Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bên thung lũng cỏ tranh

Cập nhật: 14:37 ngày 05/05/2017
(BGĐT) - Lão Độc chăn dê trên núi chưa về. Phía núi, sương đã mờ mờ buông xuống. Vẳng trong thung lũng đầy cỏ tranh tiếng dê kêu be be. Phía bên kia con suối nhỏ ai đốt cỏ khô khói hăng nồng.
{keywords}
Minh họa: Thế Đại

Bóng chiều đã trùm xuống cảnh vật thứ màu xám quen thuộc. Chưa bao giờ lão Độc về muộn như thế này. Mọi hôm, cùng với những ánh sáng đỏ lựng cuối ngày là thân hình rắn rỏi, da nâu nhám của lão xuất hiện. Lão cầm cái roi dài lùa dê xuống núi. Tiếng be be ồn ã, bụi tung mù mịt. Lão đi sau cùng huýt sáo và ve vảy nắm lá cây. Nhảy chồm chồm cạnh lão là con chó Mực sủa ông ổng. Căn nhà dưới chân đồi dẻ của lão chưa thấy sáng đèn. Cậu bé A Dư đứng bên cọn nước dõi mắt về phía mặt trời lặn. Ở bản này có A Dư thương lão nhất. A Dư không bao giờ quên cảnh mình bị mưa rét được ông lão ôm vào lòng, rồi đốt lửa sưởi, hong khô quần áo, bón cháo ngô cho cậu. Cái vụ ngã xuống hố nước lúc bố mẹ đi vắng ấy của cậu đúng là nhớ đời.

Chẳng ai biết chính xác lão Độc bao nhiêu tuổi chỉ ang áng sáu bảy mươi gì đó. Lão là người nơi khác trôi dạt đến, sống cô đơn trong căn nhà nhỏ dưới chân đồi cạnh con suối Nhạn rí rách chảy ngày đêm. Lão rắn rỏi, ít nói và tốt tính. Cả làng này, có lẽ nhà nào cũng từng mang ơn lão. Nhưng không ai gần gũi, quý mến và lo lắng cho lão Độc được như cậu A Dư 9 tuổi. Cậu bé là con út của thầy giáo làng. Mẹ cậu buôn bán nhỏ trên đò dọc ngoài sông. Tối nào ăn cơm rồi học bài xong, A Dư cũng ôm cặp sách sang ngủ với lão Độc nghe kể chuyện. Lão biết đủ thứ chuyện trên trời dưới biển, chuyện Tây, Tàu đủ cả. Nghe mê lắm. Bố mẹ A Dư thương ông lão cô đơn tốt bụng, cho cậu bé sang đó ngủ để sáng mai đi học gần hơn. A Dư nghe mãi mà không biết chán những câu chuyện về cây vải tổ, về mùa quả chín đỏ rực như lửa ấy. A Dư tự hào về quê mình bạt ngàn vải thiều, vải len vào từng bữa cơm, từng giấc ngủ và cứ tồn tại xanh biếc làng nối làng, đồi tiếp đồi.

Sáng nay A Dư dậy sớm. Cả bản người Dao bên kia còn thức giấc sớm hơn. Cậu nhìn ra vườn. Ồ lạ chưa! Hàng loạt cây vải trĩu quả đã bắt đầu hung đỏ. Bố hì hục bắc thang choàng tấm lưới trùm lên cây để chống dơi ăn. Đầu mùa, dơi bay về hàng đàn, sục sạo suốt đêm trong những khu vườn có hơi vải chín. Chỉ ủ nắng vài hôm thì không khí khắp nơi bắt đầu nhội lên, bức bối. Hơi lửa bắt đầu táp xuống lòng đường, táp lên những tán lá bọc lấy từng nhà. Cả bản, cả xã đỏ rực lên như những đám cháy. Những ngôi nhà núp trong vườn cây bị nuốt chửng, chỉ để lộ mảng quả cây lúc lỉu. Tiếng tu hú rúc gọi xa xa… Bắt đầu mùa vải chín. Cả ngày A Dư ngóng lão Độc trở về để hỏi lão mấy chuyện bí mật. Qua những lần nghe người lớn trong bản nói với nhau, A Dư lờ mờ biết ông không lấy vợ, sinh con, sống xa quê cũ bởi ông bị một căn bệnh mắc từ hồi chiến tranh. A Dư băn khoăn lắm, mang chuyện ấy về hỏi mẹ. Mẹ nó chỉ lắc đầu rồi quay đi lau mắt. Bố nó bảo: “Con trai ta tò mò quá, lớn lên sẽ hiểu”. Nhưng quả thật, A Dư chưa hiểu ra, lão Độc rất khỏe mạnh, ngày nào cũng đi chăn dê trên núi, làm sao mà bị bệnh được nhỉ?

