Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 36 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Gà gáy kinh thành

Cập nhật: 19:26 ngày 21/01/2017
(BGĐT) - Ngày xưa, ở một làng xa xôi mãi trên lưng chừng núi, mọi người sống tuy thiếu thốn, lạc hậu nhưng rất vui vẻ. Mãi sau này, người lớn mới vào rừng chặt cây, dựng vài phòng học tạm mời cô giáo miền xuôi lên dạy dỗ cho trẻ em trong làng. Mấy đứa trẻ một lớp ghép, khi học thì trình độ khác nhau nhưng ra chơi đều chung một trò hết sức vô tư.

{keywords}
Minh họa: An Khánh

Những tiếng reo hò của lũ trẻ làm xao động cả bản làng, người lớn vui lây. Cuộc sống êm đềm trôi trong tình nghĩa xóm giềng yêu thương, đùm bọc. Một ngày kia, khi đã thu hái xong vụ mùa và chuẩn bị đón Tết, nhóm đàn ông trong làng bàn nhau đi chơi thủ đô xem kinh thành thời nay có đẹp không, về sẽ đưa bọn trẻ con đi cho chúng nó sướng.

Nói là làm, nhiều người hưởng ứng ngay nên chuyến đi được chuẩn bị chóng vánh. Đoàn lừa ngựa đưa những người đàn ông trong làng bắt đầu xuống núi, mấy cô gái trẻ tiễn chồng, tiễn bạn tận đầu núi khi sương còn giăng giăng trên mỏm núi, cành cây cao. Đoàn người nói cười rôm rả dọc đường, họ kể cho nhau nghe những câu chuyện tiếu lâm độc đắc. Chuyện cũ, vẫn những giọng kể ấy sao hôm nay thấy vui lạ.

Chàng thanh niên áo xanh kể sang cả câu chuyện cổ tích không biết anh đọc được đâu đó hay tự bịa ra về tình yêu giữa chốn kinh thành mấy trăm năm trước. Chẳng sao, cứ vui là được, mọi người ai cũng háo hức nghe: Công chúa xinh đẹp nhưng không may mắc bệnh hiểm nghèo, thần y quanh vùng rồi đón rước từ thiên hạ, các nước láng giềng tới nhưng đành bó tay. Nhà vua bảo ai chữa khỏi bệnh cho công chúa, ngài sẽ tuyển làm phò mã, nghĩa là nàng công chúa cưng của nhà vua sẽ trở thành vợ của bất kỳ người tài giỏi nào. Nhiều người đã thử hiến kế nhưng không thành công. Một chàng thanh niên nghèo từ bản xa đến xin được thăm bệnh cho công chúa và cất công đi tìm thứ thuốc đặc trị. Chàng gặp một bà già ngồi bên đường đang chậm rãi nhai miếng bánh khô liền lấy nắm cơm của mình chia cho bà. Cảm tạ trước lòng thành của cậu trai nghèo, bà khuyên cậu đi tìm quả cam thần trên núi cao về chữa bệnh cho công chúa. Vâng lời bà, chàng vượt qua bao núi cao, suối sâu với cơ man thú dữ, cuối cùng cũng lấy được thuốc quý là ba trái cam thần. Về kinh thành, công chúa ăn xong ba quả cam thì trở nên khỏe mạnh, tươi tốt hẳn lên. Chàng trai và công chúa không quên cám ơn bà già- lúc đó đã hiện nguyên hình một bà tiên lộng lẫy. Đám cưới giữa chàng trai nghèo nhưng quả cảm, tốt bụng với nàng công chúa xinh đẹp nhất kinh thành đã diễn ra đúng như lời hứa của nhà vua.

Hết chuyện, mọi người tán thưởng mặc dù cái kết có hậu của câu chuyện cổ tích thường được kể như thế. Nhưng hôm nay, những chàng trai từ làng Thượng lại thấy như đang sống trong khung cảnh cổ tích ấy. Thế mới lạ.

Hết chuyện này sang chuyện khác, đoàn người phấn chấn thấy một hồ nước rộng tưởng là biển liền vội vàng xuống tắm cho sạch sẽ vì chắc sắp đến kinh thành rồi. Họ tắm thỏa thích rồi đoàn lừa ngựa lại chở họ đi tiếp. Chẳng hiểu sao, khi nhóm người tắm, cả đàn lừa ngựa liền quay đầu ăn cỏ và khi tiếp bước, chúng lại trở về đường cũ mà chẳng ai hay. Đang cao hứng, họ nhìn xa xa thấy những nếp nhà với bóng người đi lại. Một người trong số họ liền hô toáng lên:

- Sắp đến kinh thành rồi. Thủ đô kia rồi!

Mọi người đều nhìn về phía trước, núi xanh sẫm, cây cối tươi tốt, người khác lên tiếng:

- Kinh thành phải có phố sá tưng bừng, cung điện nguy nga tráng lệ chứ chỉ như làng mình thôi à?

Câu hỏi chẳng thể trả lời vì có ai đến bao giờ mà biết. Cứ thẳng tiến thôi. Tối mịt, đoàn người đến một khu vui chơi như ở làng mình, tham gia hội hóa trang nhảy múa hết mình. Các chàng trai, cô gái ôm chặt lấy nhau nhảy múa theo điệu trống kèn trong mờ ảo ánh trăng. Rạng sáng, khi tiếng gà từ nhà này sang nhà khác đồng thanh báo thức, mọi người chợt tỉnh hỏi nhau:

- Sao gà kinh thành gáy giống ở làng mình thế?

Một người ra dáng hiểu biết bảo:

- Gà thì ở đâu chả gáy giống nhau.

Sáng bảnh. Sau ngày lễ, bọn trẻ gọi nhau chạy quanh làng vòi quà người lớn và nhận ra người cha, người anh của chúng như có phép thần đã từ kinh đô trở về. Mọi người lột hết áo mũ hóa trang và ôm chặt vợ con mình, họ tự nhủ: Đi đâu cũng chẳng bằng quê mình, vợ con mình. 

Những con gà trống lại ran ran gáy như san sẻ nỗi niềm.

Truyện thiếu nhi của Cảnh Mạnh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...