Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 30 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nhớ thầy

Cập nhật: 15:52 ngày 18/11/2016
(BGĐT) - Ba mươi tám năm đã trôi qua. Câu chuyện về thầy tưởng đã chìm sâu dưới lớp lớp ký ức vui buồn. Đứa trẻ mười ba giờ đã thành người đàn ông tuổi “tri thiên mệnh”. Nhắc đến thầy, nhiều khi tôi vẫn ngạc nhiên tự hỏi: Sao mình lại nhớ rành mạch chuyện xưa đến vậy? Hóa ra, thầy vẫn sống mãi trong tâm những đứa học trò mà thầy đã hết lòng dạy dỗ bằng cả yêu thương, tâm huyết…
{keywords}
Minh họa: Bảo Lâm.

Năm đó tôi học lớp 7, niên khóa 1977 - 1978 tại trường H. Thời ấy rất khó khăn. Không riêng lũ nhóc con nhà “gốc rạ” chúng tôi ăn đói mặc rách đi học mà các thầy cô cũng cùng cảnh ngộ. Có lần tan buổi học sáng, tôi có việc chưa về. Vòng ngang bếp ăn của các thầy cô nội trú, tôi tò mò ghé mắt nhìn qua khe cửa. Cơm trưa vừa được bác cấp dưỡng dọn ra, từng phần riêng biệt. Mỗi phần chỉ vỏn vẹn… tô nhỡ đựng cơm, túm rau muống luộc cùng con cá lép khô chiên độ chừng hai ngón tay, gầy đét! Nói thật tình, chỗ cơm ấy, thằng nhóc mười ba tuổi như tôi ăn còn chưa đủ no nói chi đến các thầy cô đang tuổi đôi mươi, lại còn phải ngày đêm nỗ lực với nghề “bán cháo phổi”, cái nghề - gọi chính xác - vừa lao tâm, vừa lao lực. Tận mắt chứng kiến bữa cơm của các cô thầy, thật tình, tôi muốn… ứa nước mắt!

Dạy toán lớp tôi là thầy Diệp, người miền Bắc. So với các đồng nghiệp (đa phần) trẻ tuổi trong trường, thầy Diệp trông khá “đàn anh” với độ tuổi khoảng ba mươi, người gầy, nước da mai mái. Không chỉ dạy toán, thiếu giáo viên nên thầy còn dạy luôn môn vật lý (hay thầy dạy vật lý kiêm luôn… môn toán thì tôi không rõ). Chẳng biết chuyên môn sư phạm của thầy thuộc khoa nào, nhưng thầy dạy cả hai môn đều hay. Vấn đề rắc rối mấy, qua cách trình bày của thầy cũng trở nên khúc chiết, dễ hiểu. 

Tuy vậy, điều gây ấn tượng cho tôi nhiều hơn nơi thầy là tình yêu học sinh, là sự tận tụy với nghề. Có một điều cho đến tận giờ tôi vẫn không hiểu nổi, tại sao những nhà giáo thế hệ ấy - dù cuộc sống khó khăn - đa phần, vẫn nhiệt tâm với nghề nghiệp. Đã đi dạy là chỉ biết chuyện… dạy, nỗ lực toàn tâm toàn ý cho nghề nghiệp mà không tính toán thiệt hơn. Đã vậy, đối với các thầy cô trẻ tuổi độc thân dù sao cũng dễ hiểu, còn thầy Diệp, nghe đâu thầy đã có vợ con ngoài quê, một mình vào Nam dạy học với đồng lương chưa đủ nuôi thân nói chi đến chuyện giúp đỡ gia đình. Áp lực vậy mà vẫn yêu nghề, tận tụy với nghề thì quả là hiếm thấy! 

*
*      *

Ngày ấy, chuyện “dạy chay, học chay” ở các cấp giáo dục phổ thông không lạ. Hầu như tất tật mọi vấn đề tri thức - từ trừu tượng đến cụ thể - thầy cứ thao thao mô tả; trò thì tha hồ dùng… đầu mà hình dung! Môn toán nặng tính lý thuyết, “dạy chay” còn khả dĩ, nhưng đến môn vật lý mà phải  “dạy chay” thì đúng là… khổ nạn! Vật lý là khoa học thực nghiệm, cần có giáo cụ trực quan để học sinh mắt thấy tay sờ mới dễ hình dung. Giáo cụ, các trường lớn ở trung tâm đào còn chưa ra huống chi loại trường vùng biên như trường tôi!

