Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Núi Ấm

Cập nhật: 07:00 ngày 16/04/2017
(BGĐT) - Cô gái ôm con nhỏ hấp tấp bước lên khi chiếc xe khách vừa đỗ. “Cho cháu ngồi nhờ…”. Cô gái ngượng nghịu nói. Tôi ngồi dịch vào cửa kính. Đó là cô gái ngoài đôi mươi có khuôn mặt trái xoan, nước da trắng hồng và đôi mắt đen láy. Tôi đoán cô là người dân tộc ít người - Tày hay Nùng gì đó, không phải vì xe này chạy lên miền núi mà vì cách ăn mặc và gương mặt rất quen thuộc tôi thường xuyên bắt gặp trên vùng đó.

{keywords}
Minh họa: Thế Đại

- Bác lên Sơn Lâm ạ? - Cô gái hỏi. 

Tôi khẽ gật đầu. Đúng là hôm nay tôi đến viếng ông Lã Thanh Vi, người Nùng, vừa mất. Tôi biết điều này là nhờ đọc trên báo. Ông đã để lại cho tôi những ấn tượng đặc biệt. Tôi nhớ cách đây chừng hai chục năm vào lúc xế chiều đưa con lên huyện Sơn Lâm nhận công tác đã được ông đón tiếp ân cần. Hồi ấy ông là Phó Chủ tịch huyện - người cao gầy, ăn mặc giản dị, rất xởi lởi. Ông vỗ vỗ vai con tôi đang đứng khép nép ở cửa phòng:

- Ấy ơ, lớn thế này vẫn phải có bố đi cùng à?- Ông vui vẻ quay sang tôi - Sơn Lâm quý người vùng xuôi lên đây lắm. Thằng bé đỗ loại giỏi, thực là vàng đấy.

Mặc cho tôi khéo léo chối từ, ông kiên quyết kéo bố con tôi về nhà mình ăn cơm.

- Thằng con tôi vừa săn được lợn rừng. Ăn cơm với tôi cho vui. Ông là thợ mộc à? Thợ mộc ở đây cũng ít lắm. Tôi mời đừng chối. Không ăn, tôi giận mãi đấy.

Kể cũng hiếm, cũng lạ. Ở vùng xuôi chắc là chẳng có chuyện này.

Đúng là bữa cơm nhớ đời. Cả bản Ấm của ông - cách thị trấn đó ba cây số - chừng hai chục nóc nhà đều đến ăn. Nhà một người. Nhà hai, ba người. Đàn ông, đàn bà, người già, trẻ nhỏ đủ cả. Bữa ăn vui như hội. Đây cũng là lần đầu tiên tôi uống rượu không phải giữ ý. Sau bữa ăn, ông oang oang bảo tôi:

- Thằng bé ở đây lâu đấy, không cho về quê ngay đâu. Phải phục vụ bà con trên này. Nếu nó gật đầu, tôi sẽ kiếm cho nó đứa vợ. Bây giờ uống rượu xong rồi, bố con ông ngủ lại đây, mai ngày nghỉ tôi dẫn ông lên chơi núi Ấm. Ấy ơ, núi này đẹp lắm.

Sáng hôm sau tôi theo ông lên núi Ấm. Cái tên núi nghe thật lạ, làm tôi nghĩ mãi đêm qua. Có lẽ quả núi có dáng giống cái ấm mà người ta gọi thế chăng?

Bản Ấm nằm quanh một góc chân núi. Tôi ra khỏi đầu bản, tìm một chỗ phong quang, ngước nhìn lên núi Ấm trước mặt. Đúng là quả núi trông từa tựa như cái ấm khổng lồ. Một sườn núi nhô ra cùng với cây to đứng nghiêng ở đó trông không khác gì vòi ấm. Quả núi xanh ngắt dày đặc cây, chỉ có mỗi đường mòn lờ mờ đứt quãng. Tiếng chim hót lảnh lót rộn vang khoan nhặt. Tiếng nước chảy gần xa như thực như mơ. Tiếng gió xào xạc như tiếng thở đều đều. Và tiếng gọi nhau í ới bằng tiếng dân tộc bổng trầm đâu đó ở lưng chừng núi. Tất cả tạo nên sự huyền bí, quyến rũ.

- Không lên núi à? Mỏi hả? Vậy về thôi. 

Ông Vi đưa tôi vào căn nhà ven đường. Đó là căn nhà ngói thấp lợp ngói âm dương xám xịt, tường là ván gỗ ghép lại, lọt trong vườn cây. Một cụ bà đang dọn dẹp bên bếp lửa không để ý tiếng chân lạ bước vào. 

- Bà à, Páo có nhà không? - Ông Vi hỏi.

- Lên rừng rồi.

- Săn lợn à?

- Đi khêu nhựa.

Ông Vi dẫn tôi tới bếp lửa có nồi to như cái vạc đặt trên kiềng. Ông mở vung. Đó là nồi cháo hoa. Ông lấy thìa gỗ múc hai bát.

- Ăn đi cho đỡ đói - ông khẽ bảo tôi.

Tôi ngạc nhiên. Sao ông này lại tự nhiên đến thế? Ông Vi húp soàn soạt và hình như hiểu ý nghĩ của tôi, thủng thẳng:

- Ở đây nhà nào cũng có nồi cháo đặt ở bếp, ăn cả ngày. Sáng ăn rồi lên núi, trưa mới cơm. Nồi cháo để đây, ai vào ăn cũng được.

Cụ bà nói nhỏ:

- Trưa mày về đây ăn cơm, cơm rau thôi.

