Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 30 °C / 26 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Rượu không thể tiêu sầu

Cập nhật: 15:57 ngày 13/02/2018
(BGĐT) - Rượu vô cùng quen thuộc trong cuộc sống người Việt trong dịp Tết đến xuân về. Nó cũng xuất hiện nhiều trong thơ văn, trong những câu đối, trong những câu nói nổi tiếng. Nhân dịp đầu xuân Mậu Tuất, xin được chia sẻ với bạn đọc một số câu đặc sắc về rượu. 
{keywords}

Ảnh minh họa Internet.

 Hiểm lộ nan hành kim tắc mã

Sầu thành dĩ phá tửu vi binh

Chúng ta dễ dàng nhận thấy ở câu trên một vế nói về tiền, một vế nói về rượu: Đường hiểm khó đi tiền là ngựa / Thành sầu dễ phá rượu là binh. Tiền giúp chúng ta đi được con đường khó đi, qua được con đường hiểm trở. Cũng vậy, có thể thoát ra khỏi nỗi buồn bằng rượu. Rượu là binh, rượu giúp người buồn thoát khỏi thành sầu. Ở đây rượu có thể giúp con người thoát khỏi nỗi buồn.

Tửu trung bất ngữ chân quân tử

       Tài thượng phân minh thị trượng phu

Có điểm trùng hợp ở câu này và câu trên: Rượu và tiền đi cùng nhau. Tất nhiên nội dung thì khác. Ở câu trên rượu và tiền giúp người vượt khó thoát buồn, ở câu này rượu và tiền lại giúp chúng ta biết người. Giữa bữa rượu không nói bậy mới là người quân tử / Ngồi trên đống vàng mà phân chia một cách công bằng thì đích thị là trượng phu. Riêng nói về rượu không ít trường hợp rượu vào lời ra, không thể làm chủ được bản thân. Rượu làm người ta không tỉnh mất kiểm soát dẫn tới nói sai, hành động sai. Như vậy, cũng như tiền, rượu như  thuốc thử giúp chúng ta biết người.

Chén rượu hương đưa say lại tỉnh

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn

Câu trên trích trong bài Tự tình của Hồ Xuân Hương. Vì quá buồn, Hồ Xuân Hương tìm đến rượu. Uống rượu để giải sầu, mong quên đi thực tế. Nhưng rượu say rồi tỉnh, thực tế vẫn kia. Hai lần lấy chồng, hai lần làm lẽ, hai lần trở thành góa phụ. Thời gian cứ trôi, tuổi xuân sắp qua, tình duyên vẫn dang dở. Đêm nối đêm với nỗi cô đơn. Tỉnh rượu người phụ nữ bất hạnh về tình duyên thấy rõ hơn nỗi khổ của bản thân.

Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh

Giật mình, mình lại thương mình xót xa

Hồ Xuân Hương tìm đến rượu, Kiều thì buộc phải uống rượu. Lúc này Kiều ở lầu xanh. Kiều uống rượu để vừa lòng khách và để quên mình. Say mới có thể là người đàn bà của lầu xanh được. Tỉnh rượu mới giật mình, thương mình, xót xa vô cùng. Khi sao phong gấm rủ là / Giờ sao tan tác như hoa giữa đường. Khi sao phong gấm rủ là là lúc ở nhà: được bao bọc, được nâng niu. Nay thì như hoa giữa đường: bị giày xéo, bị chà đạp. Trước là hạnh phúc, nay là khổ đau. Vậy là khi tỉnh rượu, Hồ Xuân Hương thấy rõ hơn nỗi khổ về duyên phận, Kiều thấy rõ hơn nỗi khổ về thân phận. Rõ ràng là, rượu say rồi tỉnh, khi tỉnh rượu người ta thấm thía hơn nỗi khổ đau. 

Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu

Thoại bất đầu cơ nhất cú đa

Uống rượu cùng tri kỷ ngàn chén thiếu bởi đó là người hiểu, tôn trọng, cảm thông với mình. Rượu gặp tri âm ngàn chén thiếu / Tiếng không đồng điệu nửa tiếng thừa. Cũng như thế khi không phải là tri âm điều ta nói dễ thành thừa, vô nghĩa. 

Rượu ngon không có bạn hiền

Không mua không phải không tiền không mua

Câu này trong bài Khóc Dương Khuê, Nguyễn Khuyến viết khi nghe tin Dương Khuê mất. Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp / Chén quỳnh tương ăm ắp bầu  xuân. Xưa thì vậy, nay thì khác: Bạn không còn, rượu không mua, không uống. Không thiết. Bạn không còn, mọi thứ như vô nghĩa. Mới hay, có bạn thân, có tình bạn sâu sắc là một may mắn. Mới hay, được uống rượu cùng người tri âm tri kỷ là một hạnh phúc trong cuộc đời. 

Khi ca, khi tửu, khi cắc khi tùng

Không Phật, không tiên, không vướng tục

Câu này trong Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ. Với ông rượu chỉ là thức uống như những thứ khác mà ông thích, để ông “thay đổi khẩu vị”. Ông không có mục đích tiêu sầu. Vì nhận thức của ông rất rõ: Được mất dương dương người thái thượng / Khen chê phơi phới ngọn đông phong. Dường như lúc nào ông cũng an vui, phơi phới, như ngọn gió mùa xuân. Điều này cũng được thể hiện rõ ở Nguyễn Bỉnh Khiêm, ở bài thơ Nhàn. Với các ông, uống rượu là một thú vui, là một cách thể hiện cuộc sống nhàn.  

Rượu đến cội cây ta sẽ uống

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao

Đầu xuân là dịp vui, dịp chúng ta mong có một năm luôn vui, không có việc buồn để buộc phải uống rượu. Chúng tôi nghĩ có việc buồn cũng không thể dùng rượu để thoát buồn. Uống rượu không tiêu sầu. Bởi muốn phá thành sầu cần trí tuệ, rượu lại là kẻ thù của trí tuệ. Rượu lúc đó chỉ làm chúng ta tạm quên nỗi buồn, nguyên nhân gây ra nỗi buồn không mất đi. Chỉ có nhận thức đúng, chỉ có trí tuệ mới giúp chúng ta luôn an lạc.

Nguyễn Huy Hùng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...