Thứ bảy, 18/05/2024
Bắc giang 32 °C / 24 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Như hoa xương rồng

Cập nhật: 07:00 ngày 20/01/2018
(BGĐT) - Một ngày cuối tuần đang lúi húi quét dọn, sắp xếp lại đồ đạc trong nhà, chị vui mừng đến rưng rưng khi được con gái tận tay đưa cho giấy báo trúng tuyển đại học. Chị cứ thế ôm con thật chặt, cảm nhận niềm hạnh phúc vô bờ. 
{keywords}

Minh họa: Thế  Đại 

Đi làm về, người đàn bà trạc tuổi 40 dừng lại bên đoạn đường mọc chi chít bụi xương rồng. Đôi mắt chị chẳng rời những cây xương rồng khẳng khiu, gai góc, xù xì đang tựa vào nhau giữa cái nắng cái gió khắc nghiệt của thiên nhiên vùng đất mới. Chúng đang nói gì với nhau? Chị đoán già đoán non. Hình như chúng đang nói về chị- người đàn bà xấu xí, thô kệch lại nghèo xơ nghèo xác, hẩm hiu, đơn chiếc. Chúng đang cười chị. Cười vì chị sinh ra vốn chẳng hồng nhan mà vẫn cứ bạc mệnh. Nếu không vì cái Thơ, con gái, chắc chị đã buông xuôi, nằm dưới ba tấc đất từ lúc nào. Chị gượng cười chát đắng khi nghĩ đến đời mình. Nhưng chị không biết rằng những bụi xương rồng kia không phải đang chê bai, trách móc mà trái lại chúng rất ngưỡng mộ, khâm phục người đàn bà như chị. Chị cũng bền bỉ như chúng, giữa nơi cằn cỗi, khắc nghiệt này. 

Đôi mắt chị bỗng tròn xoe không chớp khi phát hiện những bông hoa xương rồng đang nở. Đây là lần thứ hai chị nhìn thấy sau rất nhiều năm làm khách trên mảnh đất này. Lần đầu nhìn thấy bông hoa xương rồng trắng muốt bung nở là khi chị sinh ra bé Thơ khỏe mạnh, mẹ tròn con vuông. Đó là khi đang không biết nương tựa vào ai thì những người dân nơi đây đã chung tay dựng tạm cho mẹ con chị một ngôi nhà nhỏ đủ chỗ chui ra chui vào. Ngắm nhìn những đóa xương rồng bung nở hồi lâu rồi chị rảo bước trên đoạn đường mòn đất đỏ dẫn lối về nhà. Chị sực nhớ, giờ này, bé Thơ đã đi học về. Đôi chân chị bỗng trở nên thoăn thoắt, vội vã.

- Mẹ... mẹ đã về! Mẹ có mệt lắm không? Sao nay mẹ về muộn thế?

Vừa thấy dáng chị đầu ngõ, Thơ đã chạy ra đón. Trông vẻ mặt tươi rói, chị đoán con đang có chuyện rất vui muốn khoe. 17 tuổi đầu mà cứ như trẻ con. Chị nghĩ vậy rồi cười. Ánh mắt chị trìu mến nhìn con như muốn hỏi. Con bé không để mẹ giục, tíu tít:

- Mẹ vào nhà ngồi đã rồi con kể.

- Ừ... thì vào. 

Chị vội móc cái nón lá đã ố vàng lên cây cột đầu hè, bộ quần áo lao động được cái Thơ đặt gọn ghẽ trên ghế. Chờ mẹ ngồi xuống cái ghế gỗ cũ đặt giữa nhà, nó mới đánh tiếng:

- Con được cô chọn vào đội đi thi học sinh giỏi văn cấp tỉnh vào tháng 3 tới. Con rất thích môn văn, mẹ cho con tham gia để thử sức mình mẹ nhé!

- Tất nhiên rồi! Mẹ đồng ý và ủng hộ con cả hai tay. 

