Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 28 °C / 26 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chốn đi về

Cập nhật: 21:50 ngày 21/01/2023
(BGĐT) - Từ khi anh bước sang tuổi 45, chạp họ, lệ làng và dịp Tết cổ truyền, trừ lúc công việc thật đặc biệt, còn lại anh đều thu xếp có mặt đủ. Đám con cháu đi công tác thành phố, đi công ty bằng cách nào đó cũng tề tựu không thiếu một ai.

Buổi tối sau khi đã xong việc nhà là chị với tay lấy điện thoại bắt đầu lướt facebook. Đôi mắt chăm chú, lúc lúc chị quay sang anh khoe ảnh bạn face người này đẹp, người kia trẻ quá nhờ “mới đầu tư mấy trăm triệu đập đi xây lại”, xuýt xoa loạt ảnh chụp với cải hoa vàng, lúa chín, đồi cây, săn mây tận Hà Giang, Tam Đảo của ai đó. “Tết đến nơi, hoa cải tầm này đang đẹp, không đi chụp thì hoa tàn hết”.

Nghe chị nhắc, anh cũng bất giác nghĩ về hoa cải. Những ngày áp Tết, tiết trời khô hanh, những vạt cải mẹ anh trồng cây trổ ngồng cằn cỗi, thậm chí thân tía lại, khẳng khiu vì giá rét, vậy nhưng những chùm hoa vẫn đủ vàng rực cả vạt ruộng, sáng cả cánh đồng. Chân rạ xơ xác do gió bấc xoáy trên ruộng trống và trâu bò giày đạp, lũ trẻ hò nhau chạy trên mặt ruộng khô trắng, nhổ gốc rạ nhồi vào ống bơ rỉ làm mồi lửa sưởi ấm, kiếm củi vụn chụm lại nướng khoai. Những củ khoai móc trộm ở thửa ruộng nhà ai đó trên đồng sau khi vùi lửa có khi cháy thành than gần hết, khi lại dở sống, dở chín vì thiếu củi, gió to, than lụi quá nhanh. Vậy mà vẫn làm nức bụng lũ trẻ trâu háu đói.

{keywords}

Đường hoa ở xã Thanh Vân (Hiệp Hòa) tô diểm cho cảnh sắc làng quê thêm đẹp. Ảnh: Mai Toan.

Bố mẹ công tác ở thị xã nhưng thường gửi anh về quê với ông bà, với bác ruột và các anh; mùa hè những năm tiểu học anh được bố mẹ cho về quê nội chơi cả vài tháng. Buổi tối trăng non mờ mờ, anh cùng các anh nhà bác ruột rủ nhau chui qua bờ rào ruộng dưa rồi trườn dài trên luống lần vặt quả, có khi bị rết và sâu bọ đốt cho sưng mẩn hết người khiến mẹ anh lại phải gửi những tuýp thuốc mỡ bôi từ thị xã về. Những trái dưa vặt được thường đắng ngắt hoặc nhạt toẹt, lũ trẻ gặm qua vài miếng rồi vứt lăn lóc, để rồi sáng ra bà hàng xóm xắn quần, tay chống nạnh, tay xỉa xói cất giọng bắt đầu bài chửi mất dưa chua ngoa dậy cả thôn. Lũ trẻ vừa lùa trâu ra đồng vừa đuổi nhau cười ré lên từng chập, chạy qua chạy lại quanh bà như trêu ngươi. Nghĩ đến đây anh bất giác mỉm cười. Bà hàng xóm có bài chửi mất dưa có vần có điệu, có mở bài, thân bài, kết bài năm xưa nay đã gần như chỉ nằm một chỗ vì già yếu thực ra là bà bác họ. Mỗi Tết từ thành phố về anh lại sang thăm, mừng tuổi bà và nhại lại mấy câu chửi quen thuộc khi xưa khiến đôi mắt mờ đục hấp háy, bà cười móm mém, đập đập bàn tay nhăn nheo, run rẩy vào lưng thằng cháu họ đã ngoại ngũ tuần “cha bố anh”... Anh bỗng mong cái Tết đến nhanh để lại được về làng.

