Thứ ba, 30/04/2024
Bắc giang 35 °C / 27 - 41 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bản hương ước làng tôi

Cập nhật: 07:00 ngày 10/02/2018
(BGĐT) - Làng tôi thuộc diện “thâm sơn cùng cốc”, đồng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”; ruộng lúa “chó chạy hở đuôi”. Thế nhưng, người dân quê tôi ai cũng yêu quê tha thiết như “con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”. Ai cũng khiêm tốn, cầu thị, không “chó chạy trước cầy” mà rất mực yêu thương nhau. Đặc biệt, tinh thần lạc quan, yêu đời thì hơn hẳn bất cứ nơi nào khác. Từ người già đến trẻ con đều hay chữ. “Chó ông Thánh cắn ra chữ” hẳn hoi đấy.
{keywords}

Ảnh minh họa.

Chương trình “xây dựng nông thôn mới” thổi một luồng gió mới vào quê tôi. Trẻ, già, trai, gái ai cũng hào hứng quyết tâm đổi mới. Kế hoạch cụ thể, chi tiết được lãnh đạo thôn vạch ra và bà con nhất trí đồng lòng. Mọi người kiên quyết không làm ăn “lắt nhắt như chó đái”, “thui chó nửa mùa hết rơm”, cầu may theo kiểu “chó ngáp phải ruồi”. Phải có biện pháp mạnh mẽ, thiết thực. “Đi tắt đón đầu” nhưng không được “cầm đèn chạy trước ô tô”. Càng không được mắc bệnh hình thức, lạc quan tếu như “chó có váy lĩnh” để khi thất bại lại “lơ láo như chó thấy thóc” rồi như “chó cụp tai”. Kiên quyết không “treo đầu dê, bán thịt chó” mà phải trước sau, trong ngoài đều như một.  

Việc đầu tiên là thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm. “Tình làng nghĩa xóm” “tắt lửa tối đèn có nhau” được coi trọng. Mọi người như “chó cùng nhà, gà cùng chuồng”, “điều hơn lẽ thiệt” khuyên bảo nhau, không được “chó chê mèo lắm lông”, “chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng”,  gây hiềm khích mất đoàn kết. Trong nhà, vợ chồng con cái phải thương yêu, bảo ban nhau, làm đúng bổn phận của mình. Các cụ dạy “chó nhà nào sủa nhà ấy”, “chó giữ nhà, gà gáy trống canh” là thế. Đừng để “dâu dữ mất họ, chó dữ mất láng giềng”, anh em đừng “như chó với mèo”. 

Đối với một số bà hay “chửi chó mắng mèo”, “nhấm nhẳn như chó cắn ma” cần phải sửa ngay. Vẫn biết là “chó nào là chó sủa không” nhưng việc gì cũng phải bình tĩnh để giải quyết. Phải đâu là cứ sùng sục như “chó húp cháo nóng” thế thì còn ra gì nữa. Cũng không được mê tín thấy “chó lê trôn, gà gáy gở” rồi lo cuống lên hay mù quáng tin vào “mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang” mà bỏ bê công việc. Không “cày sâu cuốc bẫm”, “bới đất lật cỏ” thì lấy đâu mà giàu được? Không được “giận cá chém thớt” kiểu như “con mèo xán vỡ nồi hoang? Con chó xán lại nó mang lấy đòn”. Đừng ta đây như “chó ghẻ có mỡ đằng đuôi”. Phải biết chấp nhận “lên voi, xuống chó” để rèn luyện bản lĩnh. 

Đối với một số ông nghiện rượu, mê “cầy tơ bảy món”cũng phải nghiêm khắc mà sửa mình. Không thể suốt ngày say xỉn, ăn thì sành điệu “chó già, gà non”, nói thì huyên thuyên “ba voi chả được bát nước xáo”; “Làm thì như mèo mửa”, có mỗi việc cỏn con mà “chó tha đi, mèo tha lại” mãi vẫn chẳng xong. 

Riêng những đối tượng cờ bạc, ma túy, mại dâm thì làng quyết bài trừ tận gốc. Truy quét chúng phải truy đến cùng, không được “thui chó nửa mùa hết rơm”. Phải dồn cho chúng “như chó chạy đường quai” mới được. Tuy nhiên, cũng không nên để “chó cùng dứt giậu” để “chó cắn càn”. Chú ý “mồm chó, vó ngựa” đừng để chúng “như chó phản chủ” thì gay. Kết hợp vừa tấn công, vừa giáo dục thuyết phục, làm cho chúng biết “lạc đường theo chó, lạc ngõ theo trâu”. 

Cùng với việc chống tiêu cực, cốt yếu nhất là phải nhân rộng điển hình và những nhân tố tích cực. Phát huy kinh nghiệm “chó thiến già, gà thiến non”, “chó treo, mèo đậy”, không “bán gà ngày gió, bán chó ngày mưa”, nhìn mây biết “mỡ gà thì gió, mỡ chó thì mưa”, đồng thời tổng kết nâng nó lên tầm lý luận. Không phải “thịt chó chấm mắm chó”, hay “trâu không có bắt chó đi cày” mà là “Dù ai buôn bán trăm nghề/ Không bằng nuôi chó huyền đề bốn chân”. 

Từ ngày có bản hương ước này, làng tôi giàu đẹp, văn minh hẳn lên. 19 tiêu chí “nông thôn mới” xã tôi đều đạt được, trong đó làng tôi luôn dẫn đầu. Năm mới Mậu Tuất, tiếp tục phát huy thành công đó, làng tôi cùng cả xã và cả nước nhất định sẽ giành được nhiều thành công mới.

 Đỗ Xuân Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...