Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Kỷ niệm 505 năm ngày sinh Trạng nguyên Giáp Hải

Cập nhật: 14:23 ngày 09/03/2023
(BGĐT) - Ngày 9/3, tại thôn Cốc, xã Dĩnh Trì, TP Bắc Giang (Bắc Giang), Hội đồng Giáp tộc Việt Nam tổ chức Kỷ niệm 505 năm Ngày sinh Trạng nguyên Giáp Hải và 5 năm Thủ tướng Chính phủ công nhận bia hộp đá Đồi Cốc là Bảo vật quốc gia.

Tại buổi lễ, các đại biểu cùng con cháu dòng họ dâng hương, ôn lại thân thế, sự nghiệp, tưởng nhớ công ơn của Trạng nguyên Giáp Hải (1517- 2023). Thân sinh Trạng nguyên Giáp Hải là cụ Giáp Hà, người xã Dĩnh Kế, huyện Phương Sơn (nay là thôn Cốc, xã Dĩnh Trì). Năm 21 tuổi, Giáp Hải đỗ trạng nguyên vào đời Mạc Đăng Doanh (1538). 

{keywords}

Lễ dâng hương tưởng nhớ Trạng nguyên Giáp Hải.

Ông đã phò nhà Mạc 48 năm và giữ nhiều chức vị cao, đặc biệt là Thượng thư sáu bộ, được vua ban lá cờ thêu đôi câu đối: Trạng đầu Tể tướng đẩu Nam tuấn/ Quốc lão đế sư thiên hạ tôn (Là Trạng nguyên, Tể tướng cao đẹp như sao đẩu trời Nam/ Bậc Quốc lão, thầy dạy vua thiên hạ đã tôn vinh). 

Trạng nguyên Giáp Hải là người có lòng tự tôn dân tộc, yêu nước thương dân. Năm 1578, ông dâng sớ 6 điều đáng sợ cảnh tỉnh nhà vua, có nhiều đóng góp vào công cuộc thương thuyết bang giao giữ gìn bờ cõi, chấn chỉnh bộ máy, cải cách hành chính, tiến cử nhân tài. Ông là tấm gương sáng về lòng trung thực, liêm chính, cả đời tận tụy lo cho dân cho nước.

{keywords}

Con cháu dòng họ Giáp tưởng nhớ công ơn của trạng nguyên Giáp Hải.

Để tưởng nhớ công lao của Trạng nguyên Giáp Hải, năm 2015, Hội đồng Giáp tộc Việt Nam cùng cấp ủy, chính quyền xã Dĩnh Trì vận động nguồn kinh phí xã hội hóa xây dựng đền Sách Đá thờ ông và thân phụ tại đỉnh đồi Cốc, nơi gần 500 năm trước Trạng nguyên Giáp Hải đã chôn bia hộp đá.

Bia hộp đá được nhân dân thôn Cốc phát hiện năm 1998 và gìn giữ tại đình của thôn và nay đặt tại đền thờ Giáp Hải cùng thân phụ ông. 

Bia hộp đá có dạng hình khối chữ nhật gồm hai phần thân bia và nắp đậy ốp khít vào nhau. Nắp đậy kích thước 72x49cm, dày 16cm. Lòng nắp và mặt thân bia đều được mài phẳng, nhẵn, khắc văn tự Hán cổ và chữ Nôm. Ba diềm cạnh khắc chìm họa tiết hoa dây cuốn trổ tay mướp. Diềm trên khắc chữ khổ to, nét kép “Thái Bảo Giáp phủ quân mộ chí”. Bia được khắc vào ngày 26 tháng 12 năm Kỷ Dậu niên hiệu Cảnh Lịch thứ 2 (1549). 

{keywords}

Đại diện Hội đồng Giáp tộc Việt Nam khen thưởng con cháu có thành tích xuất sắc trong học tập, công tác.

Các nhà nghiên cứu xác định, bia hộp đá (sách đá) là hiện vật có giá trị độc đáo, tiêu biểu được tạo tác thời Mạc với họa tiết hoa văn và nghệ thuật khắc chữ tinh xảo. 

Nội dung văn bia là tư liệu quý về thân thế, sự nghiệp của Trạng nguyên Giáp Hải; xác định ngôi mộ Khánh Sơn tiên sinh, thân phụ của ông. Văn bia còn làm sáng tỏ những huyền thoại ly kỳ liên quan đến thân phận trạng nguyên dưới triều nhà Mạc. 

Với những giá trị lịch sử đó, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận Bia hộp đá Đồi Cốc là Bảo vật quốc gia. Hằng năm vào ngày giỗ Trạng nguyên Giáp Hải (18/2 âm lịch), dân làng, du khách, con cháu dòng họ Giáp các nơi về đây thắp nhang tưởng nhớ công ơn của ông.

{keywords}

Biểu diễn trống hội tại lễ kỷ niệm.

Nhân dịp này, Hội đồng Giáp tộc Việt Nam vinh danh gần 200 đại biểu là con em ưu tú của dòng họ trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Thời gian tới, Hội đồng Giáp tộc tiếp tục chăm lo công tác khuyến học, khuyến tài và giáo dục truyền thống hiếu học, khoa bảng cho các thế hệ của dòng họ.

Tin, ảnh: Lệ Thanh

Bảo vật quốc gia bia hộp đá Đồi Cốc: Ghi dấu công đức Trạng nguyên Giáp Hải
(BGĐT) - Cấp ủy, chính quyền TP Bắc Giang vừa tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Bia hộp đá Đồi Cốc thời Mạc là Bảo vật quốc gia. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng nhằm tôn vinh giá trị di sản văn hóa mà các thế hệ cha ông đã dày công xây dựng, vun đắp, khẳng định những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Bắc Giang trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Bia hộp thời Mạc - dấu tích của Trạng nguyên Giáp Hải
(BGĐT) - Trong số những bảo vật tiêu biểu ở Bắc Giang được đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2017, nổi bật có hiện vật Bia hộp thời Mạc- Đồi Cốc, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang).  Đây là hiện vật gốc độc bản, có hình thức độc đáo, liên quan đến danh nhân tiêu biểu của thời Mạc là Trạng nguyên Giáp Hải.
Kỷ niệm 500 năm ngày sinh Trạng nguyên Giáp Hải (1517-2017)
Ngày 19-3, tại thôn Cốc, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang), Hội đồng Giáp tộc Việt Nam phối hợp với UBND xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) tổ chức lễ kỷ niệm 500 năm ngày sinh Trạng nguyên Giáp Hải (1517- 2017). 
Trạng nguyên Giáp Hải - nhà văn hóa lớn
(BGĐT) - Giáp Hải sinh năm 1517, là con Giáp Hà, người xã Dĩnh Kế, huyện Phương Sơn (theo bia mộ Giáp Hà tìm thấy năm 1998 tại thôn Cốc, xã Dĩnh Trì - nay Dĩnh Kế và Dĩnh Trì đều thuộc TP Bắc Giang). Đây là kết quả khảo cứu của Lâm Giang trong công trình “Trạng nguyên Giáp Hải”, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2009. 
Khánh thành Đền sách đá thờ Trạng nguyên Giáp Hải và thân phụ
(BGĐT) - Ngày 6-4, Ban liên lạc dòng họ Giáp Việt Nam tổ chức khánh thành Đền sách đá thờ Trạng nguyên Giáp Hải và thân phụ tại thôn Cốc, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang). 
 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...