Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Mong ước ngày xuân

Cập nhật: 19:39 ngày 21/01/2023
(BGĐT) - Tết năm ngoái, muốn có chút thay đổi, tôi cùng gia đình du xuân miền Trung từ ngày mùng 2 theo con đường thiên lý Bắc - Nam. Đúng là sau bao nhiêu năm chỉ ở Hà Nội những ngày Tết, nay có đi mới thấy những phong tục đón xuân mọi miền.

Một trong những điều khiến tôi thích thú trên con đường du xuân ấy là những cây nêu trồng trước cửa nhà dân, trụ sở cơ quan, doanh nghiệp… hai bên quốc lộ 1 đoạn chạy qua Nghệ An.

Những cây nêu xứ Nghệ được trang trí vui mắt với đèn lồng và lá cờ đỏ sao vàng trên ngọn, dù không mấy giống trong ký ức của tôi thời xa xưa khi về quê ở vùng Kinh Bắc ăn Tết, nhưng vẫn đem lại một không khí mùa xuân cho những thôn làng, phường phố mà chúng tôi đi qua trong sáng xuân ấy. Được biết, từ khoảng dăm năm trở lại đây, sau hàng chục năm hầu như vắng bóng, tục dựng cây nêu đón Tết Nguyên đán được người dân Nghệ An khôi phục lại. Và theo đó, đã có cả một dịch vụ đáp ứng nhu cầu này của người dân. Mỗi cây tre đủ tiêu chuẩn làm cây nêu có giá từ 150-200 nghìn đồng. Thêm đồ trang trí là tầm 650 - 700 nghìn đồng, tính ra cũng là một khoản chi tiêu đáng kể cho ngày Tết. Dù vậy, cây nêu đón Tết đã làm rộn rã thêm không khí mùa xuân ở vùng đất này, từ những thôn xóm ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu, phố phường thành Vinh cho đến làng bản thuộc Quế Phong, Kỳ Sơn… Điều đó cũng phần nào nói lên sự khấm khá, đi lên của người dân nơi đây.

Ngắm những cây nêu trồng hai bên đường đem lại không khí mùa xuân, tôi lại nhớ cách nay hơn nửa thế kỷ, khi cây nêu còn được dựng khá nhiều ở quê tôi, một thị trấn vùng trung du tỉnh Bắc Giang. Dạo ấy, về quê ăn Tết là gặp hình ảnh cây nêu. Nhà ông bà nội tôi cũng dựng một cây nêu trước sân, nhớ nhất là tiếng lanh canh vui tai của những chiếc khánh, con cá bằng đất nung va vào nhau mỗi khi gió xuân thoảng qua. Và cùng với cây nêu là những cột đu ngoài bãi chợ.

Năm nay, vì hoàn cảnh cá nhân, tôi không thể tham dự những chuyến đi thực tế đầy hứng thú ở Bắc Giang. Nói là vậy song quả thật tôi vô cùng thích thú khi lướt mạng gặp được một thông tin thú vị: Dịp chuẩn bị đón Tết Nhâm Dần năm ngoái, tại không gian ngoài trời của Bảo tàng tỉnh Bắc Giang diễn ra nghi lễ tái hiện tập tục dựng cây nêu ngày Tết. Nghi lễ được thực hiện theo đúng truyền thống từ lâu đời trong văn hóa của người Việt. Cây tre dùng làm cây nêu đang độ tươi tốt, thân thẳng, cứng cáp, lóng đều và còn nguyên lá tươi trên ngọn. Lá cờ hội vuông vức được treo trên ngọn nêu cùng lá phướn mang dòng chữ chúc mừng năm mới, thêm những vật trang trí bằng sành, tạo âm thanh như tiếng chuông...

{keywords}

Chơi đu tiên ngày xuân.

Dường như có sự gặp nhau giữa những người làm công tác văn hóa với người dân các làng quê. Cũng trên Báo Bắc Giang online, tôi “nhặt” được câu chuyện ông Ân Quốc Lâm, xã Kiên Lao (Lục Ngạn) là người lưu giữ tục trồng cây nêu trước cửa nhà mỗi dịp Tết đến xuân về. Với ông lão tuổi ngoại 80 ấy, cũng như bà con dân tộc Sán Chí quê ông, trồng cây nêu ngày Tết là điều thiêng liêng từ bao đời tổ tiên truyền lại. Bởi vậy, dù xóm làng Lục Ngạn quê ông đang thưa dần bóng tre, nhường chỗ cho những vườn cây ăn quả từ vải thiều đến bưởi Diễn, cam Canh… nhưng cứ gần Tết là ông Lâm lại lặn lội tìm xin cho được cây tre ưng ý, cây phải tươi xanh không già không non, cành lá sum suê để về tỉa tót còn lại một chùm lá trên ngọn.