“Chủ nhật anh thồ em với mấy chị ra bãi sông ngoại thành nhé, chỉ cách đây tầm hơn 20 km thôi, cải đang nở vàng đẹp lắm”. Chị giao việc. Anh chỉ ậm ờ vì tâm trí vẫn còn cố nhẩm xem mình chắp nối có chính xác mấy câu “hát hay” của bà bác họ ngoa ngoắt năm xưa hay không. Chị đập mạnh bàn tay vào vai anh có vẻ bực: “Có mỗi việc cỏn con vậy mà vợ nhờ cũng không nhiệt tình. Đã thế bọn tôi tự thuê xe, chả phiền nữa”.

Thật ra anh rất chiều vợ, trước đây từng nhiều lần chị rủ anh cùng đến vườn hoa nọ, ruộng rau kia để check in lấy ảnh post facebook cho bằng chị bằng em. Nhưng anh chụp không được đẹp như ý chị. “Chụp chả có tâm gì cả”. Vài lần chị cáu, phần cũng vì anh bận với các dự án nay ở bộ, mai đi miền Nam rồi nước ngoài nên sau đấy chị rủ mấy người bạn tự thuê xe, mua váy áo, xách theo cả ê kíp thợ trang điểm, chụp ảnh cho đúng ý. Con gái nông thôn, học đại học xong đi làm, lấy chồng rồi ở luôn thành phố, vậy mà hễ thấy ruộng ngô, luống rau, vạt cỏ là chị xuýt xoa, trầm trồ như mới được thấy lần đầu rồi lội xuống bắt người đi cùng chụp ảnh cho bằng được để đăng. Chị vui là anh vui.

Anh vẫn miệt mài theo các dự án, các chuyến công du nước ngoài; vẫn mong Tết về như một đứa trẻ dù thêm Tết là thêm già. Với anh, Tết còn, chạp họ, hội lệ còn là làng còn; như một sợi dây vô hình mà bền chặt kết nối quá khứ với hiện tại làm nên ngôi làng hơn 200 năm này.

Cuối năm, phố phường đã rục rịch, anh giục chị sắp xếp thời gian để đi mua sắm quà về quê biếu Tết. Làng anh ở vùng trung du, những ngọn đồi thấp xưa trồng bạch đàn và lúp xúp cây dại cho chẳng ai nhận. Giờ người ta đã mua hết tất cả các quả đồi, thuê máy móc múc đất, san gạt. Những ngôi nhà hiện đại mọc lên ngày một nhiều. Những mảng xanh ở làng giờ cũng ngày càng ít. Các dự án khu đô thị, khu dân cư làm biến mất những cánh đồng. Vạt cải vàng của mẹ và ruộng dưa của bà bác họ năm xưa giờ đã được phân lô, bán nền. Nhiều gia đình đổi đời nhờ cắt miếng đất mặt đường ra bán. Có người xa quê lâu lâu mới về có khi còn bị lạc lối vào nhà họ hàng vì nay làng khác quá, mới quá. Đường nhựa hóa, bê tông hóa, mở rộng và mở mới, nhiều chỗ hai bên trồng hoa; bà con đóng tiền để lắp đèn đêm ở các ngõ. Làng anh vừa được công nhận là thôn kiểu mẫu, Tết này dân làng càng vui hơn.

{keywords}

Ảnh minh hoạ.