Bắt đầu nghe tiếng chó sủa. Trời đã tối hẳn. A Dư đứng trên gò đất cao vui mừng ngóng ra phía gốc cây lim già đầu suối. Nhưng ôi, lão Độc không đi một mình. Theo sau lão là một người đàn bà còn trẻ, quần áo, tóc tai ướt sũng. Tay lão ôm một vật gì đó. Ôi, tiếng trẻ con khóc. Lão Độc bế trên tay đứa bé được quấn trong đống tã lót còn khô. Đám dê chậm chạp theo về. A Dư ngạc nhiên quá, sao lại có chuyện ấy nhỉ, chẳng lẽ ông lão đã lừa mình suốt nhiều ngày tháng qua? Vợ con lão đấy ư, hay là người nhà? Sao người đàn bà lại khóc dữ thế? A Dư nóng bừng tai bởi những câu hỏi. Nó nép vào cánh cửa, nhìn căn bếp nhỏ của lão Độc. Đám cháy bùng lên từ đôi tay lão soi rõ hai bóng người lên vách. Lão lôi một bọc ngô đã luộc trong cái vỉ buồm cũ đưa cho người đàn bà: “Thôi ăn đi, đừng khóc nữa, kẻo đói quá. Ta đã bảo rồi, cô đừng ngại, cứ ở lại đây mà nuôi con, ta ít khi ở nhà lắm, cô là đàn bà lại có con thơ đi đâu được”. “Nhưng mà cháu...” “Nhưng gì, sợ người ta dị nghị à, không sợ, ta sống ở làng gần một thế kỷ, ai chẳng biết ta”…

Chợt đứa bé khóc ré lên. Người đàn bà nức nở: “Cháu tủi nhục quá, cứ nghĩ chết quách đi cho đỡ khổ”. Lão Độc từ tốn: “Cô còn trẻ mà nói gở thế, chết thì khó gì, sống mới khó chứ, phải sống mà nuôi lấy con, có phải ai cũng sinh được con đâu, cả đời ta phải sống một mình đây, ta cũng không muốn chết. Chiều nay, nếu không gặp ta chắc mẹ con cô đã chẳng còn được gặp nhau”…

Người đàn bà ngừng khóc, lau khô tóc và cho con bú. Còn lão Độc đặt cơm, luộc mấy quả trứng gà. A Dư đứng nghe từ nãy lờ mờ hiểu ra câu chuyện, lão đã cứu sống mẹ con người phụ nữ ấy. A Dư chợt nhớ ra là nhà mình còn nồi cá chuối kho rất ngon, cậu sẽ về mang một ít sang ăn cơm cùng lão Độc.

Mẹ A Dư không hỏi nhiều, bảo: “Con sang trước đi, mai mẹ sang”. Cả đêm đó A Dư ngủ,  lão Độc mà như không ngủ. Lão lúc lúc trở dậy đốt thuốc. A Dư dậy theo.

- Mày ngủ đi chứ thằng A Dư.

- Ông không ngủ cháu cũng không ngủ được.

- Cái thằng này, có hai mẹ con cô gái làm tao nhớ quê quá.

A Dư ngồi vào lòng lão, nghe ông kể về cuộc đời đi đánh giặc ra sao, lấy vợ ra sao, bỏ quê đi như thế nào. Thì ra ông đã từng có gia đình nhưng ông bảo, vì ông mà người khác khổ, nên ông lên miền này.  A Dư thầm hiểu ra tại sao ông quý trẻ con thế mà không lấy vợ. Bố đã chẳng nói một lần nào đó, thứ chất độc ám ảnh trong chiến tranh ủy hoại bao nhiêu cuộc đời. A Dư càng thương lão Độc hơn. Hôm nào trái gió trở trời, A Dư chạy qua chạy lại nấu cho lão bát cháo hoặc đun nồi nước xông. Ở  làng, ai cũng ngạc nhiên thấy A Dư chẳng khác gì con lão cả…

- Ông ơi, thế cô ấy ở lại đây à?- A Dư hỏi. 

Ông lão gật đầu: - Cô ta định tự tử bỏ con lại vì chồng phụ bạc đấy, nông nổi quá. Trước  mắt cho họ ở đây, sau thì tính…

Từ sáng hôm sau, người làng bắt đầu thêu dệt đủ thứ chuyện về ông lão. Có người còn thốt lên: - Ôi trời, tưởng cao đạo gì, lại còn có cả con rồi, vợ trẻ măng…

A Dư nghe được hết, nó thấy ghét những ai lẻo mồm nói bậy. 

Mẹ A Dư cho cô gái và thằng bé nhiều quần áo, rồi còn nhận sẽ cho cô gái đi chợ cùng…

Một thời gian sau, người ta thấy lão Độc nghỉ chăn dê, ở nhà bế thằng bé con chăn đàn vịt dưới ruộng rộc. Cô gái kêu ông là “bố” và đi chợ tối ngày. A Dư đã lên lớp mới, tối tối vẫn chạy sang đùa nhau với thằng cu con và nói vài câu chuyện với lão Độc. Mùa đông kéo về thật nhanh, thấm thoắt mẹ con cô gái ở lại làng này đã một năm.

Một buổi chiều đã muộn, cô Huê (tên cô gái) gặp A Dư bảo: - “Tối nay cậu đến sớm ông bảo gì ấy”. Tối lên đèn là A Dư đã sang. Ông lão đang ngồi cạnh đống lửa lớn nướng ngô và bảo:

- A Dư này, ông cháu ta phải xa mẹ con thằng cu Ngan rồi, mai người nhà nó lên đón về đấy. 