- Không được rồi. Hôm khác vậy.

Ông Vi giục tôi ra thăm hòn đá Thề ở trước bản - hòn đá mà ông kể lúc đi trên đường. Hòn đá đứng trơ trọi giữa bãi, nhìn nhang nhác như người đang ngồi thiền. Ông Vi bảo, hòn đá - tảng đá này có từ bao giờ chả ai biết, khi người dân xa xưa đến đây ở đã có rồi, nghĩa là chí ít trên dưới hai trăm năm. Bất kỳ có việc gì lớn trong nhà trong bản đều phải ra đây bẩm báo và phải có lời thề. Từ ông bà, cha mẹ thuở trước đến con cháu bây giờ đều đến đây thề giữ rừng, giữ bản, giữ đoàn kết yên vui. “Ấy ơ, bản này ai cũng thuộc lòng bài hát này. Tiếng dân tộc, ông không biết đâu. Tôi dịch cho ông nghe: Mày là hư vì không giữ rừng. Mày là hư vì trộm cắp, nói dối, chửi, đánh nhau. Mày là hư vì không nuôi tốt, yêu kính bố mẹ, quý anh chị em ruột. Thần rừng, Đá Thề sẽ trừng phạt mày, con cháu mày. Cả bản này sẽ ghét mày, không chơi với mày đâu. Ai mắc lỗi sẽ phải đứng trước Đá Thề…”. Nghe ông nói, tôi mới hiểu vì sao núi Ấm dày đặc rừng trong khi những quả núi bên đã xơ xác cây, có nhiều khoảng trống, trơ đất đỏ và vì sao xe đạp, xe máy để chỏng chơ trên nương, ven đường chẳng có người gần đó ngó trông.

… Chiếc xe khách nghiêng ngả vượt qua đèo dốc. Cô gái bỗng nhổm người kêu toáng:

- Bác ơi qua dốc Lim rồi, sắp tới đèo Nhĩ rồi. 

Tôi cười:

- Chắc cô lâu về quê?

- Mới hơn một năm.

- Sao không đưa chồng về?

- Nhà cháu còn bận làm. Nhà cháu lái xe ta-xi. Cháu về quê ăn cỗ cưới bạn cháu.

Tôi buột miệng:

- Cháu tên là gì nhỉ? Ở xã nào trên Sơn Lâm?

- Cháu là Hoàng Thị Song, dân tộc Dao, ở Sơn Nội ạ.

Cô gái nói to làm mấy người ngồi gần đấy lạ lẫm nhìn. Đứa bé gái đã tỉnh giấc, mở tròn xoe mắt, ngơ ngác nhìn tôi. Nó không khác gì mẹ. Hai mẹ con tựa như hai giọt nước.

Tôi thích thú vì được gặp cô gái dễ mến thực thà, chân chất. Hình như người miền núi đều có đặc tính ấy vậy. Phải chăng càng xa đô thị càng dễ gặp những con người như thế.

Cháu làm thế nào mà lại là con dâu vùng xuôi?. Cô gái ngượng ngùng kể. Thì ra, một đơn vị bộ đội đóng quân ở bản Lái, xã Sơn Nội. Có anh chàng lính quê ở thị xã đã mê cô gái người Dao xinh đẹp, hát hay và khi xuất ngũ đã kết lứa đôi. Họ đã có hai con.

“Sơn Nội quê cháu có gần Phúc Sơn không?” “Ô, Sơn Nội với Phúc Sơn chung quả núi Ấm mà, Phúc Sơn bên ngoài còn Sơn Nội bên trong. Núi Ấm to, dài lắm. Bác đã đến đó chưa?". Khi biết tôi còn quen với cả ông Vi vừa mất, cô gái lại “ô” một tiếng khiến mấy người ngồi gần bật cười. Thật chẳng ngờ, bà ngoại của cô gái lại là chị ruột ông Vi. “Núi Ấm cháu thích lắm. Từ xưa đến nay núi vẫn xanh tốt cây. Người Dao, người Nùng đều chung lời thề phải giữ rừng, giữ bản. Bên chúng cháu cũng có Đá Thề như ở Phúc Sơn nhưng bé hơn…

- Núi Ấm lạ lắm. Mùa hè vào mát rượi. Mùa đông rét đến mấy vẫn ấm nồng. Ông bà nội cháu lúc sống bảo vậy. Bố cháu cũng nói thế. Các cụ ngày xưa mới gọi là núi Ấm…

Tôi ngạc nhiên. Có lẽ thế chăng, quả núi khổng lồ - một quả núi trông xa tưởng như cả dãy núi, choán cả góc chân trời - lại đích thực có cái tên không như tôi nghĩ?

Chiếc xe ngày càng đông khách. Mấy người vừa bước lên đứng len vào trước mặt tôi. Hành lý đặt chồng lên nhau. Tôi không nhìn thấy gì bên ngoài vì bị che khuất. Cô gái vẫn ôm chặt con, nhổm người, kêu giật giọng:

- Bác ơi, sắp tới thị trấn rồi. Tới thị trấn là nhìn rõ núi Ấm. Bác ạ, ở bên cháu…

Cô gái dường như đã quên khuấy việc tôi kể đã tới bản Ấm, chân núi Ấm nên đã kêu to như vậy. Tiếng cô chìm nổi trong tiếng cười nói oang oang trên xe. Cô gái đột nhiên xách túi đứng dậy nhìn ra đường với nét mặt tươi vui, háo hức đến lạ.

Chiếc xe vội vã lao đi…

Truyện ngắn của Đỗ Nhật Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...