Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 32 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nhà có phúc

Cập nhật: 14:30 ngày 06/10/2017
(BGĐT) - Ông Đức bước vào nhà, vợ chồng ông anh cả cùng đứa cháu tên Du đang ngồi bên bàn uống nước. Ông Đức cất tiếng chào rồi đi đến ban thờ đặt hoa quả, thắp hương. Sau đó, ông ngồi vào bàn. Du rót nước mời chú:

{keywords}
Minh họa: Bảo Lâm

- Cháu mời chú uống nước! Chú đi đường có mệt không ạ?

- Mệt gì đâu! Từ thành phố về nhà mình có ba bốn chục cây số mà!

Ông anh cả hỏi:

- Chú về có một mình thôi à! Thím ấy và các cháu đâu?

- Anh thông cảm! Hai cháu đi công tác xa, nhà em hôm nay không may bị ốm. Chỉ có mình em về giỗ cha mẹ thôi!

- Chú là chúa hay chiều chúng nó. Bọn trẻ bây giờ hay quên quê cha đất tổ, đã thế lại còn quên cả ngày giỗ ông, giỗ bà! Chú về nhắc nhở chúng đừng vì mải làm mải ăn mà quên cả tổ tiên đấy!

Ông Đức đáp:

- Vâng! Em sẽ nhắc các cháu, những ngày giỗ ông, giỗ bà phải sắp xếp, bố trí công việc để về. Có học mà sao nhãng việc tiên tổ thì làng xóm người ta chê cười cho phải không hai bác!

- Chú nói phải.

Thấy nét mặt của mọi người không vui, ông Đức liền hỏi:

- Nhà có chuyện gì mà em thấy hai bác và cháu Du buồn vậy?

- Chú cứ hỏi thằng cháu chú ấy! Ông anh đáp.

Bà chị dâu tiếp lời:

- Hôm nay mà chú không về thì ông nhà tôi cũng điện cho chú về. Chú xem, thằng Du không chịu đi làm ở thành phố mà chỉ muốn ở quê cày cuốc thôi chú ạ!

- Công toi mấy chục năm học phổ thông rồi đại học nữa chứ! Nó đổ hết công sức hàng chục năm đi bộ đội, mấy chục năm công tác của tôi xuống sông xuống biển cả rồi! 

- Bố cứ nói quá lên! Ai cũng có con đường riêng của mình chứ! Con bằng ngần này tuổi đầu rồi còn bé bỏng gì nữa mà bố bảo là dại dột!

Ông bố gằn giọng:

- Cá không ăn muối cá ươn, con không nghe lời cha mẹ trăm đường con hư! 

Bà chị dâu vẫn nhỏ nhẹ:

- Thì ông cũng từ từ phân tích cho con nghe! Hôm nay nhân thể có chú Đức về, nhờ chú ấy chỉ bảo cho cháu!

Ông Đức liền hỏi Du:

- Cháu cho chú biết lý do cháu quyết tâm ở quê! Cháu không thấy ở quê vất vả mới làm ra miếng ăn đó sao?

- Chú đi xa học rộng mà chú cũng nghĩ y hệt như bố mẹ cháu! Vất vả của nông dân ngày xưa khác bây giờ, cháu có kiến thức, có quyết tâm làm giàu, hơn nữa địa phương lại đang khuyến khích, tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế. Cháu tin chắc cháu sẽ ăn nên làm ra, chỉ có điều bố mẹ và họ hàng không ủng hộ thôi!

- Cháu nó còn trẻ đã có suy nghĩ như vậy thì anh chị cũng nên ủng hộ nó. Chứ giờ thoát ly đi làm lương ba cọc ba đồng, không đủ sống rồi lại còn nhiều cái phải lo toan khác!

- Cháu cảm ơn chú! Nhà mình đất đồi rộng mênh mông, tha hồ làm ăn, chú quen biết mấy nhà khoa học nông lâm nghiệp và trường đại học, nhờ họ giúp đỡ cháu thêm về kiến thức!

- Cái đó thì cháu không phải lo! Chú quen biết nhiều người mà họ cũng rất nhiệt tình giúp đỡ những ai ham mê với nghề nông!

- Tôi nhờ chú chỉ bảo nó, thì chú lại vẽ đường cho hươu chạy, thế còn ra cái thể thống gì nữa!- Tiếng ông anh cả không vui.

- Nó có chí thì anh chị cũng phải tạo điều kiện cho nó, có như vậy mới thành công chứ!

- Thôi thì mặc xác nó! - Ông anh cả gắt lên.

*       *

 *

Ngót chục năm trôi qua, lại đến ngày giỗ cha mẹ ông Đức. Tối hôm trước, Du đã điện xuống bảo, chú thím và các em cứ ở nhà, sáng mai cháu cho xe xuống đón. Mới bảnh mắt ra đã thấy chiếc xe ô tô con bóng loáng đỗ trước cửa. Du bước xuống xe đi thẳng vào nhà:

- Cháu chào chú thím, anh chào các em!

