Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Những vần thơ thắm đượm tình quê

Cập nhật: 07:00 ngày 04/02/2018
(BGĐT) - (Đọc tập thơ lục bát “Viết rồi lại xóa” của  Tân Quảng)
Ở tuổi thất thập, bảo thơ ông đang “độ chín” cũng bằng thừa nhưng được cơ quan chức năng có thẩm quyền công nhận thì miễn bàn: “Viết rồi lại xóa” của Tân Quảng là một trong hai tập thơ vừa được Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tặng thưởng giải B (không có giải A).
{keywords}

Nhà thơ Tân Quảng (thứ 2 từ trái sang) nhận giải B  văn học nghệ thuật.

Tân Quảng đề tựa cho tập thơ thứ năm của mình: Viết rồi lại xóa phấn ơi/ Thời gian lắng đọng chảy trôi những gì/ Bảng đen bạc phếch nhẵn lì/ Biết đâu những cái xóa đi lại còn. Ông rút cốt cho thế mạnh (mà lại rất khó) của loại hình thơ lục bát là sự triết lý, để mở cho 45 bài thơ trong tập mới công bố.

Đọc thơ Tân Quảng, người đọc thấy mình trong cuộc sống rạ rơm, đồng quê Kinh Bắc rất đỗi thân quen. Có thể hình dung trước mắt hình ảnh người mẹ tảo tần, người cha lam lũ, người vợ hết lòng yêu thương như cuộc sống người nông dân bao đời, thấy hiện lên cánh đồng mùa vụ luân canh, cảm nhận thời tiết nắng mưa, thời gian trưa tối sớm khuya chảy trôi qua đi… Sự đồng cảm giao thoa giữa nhà thơ, tâm hồn thơ với những con người thân thương nơi ngõ quê, chợ quê, đồng quê, cây đa, bến nước, sân đình vốn được ước lệ nông thôn Việt Nam. Dường như thể thơ lục bát giúp Tân Quảng thể hiện tình cảm đó sâu đậm hơn. “Trở lại sông Thương”, tác giả Tân Quảng giãi bày đây là bài thơ ông thích, có những câu chữ hiện lên mồn một như xuất thần trong đêm vắng:

Ngược tìm về bến sông xưa/ Lòng ta chưa tạnh cơn mưa ngày nào/ Lặng nhìn gió xác xơ lau/ Bờ kia cát lở làm đau bờ này.

Tâm hồn thơ ông bảng lảng tưởng như mộng mị vượt qua không gian, thời gian nhưng không… Khi hoàng hôn tắt nắng, cuộc sống con người về lại hiện tại, thơ ông tỉnh và trong đến nao lòng: Về đâu mây gió thẫn thờ/ Thương câu lục bát bơ phờ rạ rơm/ Sông chiều lưới vớt hoàng hôn/ Tiếng chuông trầm đục nỗi buồn lắng trong.

Nỗi niềm sâu xa lòng người được khắc ghi không chỉ bằng cách nhà thơ chọn câu chữ, hình ảnh mà bằng sự ước lệ, bằng cái cớ nhân tình. Nhà thơ nhờ gửi họa sĩ vẽ giúp những thứ khó thấy, không thể cầm nắm nhưng nó trở đi trở lại trong cuộc sống bao đời: Nhờ em hãy vẽ giùm tôi/ Khế chua muối mặn của thời mình yêu/ Chút hương thiên lý ngõ chiều/ Dòng sông cổ tích mái chèo nhân duyên (Gửi một họa sĩ Kinh Bắc). 

Cái cớ về cữ thời tiết, về luân chuyển mùa vụ đất trời được Tân Quảng sử dụng khá hiệu quả và tình tứ, từ “Tháng Giêng”, “Én về” đến “Tháng Chạp”, “Nhịp mùa đi” đều gợi đầy tâm sự: Tháng Chạp mượn rét làm duyên/ Áo đơn áo kép chợ phiên đắt hàng/ Nắng trốn vào hoa cải vàng/ Trẻ trâu hun chuột khói loang đồng chiều (Tháng Chạp). Mới rồi, ông có thông điệp với mọi người: Mới vừa rê thóc vụ năm/ Đã nghe liềm hái hỏi thăm vụ mười/ Ngỡ ngàng chưa kịp buồn vui/ Sồn sồn Tết đã giục người sau lưng (Tết đến sau lưng).

Một phần của tập thơ tác giả gửi gắm tâm sự vào những người bạn thơ quá cố, những cảnh vật nơi mình từng đặt chân và tâm hồn phiêu diêu bay bổng cùng con người cảnh vật loang loang trong không gian như thể cổ tích. 

Giờ thì bạn thơ của Tân Quảng càng hiểu ý và thấm tình nhà thơ khi ông chia sẻ: Thôi về tựa bóng ca dao/ Vịn cây trúc mọc bờ ao tâm tình/ Hồn quê ở trọ thị thành/ Xa mùi rơm rạ… khiến mình nghèo đi (Tựa bóng ca dao). Ông đã đúng cả trong cuộc sống và con đường thơ của mình.         

   Lan Hương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...