Thứ năm, 02/05/2024
Bắc giang 23 °C / 23 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tiếng đêm

Cập nhật: 21:16 ngày 28/07/2017
(BGĐT) - Gã lững thững bước tới chợ Cóc ở ngã ba đầu thôn Vẽ. Chợ này tấp nập nhất vào buổi sớm - tầm người ta ăn sáng, nhất là lúc trẻ con tới trường. Tuy là chợ thôn nhưng vì kề với đường tỉnh lại có ngã ba rẽ vào các thôn trong xã nên có nhiều quán. Thôi thì đủ thứ hàng - từ ăn uống, tạp phẩm đến xổ số, chữa xe đạp, xe máy.
{keywords}

Minh họa: Thế Đại.

- Nó đến đấy.

Người ở các quán khẽ nhắc nhau. “Nó” chính là gã. Giá không cạo trọc đầu, không nhìn với đôi mắt lạnh lùng và chẳng có những vết sẹo ngang dọc trên mặt thì gã cũng chẳng đến nỗi. Gã to khỏe và một thời cũng vào loại đẹp trai của thôn.

- Nó đến đấy.

Những người bán hàng căng mắt nhìn gã với vẻ thủ thế khi gã đang tới gần. Gã vừa ở tù về, đúng ba hôm. Da gã bủng beo nhưng dáng vẻ và đôi mắt thì vẫn lì lợm như xưa.

Thực ra gã chẳng cướp giật hàng của ai mà chỉ có “xin” nhưng mà xin đểu. Nếu không “xin” được thì gã mua nhưng là mua chịu với điệp khúc “mai trả”. Với gã, mai có nghĩa là không. Nếu ai đó không cho xin và mua thì gã chỉ nhếch mép cười và sau đó “hãy đợi đấy” - tức là trả thù. Gã trả thù một cách lặng lẽ theo cách của mình. Ấy là đánh vào kinh tế với giá trị thiệt hại gấp nhiều lần thứ hàng mà gã cần. Gã đi tù xoành xoạch. Những năm trước đây, hắn đi tù chủ yếu là do trộm cắp còn hai năm lại đây vì tội phá hoại tài sản công dân.

Gã đi tới lều đầu tiên cạnh cột điện hạ thế - chỗ bán bánh mì pa-tê của chị Thảo. Gã chắp tay sau lưng, gườm gườm nhìn chủ quán, gật gù:

- Bánh mì ngon đấy.

Người thiếu phụ kêu toáng lên:

- Khổ quá, tôi đã mở hàng gì đâu.

- Thế hả? - Gã nhấc bánh, bẻ một miếng, đút vào miệng - Giòn. Tốt. Nào cho xin tý batê.

Thảo lườm gã, lấy dao gạt ít mỡ và thịt vụn vào chiếc bánh ăn dở của gã:

- Trả tiền ngay chứ?

- Mai trả!

- Không có mai thuổng gì cả. Đã mở hàng là phải có tiền!

- Thế hả? - Gã nhồm nhoàm nhai, nét mặt lạnh như kem - Cái bánh này có đáng giá con lợn không?

Người thiếu phụ hiểu ý gã muốn làm gì, đành phải lặng im. Gã vênh mặt cười, bước sang lều bán tạp hóa, chằm chằm nhìn vào đôi dép nhựa trắng có quai hậu. Nhìn gã nhưng cô gái chủ quán tỏ ra rất dửng dưng, chẳng mời chào gì. Gã cúi xuống nhấc đôi dép lên ngắm nghía. Cô gái quay đầu về phía bên đường, gọi vống lên:

- Bác Tuệ ơi, gạo hôm nay mấy đấy? Bác mang sang đây cho em với.

Gã hất hàm:

- Bao nhiêu?

Cô gái đáp cho xong chuyện:

- Hai mươi. Không bán chịu!

Gã trừng mắt:

- Hừ! Bố mày cứ mua chịu đấy!

Cô gái đứng phắt dậy:

- Mày nói gì! Tao không bán! Bỏ dép xuống!

Bốp. Gã dang tay đập đôi dép nhựa vào mặt cô gái làm cô ngã dúi xuống mặt kệ trên để đầy xà phòng hộp.

- Mày không biết bố mày là ai à! - Gã gầm lên và quẳng đôi dép ra đường.

Gã khệnh khạng rảo bước đi trước những lời chửi rủa của cô gái và trước những con mắt khinh bỉ của những người bán hàng xung quanh.

Gã uể oải lê dép trên đường nhựa. Mẹ cái Lập nhé, rồi mày sẽ biết tay bố mày! Gã ngược lên phía chợ. Thực ra gã cũng chẳng biết lên chợ để làm gì, chỉ biết rằng không thể ở nhà được nên phải đi. Từ hôm ở tù về gã chỉ ở nhà đúng một đêm còn toàn lang thang đâu đó. Gã sợ ở nhà. Nhà gã không ai để ý đến gã - ngay cả khi gã từ nhà tù chân ướt chân ráo về. Bố gã suốt ngày say rượu, nằm dí ở giường, không bao giờ để ý đến chuyện nhà. Mọi việc trong nhà, ngoài đồng đều dồn vào bà dì ghẻ tham lam, cay nghiệt cùng hai đứa con riêng. Cứ về đến nhà là bà ta cất lời chửi rủa chồng, coi chồng không bằng con ở ngày xưa, kể cả khi gã có mặt. 

