Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cuộc gặp gỡ bất ngờ

Cập nhật: 07:00 ngày 26/02/2017
(BGĐT) - Ngôi nhà hai tầng khang trang bề thế nằm dưới chân một quả đồi ngút ngàn cây xanh. Phía trước là một hồ rộng. Nước hồ trong xanh in rõ hình những đám mây trắng đang lững lờ trôi. Xung quanh ngôi nhà là khu vườn đồi toàn vải là vải. 

{keywords}

Minh họa: An Khánh

Cây nào cây ấy như mâm xôi cành lá sum suê xanh ngắt. Xa hơn nữa là khu chè cũng mơn mởn rặt những búp là búp. Khung cảnh ấy đã làm nền tôn cho ngôi biệt thự kia một vẻ đẹp vừa hoang sơ vừa hiện đại. 

Đó là khu trang trại nổi tiếng của huyện miền núi vùng sâu, vùng xa này. Chủ nhân của nó là anh Quảng. Hà cùng anh cán bộ tuyên giáo huyện lặn lội vượt mấy quả đồi, qua mấy con suối mới tới được đây. Có thể nói khu anh Quảng ở hầu như nằm cách biệt với dân bản. Hỏi thăm từ ngoài bản hết người nọ đến người kia đều chỉ vào “hướng ấy, nơi quả núi xanh xanh ấy, đi độ hai tiếng đồng hồ nữa thì tới”. “Vợ chồng nhà nó ở trong đó đó”. Hai người leo núi mệt nhoài. Áo ướt đẫm mồ hôi. Đôi chân Hà mỏi nhừ. Hai bắp chân chị như cứng lại. Thế nhưng máu nghề nghiệp vẫn thôi thúc Hà. Thậm chí có lúc Hà phải động viên lại anh cán bộ tuyên giáo. 

Vốn là cán bộ quản giáo ở một trại tạm giam, do yêu thích văn chương, thỉnh thoảng Hà tập toẹ viết lách nên cô được lãnh đạo cử đi học một lớp báo chí. Sau đó, Hà về công tác ở Phòng Chính trị - Công an tỉnh trở thành cộng tác viên đắc lực của một số tờ báo trung ương và địa phương. Đợt này, ngành cô đang phát động cuộc thi “viết về người tốt việc tốt trong công cuộc đổi mới”. Liên hệ mãi Hà mới tìm được đối tượng để viết. Hôm hội nghị biểu dương những người sản xuất giỏi của tỉnh, do bận công việc nên cô đến muộn. Tới nơi hội nghị đã tan. Sau khi trình bày rõ nguyện vọng của mình, ban tổ chức giới thiệu cho Hà “ở huyện ấy có người ấy tiêu biểu, có thể viết được”. Chỉ nắm sơ qua thế thôi, Hà tức tốc lên đường. Cho nên dù đường xa, đèo dốc, cô vẫn hăm hở đi. 

Vừa bước vào cửa, Hà sững sờ. Chủ nhân tên là Quảng nhìn quen quá. Anh bắt tay cô niềm nở. Còn Hà thì cứ trân trân nhìn anh cố lục trong trí nhớ của mình xem đã gặp người này ở đâu. Quảng vô tư rót nước mời khách. Phấn, cán bộ tuyên giáo huyện giới thiệu Hà cho anh Quảng và nói rõ mục đích cuộc viếng thăm. Quảng xuýt xoa: “Tôi ở heo hút thế này mà anh chị vẫn tìm đến được. Thật vui quá. Mà có gì để viết đâu. Anh chị đã lên đây thì cứ ở lại đây ăn cơm với vợ chồng tôi, thăm trang trại rồi viết được cái gì thì viết. Tôi không biết nói gì đâu”. Anh đưa chén nước mời khách và cười rất xởi lởi. Thói quen nghề nghiệp Hà biết ông chủ này khá vui tính. Nếu cứ sổ sách ghi chép thì chưa chắc được thông tin gì. Cách tốt nhất là cùng tâm sự, trò chuyện khắc ra việc. 

Được biết vợ Quảng đi chợ, trưa mới về, Hà tranh thủ khai thác tư liệu từ Quảng: “Anh chị được mấy cháu rồi? Các cháu nhà ta đâu cả anh?” Quảng cho biết: “Vợ chồng tôi được hai cháu. Một gái, một trai. Các cháu đều ngoan và học giỏi. Chúng đang học bán trú ở trường huyện. Ban ngày chỉ có hai vợ chồng, vào vụ vẫn phải thuê thêm người làm đấy”. Hà đưa mắt quan sát phòng khách. Chợt cô dừng lại ở tấm bằng khen: “UBND tỉnh tặng Bằng khen đồng chí Bùi Văn Quảng có thành tích xuất sắc trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Hà mạnh dạn hỏi: “Anh Quảng được Bằng khen này lâu chưa?” Quảng hơi lúng túng rồi nói: “Bốn năm rồi”. Hà hỏi tiếp: “Thành tích cụ thể là gì hả anh?” “Ôi, có gì đâu. Không có tôi lúc đó thì người khác cũng làm vậy ấy mà”. Quảng ấp úng. 