Vậy mà thầy Diệp không chịu thua cuộc.

Không có giáo cụ thì…tự chế giáo cụ. Khéo tay và chịu khó, thầy Diệp đi sưu tầm vật liệu, tranh thủ giờ rảnh ngồi hì hục đục đẽo, vẽ khắc, lắp ghép thành đủ thứ từ cân đĩa, con lăn đến lực kế và…. Thứ nào không tự chế được, thầy tranh thủ đạp xe lên Phòng Giáo dục hỏi mượn. Dạy xong, lại phải gò lưng đạp xe hơn mười cây số đem trả. Nỗ lực của thầy quả không uổng. Có giáo cụ trực quan, có thí nghiệm thực hành, những giờ học vật lý - vốn “ù cạc”, buồn tẻ trước kia - giờ bỗng trở nên sinh động, lôi cuốn hẳn! Vào tiết, cả lớp không đứa nào được thụ động “ngoài cuộc” với thầy. Tất cả cùng phải bắt buộc làm việc cho đến lúc nắm được bài. Tích cực hơn, thầy còn chia lớp thành nhiều tổ, phân công từng tổ về tự chế các giáo cụ đơn giản theo hướng dẫn của thầy. Làm xong, mang đến chấm điểm. 

Lúc đầu, chúng tôi cứ tưởng làm càng đẹp càng nhiều điểm. Vậy là hì hục đẽo gọt, chuốt vót, trang hoàng nhưng mang đến chấm, nghe thầy phán mới té ngửa: Yêu cầu của thầy là làm đúng chứ không phải đẹp! Các em học vật lý chứ đâu phải…mỹ thuật đâu mà ráng làm cho đẹp! - thầy cười ngất. Hướng dẫn làm lại xong, thầy còn bảo: Làm được giáo cụ tức các em đã nắm vững, nắm sâu được kiến thức cần học....

Mà vững thật! Nhớ không lầm, theo cách dạy của thầy, cuối năm lớp 7 tôi được điểm tổng kết 10.0 môn vật lý. Kỷ lục ấn tượng! Sau này, lên các lớp trên, tôi vẫn học giỏi môn vật lý - chắc chắn nhờ công lao buổi đầu dạy dỗ của thầy.

*
*      *

Dạy toán thì hơi “khô”, tư duy trừu tượng nhiều, không có màn thí nghiệm thực hành để giúp học sinh “đổi không khí”. Không sao, thầy Diệp có cách khác. Lần này, cách của thầy độc đáo hơn: Kể chuyện! Mà không phải chuyện cổ tích dành cho… con nít, thầy kể câu chuyện từ một vở kịch thơ của kịch tác gia vĩ đại người Anh Uy-li-am Sếch-xpia (William Shakespeare): Vở Ô-ten-lô (Othelloo)!

Ô-ten-lô vừa đô vừa khỏe

Đét- xi-đê-mô-na (Desidemona) vừa trẻ vừa xinh…

Đó là hai câu mở đầu truyện thơ mà tôi nhớ thầy vẫn thường ngâm nga mỗi khi bắt đầu!

Không phải kể hết một lần. Cứ nhẩn nha, từ tốn, diễn cảm từng đoạn một. Tiết học toán nào cũng bắt đầu bằng một đoạn Ô-ten-lô “lên dây cót tinh thần” cho học sinh trước khi bước vào đánh vật cùng những công thức, phương trình, định đề toán học. Chẳng hiểu bằng cách nào mà vở kịch thơ không lấy gì làm dài kia lại được thầy đem phân chương hồi, kể kéo rê… hàng tháng vẫn chưa kết thúc! Vậy mà chẳng phải không hấp dẫn đâu nhé. Cứ mỗi lần thầy bắt đầu “Ô-ten-lô” là gần như cả lớp im phăng phắc, há mồm, nghểnh mặt nghe như nuốt lấy từng lời! Sau này nghiệm lại, tôi mới biết thầy là người yêu - rất yêu -văn chương. 

