Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bức tranh gà

Cập nhật: 15:38 ngày 30/12/2016
(BGĐT) - Khuôn tranh làng Hồ/thơm mùi gỗ thị /vỏ xơ mướp khô/vuốt trên giấy bản/sắc màu đã tô.

{keywords}

Vinh Hoa - em bé ôm gà.  Tranh Đông Hồ

Bác thợ lật giấy

con gà đứng dậy

ơ sao bỗng thấy

mắt gà chớp nhanh

mắt bác không chớp.

Cái mào lửa cháy

cổ vươn tiếng gáy

o o bình minh

chân vàng sừng sững

đầu như đầu phượng

đuôi xòe đuôi trĩ

mình tựa mình công

sống hơn gà sống.

Nòi gà để lại

từ đời cha ông

ấp bằng hơi thở

nuôi bằng tấm lòng

tấm lòng ngàn xưa

ngàn sau nở mãi

trẻ như cô gái

khỏe như lúa đồng

con gà xòe lông

bảy sắc cầu vồng

màu đen than cói

màu xanh rỉ đồng

màu lam lá chàm

màu vàng hạt dành

màu trắng chất điệp

vỏ sò vỏ hến

quê bờ biển xanh

như còn long lanh.

Bao mùa xuân qua

để màu hồng lại

sông núi cho xanh

hồn nước sống mãi

con gà đứng canh.

Bác thợ ngắm tranh

thấy lòng vỗ cánh

thấy đời lại xanh

Ơi người nghệ sĩ

tên là dân gian

góp cùng trời đất

con gà Việt Nam.

Gà từ trong tranh

gà ra cuộc đời

gáy lên! Gà ơi…

Hoài Anh

“Làng Mái có lịch, có lề - Có sông tắm mát, có nghề làm tranh”. Làng Mái (còn gọi là Đông Mại)  nghèo mà hào hoa ven bờ sông Đuống lặng lẽ chảy xuôi đã góp cho đời sống văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng và vô giá: Dòng tranh dân gian Đông Hồ “độc nhất vô nhị”. Đã nhiều nhà thơ viết về làng tranh nhưng nhà thơ Hoài Anh lại chọn riêng cho mình một góc độ thích hợp trong "Bức tranh gà" như ký thác nỗi niềm người nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật và sức sống mãnh liệt, trọn vẹn của tranh dân gian. Bài thơ không sa đà vào mô tả thường thấy mà chỉ qua hình ảnh người nghệ nhân già ngồi in tranh gà làm “điểm tựa”: Khuôn tranh làng Hồ/ thơm mùi gỗ thị/ vỏ xơ mướp khô/ vuốt trên giấy bản/ sắc màu đã tô và phát triển tứ bài thơ trong hình tượng con gà độc đáo với rất nhiều liên tưởng trong quá trình làm tranh. 

Dưới bàn tay thuần thục và khéo léo của bác thợ già bỗng hiện lên: Con gà đứng dậy/ ơ sao bỗng thấy/ mắt gà chớp nhanh/ mắt bác không chớp… Với sắc màu kỳ ảo, tươi tắn ngạc nhiên hết sức kỳ thú của xử lý chất liệu từ thiên nhiên quanh ta: Con gà xòe lông/ bảy sắc cầu vồng/ màu đen than cói/ màu xanh rỉ đồng/ màu lam lá chàm/ màu vàng hạt dành/ màu trắng chất điệp/ vỏ sò vỏ hến/ quê bờ biển xanh/ như còn long lanh… Con gà từ đời sống thường nhật giản dị gần gũi là thế bây giờ hiện về trong tranh sống động, có kích tấc bao trùm cả không gian: Cái mào lửa cháy/ cổ vươn tiếng gáy/ o o bình minh/ chân vàng sừng sững… như tạo dựng sức sống của dòng tranh đi cùng năm tháng: 

Trẻ như cô gái - khỏe như lúa đồng. Con gà - biểu tượng điềm lành, cái đồng - hồ - báo - thức của thiên nhiên tuyệt vời, ước mơ giản dị của bao đời dân Việt như ấm lại vách nứa tường tre: Bao mùa xuân qua/ để màu hồng lại /sông núi cho xanh/ hồn nước sống mãi/ con gà đứng canh… và lòng người nghệ sĩ dân gian cũng trẻ lại trong niềm vui tái tạo: Bác thợ ngắm tranh/ thấy lòng vỗ cánh/ thấy đời lại xanh… Hiện thực và ước mơ, nghệ thuật và cuộc đời - nhiều tầng ý nghĩa đan kết nhau trong sáng tạo lặng thầm bền bỉ và nỗi niềm của người nghệ sĩ dân gian trong "Bức tranh gà" của nhà thơ Hoài Anh như minh chứng cho sự đóng góp vô giá ấy: Ơi người nghệ sĩ/ tên là dân gian/ góp cùng trời đất/ con gà Việt Nam…

Bây giờ đọc lại, ngẫm lại "Bức tranh gà" của nhà thơ Hoài Anh viết dưới đạn bom chiến tranh ác liệt vẫn vang vọng tiếng của sự sống trường tồn và sự tiếp tục: Tấm lòng ngàn xưa/ ngàn sau nở mãi… của khát vọng sáng tạo nghệ thuật.

Nguyễn Thanh Kim (giới thiệu và bình)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...