Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đi học

Cập nhật: 10:27 ngày 08/09/2017
(BGĐT) - Hôm qua em tới trường/Mẹ dắt tay từng bước/Hôm nay mẹ lên nương/Một mình em đến lớp.


{keywords}
Ảnh minh họa.

Trường của em be bé

Nằm lặng giữa rừng cây

Cô giáo em tre trẻ

Dạy em hát rất hay.


Hương rừng thơm đồi vắng

Nước suối trong thầm thì

Cọ xòe ô che nắng

Râm mát đường em đi

                 Minh Chính

"Hôm qua em tới trường/ Mẹ dắt tay từng bước...". Chúng ta hẳn ai cũng từng được nghe bài hát "Đi học" với những ca từ, âm hưởng thật xốn xang, náo nức, diễn tả tâm trạng vừa e ấp, vừa hồ hởi vui sướng của lứa tuổi thơ lần đầu tiên được đến trường. Bài hát quen thuộc đó lâu nay đã trở thành nhạc hiệu cho mùa tựu trường.

Nhiều người biết đó là ca khúc rất hay của nhạc sĩ Bùi Đình Thảo dành tặng tuổi học trò nhưng hẳn ít người biết về tác giả của bài thơ "Đi học", một phần máu thịt rất quan trọng đã cùng người nhạc sĩ tác thành bài hát nổi tiếng này.

Tác giả bài thơ "Đi học" là nhà thơ, liệt sĩ Minh Chính, tên đầy đủ là Nguyễn Minh Chính. Anh tuổi Đinh Mùi (1940), quê gốc ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Hà (nay là tỉnh Nam Định) và lớn lên ở tỉnh Phú Thọ, nơi có "rừng cọ đồi chè" sum suê bát ngát. Anh nhập ngũ năm 1963, vào chiến trường B2 năm 1966 và hy sinh tháng 3 năm 1970 tại Quảng Trị. Thơ anh bắt đầu in trên các báo từ năm 1964. 

Trong chùm thơ anh gửi từ chiến trường ra cho NXB Kim Đồng có bài thơ "Đi học". Phần ca từ của bài hát "Đi học" của nhạc sĩ Bùi Đình Thảo là gần như nguyên văn những câu thơ của thi sĩ Minh Chính. 

Bài thơ chỉ có ba khổ thơ ngũ ngôn ngắn gọn, như dòng suối trong vắt chảy mãi với thời gian. Khổ thơ đầu, tả bước đi đầu tiên của cô học trò nhỏ đến với mái trường đầy lạ lẫm. Cái giờ phút rụt rè, e ngại ấy của tuổi thơ là phải dựa vào mẹ, người gần gũi và thương quý nhất của bé: "Hôm qua em đến trường/ Mẹ dắt tay từng bước". Như có phép lạ, chỉ sau một ngày, "hôm nay" em đã tự tin "một mình" đến lớp. Và rời tay mẹ, em liền được cô giáo đón nhận. Hình ảnh ngôi trường và cô giáo hiện lên trong bài thơ thật yên bình, tươi sáng.

Những câu thơ miêu tả con đường đi học của bé thật nên thơ, nên nhạc. Cảnh vật trong câu thơ hầu hết được nhân hóa, làm sáng lên ánh mắt hồn nhiên, trong trẻo của tuổi thơ. Bây giờ em đã quen đường, quen lớp lắm rồi! Quê hương yêu quý đang chở che cho em trên mỗi bước đường đến lớp: "Cọ xòe ô che nắng/ Râm mát đường em đi".

Bài thơ khiến ta xúc động trước vẻ đẹp thánh thiện của tuổi thơ trong bối cảnh đất nước đang có chiến tranh khốc liệt. Phải làm gì để chắp cánh cho tuổi thơ, đó là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Cũng như nhà thơ liệt sĩ Minh Chính, người đã chiến đấu quên mình để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ các em thơ... Và trước khi ngã xuống, anh đã kịp gửi về hậu phương một thông điệp sắt son: Hãy kiên cường chiến đấu để chở che cho các em thơ, cho những mái trường được bình yên mãi mãi.  

Chu Ngọc Phan (giới thiệu và bình)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...