Dạy văn yêu văn thì chẳng có gì đáng bàn, nhưng đằng này là một ông thầy dạy toán yêu… văn, và lại yêu đến mức có thể “truyền lửa” văn chương đến cho học sinh bằng cái giọng kể - lúc ấm áp, diễn cảm trầm trầm của người dẫn chuyện, lúc thống thiết bi thương hoặc phẫn nộ thét gào như một diễn viên tài ba đang cháy hết mình trong vai diễn, trào tuôn theo cảm xúc của từng nhân vật hóa thân - chuyện đó, trong cuộc đời mình, tôi mới chỉ gặp thầy là người độc nhất! Chả trách giờ toán của thầy Diệp được chúng tôi gọi là “giờ Ô-ten-lô” và cứ từ từ từng chút một, những kiến thức toán học được tẩm ướp món mật đường Ô-ten-lô của thầy đã giúp chúng tôi tiếp nhận thiện chí, hiệu quả hơn bởi không còn thấy nó quá khô khan. Cái thiện chí tiếp nhận ấy ngày càng lớn thêm khi - dưới sự dìu dắt của thầy - chúng tôi bắt đầu phát hiện ra những điều thú vị ẩn trong toán học.

Không thể phủ nhận rằng: Phương pháp dùng văn dạy toán của thầy Diệp có tác động tích cực đến cả lớp. Có điều với riêng tôi, tác động ấy còn trên cả tích cực, bởi nó đã hình thành trong tôi một sự chuyển đổi nhận thức. Công bằng, trong lớp tôi là học sinh khá - giỏi, tôi học toán không tệ và không cần đến kiểu tác nghiệp độc đáo của thầy Diệp thì tôi vẫn đạt yêu cầu môn toán. Thế nhưng, từ nhỏ, tôi yêu văn mà ghét toán. Tôi sợ những con số, học miễn cưỡng để đối phó, đạt yêu cầu nhờ vào cái sáng dạ bẩm sinh chứ hoàn toàn không vì tình yêu! Bù lại, tôi thích môn văn, học giỏi văn. Có lúc tôi đã từng tin: Toán với văn là hai bộ môn không thể… đội trời chung! Vậy nên, dù học toán không tệ thì - nghĩ đến giờ toán - tôi cũng ngán ngẩm chẳng kém lũ bạn cùng lớp yếu toán…

Thầy Diệp đã làm tôi thay đổi hoàn toàn quan điểm đó.

Cách dạy của thầy là một minh chứng. Bản thân thầy lại càng minh chứng sống động hơn cho chuyện văn - toán hoàn toàn có thể “đội trời chung”. Hơn thế, lại còn có thể hỗ trợ tốt cho nhau. Thật vậy, quan sát chính thầy Diệp sẽ thấy: Khi kể “Ô- ten- lô” thầy đúng là nghệ sĩ, là người của văn chương. Nhưng khi trở lại với ngôi nhà toán - lý, cởi chiếc áo nghệ sĩ ra, thầy lại đích thực là con người của khoa học, với niềm đam mê khoa học cũng “máu lửa” chẳng kém niềm đam mê nghệ thuật! Chẳng biết tự bao giờ, niềm đam mê ấy đã truyền sang tôi khiến tôi ngày càng thiện cảm hơn với toán học nói riêng và các môn khoa học tự nhiên nói chung. Nhờ thầy mà tôi đã ngộ ra điều ấy rất sớm, để sau này tôi cầm bút viết văn, cái năng lực toán học - với tư duy rành mạch, lập luận chặt chẽ - đã hỗ trợ tôi rất nhiều...

Đó là những suy nghĩ của một người đàn ông trưởng thành trên hành trình lội ngược thời gian, chứ với cái tuổi 13 ngày ấy thì làm sao tôi nghĩ được nhiều chuyện vậy. Nhưng tin yêu, kính trọng thầy bằng một cảm giác bản năng thì có. Và gần như tuyệt đối!

*
*      *

Cuối niên khóa ấy, thầy Diệp được chuyển trở về miền Bắc. Thầy đi khi còn chưa kể đến đoạn kết câu chuyện Ô-ten-lô. Ngày chia tay thầy, lớp tôi nhiều đứa khóc. Từ ấy, chúng tôi bặt tin thầy…

Ba mươi tám năm đã trôi qua. Câu chuyện về thầy tưởng đã chìm sâu dưới lớp lớp ký ức vui buồn. Đứa trẻ mười ba giờ đã thành người đàn ông tuổi “tri thiên mệnh”. Nhắc đến thầy, nhiều khi tôi vẫn ngạc nhiên tự hỏi: Sao mình lại nhớ rành mạch chuyện xưa đến vậy? Hóa ra, thầy vẫn sống mãi trong tâm những đứa học trò mà thầy đã hết lòng dạy dỗ bằng cả yêu thương, tâm huyết…

Truyện ký của Y Nguyên

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...