Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 33 °C / 26 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến

Cập nhật: 07:00 ngày 25/03/2017
(BGĐT) - Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến/ Chỉ tiếc mùa thu vừa mới đi rồi/Còn sót lại trên bàn bông cúc tím/Bốn cánh tàn, ba cánh sắp sửa rơi.

{keywords}
Minh họa: Hà Mi

Hò hẹn mãi cuối cùng em đã tới

Như cánh chim trong mắt của chân trời

Ta đã chán lời vu vơ, giả dối

Hót lên! Dù đau xót một lần thôi.


Chần chừ mãi cuối cùng em cũng nói

Rằng bồ câu không chết trẻ bao giờ

Anh sợ hãi bây giờ anh mới nhớ

Em hay là cơn bão tự ngàn xa.


Quả tim anh như căn nhà bé nhỏ

Gió em vào - nếu chán - gió lại ra

Hò hẹn mãi cuối cùng em đứng đó

Dẫu mùa thu, hoa cúc cướp anh rồi...

Hoàng Nhuận Cầm

Lời bình

Có những hẹn hò làm tình yêu thêm thi vị. Có những hẹn hò để rồi xa nhau. Có những hẹn hò để rồi có bài thơ như "Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến" của Hoàng Nhuận Cầm. Tôi vẫn luôn thích những sự lỡ làng trong thơ anh. Một hạnh phúc tưởng như đến tay rồi chợt vỡ, một tình yêu vẹn tròn rồi chia xa, và những hẹn hò từ từ khép lại ….

Đây là một trong những bài thơ hay về sự hẹn hò trong tình yêu. Vốn dĩ, hẹn hò là một phần của tình yêu, thật hiếm có những tình yêu mà không hò hẹn. Nhưng cách cảm nhận của Hoàng Nhuận Cầm lại thật đặc biệt. Đặc biệt trong nỗi đợi chờ không phải là vô vọng, vì cuối cùng thì "em cũng tới", nhưng khi em tới thì không phải anh không còn đợi nữa, mà chính mùa thu đã không còn kiên nhẫn với cuộc tình…Bởi lẽ:

Còn sót lại trên bàn bông cúc tím

Bốn cánh tàn, ba cánh sắp sửa rơi.

Hoàng Nhuận Cầm vốn giỏi dùng những hình ảnh cụ thể để diễn đạt những cảm giác vô cùng mơ hồ, tinh tế. Thấy bông hoa sót lại cuối cùng để biết một mùa thu đã qua, người đọc cũng cảm nhận được nỗi đợi chờ mòn mỏi thế nào! Cuối cùng em cũng đến, nhưng đến chỉ để thấy có những điều quý giá đã trôi qua...

Ta đã chán lời vu vơ, giả dối

Hót lên! Dù đau xót một lần thôi.

Tiếng thơ như chưa bao giờ thành thật đến thế, thành thật để kiếm tìm một tiếng nói chân thành từ trái tim không toan tính. Có lẽ cũng bởi sự thành thật một cách hồn hậu đó mà thơ Hoàng Nhuận Cầm tìm đến được với bao tấm lòng, bao tình cảm tri âm!

Khổ thơ thứ ba của bài thơ chất chứa trong đó rất nhiều suy tưởng. Một sự suy tưởng giản dị nhưng nó không phải không chứa trong đó một quan niệm rõ ràng về tình yêu!

Chần chừ mãi cuối cùng em cũng nói

Rằng bồ câu không chết trẻ bao giờ

Anh sợ hãi bây giờ anh mới nhớ

Em hay là cơn bão tự ngàn xa.

Bồ câu không chết trẻ cũng như những mong ước về tình yêu là vĩnh viễn. Tình yêu một mặt nào đó cũng là hiện thân của cái Đẹp mà con người hằng khát khao vươn tới và chiếm lĩnh một cách trọn vẹn. Vì thế mà bồ câu không chết trẻ, cũng như những tình yêu không có quyền chết trẻ, những khát khao không có quyền lụi tàn. 

Khổ thơ cuối cùng là một sự so sánh có phần chua chát nhưng chua chát một cách ngộ nghĩnh, một cách bâng khuâng và tiếc nuối, cái chua chát của một người còn trẻ:

Quả tim anh như căn nhà bé nhỏ 

Gió em vào - nếu chán gió - lại ra

Tưởng như tình yêu chỉ là một trò đùa, dễ dàng và chóng vánh với người con gái. Nhưng nếu để ý thì ta lại nhận ra một sự bao dung. Trái tim ấy là một tấm lòng, một tình yêu luôn chờ đợi, dẫu bé nhỏ nhưng vẫn là tổ ấm đủ để chở che cho những cơn gió vô tình một lần lạc bước. Để rồi cuối cùng, có một lần em đến, một lần em nói, một lần em đứng đó… Chỉ có điều "mùa thu hoa cúc cướp anh rồi"… Đã bao lần đọc câu thơ này, tôi vẫn cảm thấy nỗi chông chênh của một con người, vừa quyết định sẽ lên tàu thì con tàu vụt chạy mất. Tàu thiếu đi một hành khách và người đi thành kẻ lỡ đường….

Thoáng đọc "Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến", người ta có thể nghĩ, ừ, bài thơ này "kết thúc có hậu" vì cuối cùng em cũng đến kia mà. Nhưng dư âm bài thơ, cách kết thúc của bài thơ lại cho ta một cảm nhận khác. Ấy là dư âm của sự lỡ làng... Ta có thể đợi nhau song cuộc đời không đợi ta. Vì thế mà đã có rất nhiều tình yêu đẹp trong cuộc đời nhưng chẳng biết có bao nhiêu trong số đó đi trọn vẹn được đến cuối đường?

Nguyễn Thu Thủy

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...