Thứ bảy, 11/05/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ngỏ lòng

Cập nhật: 07:00 ngày 26/08/2017
(BGĐT) - Tôi có trong tay tập thơ có cái tên rất lạ: “Con gái thì thứ hai” của một tác giả mới chỉ biết qua báo chí. Thì thứ hai với con gái là gì? Là khi đã có chồng con? Là trở lại tuổi xuân? Đọc, mới thấy tác giả giãi bày: Một thì bên mẹ bên cha/ Một thì em ở cùng nhà các con.

{keywords}

Vậy đã rõ rồi. Nếu chỉ yên phận như vậy và không dính vào văn chương chữ nghĩa tất sẽ chẳng có một Đồng Thị Chúc - thơ, một Đồng Thị Chúc - ngổn ngang nỗi niềm bày tỏ, nỗi buồn trong dạ mà ngơ ngẩn sầu. Chị sinh năm 1944 tại xã Cao Xá (Tân Yên). Người đàn bà đa cảm đã dính vào thơ thì đau đáu, đắm đuối, đeo đẳng, mà thơ cũng như văn thường đày ải người làm ra nó. 48 bài thơ trong tập là tâm trạng của người đàn bà cao tuổi về cuộc sống hôm qua, hôm nay; về cái tôi thân phận, về cái ta thời thế đổi thay. Bằng thể thơ lục bát - một thể thơ quen thuộc dễ sa vào tầm thường, dễ dãi nếu như không chắc tay, Đồng Thị Chúc đã trải lòng mình về bản thân, gia đình, về bè bạn, quê hương… 

Nhà thơ kể về mẹ từ thổn thức, xao động trái tim. Những câu thơ giản dị, chân thực mà gợi cảm: Kéo vành nón rách che nghiêng/ Mẹ tôi giấu những ưu phiền khôn nguôi, và Bóng lưng còng mẹ đổ xiêu bóng đồi. Tác giả viết về làng mình với sự day dứt vì hình dáng xưa với cây đa, giếng nước, mái đình đã không còn: Rưng rưng tôi gọi giữa trời/ Làng ơi! Thuở tuổi chín, mười còn đâu? Nhiều nhất, sâu đậm nhất trong “Con gái thì thứ hai” vẫn là thân phận tác giả - sự trải lòng, những buồn vui, suy ngẫm của người bóng chiều giờ đổ sang ngang. Có đọc cả ba bài thơ cùng nhan đề “Em gái làng Châu” mới hiểu về tác giả. Em gái ấy hình như là nhà thơ? Từ lúc Tóc dài má đỏ bên cầu đợi ai, rồi Em đi khắp đó cùng đây/ Nắng mưa với cả gió mây đi cùng, đến Duyên tình đã dở dang nhau/ Bỏ em người ấy để sầu em mang và kết cục là Về đi về lại riêng ta/ Mà chăm chút, mà xót xa phận mình. Hãy coi tình đã vẹn tình/ Thương sao hết kiếp phù sinh trên đời.

Thật nao lòng thấm thía và cảm tạ nhà thơ khi viết về cái đẹp, cái cao cả đã có từ ngày xưa mà tác giả ẩn ý qua những bài Dịu dàng, Cũ càng đầy hình ảnh. Nếu bài Dịu dàng chỉ người con gái nghĩa tình hoặc có một tình yêu trong sáng thì Cũ càng nói về những điều không nên mất, không thể mất - cái phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam ta. Ấy là: Cũ càng thuở học i tờ/ Đói cơm, rách áo biết mơ thành người. Ấy là Cũ càng chữ hiếu làm đầu/ công cha nghĩa mẹ dám đâu xem thường. Rồi Cũ càng trên kính dưới nhường/ Anh em đùm bọc mà thương nhau cùng…

“Con gái thì thứ hai” quả là tập thơ đầy xúc động, bộc lộ rất rõ một tâm hồn thơ không dễ pha trộn với nhiều nữ nhà thơ hiện nay với những từ, những câu thơ găm vào tâm trí bạn đọc. Đó là thành công của nữ thi sĩ từng là một kỹ sư công nghiệp và trải qua quân ngũ.

Đỗ Nhật Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...