Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 28 °C / 25 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Khúc tương phùng

Cập nhật: 11:11 ngày 21/02/2017
(BGĐT) - Duyên là con gái ở làng bên bờ Bắc - mạn Bắc Giang, còn Quân là giai ở bờ Nam sông Cầu. 
{keywords}

Minh họa: Bảo Lâm

Mùa xuân năm ấy, Quân mời Duyên đi chơi hội làng Diềm, quê ngoại của Quân. Duyên không đi một mình mà rủ Thảo đi cùng. Quân mượn thuyền chèo qua sông sang đón hai đứa từ chiều. Duyên giới thiệu Quân với cả nhà. Bà cô Duyên đi ra đi vào lườm nguýt thằng cháu rể “tương lai” lẩm bẩm: “Cái mã kia trông chẳng chung tình tẹo nào, lại còn hát hay với không hay…”. Quân giúp bà nội Duyên bổ cau ra chờ nắng thì phơi. Bà bảo, giờ hiếm người ăn trầu nên còn nhiều cau. Mang cau phơi ôn ốt ngâm vào rượu làm nước xúc miệng tốt lắm con ạ! May hôm đó trời ráo, nắng còn hong hanh. Bà hỏi Quân ở làng nào bên kia sông? Dạ con ở làng Bùi. Bà như lặng đi rồi lại hỏi: Con ở làng Bùi biết ông Hai Căn không? Dạ, ông Căn là anh Hai hát hay nổi tiếng ở làng con, là ông bác họ nhà con đấy. Bà nhìn ra phía sông, ngừng một lát rồi, hỏi bâng quơ: “Không biết ông ấy có khỏe không?”. “Dạ, ông bác con… mất ba năm rồi!”. “Thế sao?”. Bà im lặng. Lát sau, Quân mới dám lên tiếng: “Bà ơi, có phải hồi con gái bà cũng đi hát quan họ phải không?”. “Ừ, hồi đó bà cũng ăn chơi lắm. Cái đám gái làng bên này ăn chơi lắm. Dám xúc trộm gạo nhà đi hát thâu đêm với đám bên sông đấy. Khi họ sang lúc thì mình lại. Mà hát ở nhà ông trùm Hương ấy… Khối anh chị mê nhau lắm nhưng chả dám lấy nhau. Các cụ nói đúng chẳng sai con ạ, quan họ lấy nhau vô duyên lắm!”. “Ngày trước ấy, bà có mê anh Hai nào không?” Quân mạnh dạn hỏi bà. Bà trả lời: “Có”. Mắt bà hướng về phía sông. Gió trên ngọn tre cứ ào ạt rũ rượt thổi. 

Thuở mười tám đôi mươi, mỗi lần đi hát là mấy đứa con gái bên làng bờ Bắc này phải hẹn nhau từ trên đồng, hay nhấm nhỉ nhau từ phiên chợ. Giấu giếm thầy u để đi về phía bờ sông. Mùa nước lên, cứ ngồi bên này bờ hát đối nhau qua dòng nước. Nước chảy xiết mà giọng hát thì cứ nền nảy bay qua sóng, vọng đến tai người bên kia bờ… Mấy người làng bảo, cái bọn quan họ dỗi hơi. Ấy thế mà chàng trai làng nào lấy được con gái biết hát quan họ thì tự hào lắm. Chiều về, lúa nặng trĩu vai mà nghe vợ hát mấy câu quan họ ở bờ giếng là mặt mày hớn hở, quên cả mệt nhọc. 

Bà Thi hồi con gái phải lòng phải dạ anh Hai Căn. Hai cô bạn thân thiết trong xóm biết rõ, khuyên bà đừng yêu. Các cụ từ xưa đã nguyền rằng, quan họ không lấy nhau. Đấy, có người lấy nhau rồi phải bỏ nhau… Cô Thi đôi má ửng hồng mỗi lần thấy anh Hai Căn chèo thuyền chở mọi người sang bên này hát chơi. Cô ra đón nhóm hát rõ sớm. Thế nào cô cũng chờ anh buộc thuyền xong rồi cùng sánh bước sau cùng. Hai người phải lòng nhau lúc nào không biết. Những đêm trăng sáng, anh Căn chèo thuyền sang ngồi dưới gốc gạo bên sông thủ thỉ tâm sự với người yêu. Anh bàn với cô ngày tốt sang xin bác mẹ cho đi lại chính thức. Tối hôm ấy, cô đợi anh Căn mãi ở gốc gạo đầu bến. Trăng đã đi qua bao tầng mây, hết lặn lại ngụp trong mây đen, đến khi hạt mưa lắc rắc cô mới về. Lòng cô như có lửa đốt. Cô chả ngủ được, canh ba đã dậy sắp quang gánh đi bán rượu nếp ở chợ phiên bên kia sông. Nếp mùa mới lại có men ủ ngon mua từ nhà thuốc bắc ở Ninh Xá, mẻ này vừa chín tới, thơm nồng. 

