Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 34 °C / 27 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tình Ca

Cập nhật: 07:00 ngày 03/06/2017
(BGĐT) - Lên đỉnh đèo, ông Tú vội hạ bao đàn ghi - ta từ trên vai, ngồi thở dốc. Mồ hôi vã ra như tắm. Chiếc mũ lá rộng vành chụp trên đầu tưởng như khăn quấn. Chân tay rời rã. Tim đập như trống trận. Đã già rồi thật ư? Mới sáu chục tuổi đầu mà đã thế này.

{keywords}
Minh họa: Thế Đại

Lập - chàng trai dẫn đường - đứng chờ ở gốc cây, vội trở lại. Anh không hiểu vì sao bác nhạc sĩ này lại vác đàn khi đi viếng mộ. Lập không dám hỏi, chỉ đoán rằng hẳn cây đàn có giá trị lắm nên luôn phải mang theo người. Ngay cả mấy bác đi cùng với bác đây cũng chẳng ai gàn việc ấy.

- Nghỉ chứ bác? Cũng sắp đến rồi ạ. Qua đèo này là tới đèo Đủng Đỉnh, chỗ mộ bác Lan. Chốc nữa để cháu vác đàn cho.

Ông Tú xua xua tay. Cây đàn có nặng gì, chẳng qua chỉ vì lâu không đi bộ nơi rừng núi. Giá suối cạn, hai bác cháu đã đi ô tô. Anh chủ tịch xã đã bảo trước về con đường này nên ông Tú đành để ô tô lại và cuốc bộ.

- Mộ bác Lan ngay trên đỉnh đèo Đủng Đỉnh…

Ông Tú ngồi dựa vào thân cây, duỗi chân, nhắm mắt.

Đã gần bốn mươi năm rồi…

Lan như đứng trước mặt ông với bím tóc đuôi sam và đôi mắt đen láy sâu thẳm. Cô gái có nụ cười với lúm đồng tiền rất lạ, vừa ngượng nghịu vừa đôn hậu thuần khiết, một nụ cười mà ông ít thấy. Lan có giọng nói trong vắt, nghe như hát, thật lôi cuốn.

- Ố, nãy anh Thành nói, em mới biết. Anh là ca sĩ lại là nhạc sĩ. Anh phải làm một bài hát về trường em đấy.

- Sáng tác bài hát hả? Được thôi.

- Anh nhất định làm chứ?

- Tất nhiên rồi.

- Mà anh phải hát bài ấy ngay tại đây cơ, trước mặt thầy trò trường em.

- Nhất trí.

- Các anh ở dưới xuôi chỉ hứa suông thôi. Đã có mấy nhạc sĩ đến đây cũng hứa như anh rồi quên luôn. Em lạ gì.

- Ấy, đừng nói thế. Anh không giống họ đâu.

Hè cuối những năm bảy mươi của thế kỷ trước, Tú cùng với một số văn nghệ sĩ Thủ đô đi thực tế đến xã Tà Lu - địa phương xa xôi của huyện vùng cao giáp biên nơi có đồn biên phòng nổi danh và trường cấp I tiên tiến. Sau khi tới thăm đồn biên phòng, đoàn đến trường học. Hôm ấy là ngày chủ nhật, có cuộc họp giữa giáo viên và phụ huynh học sinh. Đoàn văn nghệ sĩ có năm người, hầu hết là nhà văn, nhà báo, chỉ có Tú vừa là nhạc sĩ vừa là ca sĩ với cây đàn ghi - ta. Tại trường, theo yêu cầu của các cô giáo, Tú đã hát mấy bài ca cách mạng. Anh hát say sưa, phấn khích. Có lẽ lâu anh chưa hát như thế này trước bà con dân tộc miền núi và cũng có thể tại ánh mắt nhìn đắm đuối thăm thẳm của Lan. Lan lách người rảo bước lên, ôm bó hoa rừng tặng anh. Tú ngạc nhiên không hiểu cô gái kiếm ra đâu nhanh thế bó hoa này. Anh chẳng biết tên các loại hoa ấy vì chưa thấy bao giờ.

- Đi chứ bác? Về còn kịp ăn cơm ạ! - Lập đi tới, ngồi bên.

- Để bác thở thêm chút nữa.

Ông Tú dịch người ra chỗ vạt cỏ nhiều bóng râm. Lần này đến Tà Lu chỉ có ba người, ông và hai người bạn đồng nghiệp. Từ Thủ đô đi tới thẳng tỉnh biên giới và từ tỉnh lỵ, sau khi đi thăm thú vài nơi, đến luôn xã này. Đó là lịch trình đã vạch sẵn. Mấy người bạn kia chỉ biết loáng thoáng Tà Lu là nơi có dấu ấn kỷ niệm của Tú năm xưa. Anh Chủ tịch xã, học trò của cô giáo Lan, cho biết xã vừa có trường cấp II. Cả hai trường này đều đạt chuẩn quốc gia. Trường cấp I bây giờ toàn giáo viên mới, đã có cả thầy giáo. Lập là nhân viên văn phòng được cử đi dẫn đường.

Phải, đã gần bốn chục năm rồi…

- Hiệu trưởng trẻ quá, trông như thiếu nữ.

- Còn trẻ gì nữa anh. Em đã hai ba tuổi rồi. Ế chồng đến nơi.

- Anh cam đoan, em là người vùng xuôi lên đây, không ở thị trấn thì cũng đồng bằng.

- Anh nhầm rồi. Em ở xã này. Bố em là người Tày. Mẹ em là người Kinh, quê Nam Định, lên đây cùng với gia đình đã hơn chục năm. Hiện mẹ em là y sĩ ở trạm xá xã. Bố em là bộ đội phục viên…

Cô gái kể một thôi một hồi về mình. Tú tủm tỉm cười. Đúng là chưa khảo đã xưng. Người đâu thật thà, nhanh nhảu đến vậy.