Đã có lúc gã định nện cho bà ta gãy chân, què tay nhưng nghĩ làm thế thì dứt khoát bố gã sẽ chết đói. Không trả thù được bà dì, không thổ lộ giãi bày được với ai, gã trở nên lầm lì. Càng lầm lì gã càng trở nên cô độc. Chẳng ai chơi bời với gã, kể cả trẻ con. Mà gã lại luôn bị uất ức, đè nén. Gã cảm thấy sống như tuyệt vọng. Gã rảo bước vào chợ. Cũng là hú họa cầu may xem có ai nhờ thuê làm việc gì không. Đã có thời gã làm cửu vạn ở chợ, nên có đồng ra đồng vào. Nhưng từ khi gã đi tù liên miên thì người ta cạch, dẫu chỉ đòi công với giá rẻ mạt. Giời ôi, giá mà... Gã tiến tới một đám đông đang to tiếng với hy vọng tìm được ai đó quen biết.

- Ê, trốc!

Gã ngơ ngác nhìn xung quanh. Trốc là biệt hiệu của gã từ hai năm trước khi ra tù. Hồi đó đầu gã đầy mụn nhọt. Cũng từ năm ấy gã chuyên cạo trọc đầu.

- Trốc! Đây cơ mà!

Gã quay đầu về nơi gọi. Từ quán ăn giữa chợ, một cánh tay giơ cao vẫy. A, Bộc “còm”. Đã có thời thằng này cùng tù với gã và cùng ở một chỗ. Lâu lắm rồi, có lẽ cũng phải bốn, năm năm, gã mới được gặp Bộc. Gã rảo bước tới. Bộc oang oang:

- May quá, định xuống chỗ mày. Ra phố ăn thịt chó nhé?

Gã lắc đầu:

- Luôn đây thôi! Tao đang đói.

- Bà chủ cho rượu thịt ra đây - Bộc nói như quát.

Gã hềnh hệch cười, uống cạn chén rượu Bộc đưa rồi nhón tay cầm miếng thịt trên đĩa.

*    *
*

Gã dậy vào lúc xế chiều. Gã ngơ ngác khi thấy mình nằm còng queo bên đường. Gã bỗng “à” một tiếng và nhớ lại. Thì ra gã say quá, cố lảo đảo về nhà nhưng đến đây thì gượng không được. Bây giờ tỉnh rượu, gã nhớ tới công việc mà Bộc giao. Ấy là việc giết lão Phồn, người cùng xóm với gã. Thằng Bộc có tư thù gì đó với ông cụ này. Tư thù gì thì gã cũng chẳng hỏi mà Bộc còm cũng chẳng nói. Việc diệt lão Phồn sẽ diễn ra rất nhẹ nhàng. Gã chỉ có việc cho thuốc ngủ liều cao vào bình nước của ông già. Thời hạn phải hoàn thành vụ này là trong vòng năm ngày. Gã sẽ được năm trăm ngàn đồng khi xong việc. Mai Bộc sẽ giao thuốc và ứng trước cho gã trăm nghìn.

Trời đã sẩm tối. Gã uể oải ngồi dậy định bước đi nhưng rồi ngồi phệt xuống bãi cỏ. Có lẽ gã vẫn thấy mỏi. Và cũng có thể gã chưa muốn về nhà lúc này.

Một bóng đen dừng lại trên đường.

- Nhân hả?

Gã ngẩng đầu:

- Thằng nào đấy?

- Tao, Quang đây.

- Đ. biết. Cút!

Người đó bèn rảo bước tới, khẽ cười:

- Không nhớ Quang nào hả? Quang cõng mày lên trạm xá khi mày bị rắn cắn ấy.

Giọng gã ráo hoảnh, đầy vẻ kẻ cả:

- Có việc gì thế?

Quang dừng lại trước mặt hắn:

- Mới ở tù về hả?

- Thế thì đã sao?

- Chả sao cả, biết vậy thôi. Sớm nay mày lại giở trò xin đểu ở chợ Cóc. Tù mà vẫn không chừa.

- Làm đếch gì mà phải chừa!

Quang bật lửa châm thuốc hút:

- Bây giờ tao muốn nói với mày chuyện khác. Xế chiều tao vào nhà mày nhưng không thấy. Có người chỉ mày ở đây.

- Có việc gì, nói đi! - Gã cau có.

Quang thủng thẳng:

- Dạo này mày hơi xếch mé đấy. Xưa mày gọi tao là anh, xưng em.

Gã đáp lại bằng việc lặng im và nằm vật ra bãi cỏ. Quang ngồi xuống cạnh bên.

- Mày muốn lên chỗ tao làm không?