Cô bước nhanh về phía bến sông. Người lái đò vẫn ngái ngủ, hỏi đi đâu sớm thế. Ngồi chờ tí nữa thêm vài ba người khách rồi đi cả thể. Cô lại ngồi thụp xuống bên bến và hướng mắt về bên kia sông.

Vừa quẩy gánh lên bờ, cô đã nghe tiếng chân người chạy thậm thịch. Cô ngẩng lên: Anh Căn, quần áo chỉnh tề, vội bước về phía bến. Họ nhìn nhau bối rối. Anh nắm tay cô: “Anh đã giấu em. Tưởng là chúng mình sẽ thành đôi song anh mới lên đường đi ra mặt trận nhưng giờ gấp lắm. Anh chỉ còn hơn một giờ nữa là lên đường rồi em ạ”. Nước mắt cô Thi cứ tuôn chảy. Mặc người đi qua nhìn. Cô vội gói hết chỗ rượu nếp vào lá chuối dúi vào tay anh mang đi làm quà. 

Hương rượu nếp của vùng bắc sông Cầu đã theo anh Căn đi khắp vùng Quảng Trị. Những lần nằm kề bên cái chết, vết thương chảy máu nhiều, trong lơ mơ anh vẫn thấy mùi hương rượu nếp. Cái mùi hương lên men nồng thơm ấy có vị ngọt của phù sa sông Cầu, có gió từ núi Cả…Có mùi áo nâu rịn mồ hôi của người yêu. Trong cơn mê sảng, anh đã gọi tên cô. Anh đã mơ nắm tay cô đi lễ hội làng Diềm. Hai người cùng sánh bước vào đền Vua Bà, nơi thờ thủy tổ hát quan họ. Vái Vua Bà xong, họ lại cùng nhau đi phía bờ sông, nơi ấy phấp phới những liền anh liền chị hát giao duyên, phấp phới dải lụa hồng đào tung lên chạm vào mây xa… Bỗng cô tuột khỏi tay anh và bị dòng người trẩy hội cuốn đi. Anh gọi, gọi thật to rồi khua tay rẽ đám đông để tìm chạy về phía người yêu như bị gió cuốn, chỉ để lại màu xanh đỏ của dải lụa buộc áo tứ thân… Và anh bừng tỉnh khi đồng đội cầm chặt tay, lay gọi anh dậy. 

Cô Thi ở nhà, vẫn đi chợ phiên bán rượu nếp cái hoa vàng. Rượu nếp nhà cô ngon nổi tiếng cả vùng. Chỉ một buổi sáng là gánh hàng nhẹ tênh cô lại lên đò về bên bến nhà mình. Mỗi lần đi về là một lần cô buồn thêm. Rồi sau cái buổi đi bán hàng ở bên kia sông về, sớm hôm sau cô không dậy để đi nổi nữa. Người cô lên cơn sốt. Một tuần sau người gầy dộc, chỉ có hai cô bạn thân là biết chuyện. Người ta báo tin anh Căn đã hy sinh ở chiến trường. Từ đó cô không đi chợ ở bên sông nữa. 

Gần chục năm sau, cái buổi trưa ấy rõ là nắng, Hợi - cô bạn thân đạp xe sang nhà cô Thi, lúc ấy cô đang cho đứa thứ ba bú mớm, giọng thì thụt: Này, anh Căn còn sống đấy. Vừa sang chơi nhà tao. Nghe nói người ta báo tử nhầm. Nhưng ông ấy lấy vợ ở miền Nam rồi. Đấy, may mà không lấy nhau nhé! Lấy được nhau thì có khéo chết trận rồi ấy! Sao mà độc thế chứ! Cô Thi hơi sững người một chút nhưng rồi cũng hòa theo câu chuyện với cô bạn gái. Ừ cũng may mày ạ. Nhỡ ra ngày ấy lấy nhau, anh ấy có mệnh hệ gì thì lại đổ tại quan họ.... 

Từ đó lòng bà Thi thấy thanh thản biết bao. Bà vẫn mơ về những đêm hát. Tiếng trống hội trên sân đình vẫn giục giã bà ngồi vào chiếu hát í a đôi ba câu với các bà lão trong làng. 

Mưa xuân lây phây. Dòng người đi chơi hội chật kín con đường bê tông. Quân cầm tay Duyên thật chặt. Hơi lạnh mùa đông sót lại và hơi thở của mùa xuân đang phập phồng trên những ngọn cây.  

Sau đêm hội đó, Quân lên đường sang Pháp du học hai năm nữa. Duyên quyết định tình nguyện nhận công tác ở vùng núi. Mẹ Duyên khóc, bảo, nhà có người xin cho đi dạy học ở trung tâm thành phố thì không nghe lại còn tự đầy ải lên tận chốn rừng xanh nước độc ấy. Duyên đã quyết. Cô tự bắt xe đi đến nơi nhận công tác.