- Cháu đón sớm thế!

- Đón sớm cho nó mát mẻ, mới lại chú về còn ngắm cơ ngơi của cháu nữa chứ. Mấy lần trước chú về nháo nhào rồi lại đi ngay! 

Ông Đức cùng các con lễ mễ bê các thứ ra xe, chẳng mấy chốc đã về đến đầu làng. Gió thổi nhè nhẹ, hương lúa đang kỳ ngậm sữa lan trong mênh mông, từng đàn cò trắng bay ngang qua cánh đồng về đồi cây xanh xa xa. Hương bưởi, hương cam ngan ngát. Đã bao nhiều lần về quê nhưng lần nào trong lòng ông Đức cũng trào lên những cảm xúc bồi hồi. Làng quê bây giờ đã khác xưa nhiều lắm, đường làng ngõ xóm đổ bê tông, nhà nào nhà nấy xây dựng khang trang, to đẹp.

Xe chạy thẳng vào sân, ngôi nhà thật hoành tráng giữa vùng đồi núi, tô điểm cho sự giàu có của nông thôn. Xuống xe, vợ ông Đức cùng con cháu vào bếp làm cơm còn ông ra mộ thắp hương cho cha mẹ.

Du dẫn ông ra khu vườn đồi rộng mênh mông, ngày còn bé ông vẫn cùng lũ bạn ra đây chơi trận giả. Khu đồi xưa chỉ có cây bụi, sim mua cằn cỗi. Ấy vậy mà bây giờ được quy hoạch cải tạo đẹp như một bức tranh. Khu này là nơi trồng nấm, khu kia là vườn gieo ươm cây lâm nghiệp, cây ăn quả gồm cam, quýt, nhãn, bưởi, chanh… đủ loại. Kia là ao nuôi cá và cả khu chăn nuôi lợn rừng… Ông Đức ngắm không chán mắt và tỏ ý khâm phục thằng cháu trẻ tuổi chí lớn.

Trở về nhà, ông anh cũng vừa thắp hương cúng xong. Hai anh em ngồi uống nước. Vừa nhấp chén trà, ông Đức thong thả hỏi:

- Anh chị bây giờ còn điều gì thắc mắc về thằng cháu của em không?

Khuôn mặt ông anh giãn ra, giọng phấn khởi:

- Lúc đầu tôi cũng giận lắm nhưng thấy nó làm hùng hục thì tôi cũng thương, động viên nó. Nói không phải khoe với chú, có học có khác, chú tính nó gieo ươm cây giống mới, rồi vải thiều, bưởi, chanh, cam, quýt và cả cây lâm nghiệp nữa… đều tự tay đem đi bán, sau đó hướng dẫn cho bà con trong làng, trong xã, trong huyện làm vệ tinh cho mình. Cháu nó chịu trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật, ứng trước vật tư rồi nhận bao tiêu cây giống. Cháu nó bảo người nông dân không muốn xa nhà, nếu tạo công ăn việc làm ổn định cho họ tại quê hương thì họ sẽ gắn bó lâu dài với mình. Bằng cách đó mà bây giờ cháu nó có đến vài chục vườn ươm, hàng trăm hộ trồng nấm gia công cho mình. Cũng nhờ có cái bằng kỹ sư nông nghiệp, với lại ngày xưa cũng theo học các lớp tập huấn cho nông dân trong tỉnh nên người ta tin nó. Bây giờ thì chú biết đấy, cháu nó có xe tải vận chuyển hàng và chiếc xe con mới mua để đi giao dịch đấy !

Du ngồi bên nói thêm vào:

- Chú cũng có công lớn với thành công của cháu đấy. Nếu không có sự giới thiệu của chú, cháu đâu có được sự giúp đỡ của các nhà khoa học. Chỉ sợ mình không có chí, chứ các bác ấy giúp đỡ vô tư, không tính một đồng tiền công nào đâu chú ạ! Quê mình đang xây dựng nông thôn mới, bố cháu đã hiến vài trăm mét vuông đất mở đường liên xóm, cháu cũng dành ít tiền ủng hộ xây dựng nhà văn hóa... Cháu nghĩ mình cứ làm tốt ắt có người tìm đến mua hàng và liên doanh liên kết. Hữu xạ tự nhiên hương phải không chú !

Ông Đức cười:

- Cháu suy nghĩ và hành động như thế cũng phải! Tuổi trẻ mà đã nghĩ và làm được như cháu là có phúc lớn cho nhà ta đấy! 

Nghe ông Đức nói, ông anh cả cười mãn nguyện.

Truyện ngắn của Nguyễn Anh Đào


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...