Qua hơn nửa đời người, bước chân của anh không chỉ ra Bắc vào Nam mà đã từng đi gần như khắp năm châu bốn biển. Sở hữu hai ngôi nhà cao cấp ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trước đây cứ Tết đến là anh chị và các con đóng cửa xách vali du lịch nước ngoài qua kỳ nghỉ Tết. Vậy nhưng càng lớn tuổi, mỗi năm gần Tết, lòng anh như một đứa trẻ, chộn rộn mong được về quê. Hít hà mùi lá dong luộc quyện với hương gạo nếp ngâm vo đãi kỹ, mùi nhân bánh ướp tiêu, mắm làm tứa nước miếng dù giờ ai cũng sợ thừa chất, phòng tiểu đường, huyết áp, gout nên bánh chưng cũng chỉ dám nhấp nháp một vài lát mỏng. Anh thèm nhớ cái hương sắc vạt hoa cải vàng cuối đông, thèm được lội chân trần trên ruộng khoai tây vừa dỡ đất nâu tơi xốp mát lạnh của bác dâu dù giờ nó chỉ còn trong ký ức của một người đàn ông ngoại ngũ tuần tóc đã bạc quá nửa. Đi bộ ra cánh đồng cách nhà hơn cây số nơi anh và các anh họ thường nằm dài trên bờ cỏ mương nước trong lúc thả trâu, con mương giờ đã được kè bê tông hai bên, mặt bờ cũng bê tông và mở rộng hai ô tô đi lọt. Anh giật mình khi có tiếng “con chào ông”, những đứa trẻ gọi anh bằng ông ngày một nhiều mỗi năm anh về Tết. Dấu vết làng xưa giờ chỉ còn nhạt nhòa trên khuôn mặt vốn nhăn nheo, khắc khổ sạm nắng nay căng giãn, đầy đặn, hồng hào nhờ con cái ăn nên làm ra, giờ không phải làm ruộng của các ông bố bà mẹ trạc tuổi anh trở lên. Nếp sinh hoạt của làng cũng "công nghiệp hóa". Làng như phố, tầm 6 giờ đến 7 giờ sáng và 18 đến 20 giờ tối đường thôn nhộn nhịp, có đoạn ùn tắc bởi ông bà, bố mẹ đưa đón con trẻ đi học và học về, công nhân tan ca tranh thủ mua thức ăn trữ tủ lạnh, còn trong ngày vắng lặng bởi gần như cả làng đi công ty.

Từ khi anh bước sang tuổi 45, chạp họ, lệ làng và dịp Tết cổ truyền, trừ lúc công việc thật đặc biệt, còn lại anh đều thu xếp có mặt đủ. Đám con cháu đi công tác thành phố, đi công ty bằng cách nào đó cũng tề tựu không thiếu một ai. Chị nhà anh mỗi dịp này lại xăm xắn sắp quà, đồ lễ, váy áo, làm tóc.. kỹ lưỡng theo chồng về quê, chụp ảnh, quay video, livestream khoe họ, khoe làng lên facebook. Nhờ quy hoạch mà tên làng anh giờ thành tên tổ dân phố. Các hộ, nhất là bọn trẻ vui ra mặt, làng lên phố đất càng có giá, quán trà sữa của mấy đứa cháu ngày càng đông khách. Anh nay giúp vốn, mai giúp ý tưởng, giúp thiết kế, bày cho chúng kiếm tiền, kiếm đất đắc địa mà đầu tư. Còn anh, vẫn miệt mài theo các dự án, các chuyến công du nước ngoài; vẫn mong Tết về như một đứa trẻ dù thêm Tết là thêm già. Bởi với anh, Tết còn, chạp họ, hội lệ còn là làng còn; như một sợi dây vô hình mà bền chặt kết nối quá khứ với hiện tại làm nên ngôi làng hơn 200 năm này.

Mỹ Bình

Năm 2023, Lục Nam phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới
(BGĐT)- Ngày 5/1, Ban Thường vụ Huyện ủy Lục Nam (Bắc Giang) tổ chức hội nghị tổng kết công tác lãnh đạo của Huyện ủy và phong trào thi đua, khen thưởng năm 2022; triển khai nhiệm vụ năm 2023. 
Lục Nam: Xây dựng đời sống văn hóa gắn với nông thôn mới
(BGĐT) - Xác định rõ ý nghĩa, vai trò của xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, cấp ủy, chính quyền huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhằm bảo đảm điều kiện vật chất, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.
Việt Ngọc (Tân Yên): Nỗ lực xây dựng xã điểm nông thôn mới kiểu mẫu
(BGĐT) - Việt Ngọc là xã miền núi ở phía Tây huyện Tân Yên (Bắc Giang). Sau hơn 10 năm xây dựng xã nông thôn mới (NTM), Việt Ngọc đã hoàn thành và từng bước phấn đấu là xã điểm đạt NTM kiểu mẫu. 
Phát triển du lịch nông thôn: Xây dựng sản phẩm đặc trưng, tăng cường liên kết
(BGĐT)-Ngày 25/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Bắc Giang tổ chức tọa đàm với chủ đề liên kết phát triển sản phẩm du lịch nông thôn tỉnh Bắc Giang. 
Bắc Giang: Lợi ích “kép” từ du lịch nông thôn
(BGĐT)- Khai thác lợi thế về sản xuất nông nghiệp cũng như những đặc trưng văn hóa tại các làng quê, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã bắt tay với nông dân đầu tư, phát triển du lịch. 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...