Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 27 °C / 27 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chấm đỏ

Cập nhật: 10:59 ngày 24/07/2017
(BGĐT)- Ngô Minh Bắc quê ở huyện Lục Ngạn, nguyên là bộ đội thuộc Binh đoàn Tây Nguyên, từng tham gia chiến đấu chống bọn Khơ - me đỏ xâm lược trên mặt trận Tây Nam của Tổ quốc những năm 1977–1979. Rời quân ngũ, anh chuyển sang viết văn và làm thơ. Không ngờ ngòi bút của anh tôi luyện qua chiến trường đã trở nên có duyên đến thế! Văn và thơ của anh đã chiếm được cảm tình của đông đảo bạn đọc. Bài thơ “Chấm đỏ” của anh là một trong những tác phẩm như thế!
{keywords}

Nén hương thơm nhớ về đồng đội.


Một chấm đỏ trên nấm mồ đồng đội
Dẫu chỉ là một chấm đỏ thôi
Chấm đỏ ấy từ nén nhang mình thắp
Từ bông hoa mình đặt chỗ bạn nằm.

Bạn bây giờ về với xa xăm
Sông Vàm Cỏ tím chiều biên giới
Bạn đã đi xa, mình thì ở lại
Mình tóc bạc nhiều, bạn mãi tuổi xanh.

Vẫn biết đời theo một lẽ tử sinh
Trong xa cách ở hai đầu đất nước
Trong tâm tưởng giữa hai miền ly biệt
Cánh rừng xưa thắm đất bạn nằm...

Cỏ cây thì xanh
Đất trời dài rộng quá
Chỉ khói hương từ chấm đỏ đăm đăm
Cứ xoay xoay lay động
Rưng rưng thầm gọi họ tên mình:
“- Xin chào đồng đội đã về thăm!...”

Ngô Minh Bắc

Sau ngót ba mươi năm rời xa quân ngũ, năm 2009, anh lại có dịp được cùng đồng đội vào thăm chiến trường xưa. Đoàn đến thăm những nơi mà đơn vị trước đây đã từng chiến đấu, trên khắp một dải đất miền Tây Nam Bộ. Trong lịch trình chuyến đi, Đoàn đã đến thăm một nghĩa trang ven sông Vàm Cỏ - tỉnh Tây Ninh. Tại đây nhà thơ đã thắp hương viếng mộ người bạn thân đã ngã xuống trên mảnh đất này trong trận đánh ác liệt.

Cũng chỉ có nén nhang dành cho vong linh của bạn mà thôi, tình cảm của người lính vốn vẫn chân thật và giản dị như thế! Cảm xúc của anh dâng trào, đã lập tức giao cảm với người dưới mộ. Và anh đã không phải đợi lâu, vong linh của người đồng đội đã lập tức linh ứng và hiển hiện: 

Chấm đỏ ấy từ nén nhang mình thắp. 

“Chấm đỏ ấy” bỗng sáng lên trong ánh nhìn của tác giả, phải chăng là hương hồn của người bạn chiến đấu của anh đã hiện lên để tiếp đón người đồng đội xa cách lâu ngày, nay mới có dịp đến thăm... Cảm động khôn xiết! Biết bao điều dồn nén họ muốn chia sẻ cùng nhau. Nỗi nghẹn ngào trong anh đã trùm lên tất cả. Anh chỉ biết xót xa, tiếc nuối khi mình và bạn không còn được sống cùng nhau, đã sớm phải xa nhau mãi mãi: “Bạn đã đi xa, mình thì ở lại/ Mình tóc bạc nhiều, bạn mãi tuổi xanh”. Sự trớ trêu cách biệt về tuổi tác của kẻ mất người còn càng khiến lòng ta rưng rưng! Nỗi xúc động trong giờ phút tâm giao của đôi bạn đã khiến thiên nhiên cũng phải động lòng trắc ẩn. Con sông “Vàm Cỏ” vô tri vô giác kia cũng như đang quặn thắt, nghẹn dòng xót xa đến mức “tím chiều biên giới”, chất ngất  buồn đau...

Anh càng thương bạn vì nỗi bạn Nam, mình Bắc xa nhau vạn dặm, chẳng mấy khi được gần gũi để thăm nhau. Nỗi niềm ấy anh chỉ biết để trong “tâm tưởng” mình, và đôi khi gửi nhớ tới miền xa ngái, nơi có: “Cánh rừng xưa thắm đất bạn nằm”... Nỗi nghẹn ngào trong anh tưởng chừng như vô hạn: “Cây cỏ thì xanh/ Đất trời dài rộng quá”, biết lấy gì để giãi bày, gửi gắm nỗi thương cho tương xứng đây! Và “chấm đỏ” trên đầu nén nhang đã cất lời thì thầm mừng tủi: “Rưng rưng thầm gọi họ tên mình/ Xin chào đồng đội đã về thăm!...”. Vâng! Đã là đồng đội thì luôn nhớ như in “họ tên” của nhau! Tình đồng đội bỗng chốc vỡ òa cùng những giọt nước mắt...

“Chấm đỏ” giờ đây đã trở thành hình ảnh sáng ngời tâm tưởng của anh, tượng trưng cho vẻ đẹp của người chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của đất nước. Tình đồng chí, đồng đội trong bài thơ đã hòa cùng với tình yêu Tổ quốc.

Chu Ngọc Phan (giới thiệu và bình)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...