Phấn cắt ngang câu chuyện: “Ông ấy có thành tích đuổi bắt một tên cướp ở ga tàu hỏa, lấy lại của cho khách đấy”. Hà chột dạ. Cô xoáy vào hỏi dồn: “Có phải năm 1999 không? Buổi chiều mùa hè tại ga Việt Trì, một cô gái đang đứng chờ tàu thì bị một tên cướp lao đến giật cái túi du lịch màu xanh và chạy biến về phố phải không? Khi đó, có một người đàn ông đang ngồi ở quán gần đó liền lao theo. Họ vật lộn nhau. Tên cướp rút dao đâm vào người đàn ông đó. Hình như đâm vào cánh tay thì phải. Máu me bê bết nhưng anh ta vẫn ôm ghì lấy tên cướp. Sau đó mọi người chạy đến tiếp sức và tóm gọn tên cướp này. Người đàn ông xỉu đi và được đưa ngay đến bệnh viện cấp cứu. Có đúng anh là người đàn ông đó không?” 

Quảng cũng sững sờ. Mãi sau anh mới nói được: “Vâng. Người đàn ông đó chính là tôi đây”. Rồi anh vạch tay áo lên để hở ra bả vai chắc nịch có một vết sẹo to tướng. “Đây là vết chém của tên cướp ấy đấy”. Hà lao đến ôm lấy cánh tay Quảng: “Còn em chính là cô gái bị cướp hôm đó đây”. Cả hai cùng nhìn nhau ngỡ ngàng, sửng sốt. Rồi tay họ nắm chặt nhau lắc lắc như thân thiết tự bao giờ vậy. Phấn đứng ngây người nhìn cảnh tượng ấy. 

Hà kể tiếp: “Lúc họ đưa anh đi, em nhìn rất kỹ gương mặt của anh. Cho nên lúc nãy vào đây nhìn thấy anh, em đã ngờ ngợ. Hôm đó, em nhận lại cái túi du lịch, anh biết không? Trong túi đó có hơn năm chục triệu đồng của cơ quan em đấy. Vừa lúc tiếng còi tàu kéo lên báo hiệu tàu chuyển bánh. Em vội phải lên tàu ngược Lào Cai kịp mang tiền về cho đơn vị thanh toán chế độ cho anh em. 

Mấy hôm sau, em xin phép về Việt Trì tìm lại anh. Hỏi ai người ta cũng biết việc đó nhưng không rõ người đàn ông ấy ở đâu và đi viện nào. Em có đến một số bệnh viện ở thành phố hỏi dò nhưng cũng không ai biết anh cả. Em đoán có lẽ anh bị nặng phải chuyển tuyến trên. Cuối cùng em trở lại đơn vị mà cứ ân hận mãi không biết tên anh là gì, ở đâu để mà có một lời cảm ơn. May quá, hôm nay lại gặp anh giữa rừng này. Thật vui quá”. 

Cả ba người nói cười rôm rả. Chẳng còn phân biệt chủ khách nữa.  

Đang vui như vậy thì vợ Quảng đi chợ về. Quảng giới thiệu khách với vợ. Hà lại sững người. Vợ Quảng cũng tròn xoe mắt, ú ớ: “Cô là… là Hà… Thu Hà phải không?”. “Vâng. Em là Hà đây. Còn chị là… là… Phúc… “Phúc nhẽo” phải không?” Và họ lao vào ôm chầm lấy nhau. Kẻ khóc người cười líu ríu. Phấn, Quảng lại được một phen ngơ ngác. 

Mãi sau, Phúc buông Hà ra. Chị nói với chồng: “Đây là cô Hà, quản giáo của em ngày xưa đấy. Không ngờ bây giờ cô ấy lại là nhà báo”. Hà cũng nói lại với Quảng và Phấn: “Chị Phúc đây, mười năm về trước, phải mười năm không chị Phúc nhỉ?” Quay sang Phúc, Hà hỏi, rồi chẳng để Phúc trả lời, Hà kể tiếp: “chị Phúc vào trại tạm giam của tỉnh với tội danh tổ chức sử dụng chất ma tuý trái phép. Em được lãnh đạo phân công quản lý chị ấy. Hôm người ta dẫn chị vào trại, em ngạc nhiên sao lại có người con gái đẹp thế mà phạm tội ma tuý cơ chứ. Chị Phúc dạo đó trắng lắm. Chị như bông hoa nổi lên giữa đám tù nhân nữ. 

