Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 28 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nguyên Hồng - Nhà văn tự đời thường

Cập nhật: 07:00 ngày 07/05/2017
(BGĐT) - Nhà văn Nguyên Hồng (1918-1982), quê ở Vụ Bản, Nam Định. Ông cùng gia đình sinh sống tại ấp Cầu Đen, xã Nhã Nam (Tân Yên). Nguyên Hồng là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996. Nhiều câu chuyện về ông đã phác họa chân dung một nhà văn dân dã, giản dị.
{keywords}

Chân dung nhà văn Nguyên Hồng.

“Gần mũi xa mồm”

Có một lần, nhà văn Nguyên Hồng và tôi đi qua chợ Nhớn (Bắc Ninh). Giữa tiếng chí chát chặt thịt của dao thớt, giữa mùi thơm ngào ngạt xào nấu thức ăn của mấy quán ăn, chợt nghe thấy có tiếng the thé của một bà ngồi ở quầy vải: “Mới sáng bảnh mắt ra, đứa nào xào nấu món gì thơm thế! Gần mũi xa mồm thế này chỉ làm khổ cái dạ dày và làm ruột gan rối tinh rối mù lên thôi”. Đang đi, mắt nhà văn Nguyên Hồng chợt sáng lên. Ông vội ngồi thụp xuống bên hè phố, lấy cuốn sổ tay nhỏ sờn cả mép giấy ghi vội ghi vàng như sợ nó biến mất.

Sau đó lúc đi dọc đường, Nguyên Hồng vừa vân vê mấy sợi râu vừa giảng giải cho tôi cái “thần” của câu nói đó”: “Cái con mẹ ấy khéo thế. Mùi thơm xào nấu nó chỉ được ngửi, chứ không được ăn. Nhưng cách nói ấy gợi quá. Diễn đạt cảm giác này không thể có cách nói nào hơn được đâu!”. Thế mới biết, mỗi chi tiết trong đời sống dù nhỏ đến đâu đối với người viết đều là những hạt vàng quý giá.

Luyện thơ có như luyện võ?

Nhà văn Nguyên Hồng có lần tâm sự với anh em làm thơ trẻ: Mỗi người làm thơ phải luyện cho mình một ngón độc - “độc nhất vô nhị”. Trình Giảo Kim ngón độc là búa. Lý Nguyên Bá có cặp chùy đồng… Ra trận, đối phương nghe thấy khiếp vía, vào trận chỉ có bỏ mạng. Chữ thì phải có hồn chữ, phần máu thịt nhất của nhà thơ hiện lên trang giấy. Chữ nghĩa run rẩy, phập phồng tươi mới như sự sống, nếu không chỉ là các chữ vô hồn, thứ chữ ép thì chẳng làm rung động được ai. Chỉ có điều khác là luyện võ thì dùng để đánh người (hay là tự vệ), còn luyện thơ là thứ nghệ thuật “đánh” vào lòng người nhưng trong ý hướng nâng đỡ.

Quan tâm việc học của các con

Nhà văn Nguyên Hồng rất chú trọng đến việc học hành của các con. Ông chẳng nề hà bất cứ việc gì, cốt để dành nhiều thời gian cho các con làm bài, ôn bài đầy đủ trước khi đến lớp. Có một lần, nhà có khách. Khách lấy làm ái ngại khi thấy ông nhễ nhại mồ hôi chạy ra chạy vào khuân củi vào bếp, mặt mũi đỏ bừng, quần áo dính đầy bồ hóng… Trong khi ấy, mấy đứa con ông mỗi đứa ngồi mỗi góc chăm chú đọc sách như không hề thấy cảnh ông tất bật gần đấy. 

Khi nghe khách nhắc ông về việc này. Nguyên Hồng chỉ tủm tỉm cười, vuốt nhẹ mấy sợi râu lưa thưa: “Chả giấu gì bác, hồi nhỏ tôi học hành cũng chịu nhiều thiệt thòi! Bây giờ, mình cứ cố được việc gì quý việc ấy. Rảnh ra cho các cháu nó học. Đừng để phân tán việc học hành của bọn trẻ, sau này mình hối cũng không kịp nữa đâu…”.

Và dường như lần nào thi cuối cấp hoặc thi vào đại học, nhà văn Nguyên Hồng đều tự đưa các con lên tận nơi dự thi.

Nhuận bút ấy sử dụng sao cho ý nghĩa?

Nhà giáo Ưu tú Khuất Chi Mai (nguyên Hiệu trưởng Trường PTCS xã Quang Tiến, huyện Tân Yên) cho tôi biết: Hồi sinh thời, nhà văn Nguyên Hồng có đưa cho thầy số tiền nhuận bút cuốn sách vừa in xong tặng nhà trường mà thầy cứ băn khoăn mãi. 

Hai người vốn là hàng xóm nên chẳng còn lạ gì gia cảnh của nhau. Nhà văn có ấm trà ngon cũng bảo con mời thầy sang chơi. Khi đi xa về, có chuyện gì nhà văn cũng kể với thầy. Tuy chênh lệch về tuổi đời nhưng Nguyên Hồng coi thầy như bạn tâm giao. Thời gian này, kinh tế gia đình nhà văn rất eo hẹp, nhà neo bấn, các con đi học xa. Chẳng hiểu nhuận bút cuốn "Sóng gầm" được bao nhiêu, mà sử dụng số tiền vào nhà trường sao cho có ý nghĩa. 

Thật khó quá! Nghĩ đi nghĩ lại, thầy Mai cất công đạp xe xuống tận Xí nghiệp Ngói bến Tuần đặt vấn đề mua ngói cho nhà trường. Nghe thầy Mai trình bày và khi biết số tiền thầy mang theo là nhuận bút của nhà văn Nguyên Hồng, các đồng chí trong Ban Giám đốc Xí nghiệp đã ưu tiên cho nhà trường mua ngói loại 1, giá cung cấp. Hai phòng học đầu của Trường PTCS xã Quang Tiến được lợp ngói. Cảm kích trước tấm lòng của nhà văn Nguyên Hồng, cán bộ và nhân dân xã Quang Tiến đã ngói hóa toàn bộ lớp học của nhà trường chỉ sau một thời gian ngắn.

Nguyễn Thanh Kim

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...