cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.

{keywords}

Nghi lễ xuống đồng cầu mưa thuận gió hòa tại lễ hội Tòng Lệnh, xã Trường Giang (Lục Nam). Ảnh: Việt Hưng

Một số vùng ở Hiệp Hòa có nghi thức cúng tế Thần Nông, tiêu biểu như lễ hội Y Sơn, xã Hòa Sơn có tục rước bông dò là những thanh tre bánh tẻ được vót thành bông hoa cắm vào cây chuối, buộc thêm một bông lúa nếp dài, hạt mẩy đều và một củ ấu làm từ lá dứa dại. Sau khi rước voi, ngựa, nồi hương là nghi lễ rước bông dò vào nhà hội làm lễ tạ ơn Thần Nông. 

Hay ở lễ hội đình làng An Cập, xã Hoàng An có trò diễn cướp bò vua. Vào ngày 10 tháng Giêng, nhân dân mở hội mừng năm mới, sau lễ dâng hương có lễ tịch điền, người đứng đầu hàng xã bắc vai, bắc cày vào một con bò được dân làng đan bằng tre, dán giấy to đẹp như thật, chiếc cày cũng được làm bằng tre giống như thật. 

Sau khi làm lễ trước cửa đình, làng cử một người dắt con bò đi trước, phía sau là người cầm cày, cày đi cày lại vài lượt thì dừng lại. Sau đó dân làng chia nhau con bò giấy, mỗi người lấy một miếng giấy, một ít nan tre đem về dán hoặc gài vào chuồng trâu, bò nhà mình để cầu may.

Lễ hội đình Nội, xã Việt Lập (Tân Yên) có trò cướp cầu. Dân gian có câu: Đình Nội có hội cướp cầu/ Tháng Giêng mười một đâu đâu cũng về. Cướp cầu cũng có trong lễ hội làng Bừng, xã Tân Thanh, lễ hội Tiên Lục (Lạng Giang). Trò chơi này thường có quân cầu được chia làm hai phe gồm những trai đinh khỏe mạnh. Trước khi tung cầu, quan hội đọc rằng: “Năm nay tổ chức gieo cầu đầu năm, để phụng thờ thánh, cầu cho quốc thái dân an, cho thiên hạ thái bình, cho nhân khang vật thịnh, cho được mùa khoai, cho sai mùa đỗ, cho lúa đầy bồ, cho dân làng bình an, thịnh vượng”. 

Sau đó quan hội tung tiền cho các quân cầu và dân làng vào tranh, mọi người đều reo vang. Tiếp theo đó quan hội hô lần thứ nhất: Niên minh năm mới đánh cầu cho đinh tài thịnh vượng/ Đầu xuân năm mới đánh cầu cho già sức khỏe bình an/ Đầu xuân năm mới đánh cầu cho nhân khang vật thịnh

Dứt lời, ông quan hội tung quả cầu lên, quân cầu hai phe vào tranh nhau đưa quả cầu về vạch đích phía đối phương. Theo quan niệm dân gian, cầu tròn là biểu tượng của mặt trời. Nó được mang, vác, tung từ Đông sang Tây theo hướng mặt trời mọc và lặn. Quả cầu tròn tượng trưng cho dương, còn lỗ cầu tượng trưng cho âm. Âm dương hòa hợp là mọi người làm ăn phát đạt, vạn sự bình yên.

Nhiều lễ hội làng ở Bắc Giang đều có trò chơi cờ người, đấu vật, thi thổi cơm, đi cầu kiều, đánh đu, đấu vật... Thổi cơm thi không chỉ để vui chơi mà còn là dịp để thanh niên nam nữ thi thố tài năng, trí sáng tạo và đức kiên trì, nhẫn nại. 

Làng Đức Thắng (Hiệp Hoà) có tục mở cỗ khao quân, tục trồng tre giữa sân đình trong lễ hội. Có 4 chàng trai của 4 giáp trong làng, mình trần, khố đỏ, vai vác một đoạn tre còn nguyên rễ đi xung quanh trình diễn động tác theo nhịp trống. Nghi lễ này tái hiện lại hình ảnh trồng tre trên chiến tuyến sông Như Nguyệt để chặn đánh quân xâm lược Tống xưa kia.

Đồng Ngọc Dưỡng

Phong tục ngày Tết
(BGĐT) - Tết Nguyên Đán là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam, trong dịp này có nhiều phong tục ý nghĩa nhằm cầu mong một năm mới may mắn, bình an, sung túc như: Xông đất, chúc Tết, mừng tuổi, hái lộc, du xuân, xin chữ…
Xây dựng hương ước, quy ước: Phù hợp phong tục, gắn kết cộng đồng
(BGĐT) - Việt Yên (Bắc Giang) được đánh giá là địa phương điển hình trong xây dựng hương ước, quy ước thôn, khu phố nhờ bám sát quy định của Nhà nước, lựa chọn nội dung phù hợp với thực tiễn và phong tục, tập quán của địa phương. Chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần của người dân trên địa bàn thời gian gần đây được nâng lên đáng kể.
Phong tục thú vị của những nước châu Á đón Tết cùng Việt Nam
Tết Nguyên đán là ngày lễ lớn nhất trong năm không chỉ với riêng Việt Nam mà còn cả các nước ở khu vực châu Á. Dù mỗi nước có một văn hóa đón tết riêng nhưng đây đều là dịp để con cháu trở về đoàn tụ cùng gia đình. 
Phân biệt Chùa, Đình, Đền, Phủ, Miếu, Quán trong phong tục Việt
Trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt Nam có rất nhiều nơi thờ cúng khác nhau như Chùa, Đình, Đền, Phủ, Miếu, … Nhưng không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa của những địa điểm thờ cúng đó.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...