- Anh cười cái gì?

- Vì em bịa chuyện giỏi quá!

- Ố, không phải vớ. Em nói thật đấy mà. Chỉ có mấy cô giáo ở nơi xa còn toàn người xã này. Mà trường em toàn nữ thôi. Cơ sở vật chất ở đây thiếu thốn lắm. Anh nhìn cũng biết. Nhưng trường em vẫn có giáo viên dạy giỏi, có học sinh giỏi. Trường em là trường duy nhất của huyện bao năm không có học sinh bỏ học…

Lan líu ríu kể tuốt tuột thành tích của trường. Đúng là có rất nhiều giấy khen, bằng khen treo trong văn phòng.

Buổi chia tay thật quyến luyến. Các cô giáo tiễn đoàn ra tận đường cái to.

- Anh nhất định cho chúng em một bài hát riêng chứ? Mà anh phải hát ngay tại trường em. Anh hứa chứ?

- Anh hứa.

- Nào, em và anh ngoặc tay.

Mọi người cười ồ lên.

Chao ôi, tiếng cười, giọng nói vẫn văng vẳng đâu đây, ánh mắt vẫn như ở trước mắt. Vậy mà…

Đoàn văn nghệ sĩ về Hà Nội không lâu thì xảy ra chiến tranh biên giới. Lan mất vì trúng đạn pháo của kẻ xâm lược trên đường tới trường. Nhận được tin, Tú thẫn thờ suốt bao ngày. Anh đã gặp bao cô gái mà sao với Lan cứ xao xuyến trong lòng. Dường như ở chốn thị thành phồn hoa anh chưa gặp những cô gái hồn nhiên, chân chất như thế. Lan với anh chỉ gặp nhau chốc lát, vậy mà không thể nào quên. Có cái gì đó rất lạ, dường như chẳng cắt nghĩa nổi.

Ông Tú xách bao đàn đứng dậy. “Nào, đi tiếp.” “Để cháu cầm đàn cho.” Ông lắc đầu. “Bố cháu cũng là học trò của cô giáo Lan đấy.” “Nhớ kiếm cho bác bó hoa rừng như bác dặn”. “Bác yên tâm, cháu biết chỗ có nhiều ở ngay trên đèo. Cháu đi trước hái sẵn nhé?”

Ông Tú bước đi thong thả, đầu óc nóng bừng. Đã sắp tới mộ Lan rồi ư? Sao lại có cuộc trở lại đau đớn này. Ông đã thất hứa với Lan, có lỗi với Lan. Công việc cơ quan, sự tan vỡ gia đình đã khiến ông quên lãng việc sáng tác ca khúc về trường Lan. Bỗng một hôm ông như bừng tỉnh khi người bạn cũ cùng đi nhắc về Lan, về Tà Lu thuở trước. Hình ảnh Lan hiện lên với đôi mắt sâu thẳm u buồn. Ông bàng hoàng day dứt. Và ông bỏ tất cả công việc thường ngày bên chiếc đàn, rồi ca khúc ra đời.

Đã tới đỉnh đèo Đủng Đỉnh. Lập đứng sẵn trên đó với bó hoa trong tay.

- Mộ bác Lan kia ạ.

Đó là nấm mộ tròn nhỏ không khác gì những nấm mộ xung quanh trong mảnh đất nhiều cỏ cây hoang dại. Có khác chăng nấm mộ ấy nằm bên những cây sim, cây mua cằn cỗi. Ông run run đi tới. Người lúc nóng lúc lạnh. Không gian như chết lặng. Đôi chân như muốn khuỵu. Ông lập cập đặt bó hoa trên mộ, thắp hương, cúi đầu. Ông như nhìn thấy Lan đang đứng bồng bềnh trước mặt.

- Anh có lỗi lớn với em. Hôm nay anh mới đến với em, mới thực hiện được lời hứa…

Ông thầm thì rồi chầm chậm cầm cây đàn, ngồi thụp xuống bên mộ. Dây đàn rung lên nhè nhẹ. Ông khe khẽ thì thào cất lời ca…

"Ở một nơi xa xôi hẻo lánh giáp biên giữa trập trùng đồi núi có một ngôi trường nhỏ thân thương, có những cô giáo thân thương"…

Giọng ông như nghẹn lại.

Nắm hương rực đỏ tưởng như có cơn gió vừa ào tới. Hương trầm thoang thoảng. Làn khói mỏng mảnh phơ phất bay trên mộ.

"Anh đến đây xin hát khúc ca về mái trường yêu dấu vùng cao. Tà Lu ơi, mảnh đất mến yêu ơi, mảnh đất ghi dấu suốt đời".

Giọng ông ngắt quãng. Tiếng ca bây giờ như lời tự sự dịu dàng, êm ái. Nó nhè nhẹ vang lên, nhè nhẹ lướt qua trên nấm mộ, nhè nhẹ thoảng qua ngang chỗ ông ngồi. Bao năm rồi, ngôi trường thân thương còn đó, tiếng thơm còn đó mà người xưa đâu rồi…

Ông ôm đàn, đứng dậy, cúi đầu.

Lập vẫn đứng nguyên chỗ cũ, cố kìm nước mắt chỉ muốn ứa ra.

Một cơn gió bỗng tràn tới. Bóng râm từ đám mây xam xám tỏa xuống làm đỉnh đèo mát dịu. Không gian trở nên thoáng đãng lạ lùng.

Cúi đầu, ôm đàn, ông Tú chậm rãi trở lại đường. Bàn chân ông như vô định. Dường như ông không để ý đến Lập đang rảo bước về phía mình.

Truyện ngắn của Đỗ Văn

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...