- Việc gì? - Gã ngáp.

- Tao lên Lục Ngạn mấy năm rồi. Ở trên ấy tao vỡ đất khai hoang, trồng vải thiều. Thỉnh thoảng tao mới về đây. Từ ngày lên đó, kinh tế gia đình tao cũng khấm khá lắm. Hiện giờ có mấy trăm cây vải thiều. Mày lên chỗ tao mà làm. Ngoài công sá, tao sẽ cho mày chục cây vải để làm vốn.

Gã nhếch mép cười:

- Tôi chịu thôi. Bây giờ lại đi cuốc đồi bãi để ngủ với giun à! Tôi không quen cái nghề ấy!

Quang gằn giọng:

- Thế mày quen cái nghề gì? Chẳng lẽ trộm cắp, phá hoại lại là nghề của mày?

Có lẽ vì đã lâu không ai nói với gã bằng cái giọng như thế nên bây giờ nghe, hắn phát khùng. Gã vùng dậy, hét lên:

- Ông nói cái gì hả? Im mẹ cái mồm đi! Nếu không th...ì...

Quang khẽ đập vai hắn:

- Định đánh tao à?

Gã im bặt. Cũng là quen mồm mà nói chứ gã địch làm sao nổi với anh Quang. Anh ấy nguyên là học viên trường sĩ quan đặc công. Xuất ngũ, anh làm Trưởng công an xã. Đã có năm anh mở lò dạy võ. Hồi đó gã cũng học được dăm bảy hôm.

- Hãy nghe tao nói đây. - Quang chậm rãi - Một lần tao đã cứu mày ra khỏi tử thần và khỏi đống bùn tội lỗi. Bây giờ mày phải lựa chọn một trong hai con đường, hoặc là trộm cướp, lang thang, vào tù ra tội, suốt đời bị mọi người khinh rẻ, hoặc là phải lao động để trở thành người lương thiện.

Gã nhấm nhẳng:

- Dạy nhau vừa thôi!

- Chưa ai đến với mày khi mày bị ruồng bỏ và cũng chưa ai nói thẳng với mày như tao. Đúng chưa nào? Hãy suy nghĩ kỹ đi. Tao đến với mày vì tao tin mày không phải là người hoàn toàn xấu, không phải là người bỏ đi và tao cũng rất thương hoàn cảnh của mày. Chỉ có vậy thôi. Tao nhắc lại, mày hãy suy nghĩ kỹ. Ba mươi tuổi chẳng còn trẻ người non dạ nữa. Rồi cũng phải có vợ, có con, có một mái nhà. Đời mày vẫn còn dài lắm. Rồi cũng phải lo tính cho bố mày chứ?

Gã gục đầu vào vòng tay. Im lặng. Tiếng gió xào xạc trong vòm lá. Thoảng trong gió những tiếng ầu ơ ru con.

- Nếu mày thuận lên Lục Ngạn với tao thì chốc nữa quay lại nhà ông chú tao. Mai tao đi rồi. Phải tháng nữa tao mới về.

Quang đứng dậy và lặng lẽ trở ra đường. Tiếng bước chân cứ xa dần. Còn lại một mình, gã ngồi bó gối lặng im rồi thở dài. Đã lâu lắm rồi - dễ đến vài tháng nay - gã mới thở dài. Tự dưng gã nghĩ đến thân phận mình. Chẳng lẽ trộm cắp, phá hoại là nghề của mày. Lời của anh Quang vẫn nói như văng vẳng bên tai. Mình không khác gì một con chó hoang. Gã ngẩng đầu nhìn ra đường. Không, mình còn không bằng con chó hoang. Bỗng chốc gã rùng mình khi sực nhớ ra cái việc mà Bộc còm giao. Giời, chỉ vì năm trăm nghìn đồng mà giết một ông lão hiền lành. Rồi mình sẽ còn giết ai nữa? Mình sẽ thành kẻ đâm thuê chém mướn. Rồi tất đến ngày phải chết nhục nhã - không chết vì những người trả thù, vì trừng trị của pháp luật thì cũng chết bờ chết bụi khi lẩn trốn.

Chưa bao giờ gã lại suy nghĩ lâu như lúc này. Hãy suy nghĩ cho kỹ đi. Ba mươi tuổi chẳng còn trẻ người non dạ gì nữa... Đời mày vẫn còn dài lắm... Trong đêm tối, gã xòe bàn tay thô tháp, lấm đầy bụi đất. Gã đứng dậy rồi lại ngồi xuống, rồi lại đứng lên. Gã đứng lại khá lâu rồi mới quả quyết bước ra đường, đi tới một ngôi nhà ở tận cuối thôn vẫn còn ánh sáng điện.

Chiều hôm sau người thôn Vẽ thấy Giang Văn Nhân ôm túi theo anh Quang ra bến ô tô huyện. Gã có vẻ bần thần ngơ ngác nhưng chính dáng vẻ ấy làm cho gã trở nên thuần phác dễ gần.

Truyện ngắn của Đỗ Nhật Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...