Và không chỉ có cây nêu, một nét đẹp ngày xuân của các làng quê Bắc Giang cũng đang trở lại. Ngày Tết trong ký ức tuổi thơ tôi luôn có hình ảnh cây nêu cùng cọc đu nơi bãi chợ phố Kép (Lạng Giang). Dạo ấy, chưa tường tận về ý nghĩa hay nét văn hóa của trò chơi dân gian này song tôi còn nhớ nguyên cái cảm giác thán phục khi những cặp anh chị cùng nhau nhún đu cao tít trên nền trời xuân, người nhún đu gần như nằm song song với mặt đất. Với kỷ niệm khó quên ấy, tôi thật vui khi được biết khoảng mươi năm trở lại đây trò chơi này được khôi phục không chỉ ở các làng quê mà còn ở ngay các phường, xã của TP Bắc Giang như Xương Giang, Dĩnh Kế… để người dân và du khách có cơ hội thưởng lãm và tham gia một trò chơi dân gian ngày Tết.

Lại một mùa xuân mới đang đến. Cứ mỗi bận lái xe trên cao tốc êm thuận về quê tôi lại thầm có một mong ước. Đó là một mùa xuân nào đó, gần đây thôi, trên con đường từ Hà Nội về quê mình, bên cạnh những cổng lớn, cổng nhỏ của các khu công nghiệp nằm dọc theo cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn,  sẽ là hình ảnh những cây nêu như nét xuân ngàn đời của dân tộc.

Bây giờ thì Lục Ngạn đã là vùng đất cho những mùa trái ngọt. Vải thiều, bưởi Diễn, cam Canh, nhiều loại trái cây đặc sản từ mọi vùng đất đã bén rễ, đâm chồi, nảy lộc, ra hoa, kết trái trên vùng đất này, mang lại cuộc sống ấm no, giàu có cho người dân nơi đây. Cùng với những khu công nghiệp bề thế ven cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, những vườn cây ăn trái ở Tân Yên, Lục Ngạn… đã góp phần làm thay đổi diện mạo đời sống KT-XH vùng đất trung du này. Có thể nói đó là những nhân tố quan trọng để Bắc Giang có những bước phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, dù gặp không ít khó khăn do đại dịch Covid-19.

Cũng theo những thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, năm 2022, KT-XH của tỉnh Bắc Giang tiếp tục đà phát triển, đạt nhiều kết quả quan trọng. Tốc độ tăng trưởng (GRDP) cả năm ước đạt 19,3%, cao nhất từ trước đến nay.

Những kết quả đáng phấn khởi nói trên là cơ sở để Đảng bộ, chính quyền và người dân Bắc Giang tự tin đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô GRDP đứng trong nhóm 15 tỉnh, TP đứng đầu cả nước và đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc… Chắc chắn, đó cũng là cơ sở để Bắc Giang có định hướng khôi phục, gìn giữ và phát huy những truyền thống văn hóa quý báu của quê hương Kinh Bắc.

Như một quy luật ngàn đời, người ta chỉ có thể nghĩ đến cái hay, cái đẹp khi đời sống đã khấm khá, cơm đã đủ no, áo đã đủ lành. Những kết quả đáng mừng trong phát triển kinh tế cũng là điều kiện để người Bắc Giang nhớ tới và khôi phục những nét đẹp truyền thống của quê hương, mà việc phục dựng tục trồng cây nêu hay những cột đu ngày xuân là một minh chứng. Và đúng như quan điểm của Đảng, coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, mục tiêu, động phát triển KT-XH, đến lượt nó, những giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tốt đẹp ngày xuân lại góp phần mình tạo nên những thành quả mới của đời sống KT-XH.

Lại một mùa xuân mới đang đến. Cứ mỗi bận lái xe trên cao tốc êm thuận về quê tôi lại thầm có một mong ước. Đó là một mùa xuân nào đó, gần đây thôi, trên con đường từ Hà Nội về quê mình, bên cạnh những cổng lớn, cổng nhỏ của các khu công nghiệp nằm dọc theo cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, nghe nói đã được lấp đầy những diện tích trong quy hoạch, sẽ là hình ảnh những cây nêu như nét xuân ngàn đời của dân tộc. Và những cây nêu cũng sẽ mãi là tín hiệu báo mùa xuân đến trước những ngôi nhà khang trang, những trang trại trồng cam, trồng vải trù phú… của người dân Lục Ngạn mà cuộc sống đang ngày một giàu đẹp hơn từ những mùa trái ngọt bội thu.

Tạ Việt Anh

Những mùa xuân của Đảng
(BGĐT) - Lại đến một mùa xuân hẹn ước của đất trời. Thân thuộc thế mà luôn mang theo những bất ngờ, như lời trong giai phẩm nổi tiếng "Mùa xuân đầu tiên" của Văn Cao: “Mùa bình thường, mùa vui nay đã về”. Xuân nay trong niềm vui vừa qua cơn sóng gió, dẫu còn lắm thác nhiều ghềnh, ta nghĩ về hành trình vạn dặm son sắt niềm tin, vững bước trên đường lớn.
Bắc Giang: Hân hoan đón mùa xuân mới
(BGĐT) - Trải qua một năm gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, người dân tạm gác lại những lo lắng còn bộn bề để sắm sửa, trang hoàng cho ngôi nhà, xóm phố đẹp thêm, san sẻ khó khăn với người nghèo, cùng hướng về niềm vui đón mùa xuân mới. Không khí đón Tết cổ truyền của dân tộc đã hiện hữu ở mọi ngõ phố, đường quê. 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...