Thấy có người mới đến bọn chúng bâu lại định làm luật. Hoảng sợ, chị run rẩy nói với em: “Bà trông chừng chúng nó giúp con với”. Em vừa tức vừa thương chị. Em nhắc chị không được gọi thế. Chị chỉ đòi chết. Mấy lần chị định tự tử trong phòng giam chị nhớ không? Chị vừa yếu lại vừa nhát đòn nữa nên bọn chúng gọi chị là “Phúc nhẽo” đúng không?” Chị Phúc cười: “Đúng. Đúng. Nhớ lắm chứ. Hồi ấy là những ngày đen tối nhất của đời chị. Nếu không có em thì đời chị đã tan rồi. Chẳng có được như ngày hôm nay đâu. Xấu hổ quá, nghe bọn xấu làm liều nên mới đến nông nỗi ấy. Mấy lần chị tìm đến cái chết nhưng không được. Em luôn canh chừng chị, nhỏ to tâm sự, khuyên giải. Chị hiểu ra phần nào. 

Đặc biệt sau cái đận chị bị đau ruột thừa phải đi cấp cứu, em tiếp máu cho chị, chị càng hiểu em và các cán bộ ở trại hơn. Chị thấy cần phải sống. Ra tù, chị quyết tâm làm lại cuộc đời. Và chị đã gặp anh Quảng đây. Biết được quá khứ của chị nhưng anh vẫn thương yêu chị và nhất mực lấy chị làm vợ. Hai vợ chồng với đôi bàn tay trắng, được sự giúp đỡ của chính quyền, của bà con chòm xóm, anh chị đã tìm thấy niềm vui, hạnh phúc, nhất là chị đã tìm lại được mình”. 

Phúc nói một thôi một hồi theo dòng tâm sự. Chị vui lắm. Niềm vui ánh lên trong đôi mắt sáng ngời. Đợi chị Phúc bớt phần xúc động, Hà chỉ tay vào anh Quảng: “Ân nhân của em đây này, chị Phúc”. Phúc ngạc nhiên không hiểu. Quảng ý nhị nhìn Hà. Hà kể lại sự việc sân ga năm xưa cho Phúc. Nghe xong, Phúc reo lên như trẻ con: “Trời ơi! Quả đất xoay tròn. Thế mà suốt bao nhiêu năm anh ấy có nói cho chị biết đâu. Vui quá. Hôm nay phải ăn mừng mới được. Không viết lách gì cả. Thôi, thế là giời có mắt”.

Sau đó Phúc tíu tít hỏi về Hà. Hà cũng cho chị biết: “Hồi làm quản giáo, em có tính uỷ mị, thương người, mê thích văn chương. Nói thật với chị, công việc quản giáo không hợp với em. Một bên là tội phạm, một bên lại suốt ngày mơ mộng thì làm sao mà hoàn thành tốt nhiệm vụ được. Biết được nguyện vọng của em, lãnh đạo cho em chuyển ngạch đi học lớp báo chí. Và bây giờ em theo nghiệp này”. “Thôi thế cũng mừng cho em. Còn việc chồng con, nhà cửa thế nào rồi?”. Chị Phúc vỗ vai Hà hỏi dồn. Hà vui vẻ kể về cuộc đời của mình. Họ ríu rít chuyện nọ đan xen chuyện kia. Những câu chuyện không đầu không cuối mà ai cũng cảm thấy vui. 

“Thôi, tạm thế đã. Bây giờ em đi làm cơm đi để bọn mình uống rượu mừng cho cuộc hội ngộ này”. Quảng cắt ngang câu chuyện bảo vợ. “Ôi, mải chuyện quên béng đi mất. Dứt khoát phải ăn mừng chứ”. Phúc nói, đoạn chị xăng xái xuống bếp. Dáng chị vẫn đẹp như xưa. Không, chị Phúc đẹp hơn xưa rất nhiều. Hà đưa mắt nhìn Phấn thăm dò. “Nên ở lại chị ạ! Tôi cũng không ngờ có một cuộc gặp nào lại đặc biệt như thế này đâu, nhà báo ạ”. Phấn trao đổi với Hà. Quảng phát hiện được, anh nói luôn: “Không đi đâu hết. Hai người dành cho vợ chồng tôi cả ngày nay, đêm nay, rồi tính sau. Chúng ta phải mừng cho nhau chứ. Cuộc sống đầy ý nghĩa phải không nhà tuyên giáo, nhà báo?”

Hà gật đầu. Cô xuống bếp cùng chị Phúc sửa soạn bữa cơm. Lòng Hà rộn lên một niềm vui khó tả. Hình như tất cả mọi người đều có tâm trạng lâng lâng ấy. Bao nhiêu chuyện về Quảng, về Phúc, về những người tốt xung quanh ta thì một bài báo làm sao mà viết hết, nói hết được?.

Truyện ngắn của Xuân Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...