Tình cảm của các thầy cô và người dân trong bản làm cô thấy ấm áp. Mùa đông ở đây lạnh buốt, trong khi bọn trẻ có đứa chỉ phong phanh cái áo sơ mi, quấn thêm một cái khăn cũ mèm. Kỳ học đầu tiên, nhìn bọn trẻ xót quá. Cô viết  thư lên trang facebook kêu gọi bạn bè gửi quần áo ấm cho trẻ em ở đây. Mọi người luôn thấy trang mạng xã hội của cô là những bông hoa rừng đẹp, những ánh cười trẻ thơ... Nhiều nhà nhiếp ảnh đã đến với ngôi trường xa xôi của cô qua trang mạng để giao lưu.

Mùa xuân tiếp theo, Tết này cô sẽ ở lại vui cùng các em nhỏ. Mấy cô trò đang tíu tít chuẩn bị cho Tết thì cô hiệu trưởng báo tin chiều nay sẽ có một đoàn cán bộ dưới Hà Nội lên thăm trường, khảo sát cơ sở vật chất. Vội thu xếp lại công việc, Duyên cùng học trò quét dọn lớp học, sân trường. Nghe nói đoàn còn muốn lưu lại một tối để giao lưu với các thầy cô.  

Khoảng ba, bốn giờ chiều, tiếng mõ trâu đã lóc cóc trên đường về bản xa, cũng là lúc các cô nghe thấy tiếng xe

ô-tô ì ì leo dốc hướng về phía trường. Chẳng ai bảo ai, cả thầy trò đều ùa ra đón đoàn xe. Họ bước xuống, có cả người nói tiếng nước ngoài. Thật là bất ngờ. Duyên thấy một người con trai quen quá. Tim cô đập mạnh. Quân, đúng là Quân. Sao anh lại có mặt ở đây. Anh đi cạnh một cô người tây, vừa làm phiên dịch vừa giúp đoàn sắp xếp hành lý xuống xe. Duyên được phân công trực tiếp nhận thực phẩm họ mang theo để chuẩn bị cho buổi giao lưu buổi tối. Dường như Quân đã nhìn thấy Duyên. Anh nhanh nhẹn tiến lại gần cô. Cái bắt tay không phải đơn giản là xã giao như mọi người. Anh nhìn sâu vào mắt cô nói nhỏ: Anh đã đi tìm em, giờ thì thấy rồi. Mình sẽ nói chuyện sau nhé. Tim cô như bị bóp nghẹt. 

Mọi người nhanh chóng vào việc. Lửa từ đám củi bùng cháy rừng rực. Tiếng tí tách của củi reo vui. Quân xung phong hát bài quan họ. Rồi anh tự tin mời Duyên hát bài “Tương phùng tương ngộ”. Khách tây, khách ta đều vỗ tay vang rộn. Cô hiệu trưởng không ngờ khi đại diện của đoàn nói ngày mai sẽ chính thức ký kết tặng nhà trường một dãy lớp học 10 phòng mới do nguồn xã hội hóa. Chịu trách nhiệm thiết kế công trình là kiến trúc sư Đặng Văn Quân... Tối ấy, mọi người trong đoàn ngủ trong những chiếc túi ngủ tại khu nhà Ban giám hiệu không lấy gì làm khang trang. Chả ai phàn nàn mà còn cảm thấy được trải nghiệm một đêm với núi rừng. 

Quân gặp riêng Duyên. Hai người thức trắng đến sáng. Nước mắt Duyên ướt nhòe. Anh đã theo dõi trang mạng xã hội của em. Anh là biệt danh Anh Hai Quan Họ.  Hóa ra người mà cô vẫn trò chuyện, tâm sự lại là anh. Cô liếc nhìn mình qua chiếc gương trên bàn làm việc rồi se sẽ ngượng ngùng. Cô ý thức rõ ràng mình chỉ còn xinh đẹp ở trong những tấm hình chụp có hỗ trợ công nghệ kỹ thuật số, còn ở ngoài đời thường không son phấn cô đâu được như vậy. Duyên nói: Gặp em rồi, anh có thất vọng không, giờ em vừa già lại xấu nữa! Quân gõ vào trán cô: Em có biết con người ta tìm thấy giá trị ở nhau từ đâu không? Đó là từ trái tim và cái đầu này này... Lúc em cười anh thấy không cô gái nào đẹp bằng em... Quân ôm chặt người yêu vào lòng. Hơi ấm họ truyền cho nhau làm tan giá lạnh cuối đông. Cây cỏ bỗng trỗi dậy từng mầm nụ về phía mùa xuân đang đến...

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Hà

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...