Con bé sà vào lòng chị, mỉm cười. Nó nắm lấy đôi bàn tay thô ráp, sần sùi của chị, giọng nhẹ nhàng: “Con thương mẹ!” Chị vuốt ve mớ tóc lòa xòa của con, đáy mắt ngân ngấn nước. Được thể, Thơ lại tiếp tục khoe với mẹ:

- Chiều nay đi học về, khi ngang qua đoạn đường đất dẫn vào nhà mình, con thấy mấy bông hoa xương rồng nở đẹp lắm mẹ ạ. Mà con nghe người ta nói, thấy xương rồng nở hoa là gặp may mắn phải không mẹ? 

- Mẹ cũng nghe người ta nói thế. Rồi chị kể lại lần đầu tiên nhìn thấy hoa xương rồng cho con nghe. Thơ hớn hở nhìn mẹ:

- Thế chắc lần này, may mắn lại đến với mẹ con mình nữa mẹ nhỉ? 

Nói rồi hai mẹ con, mỗi người một việc, dọn dẹp, cơm nước. Bữa cơm chiều đạm bạc chỉ với rau muống chấm nước mắm, thêm hai quả trứng luộc, thế mà chị và con ăn ngon lành. 

Chiều tắt. Trăng đã lấp ló sau ngọn cây cổ thụ, hắt những tia sáng lấp lánh qua khe cửa sổ, soi sáng cả một vùng đất trước sân. Ngôi nhà của mẹ con chị nằm chênh vênh trên một ngọn đồi cao có con đường mòn dẫn vào hun hút, gập ghềnh sỏi đá. Xung quanh lác đác ba, bốn ngôi nhà với ánh điện lờ mờ. Thi thoảng rảnh rỗi hoặc khi trời mưa gió không đi làm được, chị vẫn thường sang nhà hàng xóm trò chuyện. Bán anh em xa mua láng giềng gần. Kể từ khi đến đây ở, chị đã tâm niệm điều ấy. Bóng đêm tràn xuống ngôi nhà vách đất nhỏ thó, nơi mẹ con chị coi là chỗ trú chân bình an nhất suốt 17 năm nay, con gái ngồi học bài say sưa bên ánh điện tiết kiệm, chị ngồi khâu lại tấm áo đã sờn vai, chốc chốc lại nhìn trộm con rồi tự nhủ lòng sẽ cố gắng làm lụng để lo cho con có được cuộc sống tốt nhất.

Nghĩ lại những gì đã qua, chị thấy cuộc đời ném vào chị rất nhiều nỗi trái ngang, đến nỗi nhiều khi chị cứ ngỡ mình sinh ra là để hứng chịu tất cả nỗi bất hạnh cho người khác.

Sinh ra trong gia đình nghèo, đông anh chị em, chị không được học hành tử tế. Cha mẹ bệnh tật qua đời. Chị bỏ quê nghèo lên phố với khát khao thay đổi cuộc đời, quyết tâm đánh đổ thành trì bấy lâu người ta vẫn nói “Nghèo từ trong trứng nghèo ra...”. Thế nhưng dù làm đủ nghề vậy mà cái nghèo vẫn đeo bám. Tuổi 20, cái tuổi xuân xanh, viên mãn, tròn đầy, tuổi của yêu đương, mơ mộng, chị vẫn một mình một bóng. Chị không đẹp nếu không nói thẳng rằng rất xấu. Khuôn mặt rỗ, mái tóc xoăn tít, xồm xồm, chân đi vòng kiềng, giọng nói chua loét. Nhìn vào chị, đôi khi người thuê làm việc còn không có cảm tình huống gì đàn ông. 

Thế mà chị vẫn khát khao được yêu, khát khao tìm được một nửa của đời mình. Chị gặp anh, người con trai duy nhất nói tiếng “yêu” chị sau quãng thời gian rất dài làm thuê chung một nhà. Hai con người lam lũ bám víu, nương tựa vào nhau, sống với nhau như vợ chồng mà chẳng cần cưới hỏi. Tưởng người yêu chung tình, ai ngờ sau đó, chị biết mình bị lừa, biết người mình trao thân đã có vợ con ở quê nhà.