A Dư tự dưng muốn bật khóc, chơi quen với thằng cu con bụ bẫm đáng yêu, giờ phải xa nó cứ thế nào ấy. Cô Huê thay áo cho cu Ngan, thằng bé vùng vẫy kêu lên. A Dư thoáng tần ngần. Phải rồi, mình sẽ cho nó con quay bằng gỗ sau sau cất trong cót thóc cũ làm kỷ niệm, lớn lên nếu nó về thăm ông Độc chắc sẽ nhớ mình. A  Dư cù vào nách cu Ngan, cu Ngan bé thế mà dường như đã linh cảm thấy cuộc chia xa thì phải, nó không cười mà còn nhệch mồm ra mếu. Cô Huê bông bông vào lưng con nhưng mắt đỏ hoe. Lão Độc bình tĩnh rít thuốc, lấy từ trong chiếc va li bộ đội cũ ra một chiếc hộp đựng bút xinh xắn bằng thép, trên khắc vẽ cành lá dừa và dòng chữ “1972”. “Đây là kỷ vật của ta, nó được làm từ xác máy bay Mỹ đấy, ta cho cu Ngan, lớn lên học giỏi thành tài nhé, cháu ông ngoan lắm”. Lão kéo cu Ngan vào lòng hà hít hơi sữa thơm của nó. Cô Huê chừng như không muốn rời đi vì đã quen cuộc sống ở đây rồi. Còn A Dư thì thấy buồn vô cùng. Trong lòng cậu dường như có một cơn giông lớn thì phải, thôi thúc cậu đứng ngồi không yên. Những người hàng xóm bây giờ đã thông tỏ mọi chuyện kéo đến chia tay mẹ con cô gái. Tiếng nói cười lấp đi những hụt hẫng trong lòng người trong cuộc.

Người nhà từ quê cô Huê lên đón mẹ con cô về, rối rít cảm ơn lão Độc và biếu lão quà bánh, cả tiền nữa. Nhưng lão không nhận tiền mà bảo: “Mẹ con thằng Ngan cũng là ruột thịt của tôi rồi, các ông bà dưới ấy cho tôi nuôi mẹ con nó như vậy là quý rồi, tôi không lấy tiền đâu”. Cu Ngan thấy nhiều người lạ đến thì chạy vào lòng ông lão ngồi im thin thít. Nhìn những bước đi chập chững của nó khiến A Dư càng thấy nó đáng yêu và không muốn xa nó tí nào. A Dư bây giờ mới chợt hiểu ra những lần ông lão ghi chép từ Đài tiếng nói Việt Nam, những lá thư gửi cho Đài mà ông lão nhờ A Dư thả bưu điện hộ có lý do của nó. Ông đã tìm lại người thân cho cô gái. 

Khi mẹ con cô Huê xin phép ông đi, cu Ngan òa khóc, đòi chạy xuống. Cô Huê nghẹn ngào: “Bố, mẹ con con đi nhé, lúc nào có điều kiện con sẽ lên… Bố phải giữ gìn sức khỏe". Lão Độc chớp chớp mắt rồi giục: 

- Được rồi, thôi về sớm không trưa nắng cháu nó ngạt mũi…

 Lão quay nhanh về nhà.  A Dư chứng kiến vậy và bật khóc. Nó thương cu Ngan một thì thương lão Độc mười phần. Cu Ngan ít ra còn được cùng mẹ về với ông bà chú bác, chắc bố nó sẽ quay lại, còn lão Độc mới là người mất đi gia đình…

A Dư suy nghĩ lắm, lần này về nhất định nó sẽ xin với bố mẹ đón ông lão về nhà ở. Bố đi suốt ngày, không ai trông nom ao cá lớn dưới chân đồi, ông lão về ở, A Dư vừa có ông, lại có người ở nhà suốt ngày, mà ông lại đỡ buồn…

Vài hôm sau, bố mẹ A Dư ra đón lão Độc về nhà nhưng lão không đồng ý. Thuyết phục mãi, lão mới thuận cho gia đình A Dư làm một cái quán nhỏ sát ngay lối vào nhà cậu để cho ông lão ngủ ở đó, tiện trông ao cá. Ban ngày lão không chăn dê nữa mà bơm vá xe đạp cho khách qua đường. Tối tối A Dư lại được chui vào lòng ông ngủ. Bây giờ, cậu mới cảm nhận hết tình cảm của ông Độc đối với mình.  Cậu đã nhận ra mẹ nói đúng. Có những thứ tiền cũng không mua được.

Mỗi sáng, A Dư lại được ông nội (cậu gọi ông lão thế) chỉ về phía bên kia đầm nước ngắm mặt trời lên. Hai ông cháu không nói ra nhưng chắc chắn họ đang nhớ cu Ngan. A Dư thấy lòng ấm áp và vui sướng bởi chính ngọn lửa về lẽ sống mà ông lão đã thắp lên trong lòng mình.

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Mai Phương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...