 Biết chị mang thai, người đàn ông ấy đã lẳng lặng bỏ đi không nói một lời. Không thể ở lại thành phố làm công, chị lủi thủi về quê thì bị người làng khinh miệt. Chị bước chân rời khỏi làng, thơ thẩn đi như một người vô hồn. Rồi chị bước lên một chiếc xe khách khi bóng chiều đã chạng vạng. Chị chẳng buồn hỏi xe tới đâu. Chỉ biết rằng mình cần phải đi. Xe cập bến, chị biết mình đã ở Tây Nguyên. Mọi thứ bỡ ngỡ, lạ nước lạ cái cộng thêm với ốm nghén khiến chị điêu đứng, nhiều lúc chỉ muốn gục ngã. Nhưng rồi thời gian trôi đi, cảm giác được làm mẹ khiến chị thấy mình còn hạnh phúc hơn bao người, thế là chị lại tự động viên mình bước tiếp.

Sau thời gian làm công nhân thu hái cà, thấy chị thật thà, mọi người giúp chị dựng ngôi nhà bằng đất lấy chỗ che mưa nắng. Ngôi nhà ngoài chiếc giường đơn và bộ bàn ghế gỗ cũ kỹ được hàng xóm cho thì chẳng còn gì giá trị. Ngày sinh, một mình chị vượt cạn. Tất cả vì con, chị gắng gượng bước qua tất cả. Mùa mưa đến, mẹ con chị phải thức trắng vì nhà dột. Cái nghèo, cái khó dẫu còn quanh quẩn nhưng vì tương lai của con, chị quyết làm lụng cho con được học hành đến nơi đến chốn.

Mẹ con chị dần hòa nhập với cuộc sống nơi vùng đất mới. Chẳng bao lâu con gái chị đã lên 5, lên 10 và giờ đã là năm cuối trung học phổ thông. Gần 20 năm làm mẹ đơn thân, đã có không ít người khuyên chị nên kiếm lấy một tấm chồng làm nơi nương tựa, chị chỉ cười trừ. Thấy chị cứ thui thủi, có lần, Thơ mạnh dạn nói với mẹ:

- Bác Toán hàng xóm cũng đã góa vợ gần cả chục năm. Bác ấy chăm chỉ làm ăn, tính tình chất phác. Hơn thế, bác vẫn thi thoảng sang nhà giúp đỡ mẹ mỗi khi có công to việc nhỏ. Con thấy... 

Thơ bỏ lửng câu nói có ý để chị hiểu nhưng chị cũng chỉ im lặng. Thơ biết giữa mẹ và bác Toán hình như cũng có ý với nhau, nhưng chẳng ai dám thổ lộ. Thực sự, Thơ mong mẹ được hạnh phúc. Nhưng có lẽ, những khổ ải, bi kịch đã qua trong cuộc đời khiến người phụ nữ ấy chưa dám nghĩ đến hạnh phúc cho riêng mình. Thơ đạt giải ba trong kì thi học sinh giỏi văn cấp tỉnh. Con bé rất chăm chỉ, quyết tâm thi đậu vào trường Sư phạm để thỏa ước mơ được làm cô giáo. 

Một ngày cuối tuần đang lúi húi quét dọn, sắp xếp lại đồ đạc trong nhà, chị vui mừng đến rưng rưng khi được con gái tận tay đưa cho giấy báo trúng tuyển đại học. Chị cứ thế ôm con thật chặt, cảm nhận niềm hạnh phúc vô bờ. Hai mẹ con đang vui vẻ bàn chuyện cần chuẩn bị những gì cho việc Thơ xuống thành phố nhập học thì đã nghe bước chân ai đó từ ngõ tiến vào. Thì ra là bác Toán! Thơ mừng quýnh. Cô bé nhoẻn miệng cười, nhìn mẹ với một cái nhìn tinh quái rồi đứng dậy xin phép sang nhà hàng xóm chơi. 

Trong căn nhà nhỏ đơn sơ, chị im lặng nghe anh thổ lộ nỗi lòng bấy lâu không dám nói. Nhìn anh, chị nhận ra cảm giác lo lắng, chờ đợi trong đôi mắt chân thành thẳm sâu ấy. Rồi cuối cùng chị cũng để những ngón tay thô ráp của mình nằm trong đôi bàn tay nóng hổi của anh. Bên anh, chị nở nụ cười thật tươi như đóa hoa xương rồng bung tỏa sau bao ngày nắng hạn.

Truyện ngắn của Lê Thị Xuyên

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...